Hôm thứ Năm (30/6), Bắc Kinh đã lên án NATO khi lần đầu tiên nhóm này nói trong một bản kế hoạch chi tiết rằng sức mạnh của Trung Quốc đang thách thức liên minh.
NATO đã công bố bản khái niệm chiến lược lần đầu tiên của nhóm tại tại Hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, trong đó cho biết những tham vọng và chính sách cưỡng chế mà Bắc Kinh gây ra đã thách thức lợi ích, an ninh và các giá trị của khối này.
NATO cũng cho rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn của Trung Quốc với Nga đã đi ngược lại lợi ích của phương Tây.
Động thái của NATO đã khiến Bắc Kinh phản ứng dữ dội.
“Cái gọi là tài liệu khái niệm chiến lược mới của NATO là coi thường sự thật, đảo lộn trắng đen … (và) bôi nhọ chính sách đối ngoại của Trung Quốc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Năm.
Ông nói thêm rằng Trung Quốc “kiên quyết phản đối điều này”.
“Chúng tôi muốn cảnh báo NATO rằng việc thổi phồng cái gọi là mối đe dọa từ Trung Quốc là hoàn toàn vô ích”, ông Triệu nói với các phóng viên.
Hoa Kỳ đã thúc đẩy liên minh chú ý nhiều hơn đến Trung Quốc, dù một số đồng minh tỏ ra miễn cưỡng khi phải chuyển sự chú ý khỏi châu Âu.
Bắc Kinh đã từ chối lên án đồng minh của mình là Nga về cuộc xâm lược Ukraine, và hai nước đã xích lại gần nhau hơn trong các lĩnh vực chính trị, thương mại và quân sự như một phần của mối quan hệ “không có giới hạn”.
Trong tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đảm bảo với người đồng cấp Vladimir Putin về sự ủng hộ của Trung Quốc đối với “chủ quyền và an ninh” của Nga.
Bắc Kinh cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc bán vũ khí cho Kyiv.
Trong một dấu hiệu cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng về Trung Quốc, các nhà lãnh đạo của các đối tác khu vực châu Á – TBD là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand cũng lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO.
“Về cơ bản Trung Quốc đang xây dựng lực lượng quân sự của mình, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, bắt nạt các nước láng giềng và đe dọa Đài Loan”, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg nói.
“Trung Quốc không phải là đối thủ của chúng ta. Nhưng chúng ta phải nhìn rõ những thách thức nghiêm trọng mà Trung Quốc đang đưa ra.”
NATO cũng cáo buộc Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các thành viên của mình bằng “các hoạt động mạng độc hại cùng với luận điệu đối đầu”.
Ông Triệu đã phản ứng lại, nói rằng Trung Quốc không đặt ra “thách thức hệ thống như tưởng tượng”.
Ông nói thêm rằng những nhận xét về “sự phát triển quân sự bình thường” và chính sách quốc phòng của Trung Quốc là “vô trách nhiệm.”
Thay vào đó, ông nói, NATO là “thách thức mang tính hệ thống đối với hòa bình và ổn định thế giới” với “bàn tay nhuốm máu của nhân dân thế giới”.
Ông Triệu nói, các hành động phá hoại sự ổn định của khu vực châu Á – Thái Bình Dương “chắc chắn sẽ thất bại”.
Lê Vy (theo AFP)