Tin thế giới sáng thứ Tư: WHO: Đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành và còn lâu mới kết thúc

WHO: Đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành và còn lâu mới kết thúc

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hôm thứ Ba (12/7) rằng những đợt nhiễm COVID-19 cho thấy đại dịch vẫn đang hoành hành và còn lâu mới kết thúc.Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông lo lắng rằng số ca nhiễm tiếp tục tăng sẽ gây thêm áp lực lên các hệ thống y tế vốn đang căng thẳng.

Ông nói: “Các đợt virus mới chứng tỏ một lần nữa rằng COVID-19 chưa thể kết thúc”, đồng thời nói thêm: “Khi virus tấn công chúng ta, chúng ta phải đẩy lùi chúng”.

Ông nói thêm: “Virus đang hoạt động tự do và các quốc gia không quản lý hiệu quả gánh nặng về dịch bệnh dựa trên năng lực của họ, về cả tỷ lệ nhập viện đối với các trường hợp cấp tính và số lượng ngày càng tăng những người mắc triệu chứng hậu COVID.”

Ủy ban khẩn cấp của WHO về COVID-19 đã họp vào thứ Sáu thông qua hội nghị truyền hình và xác định đại dịch vẫn là Tình trạng Khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần quan tâm của quốc tế.

Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc lần đầu tiên tuyên bố mức cảnh báo cao nhất này đối với COVID-19 vào ngày 30 tháng 1 năm 2020.

Giám đốc các dịch vụ khẩn cấp của WHO, Michael Ryan, nói trong cuộc họp toàn cầu rằng các trường hợp nhiễm COVID-19 được báo cáo cho WHO đã tăng 30% trong hai tuần qua, phần lớn là do các biến thể phụ của Omicron BA.4, BA.5 trong bối cảnh nhiều quốc gia đã nới lỏng hoặc loại bỏ các biện pháp hạn chế.

Ông Ryan cho biết những thay đổi gần đây trong chính sách xét nghiệm đang cản trở việc phát hiện các ca bệnh và theo dõi sự tiến hóa của virus.

Ủy ban khẩn cấp WHO cho biết quỹ đạo tiến hóa của virus và đặc điểm của các biến thể mới vẫn “không chắc chắn và không thể đoán trước”, đồng thời việc chưa có các biện pháp để giảm sự lây truyền hiệu quả đã làm tăng khả năng xuất hiện “các biến thể mới, lạ hơn, với các mức độ độc lực, khả năng lây truyền và khả năng kháng lại kháng thể khác nhau.”

Lê Vy

Thông tấn Trung Quốc công kích lập trường ôn hòa của Thủ tướng New Zealand đối với Bắc Kinh

Rebecca Zhu

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern trình bày trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại Sydney, Úc, hôm 08/07/2022. (Ảnh: Lisa Maree Williams/Getty Images)

Thông tấn nhà nước Trung Quốc đã nhận thấy Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern có lập trường ôn hòa hơn đối với Trung Quốc trong bài diễn văn quan trọng về chính sách ngoại giao mới đây của bà.

Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), một cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc, tuyên bố trong một bài báo rằng việc sử dụng ngôn từ mềm mỏng hơn này đối với Bắc Kinh báo hiệu rằng “ước vọng hão huyền” của Úc để “vận động” New Zealand chống lại Trung Quốc đã tan thành mây khói.

Trong bài diễn văn trước Viện Lowy hôm 07/07, bà Ardern cho rằng ngay cả khi Bắc Kinh ngày càng trở nên hung hăng và quyết đoán hơn trong việc theo đuổi lợi ích của mình, thì ở đó “vẫn có những lợi ích chung mà chúng ta có thể và nên hợp tác.”

Thủ tướng Ardern cũng cho rằng nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, đã đóng một vai trò quan trọng trong khu vực Thái Bình Dương trong nhiều năm qua.

“Sẽ là sai lầm nếu mô tả sự tham gia này, bao gồm cả sự tham gia của Trung Quốc, là một thứ gì đó mới,” bà nói. “Cũng sẽ là sai lầm nếu đặt khu vực Thái Bình Dương vào vị thế mà họ phải ‘chọn bên.’”

“Đây là các quốc gia dân chủ có quyền chủ quyền của riêng họ trong việc quyết định các chính sách tiếp xúc ngoại giao của mình. Chúng tôi có thể là quốc gia trung lập trong cách tiếp cận nhưng có khuynh hướng thiên về Thái Bình Dương trong các giá trị mà chúng tôi áp dụng cho các cuộc tiếp xúc này.”

Các hãng thông tấn Trung Quốc đã nắm bắt những bình luận này, cho rằng những lời nói này đã “phơi bày ảo tưởng” rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một vị khách mới ở khu vực Thái Bình Dương.

Họ cũng dẫn lời một nhà nghiên cứu từ một trường đại học Trung Quốc rằng New Zealand thường bị Úc, Hoa Kỳ, và Vương quốc Anh gây áp lực để điều chỉnh luận điệu và lập trường của họ chống lại ĐCSTQ.

