Ngoài những sai phạm liên quan đến công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) còn có dấu hiệu tội phạm ở 33 gói thầu với 2 đơn vị khác.
Sáng 29/6, ông Phan Thanh Long, Chánh Thanh tra TP. Đà Nẵng ký ban hành kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng dịch COVID-19 tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng.
Thanh tra Đà Nẵng phát hiện CDC thành phố có dấu hiệu hợp thức hóa các báo giá, ngày ghi trên các báo giá sau thời điểm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, không đủ căn cứ để xây dựng giá gói thầu.
CDC Đà Nẵng xác định giá gói thầu để thực hiện mua sắm có tham khảo giá trúng thầu nhưng cao hơn giá mà đoàn thanh tra tra cứu trên cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền.
CDC Đà Nẵng sai sót trong việc thông báo chào giá, chào hàng cạnh tranh, thành phần báo giá, đăng tải thông báo mời chào, tiếp nhận báo giá, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, sử dụng báo giá của các nhà thầu không đủ tư cách hợp lệ, nhà thầu trúng thầu không nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định.
Cơ quan này cũng phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn, chỉ định thầu rút gọn cho 1 nhà thầu không đủ tư cách hợp lệ, vi phạm Luật đấu thầu.
Thanh tra cũng chỉ ra việc tiếp nhận hàng trước thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là vi phạm Luật Đấu thầu.
CDC Đà Nẵng phân bổ vật tư y tế với giá trị hơn 1,3 tỷ đồng để xét nghiệm COVID-19, có thu tiền đối với công dân nhập cảnh từ nguồn ngân sách Nhà nước không đúng theo các quyết định của Sở Y tế nhưng chưa hoàn trả số tiền trên vào ngân sách Nhà nước.
Đáng chú ý, Thanh tra Đà Nẵng kết luận có dấu hiệu tội phạm liên quan đến 33 gói thầu do Cửa hàng Đại Phát và Công ty Tam Lập Phát trúng thầu. Thanh tra Đà Nẵng chuyển cơ quan điều tra công an thành phố điều tra, xử lý đối với các nội dung có dấu hiệu tội phạm tại 33 gói thầu này.
Trước đó, ngày 20/6, công an TP. Đà Nẵng đã khởi tố bị can, bắt ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng Khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng về hành vi “Tham ô tài sản”.
Đồng thời, cơ quan chức năng khởi tố bị can đối với bà Lê Thị Kim Chi, là nhân viên Khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng cùng về tội danh trên.
Theo công an, từ năm 2020 – 2021, ông Thạnh chỉ đạo bà Nhàn, bà Chi làm giả sổ sách, chứng từ để nâng khống, chuyển hóa hàng chục ngàn mẫu gộp xét nghiệm COVID-19 thành mẫu đơn, đồng thời biến hàng chục ngàn bộ kit được tài trợ thành bộ kit mua của Công ty Việt Á.
Số vật tư dôi dư sau khi được “phù phép”, ông Thạnh cùng các đồng phạm đã chuyển lại cho công ty Việt Á để chiếm đoạt số tiền với giá trị thỏa thuận.
Theo xác định ban đầu, giá trị tài sản bị chiếm đoạt là hơn 4 tỷ đồng.
Khi khám xét nơi làm việc của các bị can, công an còn phát hiện số vật tư trị giá khoảng 2 tỷ đồng được cất giấu, chưa kịp tẩu tán.
Phạm Toàn
Nhiều robot chữa bệnh trị giá vài trăm tỷ đồng bị ‘đắp chiếu’
Nhiều máy phẫu thuật robot có tổng trị giá vài trăm tỷ đồng phải ngừng hoạt động do chi phí vận hành quá cao, vướng pháp lý… trong khi nhiều bệnh nhân đang chờ từng ngày để được chụp chiếu, phẫu thuật.
Nó giúp các bác sĩ phẫu thuật với sự xâm lấn tối thiểu, mất máu ít, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau phục hồi. Đặc biệt, phẫu thuật bằng robot có độ chính xác gấp 3 lần so với thay khớp gối bằng tay và cho phép mổ nội soi những ca bệnh thần kinh khó, đòi hỏi độ chính xác cao.
Đáng chú ý, hai máy này có giá thực tế 7,4 tỷ đồng, song Bệnh viện Bạch Mai phải mua giá 39 tỷ đồng và 44 tỷ đồng (bị đội giá gấp nhiều lần) do một số cá nhân sai phạm. Từ đó, một ca phẫu thuật theo thiết bị này chỉ khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng.
Hiện cả hai robot bị niêm phong vì là tang vật vụ án nâng khống giá từ tháng 8/2020.
Hồi năm 2017, giá một ca phẫu thuật khớp bằng robot Mako tại Bệnh viện Bạch Mai vào khoảng hơn 40 triệu đồng, trong khi tại Anh hoặc Mỹ, chi phí cho một ca mổ tương tự là 17.000-20.000 USD (chưa tính chi phí ăn ở, đi lại).
Tình trạng ”đắp chiếu” các robot đã khiến bệnh nhân mất cơ hội tiếp cận kỹ thuật cao, hoặc phải tốn hàng trăm triệu đồng ra nước ngoài để mổ bằng phương pháp này.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, ngoài hai robot kể trên còn rất nhiều thiết bị trong diện liên doanh liên kết, xã hội hóa, máy đặt cũng đang “đắp chiếu”.
Tại Trung tâm phẫu thuật nội soi nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương, ứng dụng robot phẫu thuật (vào thời điểm mua, ngân sách chi trả trên 80 tỷ đồng) cũng dừng hoạt động.
Thiết bị này đưa vào hoạt động từ 2014, đến nay, mới chỉ có 200 – 300 bệnh nhi được phẫu thuật và chưa thu viện phí với bệnh nhi nào.
Tuy nhiên, hiện thiết bị này dừng sử dụng do bộ dụng cụ lên tới 10.000 USD/bộ, sử dụng được cho 10 ca phẫu thuật. Chi phí các ca phẫu thuật đã thực hiện đến nay đều do các dự án và tổ chức tài trợ, nhưng nếu tính toán lợi ích – đầu tư thì khoản đầu tư này rõ ràng đã kém hiệu quả.
Tương tự, hệ thống phẫu thuật robot tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tạm ngưng từ tháng 10/2021 do thiếu vật tư tiêu hao vì khó khăn trong đấu thầu.
Đây là hệ thống hiện đại do Mỹ sản xuất, với kinh phí 71 tỷ đồng từ nguồn vốn vay kích cầu của thành phố, triển khai tại bệnh viện từ tháng 10/2017.
Tại Bệnh viện Nhân dân 115, hệ thống robot có giá 54 tỷ đồng cũng được sử dụng để phẫu thuật các bệnh lý liên quan đến sọ não và cột sống.
Thế nhưng, sau khoảng một năm rưỡi hoạt động với 30 ca mổ, đến tháng 8/2020, chủ đầu tư rút máy về.
Theo lãnh đạo Bệnh viện, nguyên nhân rút máy là do số ca mổ ít, chi phí khá cao (mỗi ca mổ trên dưới 100 triệu đồng) và bệnh nhân được chỉ định không nhiều, thường sử dụng cho các trường hợp u não chuyên biệt, có vị trí tổn thương sâu.
Minh Long