Lo ngại suy thoái, giá dầu thô lao dốc hơn 9%, dao động về 100 USD/thùng
Lo ngại kinh tế toàn cầu bắt đầu suy thoái, giá dầu thô có phiên giao dịch giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 – mất hơn 9%, dao động về quanh mức 100 USD/thùng.
Giới đầu tư lo ngại kinh tế toàn cầu có tín hiệu suy thoái và việc phong tỏa người dân ngặt nghèo của chính phủ Trung Quốc có thể khiến nhu cầu về dầu sụt giảm.
Theo đó, phiên giao dịch hôm thứ Ba (5/7) đã chứng kiến mức sụt giảm hơn 9% – mạnh nhất kể từ tháng 3/2022. Cụ thể, giá dầu Brent giao dịch ở mức 102,77 USD/thùng, mất 10,73 USD/thùng, tương đương 9,5%. Còn giá dầu thô WTI của Mỹ kết thúc phiên giao dịch rớt mất 8,2%, tương đương 8,93 USD/thùng, dao động ở mốc 99,50 USD/thùng.
Robert Yawger, Giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho nói: “Chúng tôi đang cảm thấy áp lực”, “Cách duy nhất để giải thích sự sụt giảm chỉ có thể là lo ngại về cuộc suy thoái kinh tế”, Reuters đưa tin.
Tập đoàn Citi cho biết hôm thứ Ba rằng giá dầu Brent có thể giảm xuống còn 65 USD vào cuối năm nay nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái.
“Trong một kịch bản suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hộ gia đình và doanh nghiệp phá sản, hàng hóa sẽ theo đuổi đường cong chi phí giảm khi chi phí giảm dần và tỷ suất lợi nhuận chuyển sang âm để thúc đẩy cắt giảm nguồn cung”, công ty viết trong một lưu ý cho khách hàng, theo bản tin của CNBC.
Citi là một trong số ít những nhà đầu cơ giá dầu giá xuống vào thời điểm các công ty khác, chẳng hạn như Goldman Sachs, đã kêu gọi thúc đẩy giá dầu đạt 140 USD/thùng trở lên.
Trong khi đó, việc xét nghiệm COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) hàng loạt ở Trung Quốc đã làm gia tăng những lo ngại về khả năng phong tỏa có nguy cơ làm sâu sắc thêm việc cắt giảm tiêu thụ dầu.
Thượng Hải cho biết họ sẽ bắt đầu các đợt xét nghiệm hàng loạt mới đối với 25 triệu cư dân của mình trong khoảng thời gian ba ngày, trích dẫn nỗ lực truy tìm các ca nhiễm liên quan đến dịch bệnh tại một quán karaoke.
Bất chấp sự sụt giảm gần đây, một số chuyên gia cho rằng giá dầu có khả năng vẫn tăng cao.
“Suy thoái kinh tế không đồng nghĩa với nhu cầu bị đánh mất”. Tồn kho sản phẩm dầu thô đang ở mức cực kỳ thấp, điều này cũng cho thấy việc tái nhập kho sẽ giữ cho nhu cầu dầu thô mạnh mẽ, Bart Melek – Trưởng phòng chiến lược hàng hóa tại TD Securities cho biết hôm thứ Ba trong một thông báo.
Công ty TD Securities nói thêm rằng có sự tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề cung cấp trên thị trường dầu mỏ làm cho ngay cả khi nhu cầu tăng trưởng chậm lại giá sẽ vẫn có thể được hỗ trợ.
“Thị trường tài chính đang cố gắng định giá trong một cuộc suy thoái. Thị trường vật lý đang cho bạn biết điều gì đó thực sự khác biệt”, Jeffrey Currie, người đứng đầu toàn cầu về nghiên cứu hàng hóa tại Goldman Sachs, nói với CNBC hôm thứ Ba.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết một đề xuất được báo cáo từ Nhật Bản về việc giới hạn giá dầu của Nga ở mức khoảng một nửa mức hiện tại, tức là ít dầu hơn trên thị trường sẽ có thể đẩy giá lên trên 300-400 USD/thùng.
