Chuyên gia: Ý nghĩa và nhiệm vụ của Tổng thống Hàn Quốc khi tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO

An Liên

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok Yeol (Ảnh: Supchina.com)

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yeol sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới, việc tổng thống tham dự hội nghị này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh thế giới đang có những biến động khó lường? Nhà bình luận Kim Tae-Woo, Giáo sư Khoa học Quân sự tại Đại học Konyang, Hàn Quốc đã có bài phân tích về vấn đề này trên thời báo The Epoch Times.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yeol sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha từ ngày 29 đến 30/6. Đối với chính phủ của ông Yoon Seok-yeol, người vừa lên nắm quyền, đây là một nền tảng thử nghiệm ngoại giao quan trọng khác sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ ngày 21/5.

Được thành lập vào năm 1949, NATO đã phát triển từ 12 quốc gia thành viên vào thời điểm đó trở thành tổ chức liên minh lớn nhất hiện nay với 30 quốc gia thành viên. Trọng tâm của hiệp ước NATO là Điều 5: “Khi một quốc gia thành viên bị xâm lược, tất cả các quốc gia thành viên sẽ tự động can thiệp”, đây cũng là lý do chính khiến Thụy Điển và Phần Lan muốn gia nhập NATO.

Tổng thống Hàn Quốc lần đầu tiên nhận được lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, phản ánh sự phát triển về vị thế ngoại giao của Hàn Quốc, vì vậy đó là điều đáng mừng, nhưng ý nghĩa của nó còn vượt xa hơn thế. Mặc dù, Hàn Quốc là quốc gia đối tác ngoài khối NATO và không áp dụng Điều 5, nhưng Tổng thống Yoon Seok-yeol đã được mời tham gia “Cuộc họp các nước đồng minh và đối tác”. Việc Tổng thống Hàn Quốc tham gia Hội nghị thượng đỉnh NATO có thể liên quan đến việc tăng cường liên minh với Hoa Kỳ, xây dựng một chiến lược dài hạn để giải quyết mối đe dọa hạt nhân hiện tại của Triều Tiên, cũng như mối đe dọa trong tương lai của Trung Quốc, hoặc khám phá chiến lược tồn tại của quốc gia cho thời kỳ Chiến tranh Lạnh mới.

Hội nghị thượng đỉnh NATO 2022 thu hút sự chú ý của thế giới

Ngoài 30 quốc gia thành viên vốn có, NATO đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 40 quốc gia đối tác bao gồm “Đối thoại Địa Trung Hải”, “Chương trình Đối tác vì Hòa bình” và các nước tham gia Sáng kiến ​​Hợp tác Istanbul. Hàn Quốc bắt đầu liên kết với NATO với tư cách là quốc gia đối tác toàn cầu vào năm 2006 và trở thành quốc gia châu Á đầu tiên gia nhập Trung tâm Phòng thủ Không gian mạng của NATO vào tháng 5 năm 2022. Tuy nhiên, cho đến nay, NATO vẫn chưa coi Hàn Quốc trở thành ưu tiên ngoại giao với lý do Hàn Quốc là đối tác ngoài lãnh thổ không áp dụng “điều khoản tự động can thiệp” – nghĩa là nó ít liên quan trực tiếp đến an ninh của Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, tình hình bây giờ đã thay đổi. Với chiều sâu của Chiến tranh Lạnh mới, sự đối đầu giữa “các lực lượng độc tài” và “các lực lượng dân chủ” mà đại diện là Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran, Syria,… đã dần trở nên gay gắt, và sự đoàn kết về quân sự và chính trị giữa các lực lượng độc tài ngày càng gia tăng. Do đó, NATO cũng bắt đầu nhìn ra ngoài châu Âu và tìm kiếm sự hợp tác giữa các lực lượng dân chủ ở cấp độ toàn cầu. Việc mời các nước đối tác toàn cầu tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO cũng bắt nguồn từ nền tảng này.

Hội nghị thượng đỉnh NATO là cơ quan ra quyết định cao nhất quyết định các chính sách và chiến lược quan trọng bằng biểu quyết nhất trí. Kể từ khi thành lập NATO vào năm 1949, hội nghị thượng đỉnh đã được tổ chức 31 lần, và các nguyên thủ của các nước thành viên đã tổ chức họp trung bình 2,4 năm một lần. Hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay, được tổ chức trở lại sau năm ngoái, dự kiến ​​sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng. Chẳng hạn như hỗ trợ Ukraine, quốc gia đang chiến đấu chống lại sự xâm lược của Nga, liệu Thụy Điển và Phần Lan có được phép tham gia NATO, vấn đề “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” mà Hoa Kỳ nhấn mạnh để kiềm chế Trung Quốc, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Iran, và các vấn đề toàn cầu đáng quan tâm khác. Với việc Chiến tranh Lạnh mới ngày càng sâu sắc, Hàn Quốc cũng đã chú ý đến tác động tích cực của quá trình toàn cầu hóa dần dần và sự phát triển ba chiều của tình hình an ninh của NATO đối với an ninh của Hàn Quốc.

