Ngoại trưởng Tuvalu không tham dự hội nghị LHQ sau khi Trung Quốc ngăn các đại biểu Đài Loan

Daniel Y. Teng

Ngoại trưởng Tuvalu Simon Kofe nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters tại Đài Bắc, Đài Loan hôm 21/11/2019. (Ảnh: Fabian Hamacher/Reuters)

Ngoại trưởng Tuvalu đã rút khỏi Hội nghị Đại dương của Liên Hiệp Quốc hôm 27/06 sau khi Trung Quốc ngăn ba đại biểu Đài Loan tham dự.

Ông Simon Kofe của Tuvalu đã chuyển hướng chuyến bay của mình đến Brisbane, Úc và đi sớm đến Fiji để tham dự Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương vào giữa tháng Bảy. Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương có sự tham gia của tất cả các quốc gia Thái Bình Dương, cũng như Úc và New Zealand.

Ba thành viên trong phái đoàn của Tuvalu là công dân Đài Loan. Trung Quốc, quốc gia nằm trong ủy ban ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc, đã yêu cầu họ phải bị loại bỏ nếu không phái đoàn sẽ bị cấm tham gia.

Ông Kofe quyết định chính mình và ba người này không tham gia nhưng vẫn khuyến khích Tuvalu có mặt tại Hội nghị, nơi tập trung vào việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển — một mối quan tâm chính của các quốc đảo Thái Bình Dương.

Tuvalu, cùng với Nauru, Palau, và Quần đảo Marshall, vẫn là bốn quốc đảo Thái Bình Dương duy nhất duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Đáp lại vụ việc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao của Bắc Kinh, ông Triệu Lập Kiên, tuyên bố trên hãng thông tấn Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) rằng các đại biểu Đài Loan đã tự “làm mất giá” khi gia nhập phái đoàn của Tuvalu.

Bắc Kinh để mắt đến Thái Bình Dương

Nam Thái Bình Dương vẫn là trọng tâm chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với việc Ngoại trưởng Vương Nghị của chính quyền này bắt đầu chuyến công du đến tám quốc gia hồi tháng Năm để củng cố liên minh với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương có sự giao thiệp thân thiện với Bắc Kinh, bao gồm Quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea, và Timor-Leste.

Trong khi có nhiều sự chú ý xung quanh thất bại rõ rệt của ông Vương trong việc thuyết phục các quốc gia đó tham gia vào một khối thương mại và an ninh rộng lớn ở Thái Bình Dương, Bắc Kinh đã cố gắng ký một loạt các thỏa thuận song phương mới để thắt chặt hợp tác. Chi tiết của các giao dịch đó vẫn chưa được công khai.

Trong khi đó, ĐCSTQ có vẻ sẽ tiếp tục nỗ lực giành được Nam Thái Bình Dương và phá vỡ nỗ lực của các quốc gia dân chủ nhằm đẩy lùi bước tiến của mình.

Công ty Phát thanh Truyền hình Úc (ABC) được biết rằng các bộ trưởng từ 10 quốc gia Thái Bình Dương đã được mời tham dự một cuộc họp trực tuyến với ngoại trưởng Trung Quốc vào ngày 14/07 — cùng ngày Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương tổ chức cuộc họp cuối cùng tại Suva, Fiji.

Diễn đàn đang hành động để duy trì sự thống nhất sau một cuộc tranh cãi ngoại giao hồi đầu tháng Sáu.

Ba lãnh đạo của Micronesia đã bắt đầu chính thức rút khỏi nhóm sau những bất đồng về vai trò lãnh đạo trong Diễn đàn. Sự việc đã được tạm thời giải quyết.

Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại daniel.teng@epochtimes.com.au.

Thanh Nhã biên dịch

Related posts