Tú Minh dịch, theo Reuters và CNBC
Tổng thống Nga Putin kêu gọi tạm dừng quân sự tại Luhansk, Ukraine
Huyền Anh
Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu các nhà lãnh đạo quân đội tạm dừng hoạt động ở Ukraine sau khi chiếm giữ hai khu vực trọng yếu gần biên giới.
Theo truyền thông nhà nước Nga đưa tin, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, ông Putin yêu cầu tất cả các đơn vị tham gia vào cuộc tấn công Luhansk nên tạm dừng để “tăng cường sức mạnh”.
“Các đơn vị đã tham gia chiến đấu tích cực và đạt được thành công, chiến thắng hướng về Luhansk, tất nhiên, nên nghỉ ngơi, và tăng cường khả năng chiến đấu của họ”.
Cuối tuần qua, quân đội Nga đã buộc quân đội Ukraine phải rút lui ở Lysychansk, một trong những thành trì cuối cùng nằm dưới sự kiểm soát của Kyiv ở Luhansk. Cả Luhansk và Donetsk đều nằm ở khu vực phía đông Ukraine được gọi là Donbass.
Trong khi đó, lực lượng Nga đã tấn công các mục tiêu trên khắp khu vực Donetsk phía đông Ukraine vào ngày 5/7. Nga cho biết họ muốn giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Donbass từ tay Ukraine, thay mặt cho những người ly khai được Moscow hậu thuẫn ở hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng.
Sau khi các lực lượng Nga giành quyền kiểm soát Lysychansk, pháo đài cuối cùng của quân kháng chiến Ukraine ở Luhansk vào ngày 4/7, các quan chức Ukraine hiện đoán rằng Moscow sẽ tập trung nỗ lực vào các thành phố Sloviansk và Kramatorsk ở Donetsk.
Cập nhật thông tin tình báo
Các quan chức tình báo phương Tây tiết lộ, với cuộc tấn công mới nhất, Nga dường như đã đạt được sự phối hợp tốt hơn giữa các đơn vị quân đội của mình.
“Việc Nga chiếm được Lysychansk một cách tương đối nhanh chóng đã mở rộng quyền kiểm soát của họ trên hầu như toàn bộ lãnh thổ của Luhansk Oblast. Nó cho phép Moscow đạt được tiến bộ đáng kể so với mục tiêu chính sách mà nước này đưa ra đối với kế hoạch trước mắt của cuộc chiến, đó là ‘giải phóng’ Donbass”, theo một thông tin tình báo cập nhật từ Bộ Quốc phòng Anh vào ngày 5/7. Một quân nhân Ukraine ngồi cạnh một chiếc xe tăng bị phá hủy tại một vị trí bị bỏ hoang của Nga gần làng Bilogorivka, không xa Lysychansk, vùng Lugansk, hôm 17/6/2022. (Ảnh: Anatolii Stepanov/AFP/Getty Images)
Viện Nghiên cứu Chiến tranh hôm 4/7 cũng công bố một báo cáo chỉ ra rằng các lực lượng Ukraine đã “ngày càng nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Nga” bằng các vũ khí do Mỹ sản xuất, bao gồm cả tên lửa tầm xa, và tấn công “sâu” vào các khu vực do Nga chiếm đóng. Những vũ khí này đã được chính quyền ông Biden gửi tới Ukraine như một phần của các gói tài trợ với tổng trị giá hơn 40 tỷ USD.
“Khả năng ngày càng tăng của lực lượng Ukraine nhắm vào các cơ sở quân sự quan trọng của Nga với [hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao] do phương Tây cung cấp cho thấy cách viện trợ quân sự của phương Tây trang bị cho Ukraine những khả năng quân sự mới và cần thiết”.