Lập trường của New Zealand

Chính phủ New Zealand đã tỏ ra ngày càng cứng rắn trong việc chống lại nhà cầm quyền Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Tòa Bạch Ốc hồi tháng Năm, bà Ardern nói với các phóng viên rằng New Zealand nằm trong một khu vực “ngày càng tranh chấp” và sự tham gia vào khu vực này phải “tuân theo các điều kiện tương ứng của chúng tôi,” chứ không phải là nhằm để đáp trả Bắc Kinh.

Sau đó, trong hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid hồi tháng Sáu, bà Ardern cho biết trong thời gian gần đây ĐCSTQ đã trở nên “quyết đoán hơn và sẵn sàng thách thức các quy tắc và chuẩn mực quốc tế hơn.”

Bà nói: “Chúng ta phải phản ứng trước những hành động mà chúng ta thấy.”

Đáp lại hai phát ngôn kể trên, Bắc Kinh đã bác bỏ các bình luận của bà Ardern, cảnh báo rằng những lời nói đó “không hữu ích” cho việc tăng cường lòng tin giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên trước đó hồi tháng Tư, bà Ardern đã nói rằng bà ủng hộ mối bang giao của chính phủ bà với chính quyền ĐCSTQ, nói rằng vẫn cần phải “hợp tác cùng nhau” trong các lĩnh vực mà đôi bên cùng có lợi, bất chấp sự “quyết đoán ngày càng tăng” của nhà cầm quyền này trong khu vực.

Bà Ardern nói với BBC: “Trung Quốc không những là một đối tác thương mại rất quan trọng đối với chúng tôi, mà còn có mối bang giao lâu năm với chúng tôi.”

“Ở đâu có những lĩnh vực chúng tôi có thể hợp tác cùng nhau, thì chúng tôi sẽ hợp tác — nhưng sẽ luôn có những lĩnh vực mà chúng tôi không nhất thiết phải đồng thuận, và khi những lĩnh vực đó phát sinh, thì chúng tôi rất thẳng thắn và rõ ràng về lập trường của mình.”

Nền kinh tế của quốc đảo nhỏ bé này phụ thuộc vào đối tác thương mại lớn nhất của họ là Trung Quốc và chính phủ nước này thường không có lập trường cứng rắn đối với nhà cầm quyền Trung Quốc.

Cô Rebecca Zhu sống tại Sydney. Cô chuyên đưa tin về các vấn đề quốc gia của Úc và New Zealand.

Lý do lớn nhất khiến người Mỹ không mua xe hơi điện

Hồng Ân biên dịch

Hàng dài xe điện Tesla Model 3 mới được nhìn thấy ở Richmond, California, hôm 22/06/2018. (Ảnh: Stephen Lam/Reuters)

Một cuộc khảo sát đã tiết lộ rằng hệ thống hậu cần sạc pin là lý do chính khiến người Mỹ không mua xe điện.

Consumer Reports, cho biết họ đã khảo sát khoảng 8,000 người Mỹ, cho thấy 61% nói rằng họ sẽ không tìm cách sở hữu một chiếc xe điện vì lý do hậu cần sạc pin trong khi 55% cho biết lý do là số dặm mà một chiếc xe có thể đi được mỗi lần sạc. 52% khác nói rằng chi phí mua và bảo trì một chiếc xe điện là đắt đỏ.

46% số người được hỏi cho biết họ chưa nghe thấy bất kỳ ưu đãi tài chính nào dành cho chủ sở hữu xe điện.

Báo cáo của Consumer Reports cho biết: “Chúng tôi nhận thấy 14% tài xế Mỹ nói rằng họ sẽ ‘chắc chắn’ mua hoặc thuê một chiếc xe chỉ chạy bằng điện nếu họ định mua một chiếc xe vào ngày hôm nay. Con số này tăng rõ rệt so với 4% đã cho biết như vậy trong một cuộc khảo sát đại diện toàn quốc năm 2020 từ CR với 3,392 người lái xe được cấp phép của Hoa Kỳ.”

Theo số liệu gần đây của Kelly Blue Book, giá trung bình của một chiếc xe điện mới dao động ở mức khoảng 56,000 USD. Ngược lại, giá trung bình của một chiếc xe cỡ nhỏ mới vào khoảng 25,000 USD vào cùng thời điểm đó. Giá trung bình của một chiếc SUV mới không chạy điện là 34,000 USD, trong khi phiên bản chạy điện là gần 45,000 USD.

Trong khi đó, một báo cáo gần đây từ công ty tư vấn và phân tích dữ liệu JD Power cho thấy xe điện và xe hybrid có thể gặp nhiều vấn đề hơn so với động cơ đốt trong.

Trong khi các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong có trung bình 175 sự cố trên 100 xe, con số này đã tăng lên 239 đối với xe hybrid và 240 đối với xe điện, một thông cáo báo chí ngày 28/06 của Nghiên cứu Chất lượng Ban đầu Hoa Kỳ JD Power 2022 cho biết. Điểm thấp hơn thể hiện chất lượng xe cao hơn.

Theo báo cáo, các mẫu xe của Tesla, lần đầu tiên được đưa vào bảng tính toán của ngành, trung bình có 226 sự cố trên 100 xe.

