Nga thu về 24 tỷ USD nhờ bán dầu cho Trung Quốc, Ấn Độ trong 3 tháng
Nga đã thu về 24 tỷ USD từ việc bán năng lượng cho Trung Quốc và Ấn Độ chỉ trong 3 tháng sau cuộc xâm lược vào Ukraine. Giá dầu thô neo cao phần nào đang hạn chế nỗ lực trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu đối với Moscow.
Giá dầu thô neo cao, Trung Quốc và Ấn Độ bất chấp lệnh trừng phạt vẫn tăng mua dầu từ Nga. (Ảnh minh họa: PX Media/Shutterstock)
Tính đến cuối tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã chi 18,9 tỷ USD cho dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga chỉ trong 3 tháng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu hải quan mới nhất cho thấy.
Trong khi đó, Ấn Độ đã bỏ ra 5,1 tỷ USD để mua năng lượng từ Nga cùng thời điểm trên, gấp hơn 5 lần giá trị của một năm trước. Tổng cộng hai quốc gia đã tăng mua thêm 13 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
“Trung Quốc về cơ bản đã mua mọi thứ mà Nga có thể xuất khẩu thông qua các đường ống và cảng Thái Bình Dương”, Lauri Myllyvirta, nhà phân tích hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch.
Được biết, Trung Quốc là nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới và có các đường ống chuyên dụng cho dầu khí Siberia. Ngay cả khi mức tiêu thụ năng lượng của nước này đã bị hạn chế trong nửa đầu năm 2022 – một phần do các đợt phong tỏa COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán). Tuy vậy, Trung Quốc đã chi tiêu nhiều hơn cho năng lượng của Nga do giá cả hấp dẫn.
Còn Ấn Độ là người mua chủ yếu các hàng hóa của Nga ra khỏi Đại Tây Dương mà các quốc gia châu Âu không muốn mua.
Sự gia tăng chi tiêu của Ấn Độ sau chiến tranh Nga-Ukraine đã kịch tính hơn nhiều, vì nước này không có chung biên giới trên bộ với Nga và các cảng của nước này thường ở quá xa để vận chuyển tiết kiệm chi phí. Nước này đã chi 8,8 tỷ USD cho nhập khẩu dầu mỏ và than đá từ ngày 24/2 đến ngày 30/6, nhiều hơn số tiền này đã bỏ ra cho tất cả hàng hóa của Nga trong cả năm 2021, theo một quan chức Bộ Thương mại, người đã yêu cầu giấu tên vì dữ liệu không được công khai. Người phát ngôn Bộ Thương mại Ấn Độ không bình luận.
Ngoài những bước nhảy vọt về dầu mỏ và than đá, Ấn Độ cũng nhập khẩu ba lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu, so với một lô trong cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu theo dõi tàu của Bloomberg.
“Trong quá khứ, Ấn Độ đã lấy rất ít dầu của Nga, nhưng cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh cấm vận dầu có nguồn gốc từ Nga của Liên minh châu Âu đã dẫn đến sự tái cân bằng trong các dòng chảy thương mại dầu mỏ”, Wei Cheong Ho, một nhà phân tích của Rystad Energy, cho biết trong một ghi chú nghiên cứu vào tháng trước.
Nga có mối quan hệ thương mại lâu dài với Trung Quốc và Ấn Độ, cùng với việc giảm giá mạnh và đang chấp nhận thanh toán bằng nội tệ để giúp giữ cho dòng chảy thương mại đến các quốc gia này mạnh mẽ trong năm nay.
Đợt giảm giá dầu Nga khó có thể kết thúc sớm, với giá năng lượng toàn cầu cao hơn nhiều so với thời điểm này năm ngoái. Trên cơ sở khối lượng, nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng chậm trong tháng 6, trong khi Ấn Độ có thể có động lực để thúc đẩy mua hàng hơn nữa trong những tháng tới khi lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với dầu của Nga có hiệu lực, ông Myllyvirta nhận định.