Bộ Quốc phòng Nga hôm ngày 5/7 tuyên bố họ đã sử dụng vũ khí với độ chính xác cao để phá hủy các trung tâm chỉ huy và pháo binh ở Donetsk, nơi Ukraine vẫn kiểm soát một số thành phố lớn.
Theo lời của một phát ngôn viên, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc điện đàm hôm 5/7 rằng ông tin quân đội Ukraine có thể lấy lại vùng lãnh thổ bị lực lượng Nga chiếm giữ gần đây. Ông Johnson đã cập nhật cho ông Zelensky về các đợt chuyển giao thiết bị quân sự mới nhất của Anh, bao gồm 10 hệ thống pháo tự hành và đạn dược, sẽ đến trong vài ngày và vài tuần tới.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times
NATO ký nghị định thư về việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập khối này
Huyền Anh
30 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm thứ Ba (5/7) đã ký nghị định thư cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối liên minh quân sự NATO một khi quốc hội của các nước phê duyệt.
NATO ký nghị định thư nêu trên tại trụ sở ở Brussels, Bỉ hôm 5/7 sau khi đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ trong hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madird tuần trước. Trong thỏa thuận đó, Ankara (thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ) đã đồng ý không phủ quyết tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển sau khi hai quốc gia Bắc Âu cam kết họ sẽ tăng cường chống khủng bố.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói hôm 5/7 rằng: “Đây thực sự là thời khắc lịch sử. Khi 32 quốc gia ngồi quanh bàn này, chúng ta sẽ còn mạnh mẽ hơn”.
Nghị định thư gia nhập được ký kết có nghĩa rằng Phần Lan và Thụy Điển có thể tham gia vào các cuộc họp của NATO và có quyền tiếp cận thông tin tình báo nhiều hơn, nhưng sẽ chưa được bảo vệ theo điều khoản phòng vệ chung của NATO cho đến khi được quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên phê duyệt. Tiến trình này có thể kéo dài hàng năm.
Canada đã trở thành quốc gia thành viên NATO đầu tiên chính thức phê duyệt nghị định thư cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg cũng đã kêu gọi các quốc gia thành viên hãy phê duyệt nhanh chóng và đồng thời đảm bảo hai nước Bắc Âu nhận được sự hỗ trợ từ NATO trong thời gian chờ duyệt trở thành thành viên chính thức.
“An ninh của Phần Lan và Thụy Điển là quan trọng đối với liên minh chúng ta, bao gồm cả trong suốt tiến trình phê duyệt nghị định thư gia nhập này”, ông Stoltenberg nói.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Nhiều thành viên NATO đã cam kết về an ninh của Phần Lan và Thụy Điển. Đồng thời NATO đã và đang tăng cường sự hiện diện của liên minh trong khu vực này, trong đó bao gồm mở thêm các cuộc diễn tập quân sự”.
Tại một hội nghị thượng đỉnh đồng minh ở Madrid năm 1997, Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc đã được mời tham gia. Đây được coi là thành tựu của phương Tây trong đợt đầu tiên của làn sóng mở rộng về phía đông của NATO. Tuy nhiên, điều này đã khiến Nga tức giận.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo cả hai quốc gia trên không nên gia nhập NATO. Vào ngày 12/3, Bộ Ngoại giao Nga cho biết “sẽ có những hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng”.
Cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ
Các đại sứ của NATO đã chụp ảnh cùng nhau, trong đó các bộ trưởng ngoại giao của Thụy Điển và Phần Lan giơ cao các giao thức đã ký của họ.
