Hàng nghìn người biểu tình tại thủ đô thương mại Colombo của Sri Lanka hôm thứ Bảy (9/7) đã tràn vào dinh thự chính thức của tổng thống, đụng độ với cảnh sát. Đây làm một trong những cuộc biểu tình lớn nhất kể từ tháng Ba khi quốc đảo Nam Á rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong 70 năm qua.
Đoạn video do đài truyền hình địa phương NewsFirst đăng tải cho thấy một số người biểu tình cầm cờ quốc gia Sri Lanka, đội mũ bảo hiểm đã tràn vào dinh thự tổng thống ở thủ đô thương mại Colombo.
Quốc đảo Nam Á 22 triệu dân đang phải vật lộn với tình trạng thiếu ngoại tệ trầm trọng khiến họ bị hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thiết yếu như nhiên liệu, lương thực và thuốc men, từ đó đẩy đất nước vào một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ qua.
Nhiều người dân đổ lỗi sự suy thoái của đất nước cho Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Các cuộc biểu tình ôn hòa lớn đã bùng nổ từ tháng Ba, yêu cầu ông Rajapaksa phải từ chức.
Reuters dẫn nguồn tin từ nhân chứng tại hiện trường cho biết hàng nghìn người hôm 9/7 đã tập trung đông đảo tại khu hành chính ở Colombo. Họ hét lớn các hiệu ngữ chống lại tổng thống và phá dỡ nhiều rào chắn cảnh sát để tiếp cận dinh thự chính thức của ông Rajapaksa.
Cảnh sát đã phải nổ súng bắn chỉ thiên, nhưng không thể ngăn chặn được đám đông giận dữ tràn vào dinh thự tổng thống.
Ông Gotabaya Rajapaksa đã được những người lính bảo vệ phủ tổng thống đưa ra khỏi dinh trước khi những người biểu tình tràn vào.
“Tổng thống đã được đưa đến một nơi an toàn, nhưng ông vẫn là tổng thống và đang được quân đội bảo vệ,” một nhân viên ẩn danh của bộ quốc phòng cho biết.
Bất chấp tình trạng thiếu nhiên liệu đã làm đình trệ các dịch vụ giao thông khắp Sri Lanka, những người biểu tình vẫn chen chúc trên xe buýt, tàu hỏa và xe tải để di chuyển từ nhiều khu vực khắp cả nước tới thành phố Colombo để tham gia phản đối chính phủ thất bại trong việc bảo vệ họ khỏi sự suy sụp kinh tế.
Tình trạng bất mãn trong dân chúng tại Sri Lanka đã tồi tệ hơn trong vài tuần gần đây khi chính phủ thiếu ngoại tệ để nhập các chuyến hàng nhiên liệu. Điều đó khiến chính phủ phải yêu cầu các trường học đóng cửa, chỉ phân bổ xăng và dầu diesel cho các dịch vụ thiết yếu.