Đức Minh dịch, theo Bloomberg
Giám đốc FBI và MI5: Đảng CSTQ là mối đe dọa hết sức to lớn
Các nhà lãnh đạo từ các cơ quan tình báo của Anh và Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố chung hiếm hoi vào ngày 6/7, cảnh báo rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự quốc tế.
“Thách thức thay đổi cuộc chơi lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt đến từ ĐCSTQ,” Tổng giám đốc Tình báo Anh MI5 Ken McCallum nhận định.
“Nó đang ngấm ngầm gây áp lực trên toàn cầu. Điều này có vẻ trừu tượng. Nhưng đó là sự thật và rất cấp bách. Chúng ta cần lên tiếng về điều đó. Chúng ta cần phải hành động.”
Ông McCallum mô tả hành động gây hấn của ĐCSTQ là một “thách thức chung to lớn” giữa Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Ông cho rằng, chính quyền cộng sản đang cấu trúc lại bộ máy nhà nước để phá hoại phương Tây một cách có hệ thống và đánh cắp các công nghệ tiên tiến.
Ông McCallum nhấn mạnh: “ĐCSTQ áp dụng cách tiếp cận cấp nhà nước, trong đó các doanh nghiệp và cá nhân buộc phải hợp tác với Đảng.”
“Trong các xã hội tự do, chúng ta có thể làm tốt hơn, bằng cách xây dựng quan hệ đối tác đáng tin cậy trên toàn bộ hệ thống quốc gia của chúng ta và trên phạm vi quốc tế.”
ĐCSTQ là ‘mối đe dọa dài hạn lớn nhất’
Giám đốc FBI Christopher Wray cũng nhìn nhận, ĐCSTQ là thách thức lớn nhất đối với trật tự quốc tế, vốn đang tìm cách làm suy yếu Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác của họ.
Ông nói: “Chúng tôi luôn thấy chính quyền Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, cũng như các đồng minh của chúng tôi ở châu Âu và các nơi khác.”
Ông McCallum cho biết, mục đích của tuyên bố này không phải là để hạ bệ người dân Trung Quốc cũng như cắt đứt các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, mà nhằm giải quyết cụ thể các mối đe dọa do ĐCSTQ gây ra. Những điều này bao gồm hành vi trộm cắp bí mật, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, khai thác nghiên cứu và tấn công mạng nhằm vào hầu hết mọi lĩnh vực của xã hội.
“Quy mô tham vọng của họ rất lớn. Điều đó không còn là bí mật nữa. Bất kỳ một kế hoạch chiến lược công khai nào, chẳng hạn như Made in China 2025, đều thể hiện rõ ràng mục đích của nó,” ông tiếp tục.
“Trung Quốc đang tìm cách ‘uốn nắn’ nền kinh tế, xã hội của chúng ta, thái độ của chúng ta để phù hợp với lợi ích của ĐCSTQ. Để thiết lập các tiêu chuẩn và quy phạm có thể cho phép nó thống trị trật tự quốc tế. Chúng ta cần phải chú ý đến điều này.”
Chính phủ Vương quốc Anh, cũng như các quốc gia khác trên toàn thế giới, là mục tiêu của các chiến dịch gián điệp cấp cao của ĐCSTQ. Đầu năm nay, MI5 đã đưa ra cảnh báo, một điệp viên Trung Quốc đã thiết lập các mối quan hệ sâu rộng trong quốc hội, bao gồm cả thông qua hoạt động gây quỹ. Tương tự như vậy, Vương quốc Anh cũng trục xuất một số gián điệp Trung Quốc giả danh nhà báo.
Các vụ việc đã nhấn mạnh những điều ông McCallum từng trình bày như một sự thật phũ phàng: chủ nghĩa tự do kinh tế của phương Tây đã thất bại trong việc mang lại sự tự do và minh bạch ở Trung Quốc.
