Huyền Anh
Trung Quốc dự kiến sẽ là một trọng tâm trong các hội nghị thượng đỉnh G-7 và NATO sắp tới, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết hôm thứ Tư (22/6).
“Ukraine không khiến chúng tôi rời mắt khỏi Trung Quốc. Trên thực tế, tôi nghĩ điều này hoàn toàn ngược lại”, một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington cho biết.
Ngoài xung đột ngày càng sâu sắc với Nga, NATO sẽ lần đầu tiên chính thức coi Trung Quốc là mối quan ngại, khi các nhà lãnh đạo ký tên vào một phiên bản mới của “Khái niệm chiến lược” của liên minh quân sự này.
Khái niệm chiến lược mới này dự kiến sẽ giải quyết những thách thức đến từ Trung Quốc và vạch ra con đường chiến lược mà NATO thực thi trong thập kỷ tới, vị quan chức cho hay.
Khái niệm chiến lược hiện tại của NATO được công bố vào năm 2010, bốn năm trước khi Crimea tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Phiên bản này không hề đề cập đến Trung Quốc và thậm chí còn coi Nga là đối tác chiến lược của liên minh.
“Nga rõ ràng vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng nhất và tức thì đối với Liên minh. Nhưng Khái niệm chiến lược mới cũng sẽ giải quyết những thách thức nhiều mặt trong dài hạn mà Trung Quốc đặt ra đối với An ninh Châu Âu-Đại Tây Dương”, vị quan chức cấp cao cho biết.
Bên cạnh khái niệm chiến lược, các nhà lãnh đạo NATO có thể sẽ đưa ra tuyên bố riêng về hoạt động của Nga ở Ukraine và những tác động đối với an ninh toàn cầu.
Phản ánh trọng tâm mới của tổ chức, các nhà lãnh đạo từ các khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc cũng sẽ lần đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh, quan chức này cho biết.
Sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7, Tổng thống Biden sẽ bay đến Madrid (Tây Ban Nha) để dự hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự NATO vào tuần tới. Hội nghị thượng đỉnh G-7 dự kiến diễn ra từ ngày 26/6 đến ngày 28/6 tại Munich, Đức.
Liên minh NATO sẽ thảo luận về các cách xây dựng mạng lưới phòng thủ của mình – bao gồm chống lại các cuộc tấn công mạng – và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với các đối tác dân chủ ở châu Âu và châu Á.
Hai cuộc họp diễn ra khoảng 4 tháng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Chiến sự tại Ukraine có tác động tích cực trong việc đoàn kết các liên minh lại với nhau để trừng phạt Moscow, đặc biệt là về lĩnh vực dầu mỏ.
Các đồng minh phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Nga nhưng vẫn có những nghi vấn về việc, những lệnh trừng phạt này sẽ tiếp diễn trong bao lâu trong bối cảnh lạm phát tăng vọt và giá lương thực leo thang.
‘Thực tiễn nền kinh tế cưỡng chế’
Các nhà lãnh đạo G-7 sẽ gặp nhau vào ngày 26/6 đến ngày 28/6 tại Schloss Elmau, một spa nghỉ dưỡng sang trọng ở Bavarian Alps, Tây Ban Nha. Các cuộc họp sẽ bao gồm giải quyết “các hoạt động kinh tế mang tính cưỡng chế” của Trung Quốc, theo quan chức Mỹ.
“Năm ngoái đánh dấu một bước ngoặt quan trọng liên quan đến việc G-7 lần đầu tiên lên tiếng về các hoạt động kinh tế bất công, mang tính cưỡng chế của Trung Quốc”, quan chức này nói.
Vào năm 2021, các nhà lãnh đạo G-7 gồm: Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức, Ý, Pháp và Nhật Bản, đã tuyên bố sẽ chống lại các hành vi thương mại bất công của nhà nước Trung Quốc, đồng thời lên án các hành vi vi phạm nhân quyền của nước này ở vùng Tân Cương.
Tại cuộc họp G-7 năm ngoái ở Anh, Tổng thống Biden thông báo rằng các nhà lãnh đạo đã đồng ý đề xuất các dự án cơ sở hạ tầng ở các quốc gia đang phát triển nhằm chống lại Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã bị chỉ trích là một hình thức ngoại giao “bẫy nợ”, gây khó khăn cho các quốc gia đang phát triển với mức nợ không bền vững trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục củng cố ảnh hưởng chính trị và kinh tế ở các quốc gia đó.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times