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde viết trên Twitter: “Cảm ơn quý vị đã ủng hộ! Bây giờ tiến trình phê duyệt từ mỗi quốc gia thành viên NATO sẽ bắt đầu”.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã cảnh báo hôm thứ Năm (30/6) tại hội nghị thượng đỉnh NATO rằng, Phần Lan và Thụy Điển trước tiên phải giữ lời hứa với Thổ Nhĩ Kỳ trong một thỏa thuận, nếu không việc phê chuẩn sẽ không được gửi tới Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau nhiều tuần ngoại giao, ông Erdogan và những người đồng cấp Phần Lan và Thụy Điển đã đồng ý các biện pháp cho phép hai nước Bắc Âu vượt qua quyền phủ quyết của Thổ Nhĩ Kỳ mà Ankara áp đặt hồi tháng 5 do lo ngại về chủ nghĩa khủng bố.
Theo bản ghi nhớ đã ký, Phần Lan và Thụy Điển cam kết không hỗ trợ các nhóm PKK và YPG của chiến binh người Kurd hoặc mạng lưới của giáo sĩ Fethullah Gulen có trụ sở tại Mỹ, vốn bị Ankara coi là một tổ chức khủng bố.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times
Tướng Milley: Trung Quốc chưa tấn công Đài Loan ngay, nhưng Mỹ cần theo dõi chặt chẽ
Lam Giang
Đại Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ, trong cuộc trả lời phỏng vấn với đài BBC cuối tuần qua, nói rằng cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc vào Đài Loan sẽ không đến sớm, nhưng Mỹ đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ.
Khi được phóng viên của đài BBC on Sunday hỏi liệu ông có nghĩ Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan, Đại Tướng Milley đáp: “Vào thời điểm này, chưa có dấu hiệu hay bất kỳ cảnh báo nào cho thấy một cuộc tấn công sắp diễn ra. Nhưng chúng tôi cũng cần theo dõi tình hình rất rất chặt chẽ”.
Ông Milley khẳng định Trung Quốc rõ ràng đang phát triển năng lực để tấn công đảo quốc vào một thời điểm nào đó. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có những bài phát biểu công khai đề cập đến việc thống nhất Đài Loan.
Tuy nhiên, vị tướng hàng đầu nước Mỹ đã đánh giá vấn đề về quyết định hành động của Bắc Kinh liên quan đến Đài Bắc là một lựa chọn chính trị. “Dù họ có hành động hay không, thì đó là lựa chọn chính trị, đó là lựa chọn chính sách, điều đó sẽ dựa vào cách Trung Quốc đánh giá lợi ích chi phí-rủi ro vào thời điểm đó”.
Trung Quốc có thể gọi cuộc chiến tranh với Đài Loan là “Hoạt động Quân sự Đặc biệt” hoặc “Hoạt động Quân sự phi Chiến tranh”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức các cuộc thảo luận vào giữa tháng Sáu để phê duyệt kế hoạch định hướng cho quân đội Trung Quốc chuẩn bị sẵn sàng thực thi “hành động quân sự không phải chiến tranh” nhằm đảm bảo “chủ quyền, an ninh, lợi ích phát triển của Trung Quốc, và sự ổn định khu vực”.
Nhà bình luận quốc phòng Đài Loan Chi Le-yi đánh giá động thái đó của ông Tập là nỗ lực để hợp thức hóa các hoạt động quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc cả ở Đài Loan và trên Biển Đông, cung cấp cơ sở pháp lý cho các hành động gây hấn trong tương lai.
Ông Chi Le-yi nói với RFA rằng: “Trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan, ông Tập Cận Bình sẽ không gọi đó là một cuộc chiến tranh xảy ra giữa hai quốc gia. Ông ấy phải nói đó là ‘hoạt động quân sự đặc biệt’ hoặc ‘hoạt động quân sự phi chiến tranh’. Ông ta phải định nghĩa chiến tranh theo cách đó, giống như ông ta tìm cách diệt trừ các lực lượng ly khai nội địa”.
Khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã gọi cuộc chiến đó là “hoạt động quân sự đặc biệt”. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho đến nay cũng đang đưa tin về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine theo giọng điệu tuyên truyền của Điện Kremlin.