Ông McCallum còn lưu ý: “Việc phương Tây cho rằng, sự phát triển thịnh vượng và tăng cường kết nối với phương Tây sẽ khiến Trung Quốc đạt được tự do chính trị lớn hơn, tôi e rằng đó là sai lầm.”
“Nhưng ĐCSTQ lại quan tâm đến hệ thống dân chủ, truyền thông và luật pháp của Hoa Kỳ. Đáng buồn thay, đó không phải để mô phỏng mà lợi dụng chúng cho lợi ích của họ.”
ĐCSTQ nhằm vào nền kinh tế, chính trị Hoa Kỳ
Theo ông Wray, hoạt động gián điệp của ĐCSTQ nhằm vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, từ hàng không đến nông nghiệp. ĐCSTQ còn tham gia vào các hoạt động tích cực trong việc phá hoại cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ, chẳng hạn như một vụ tấn công lớn đã xâm nhập khoảng 100.000 máy chủ vào năm ngoái, điều mà Microsoft cáo buộc là cuộc tấn công của tin tặc do Bắc Kinh hậu thuẫn.
Đáng chú ý, ĐCSTQ dường như đang chuẩn bị cho việc tách rời nền kinh tế của nước này khỏi phương Tây. Đây là một tín hiệu tiềm năng báo hiệu việc Trung Quốc có khả năng tiến hành xâm lược Đài Loan.
Ông Wray giải thích: “Trung Quốc đang tìm cách bảo vệ nền kinh tế của họ trước các lệnh trừng phạt tiềm tàng, cố gắng tránh khỏi bị tổn hại trong trường hợp họ làm bất cứ điều gì để gây phẫn nộ cho hành vi quốc tế. Chúng tôi gọi kiểu hành vi đó là một manh mối.”
Do đó, ông khuyến khích các nhà lãnh đạo trong doanh nghiệp phối hợp với cơ quan FBI và MI5 để bảo vệ cho chính họ và chuẩn bị tốt hơn nữa trong việc đối phó với các nỗ lực của ĐCSTQ nhằm đánh cắp, tống tiền và gây áp lực đối với các doanh nghiệp ở Hoa Kỳ và Anh.
Ông khẳng định, không được đánh giá thấp mối đe dọa như vậy, vì ĐCSTQ đã cố gắng can thiệp trực tiếp vào các cuộc bầu cử Hoa Kỳ bằng cách âm mưu chống lại một ứng cử viên gốc Hoa vào Quốc hội.
“Chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực định hình thế giới bằng cách can thiệp vào chính trị Hoa Kỳ và của các đồng minh của chúng tôi,” ông Wray chỉ ra.
Ông nói thêm: “Chính quyền Trung Quốc đã can thiệp trực tiếp vào cuộc bầu cử quốc hội ở New York, vì họ không muốn ứng cử viên — một người từng tham gia sự kiện biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn và chỉ trích chính quyền ĐCSTQ — đắc cử.”
Tuyên bố đề cập đến trường hợp của ông Yan Xiong, một cựu chiến binh Quân đội Hoa Kỳ, người đã bị ĐCSTQ nhắm tới vào năm ngoái. Vụ việc này là một trong nhiều nỗ lực của Bắc Kinh nhằm theo dõi, đe dọa, quấy rối, hoặc nói cách khác là bịt miệng những người bất đồng chính kiến với chính quyền Trung Quốc đang sinh sống tại Hoa Kỳ.
Ông Wray kết luận, mối đe dọa đối với phương Tây không phải là những người có nguồn gốc từ Trung Quốc, mà là chính ĐCSTQ.
“Chính chính quyền Trung Quốc và ĐCSTQ mới là mối đe dọa mà chúng tôi đang tập trung chống lại, chứ không phải người dân Trung Quốc và chắc chắn không phải người nhập cư Trung Quốc ở các quốc gia chúng ta, những người thường xuyên là nạn nhân của hành động vô pháp của chính quyền Trung Quốc.”
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)