Không chỉ EU phát triển dự án hạ tầng cho Châu Á, Phi để cạnh tranh với thế lực Trung Quốc ở các châu lục này thông qua Vành đai – Con đường, lãnh đạo 7 quốc gia giầu có G7 cũng cam kết dòng tiền 600 tỷ USD để chống lại Trung Quốc trong cuộc họp thượng đỉnh 26/6 vừa qua.
Nhóm các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết sẽ huy động 600 tỷ USD trong quỹ công tư (PPP), trong vòng 5 năm, để tài trợ cho cơ sở hạ tầng các nền kinh tế đang phát triển nhằm chống lại sự lan toả độc hại từ dự án Vành Đai – Con đường (BRI) trị giá hàng ngàn tỷ USD của Trung Quốc.
G7 đã khởi động lại “Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu”, mới được đổi tên, tại cuộc họp thường niên của họ tại Đức trong năm nay. Trong đó, Mỹ cam kết sẽ huy động 200 tỷ USD cho kế hoạch này. Nguồn tiền dự kiến sẽ giúp các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đối phó với biến đổi khí hậu, cải thiện sức khoẻ toàn cầu, bình đẳng giới và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
“Tôi muốn nói rõ. Đây không phải là viện trợ hay từ thiện. Đó là một khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận cho tất cả mọi người”, ông Biden nói, đồng thời nói thêm rằng nó sẽ cho phép các quốc gia “thấy được những lợi ích cụ thể của việc hợp tác với các nền dân chủ”, theo Reuters.
Ông Biden cho biết hàng trăm tỷ USD bổ sung có thể đến từ các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính phát triển, quỹ tài sản có chủ quyền và các quỹ khác.
Trong cùng thời gian, châu Âu sẽ huy động 300 tỷ euro cho sáng kiến này nhằm xây dựng một giải pháp thay thế bền vững cho chương trình Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra vào năm 2013, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần đầu tiên giới thiệu sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI), một sáng kiến của Chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình, như một cách để toàn cầu hóa Trung Quốc thông qua việc tạo ra các mạng lưới cơ sở hạ tầng và thương mại sáng tạo có thể kết nối nước này với phần còn lại của thế giới.
Hiện tại, BRI của Trung Quốc đã bước sang năm thứ 9. Mặc dù vậy, BRI đã rải hàng ngàn tỷ USD khắp toàn cầu, chủ yếu ở các quốc gia nghèo đói, chậm phát triển. Nhưng BRI cũng đã xâm nhập được vào Châu Âu, qua Thổ Nhĩ Kỳ, Ý,…
BRI bị cáo buộc là bẫy nợ mà chế độ Bắc Kinh đang giăng bẫy các nền kinh tế yếu thế hơn. Rất nhiều các quốc gia vỡ nợ, mất các cảng biển chiến lược, chính phủ bị tham nhũng và tha hoá trầm trọng khi tiếp cận với BRI của Bắc Kinh.
Điển hình sự thất bại của BRI là Sri Lanka, đất nước đã chính thức vỡ nợ quốc gia, mất cảng biển chiến lược quan trọng nhất cho Bắc Kinh, lạm phát tồi tệ, đói và biểu tình khắp cả nước. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ. Thế lực Bắc Kinh, thông qua BRI, bị cáo buộc rằng đã biến rất nhiều lãnh thổ, chính phủ thành chư hầu, con nợ của họ. Cũng thông qua BRI, Trung Quốc xuất khẩu mô hình quản trị của ĐCSTQ, hệ tư tưởng của nó, ra toàn cầu.
Quang Nhật