Ông David Amodeo, giám đốc xe hơi toàn cầu tại JD Power, cho biết: “Các nhà sản xuất xe hơi tiếp tục tung ra các phương tiện ngày càng phức tạp hơn về mặt công nghệ trong thời đại thiếu hụt nhiều bộ phận quan trọng để hỗ trợ chúng”.

Trong bối cảnh giá xăng tăng cao, các quan chức Tòa Bạch Ốc tiếp tục đề nghị người Mỹ mua xe hơi điện trong khi Đảng Cộng Hòa đã lỗi cho chính sách của chính phủ ông Biden khiến giá tăng đột biến.

Hồi giữa tháng Sáu, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm gợi ý rằng người Mỹ có thể giải quyết việc phải trả 5 USD cho mỗi gallon xăng bằng cách bỏ động cơ đốt trong để chuyển sang động cơ điện.

Bà nói trong một clip được Đảng Cộng Hòa lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội hôm 14/06. “Nếu quý vị sạc đầy [xe điện] EV của mình và đổ đầy xăng, quý vị sẽ tiết kiệm được 60 USD cho mỗi lần sạc đầy bằng điện thay vì sử dụng xăng, nhưng đó là một viễn cảnh rất hấp dẫn. Nhưng một lần nữa, chúng tôi muốn giảm giá tại trạm xăng.”

Anh Jack Phillips là một phóng viên tin tức nóng hổi của The Epoch Times có trụ sở tại New York.

Vân Du biên dịch

Đồng Euro ngang giá đồng USD lần đầu sau 20 năm

Chiều hôm 12/7, đồng Euro lần đầu đổi ngang giá đồng USD sau 20 năm kể từ năm 2002. (Ảnh: Tero Vesalainen/Shutterstock)

Sau 20 năm đồng Euro mới một lần nữa ngang giá đồng USD. Điều này được cho là báo hiệu nền kinh tế châu Âu đang đi về hướng suy thoái do hậu quả từ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Euro News đưa tin.

Đồng Euro đã mất giá mạnh kể từ đầu tháng 2/2022, thời điểm đó mỗi Euro tương đương 1,13 USD. Đà giảm giá mạnh hơn bắt nguồn từ việc lo ngại Nga sẽ cắt giảm hoàn toàn khí đốt để đáp trả hoặc các lệnh trừng phạt mới liên quan đến cấm nhập khẩu dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực.

Đến nay, có 12 quốc gia của EU đã cắt một phần hoặc hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga.

Chiều hôm 12/7, một đồng Euro đã ngang giá với một USD, lần đầu tiên sau 20 năm hai loại tiền tệ này được đổi tỷ lệ khoảng 1:1. Sự thay đổi này có nghĩa là các công ty và người tiêu dùng châu Âu sẽ trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ mà họ nhập khẩu, trong khi xuất khẩu của châu Âu trở nên rẻ hơn ngay lập tức trên thị trường quốc tế.

Giới đầu tư đang tính toán liệu EUR có giảm xuống dưới đồng USD hay không, lần cuối cùng điều này xảy ra là vào tháng 11/2022, khi đó 1 EUR trị giá 0,99 USD.

Tuy vậy, từ thời điểm đó, đồng Euro đã có một sự gia tăng ổn định, đạt gần 1,6 USD vào mùa hè năm 2008, khi cuộc Đại suy thoái đã tàn phá tài chính trên khắp nước Mỹ.

Nằm ngoài dự đoán, cuộc tấn công toàn diện của Nga chống lại Ukraine vào tháng 2/2022 đã lật ngược tình thế, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế EU. Cuộc xâm lược đã làm đảo lộn thị trường năng lượng và khiến hóa đơn khí đốt tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, Euro News đưa tin.

Cú sốc bất ngờ đã gây ra lạm phát phá kỷ lục trên toàn khu vực đồng Euro, với con số 8,6% trong tháng 6, cùng với sự suy giảm dần trong hoạt động kinh tế.

Sự kết hợp của cả hai yếu tố đã gây ra tình trạng lạm phát đình trệ, một hỗn hợp nguy hiểm làm suy giảm tăng trưởng trong khi hàng hóa vẫn quá đắt đối với người tiêu dùng và các công ty.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất trong nỗ lực chế ngự lạm phát và có kế hoạch tiếp tục làm như vậy khi tình hình tiếp tục xấu đi. Nhưng một số nhà phân tích đã chỉ trích ECB vì đã di chuyển quá muộn so với các đối tác ở Mỹ, Anh và Canada.

Nguồn cung cấp từ đường ống Nord Stream 1 đã ngừng hoạt động vào đầu tuần này để bảo trì theo kế hoạch trong 10 ngày. Không rõ liệu Điện Kremlin có ra lệnh đình chỉ để kéo dài quá thời hạn đó và trở nên vô thời hạn hay không.

“Hãy chuẩn bị cho việc cắt giảm hoàn toàn khí đốt của Nga. Đây hiện là lựa chọn khả thi nhất” Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp, cho biết.

Tú Minh dịch, theo Euro News

Related posts