Huệ Liên
Cử tri Đà Nẵng nói ‘Có người tham nhũng xong đi tù về vẫn còn dư của cải, tha hồ sử dụng’
Danviet – Các cử tri Đà Nẵng trong buổi gặp gỡ với đại biểu Quốc hội chiều ngày 27/6 đã bày tỏ lo lắng về tình trạng nhiều cán bộ đang suy thoái đạo đức với lối suy nghĩ kiểu như: ‘tham nhũng đến mấy thì cũng chỉ đi tù’.
Cử tri Nguyễn Trí Tổng (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) nói: “Có người tham nhũng xong đi tù về vẫn còn dư của cải, tha hồ sử dụng. Coi như là hy sinh đời bố củng cố đời con. Cần phải tránh tình trạng nhiều cán bộ có suy nghĩ “tham nhũng đến mấy thì cũng chỉ đi tù”.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, cho rằng sẽ không có vùng cấm, không có ngoại lệ đối với các án tham nhũng. “Dẫn chứng là vụ Việt Á, vụ nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự, vụ FLC và nhiều vụ khác đã được xử lý kiên quyết”, ông Thưởng nói.
Tại buổi tiếp xúc, ngoài vấn đề nhức nhối của quốc gia hiện nay là tham nhũng, các cử tri Đà Nẵng còn nêu nhiều vấn đề nóng của xã hội trong thời gian qua như: xăng dầu tăng giá ảnh hưởng đến người lao động, tăng giá sách…
Gần 900 nhân viên y tế Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển công tác
VnExpress – Gần 900 nhân viên y tế tại Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển công tác trong 18 tháng qua khiến ngành y tế thủ đô thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh.
Thông tin trên được nêu trong báo cáo của UBND TP Hà Nội tại Kỳ họp thứ ba HĐND thành phố, ngày 20/6. Theo đó, trong năm 2021, toàn ngành y tế có 532 người xin nghỉ việc, 82 người xin chuyển công tác. Trong 4 tháng đầu năm nay, con số tương tự là 226 và 17.
Giải thích tình trạng trên, đại diện thành phố cho biết từ đầu 2020 đến nay, ngành y tế dồn mọi nguồn lực phòng chống dịch. Dù số lượng nhân viên y tế còn thiếu, song phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, làm thêm ngoài giờ không kể ngày đêm. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập còn hạn chế so với các doanh nghiệp, các đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các Bộ, ngành nên nhiều nhân viên y tế xin nghỉ hoặc chuyển công tác về nơi có mức thu nhập cao hơn.
VinFast có thể bắt đầu sản xuất ô tô điện ở Mỹ từ 2024
Voatiengviet – VinFast, hãng ô tô của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đang trên đà thực hiện kế hoạch xây dựng nhà máy ô tô điện tại Mỹ từ năm nay và bắt đầu sản xuất tại đây trong 2 năm tới, theo tiết lộ của Giám đốc điều hành toàn cầu của VinFast Lê Thị Thu Thủy với Bloomberg.
Vingroup, tập đoàn kinh doanh lớn nhất của Việt Nam do ông Vượng là chủ tịch, hồi cuối tháng 3 vừa qua công bố việc xây dựng nhà máy ô tô điện ở North Carolina, tiểu bang miền Đông Hoa Kỳ, với số vốn ban đầu là 2 tỷ USD. Tạp chí Forbes cho biết rằng VinFast có thể đầu tư lên đến 6,5 tỷ USD để xây dựng nhà máy nơi, ngoài xe thể thao đa dụng (SUV), sẽ sản xuất cả xe bus điện và pin cho các xe chạy bằng điện.
Nói với Bloomberg bên lề Diễn đàn Kinh tế Qatar, bà Thủy, người thay thế ông Michael Lohscheller làm CEO toàn cầu của VinFast hồi cuối năm ngoái, cho biết việc xây dựng nhà máy của VinFast có thể bắt đầu vào tháng 9 năm nay và việc sản xuất ô tô điện tại đây sẽ bắt đầu vào tháng 7/2024.