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ngoài khơi xa của họ và phải được thống nhất với đại lục, kể cả bằng vũ lực nếu cần bất chấp quốc đảo dân chủ chưa bao giờ bị đặt dưới sự cai trị của Bắc Kinh.
Đảo Đài Loan là một quốc gia độc lập trên thực tế. Họ có chính phủ được bầu dân chủ, quân đội, hiến pháp và đồng tiên riêng.
Trung Quốc thời gian qua đã và đang điều động nhiều máy bay chiến đấu xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan, đặt ra mối đe dọa an ninh cho quốc đảo dân chủ hơn 23 triệu dân.
Mỹ không có mối quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan từ năm 1979, nhưng Washington vẫn bán vũ khí cho Đài Bắc theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1979 này cho phép nền kinh tế lớn nhất thế giới được cung cấp cho quốc đảo dân chủ Đông Bắc Á các phương tiện tự vệ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng Năm đã đồng ý giữ cam kết bảo vệ Đài Loan bằng quân sự trong trường hợp hòn đảo bị Trung Quốc tấn công.
Một số nhà phân tích không loại trừ rằng ông Tập Cận Bình sẽ sử dụng chiến tranh với Đài Loan như là lựa chọn cuối cùng để đánh dấu sự lãnh đạo của ông ta và nhiệm kỳ thứ ba của ông là lãnh đạo tối cao của Trung Quốc bất chấp những hậu quả thảm khốc tiềm tàng.
Lam Giang
Theo The Epoch Times
“Titanic 2.0”: Tàu du lịch Na Uy đụng tảng băng trôi giữa đại dương
Phan Anh
Mới đây, một con tàu của hãng Norwegian Cruise Line (Na Uy) đã đụng phải một tảng băng trôi giữa đại dương do sương mù dày đặc khiến tầm nhìn của thuỷ thủ bị hạn chế.
Video ghi lại cảnh con tàu du lịch của Na Uy va chạm với tảng băng trôi gần Alaska đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều người liên tưởng cảnh tượng này với vụ tàu Titanic năm 1912.
Cụ thể, khi đang trên đường đến sông băng Hubbard ở tiểu bang Alaska, con tàu mang tên The Norwegian Sun (Mặt trời Na Uy) đã va phải một tảng băng trôi nhỏ. Đoạn video cho thấy các hành khách la hét trong lúc con tàu vượt qua tảng băng trôi.
Cruise ship (NORWEGIAN SUN) hits a minor iceberg in Alaska. pic.twitter.com/sEoetEsrhi
— Damn, that's interesting! (@wowinteresting8) June 29, 2022
Sau đó, con tàu đã phải chuyển hướng đi về thành phố Juneau để kiểm tra. Sau khi giới chức trách xác nhận tình trạng tàu vẫn an toàn, con tàu này đã trở lại Seattle. Theo truyền thông, công ty Norwegian Cruise Line đã quyết định hủy chuyến đi tiếp theo để có thể tiến hành các biện pháp sửa chữa cần thiết.
Trước đó, vào tháng 4/1912, con tàu Titanic đã va chạm với một tảng băng trôi. Nó từng được biết đến là con tàu lớn nhất thế giới tại thời điểm nó hạ thủy, và con tàu này trở nên nổi tiếng bởi tuyên bố không thể chìm. Tuy nhiên, vụ va chạm khiến con tàu hoàn toàn chìm xuống sau chưa đầy 3 giờ đồng hồ và vĩnh viễn ngủ yên trong lòng đại dương ở độ sâu hơn 3.800 m. Hậu quả của nó là trên 1.500 người thiệt mạng. Đây được xem là một trong những thảm họa hàng hải lớn nhất trong lịch sử từ trước tới nay.
Người dân New Zealand chật vật với lạm phát khi 1 trên 10 người chi tiêu vượt quá khả năng
Theo Consumer NZ, nhiều người New Zealand đang phải vật lộn để kiếm sống, với 1 trên 10 người chi tiêu vượt quá khả năng của họ và 1 trên 4 người mua hàng ngay bây giờ và trả tiền sau (BNPL) bằng thẻ tín dụng.