Tầm quan trọng của ngoại giao NATO đối với an ninh của Hàn Quốc

Lực lượng an ninh của một quốc gia bao gồm các lực lượng độc lập, lực lượng liên minh và lực lượng đa phương. Mặc dù nòng cốt là lực lượng độc lập, nhưng có thể thấy qua cuộc chiến Nga-Ukraine, lực lượng liên minh đóng vai trò quyết định đối với sự tồn vong của một quốc gia khó có thể tự mình đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Các lực lượng đa phương đóng vai trò gián tiếp, đóng góp ít hơn vào an ninh quốc gia, nhưng đang ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa các mối đe dọa an ninh ngày nay.

Trong bối cảnh đó, NATO đang tìm cách đối phó toàn diện với các mối đe dọa an ninh khác nhau rải rác ở châu Âu, châu Á và thế giới, và những lý do trực tiếp dẫn đến sự thay đổi này ở NATO là cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, chủ nghĩa bành trướng của ĐCSTQ, việc Triều Tiên gia tăng hạt nhân và các mối đe dọa tên lửa, sự phát triển hạt nhân của Iran, v.v. Do đó, NATO đang mở rộng hợp tác an ninh với các quốc gia thân thiện ngoài lãnh thổ như Hàn Quốc, điều này có nghĩa là NATO có thể trở thành nơi phát triển các lực lượng an ninh đa phương bằng cách hình thành đồng thuận an ninh với Hàn Quốc và các nước khác, đồng thời mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Thứ hai, bằng cách tăng cường quan hệ với NATO, củng cố lực lượng liên minh và khởi động lại hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có thể giúp ngăn chặn mối đe dọa hiện tại và mối đe dọa lớn nhất trong tương lai của CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc (nói chung). Đặc biệt, Triều Tiên cam kết tăng cường lực lượng hạt nhân và gần đây tuyên bố rằng nước này “sẽ không ngần ngại sử dụng vũ khí hạt nhân trước Hàn Quốc”. Hiện tại, một số người đã nêu ra khả năng Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ bảy, và những tin đồn về việc Triều Tiên hợp tác vũ khí hạt nhân với Iran vẫn tiếp tục lan rộng. Vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã dần mở rộng thành một vấn đề quốc tế có ảnh hưởng đến Trung Đông.

Do đó, các chuyên gia Hàn Quốc kỳ vọng ông Yoon Seok-yeol sẽ củng cố lại liên minh Hàn – Mỹ thông qua chuyến thăm NATO lần này, và khôi phục mối quan hệ Hàn-Nhật vốn đã sụp đổ trong chính quyền trước đó thông qua cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, người cũng được mời, và xây dựng một hệ thống phản ứng chung giữa Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Đồng thời, xét thấy phản ứng của Hàn Quốc trong tương lai đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ tỷ lệ thuận với mức độ trầm trọng hơn của mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, cần phải khởi động lại kênh đối thoại với Nhóm hoạch định hạt nhân của NATO (NPG) để bảo đảm đồng thuận về việc Hoa Kỳ tái khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tóm lại, với tư cách là một chính phủ, chuyến thăm của Tổng thống tới NATO không được coi là một “hành động ngoại giao thuần túy”. Từ trước đến nay, chỉ cần Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân hay phóng tên lửa, Hàn Quốc đã nhiều lần thể hiện khuôn mẫu “thông báo của Bộ chỉ huy liên quân – tổ chức cuộc họp an ninh quốc gia – cảnh báo thông tin – đáp trả việc thị uy vũ lực”. Dưới chính quyền trước đó, ngay cả mô hình này cũng biến mất. Tuy nhiên, khi số lượng và chất lượng của mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên đang tăng lên, nếu mô hình trên chỉ lặp lại, người dân sẽ hỏi: Vậy thì sao?

Hàn Quốc, Israel và Đài Loan là ba quốc gia phải đối mặt với mối đe dọa an ninh lớn nhất trên thế giới, đặc biệt là hiện nay, bất chấp việc Triều Tiên leo thang vũ khí hạt nhân và khiêu khích tên lửa, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thực tế bất lực trước sự bảo trợ của Trung Quốc và Nga.

Do đó, tổng thống, cũng như các cơ quan chức năng liên quan đến an ninh cần có hiểu biết đúng đắn về môi trường an ninh hiện tại và tiến hành chính sách ngoại giao của NATO theo sự đồng thuận này.

Related posts