Vingroup cũng đang chuẩn bị cho một đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) bằng việc niêm yết hãng sản xuất ô tô của họ, VinFast, trên thị trường chứng khoán Mỹ trong quý 4 năm nay, dự kiến huy động nhiều tỷ đô la cho việc sản xuất tại Hoa Kỳ. VinFast hồi tháng 4 cho biết công ty đã đăng ký IPO với các cơ quan quản lý chứng khoán của Mỹ.
Nói với Bloomberg, bà Thủy cho biết VinFast đang đối mặt với các điều kiện thị trường “đầy thách thức” trong việc này.
Đầu tháng 4, ông Vượng được Reuters trích lời nói rằng VinFast sẽ tìm kiếm các khoản vay của chính phủ Mỹ để mở rộng hoạt động sản xuất của VinFast ở đây.
Bão giá xăng dầu bủa vây doanh nghiệp
VnExpress – Giá xăng dầu cao kỷ lục và các chi phí khác đè nặng khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế lưỡng nan, tăng giá thì dễ mất khách, nhưng không tăng lại thua lỗ.
Sau dịch, doanh nghiệp vận tải Sao Việt mới vận hành ổn định được khoảng 60% so với trước đây thì lại gặp áp lực mới từ giá xăng, dầu tăng cao kỷ lục. Trong hai tháng, xăng 7 lần tăng giá, mỗi lít RON 95-III đắt thêm trên 5.500 đồng; dầu diesel – nhiên liệu sử dụng nhiều nhất trong vận tải – ở mức 30.010 đồng một lít, tăng 20%.
Sau đợt tăng giá xăng dầu ngày 21/6, gần một tuần nay bộ phận điều phối vận hành hãng này làm việc liên tục để tính toán dồn chuyến, dồn khách tuyến Hà Nội – Lào Cai, Sa Pa. Đây cũng là một hình thức tiết giảm lượng xe chạy để doanh nghiệp bớt lỗ trước sức ép giá dầu tăng và nhiều chi phí khác bủa vây.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt, ước tính chi phí dầu cho mỗi tuyến xe chạy tuyến Hà Nội – Lào Cai, Sa Pa khoảng 6 triệu đồng, chưa kể các chi phí vận hành. Tức là trung bình, tiền nhiên liệu chiếm trên 50% doanh thu mỗi chuyến xe của hãng.
“Xe tuyến cố định không chạy thì mất slot tại bến, nên nếu quá vắng khách, buộc chúng tôi phải dồn chuyến, dồn khách. Công ty càng chạy càng lỗ, giờ lại thêm giá xăng dầu tăng”, ông nói.
Hầu hết doanh nghiệp vận tải (hành khách hay chở hàng) cho biết đang trong cảnh hoạt động cầm cự “chứ không dám nghĩ tới có lời”. Đại diện hãng xe Sao Việt nói vẫn bỏ tiền đổ xăng, bù lỗ cho mỗi chuyến nhưng nếu kéo dài sẽ không trụ được.
Để các doanh nghiệp vận tải không lỗ khi giá nhiên liệu tăng quá cao hiện nay, doanh nghiệp này tính toán, giá vé phải tăng khoảng 15-20%. Nhưng các hãng xe đều cạnh tranh để có khách, nên theo ông Bằng, “tăng giá ngay là chưa thể”.
Không riêng doanh nghiệp vận tải hành khách, khối vận tải hàng cũng đang loay hoay với chi phí nhiên liệu. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty Vận tải Quốc tế cho biết, xăng dầu chiếm khoảng 40% trong cơ cấu chi phí dịch vụ vận tải đường bộ. Hiện mỗi đầu xe chở hàng chạy tuyến Bắc – Nam của họ bị “đội” thêm gần 3 triệu tiền dầu so với trước.
Không chỉ các trường hợp trên, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng lo lắng, giá xăng dầu tăng cao tác động mạnh tới chi phí vận hành.
Tuy nhiên dù thế nào đi nữa khi các doanh nghiệp… phải tăng giá để bù vào duy trì đảm bảo không lỗ thì người cuối cùng thiệt chỉ là người dân tiêu dùng, vì họ phải bỏ ra số tiền cao hơn để mua số hàng hoá đó để dùng, sử dụng dịch vụ…vv.