Bà Gemma Rasmussen, phát ngôn viên của Consumer NZ, cũng cho biết 40% người dân không tiết kiệm hoặc “lo lắng sâu sắc” về số tiền tiết kiệm mà họ có trong ngân hàng.
Bà nói với 1News: “Vì vậy, mọi người, rất nhiều người ngoài kia đang thực sự lo lắng ngay bây giờ.”
Consumer NZ, một nguồn thông tin tiêu dùng độc lập, đã xem xét cách người dân New Zealand ứng phó với chi phí sinh hoạt tăng cao bằng cách tập trung vào mức nợ.
Nhóm phát hiện ra rằng trong số những người mắc nợ cá nhân, 28% đang dùng phần lớn tiền của khoản nợ đó vào các khoản chi tiêu thiết yếu.
Bà Rasmussen nói: “Vì vậy, đó là những thứ như hóa đơn điện nước, hàng bách hóa, và những thứ khác. Và điều nổi bật là rất nhiều người đang thực sự vật lộn để kiếm sống và sau đó phải thực sự phải dùng đến cách đưa những khoản chi phí này vào nợ.”
BNPL cũng đang trở thành một cách phổ biến hơn để tài trợ cho các giao dịch mua, nhưng bà Rasmussen lưu ý rằng một “phần thiểu số” người dùng đang vay nhiều tiền hơn mức họ có thể trả lại.
Bà cho biết, “Chúng tôi biết rằng đối với đại đa số, cách đó hoạt động rất tốt. Chỉ là đối với nhóm nhỏ hơn đang rơi vào rắc rối; tình hình khá thảm khốc.”
Đáp ứng được các khoản thế chấp nhưng bỏ qua các khoản thanh toán nhỏ hơn
Centrix, một văn phòng tín dụng dành cho các doanh nghiệp ở New Zealand, nhận thấy trong chỉ số tín dụng mới nhất của mình rằng số lượng người tiêu dùng bỏ lỡ các khoản thanh toán đến hạn tiếp tục tăng trong tháng Năm.
Đồng thời, nhu cầu đối với cả tín dụng tiêu dùng và tín dụng kinh doanh có xu hướng giảm hơn nữa khi niềm tin giảm và lạm phát gia tăng đặt ra một thách thức liên tục đối với các gia đình.
Điểm tín dụng tổng thể cũng giảm hai điểm trong quý, cho thấy rằng trong năm tới, có thể sẽ có ngày càng nhiều người tiêu dùng hơn không hoàn trả các khoản thanh toán của họ đúng hạn.
Nợ BNPL cũng đạt mức cao nhất trong ba năm vào tháng Tư, với 8.9% tài khoản BNPL có khoản thanh toán chưa thanh toán.
Giám đốc điều hành Centrix Keith McLaughlin cho biết: “Thường thì các khoản nợ chi tiêu tùy ý như BNPL là đối tượng đầu tiên nhận thấy các khoản nợ tăng lên trong thời điểm tài chính đầy thách thức, một dấu hiệu cho thấy người New Zealand đang ưu tiên trả nợ tín dụng của họ — đây cũng có thể là một tín hiệu về căng thẳng tài chính hơn nữa trong tương lai.”
Trong khi lạm phát tiếp tục thách thức các gia đình, dữ liệu cho thấy không có dấu hiệu căng thẳng về thế chấp xuất hiện. Đại đa số, hơn 99%, người New Zealand vẫn đang đáp ứng các khoản thanh toán khoản vay mua nhà của họ đúng hạn, và số người rơi vào tình trạng khó khăn tài chính đã giảm xuống.
Cô Rebecca Zhu sống tại Sydney. Cô chuyên đưa tin về các vấn đề quốc gia của Úc và New Zealand. Quý vị muốn góp ý với cô thì hãy liên lạc qua rebecca.zhu@epochtimes.com.au.
