Chính quyền Ấn Độ hôm thứ Tư (13/7) đã cáo buộc nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc Oppo (tại Ấn Độ) trốn thuế hải quan trị giá 44 tỷ rupee (khoảng 550 triệu USD), theo Nikkei Asia.
Thông báo này được đưa ra sau một loạt các cuộc đột kích vào hoạt động của các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc tại nước này trong bối cảnh các cáo buộc của chính phủ, từ trốn thuế đến gửi tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.
Trong khi các quan chức nói rằng họ đang nhắm mục tiêu vào các vi phạm pháp lý hoặc quy định cụ thể, nhiều chuyên gia cho rằng các động thái cao cấp này diễn ra trong bối cảnh các nhà sản xuất Trung Quốc xâm chiếm lĩnh vực điện thoại thông minh của Ấn Độ và đánh dấu hậu quả mới nhất từ căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa New Delhi và Bắc Kinh.
Thông báo liên quan đến Oppo diễn ra chỉ một tuần sau khi một nhà sản xuất điện thoại di động trung quốc khác – Vivo, bị cáo buộc chuyển gần 625 tỷ rupee (khoảng 7,84 tỷ USD) ra bên ngoài Ấn Độ để tránh phải trả thuế.
Cơ quan chống buôn lậu của Ấn Độ cáo buộc rằng Oppo đã tuyên bố sai về việc miễn trừ khoảng 30 tỷ rupee đối với “một số mặt hàng nhất định” nhập khẩu vào nước này. Cơ quan này cho biết công ty cũng tránh phải trả 14 tỷ rupee tiền thuế bằng cách chuyển tiền ra nước ngoài được dán nhãn là tiền bản quyền và phí giấy phép.
Bên cạnh đó, các nhân viên cấp cao tại công ty đã thừa nhận trong một số tuyên bố tự nguyện nhận lỗi về các mặt hàng nhập khẩu và công ty đã trả lại 4,5 tỷ rupee thuế còn nợ.
Một tòa án Ấn Độ hôm thứ Tư đã dỡ bỏ lệnh đóng băng của cơ quan chống rửa tiền của nước này đối với các tài khoản ngân hàng của Vivo và yêu cầu công ty cung cấp bảo lãnh ngân hàng trị giá 119 triệu USD. Cơ quan này tuần trước đã thu giữ tài sản bao gồm 119 tài khoản ngân hàng với tổng số dư 4,65 tỷ rupee và 2 kg vàng miếng.
Một hãng sản xuất điện thoại khác của Trung Quốc là Xiaomi đã lập nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam thông qua đối tác nhằm cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước lẫn Đông Nam Á. Lô hàng điện thoại đầu tiên đã được chuyển đến nhà phân phối Digiworld.
Trên website của mình, DBG Technology (đơn vị đối tác sản xuất Xiaomi tại Việt Nam) cho biết công ty này chuyên cung cấp dịch vụ sản xuất điện tử, sạc điện ôtô, router Internet, pin năng lượng mặt trời… Theo kế hoạch, công ty này sẽ hoạt động với 10.000-15.000 nhân viên tại tỉnh Thái Nguyên, sản lượng ước tính đạt 30 triệu thiết bị xuất xưởng mỗi năm, giá trị xuất khẩu 4,5 tỷ USD.
Liên quan đến vấn đề bảo mật trên điện thoại, vào tháng 2/2022, Bỉ cảnh báo rằng các sản phẩm từ Xiaomi, nhà sản xuất điện thoại thông minh nổi tiếng của Trung Quốc, có thể đóng một vai trò trong các nỗ lực gián điệp của Trung Quốc. Trong một tuyên bố với một nhà lập pháp Bỉ, Bộ Tư pháp nước này cảnh báo rằng “ít nhất có nguy cơ chuyển dữ liệu không mong muốn cho chính quyền Trung Quốc và có yếu tố gián điệp”.
Vincent Van Quickenborne, quan chức Bỉ đã đưa ra cảnh báo, trích dẫn một báo cáo của Forbes từ năm 2020 cho thấy điện thoại thông minh Redmi Note 8 của Xiaomi đã gửi dữ liệu duyệt web của người dùng đến các máy chủ ở Trung Quốc.
Ông cũng lưu ý một tuyên bố từ bộ phận an ninh mạng của Lithuania rằng điện thoại thông minh Xiaomi được đóng gói với phần mềm có khả năng kiểm duyệt các cụm từ chính trị nhạy cảm, bao gồm cả những cụm từ liên quan đến Đài Loan, Tây Tạng và các chủ đề chính trị khác. Chính phủ Lithuania cũng nêu chi tiết các lỗ hổng bảo mật trong các thiết bị Huawei.
Tú Minh (t/h)