Nhật Thăng biên dịch
Liên Hiệp Quốc: Biên giới Hoa Kỳ-Mexico là cung đường ‘chết chóc nhất’ thế giới
Theo dữ liệu được đưa ra gần đây từ một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, biên giới Hoa Kỳ-Mexico đã trở thành cung đường “chết chóc nhất” trên thế giới.
Nghiên cứu của cơ quan Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), cho thấy một mức cao lịch sử với 728 người nhập cư được ghi nhận đã thiệt mạng và mất tích dọc theo biên giới Hoa Kỳ-Mexico trong năm 2021. Điều này đã khiến cho đường biên giới này trở thành nơi chết chóc nhất trên thế giới.
Trong một thông cáo báo chí hôm 01/07, IOM cho biết con số tử vong này chiếm phần lớn trong số 1,238 trường hợp tử vong của người nhập cư ở Mỹ Châu trong năm 2021, đồng thời nói thêm rằng những con số này nên được coi là “thấp hơn thực tế” do quá trình thu thập dữ liệu gặp nhiều khó khăn.
Nghiên cứu cho rằng số người nhập cư tử vong và mất tích ở Mỹ Châu là do “thiếu sự lựa chọn để di chuyển an toàn và thường xuyên,” và điều này sẽ khiến những người di cư, có lẽ là những người chọn nhập cư bất hợp pháp, theo đuổi những con đường nguy hiểm hơn để đi đến nơi mà họ muốn đến.
Cơ quan này cũng lưu ý rằng những nguy hiểm mà người di cư phải đối mặt được thể hiện rõ như thế nào qua những tin tức gần đây về vụ việc buôn lậu gây tử thương nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ: 53 thi thể được phát hiện trong một chiếc xe đầu kéo chở 67 người nhập cư bất hợp pháp ở San Antonio hôm 27/06.
Số người tử vong kỷ lục này xảy ra trong bối cảnh các nhân viên Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) báo cáo số lượng kỷ lục các vụ bắt giữ dọc biên giới phía nam.
Theo thống kê của CBP do The Epoch Times thu thập được, trong tháng Năm, nhân viên tuần tra biên giới từ Brownsville, Texas, đến San Diego đã bắt giữ 232,628 người vượt biên trái phép — tổng số hàng tháng cao nhất trong vòng 23 năm qua.
Cũng trong tháng đó, 79 người nhập cư bất hợp pháp được phát hiện đã tử vong hoặc thiệt mạng khi đang vượt biên, theo dữ liệu của CBP.
Ông Tom Homan, cựu lãnh đạo Cơ quan Thực thi Nhập cư và Hải quan (ICE), nói với The Epoch Times hồi tháng Sáu: “Khi nhiều người băng qua biên giới, đó chỉ là một bài toán — quý vị tăng số người vượt qua biên giới, quý vị tăng số người tự giao nộp bản thân vào tay các băng nhóm tội phạm — quý vị chắc chắn sẽ làm tăng số người tử vong ở biên giới.”
Ông Homan nói: “Những người rất dễ bị tổn thương chấp nhận rủi ro và trả cho các băng nhóm tội phạm vốn không quan tâm gì đến những người này.” Ông còn cho biết thêm rằng cho đến nay, số người di cư đã thiệt mạng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden nhiều hơn so với “bất kỳ thời điểm nào [mà ông] có thể nhớ được trong sự nghiệp dài 35 năm của [mình].”
Theo dữ liệu của CBP, kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 01/2021, các nhà chức trách biên giới đã bắt giữ hơn 3.2 triệu người vượt biên trái phép. Hơn 800,000 hoặc nhiều hơn nữa đã bị phát hiện nhưng đã trốn thoát.
Anh Gary Bai là phóng viên của Epoch Times Canada, đưa tin về Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Khánh Ngọc biên dịch