Cù Tuấn, dịch
13-7-2022
Tóm tắt: Hỏa tiễn HIMARS do Mỹ cung cấp đang xóa sổ các kho chứa vũ khí và các sở chỉ huy của Nga.
Một cuốn sổ tay của quân đội Mỹ xuất bản năm 2016 ghi nhận: “Các kho chứa đạn dược của Nga có thể là những nơi không an toàn nhất trong bất kỳ khu vực chiến sự nào.” Lượng lớn đạn dược không được cất giữ an toàn, và nhiều loại đạn có niên đại từ thời Liên Xô, vốn đã gần hết hạn sử dụng, tạo ra “một kho chất nổ sẵn sàng phát nổ“. “Việc ưu tiên nhắm mục tiêu vào các khu vực này sẽ gây ra căng thẳng về hậu cần nghiêm trọng cho bộ máy chiến tranh của Nga“, sổ tay kết luận. Các tướng Ukraine hiện đang thử nghiệm lý thuyết đó.
Vào ngày 11 tháng 7, một kho đạn của Nga ở Nova Kakhovka, miền nam Ukraine (xem bản đồ) đã phát nổ một cách ngoạn mục. Hình ảnh vệ tinh cho thấy toàn bộ cơ sở này đã biến mất chỉ sau một đêm. Cơ sở này được cho là nạn nhân mới nhất của Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), mà Mỹ bắt đầu gửi đến Ukraine vào cuối tháng 6.
Mỹ đã cung cấp 8 HIMARS và ngày 8/7 cho biết, họ sẽ gửi thêm 4 hệ thống nữa. Mỗi hệ thống mang theo một bệ phóng sáu tên lửa dẫn đường GPS có độ chính xác cao, xa tới 84km hoặc hơn – gần gấp ba lần tầm bắn của các loại pháo được gửi tới Ukraine trước đó. Các quan chức Mỹ đã cảnh giác với việc cung cấp nhiều vũ khí này hơn cho đến khi họ thấy rõ ràng rằng Ukraine có khả năng sử dụng chúng một cách hiệu quả. Mặc dù trông bề ngoài HIMARS giống với các bệ phóng tên lửa thời Liên Xô, có tác dụng phóng đầu đạn xuống một khu vực rộng lớn, nhưng các hệ thống này chính xác hơn nhiều và cần được sử dụng một cách thận trọng để tiết kiệm đạn dược.
Cho đến nay, Ukraine dường như đã vượt qua bài kiểm tra. Cơ sở Nova Kakhovka có lẽ là kho đạn thứ 19 bốc cháy kể từ ngày 27 tháng 6, theo một cuộc kiểm đếm của Kyle Glen, một nhà phân tích nguồn mở. Một cuộc tấn công vào một sở chỉ huy ở tỉnh Kherson vào ngày 10 tháng 7 được cho là đã giết chết chỉ huy Sư đoàn súng trường cơ giới 20 của Nga và một số sĩ quan cấp cao của lực lượng này, cùng với tham mưu trưởng quân đoàn 22, một thiếu tướng.
Các cuộc tấn công bằng HIMARS dường như đã xảy ra trên khắp các chiến tuyến, từ Luhansk ở phía đông đến Kherson ở phía nam. Kirill Mikhailov thuộc Đội tình báo xung đột, một nhóm nghiên cứu mã nguồn mở, cho biết khẩu đội đầu tiên gồm 4 bệ phóng đã được triển khai ở tả ngạn sông Dnipro và đã được sử dụng để chống lại các mục tiêu ở Kharkiv, Zaporizhzhia và Donbas. Gần đây, một hệ thống HIMARS khác đã được triển khai đến hữu ngạn sông này và dường như đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc phản công xung quanh tỉnh Kherson.
Các chỉ huy của Ukraine đang rất vui mừng. Họ nói rằng những hệ thống này đang đẩy cuộc chiến trở lại có lợi cho họ sau các thất bại ở Severodonetsk và Lysychansk – các thành phố ở Luhansk. Một đại tá phụ trách việc triển khai HIMARS nói rằng, vũ khí này đang tỏ ra hiệu quả trong việc tiêu diệt một loạt mục tiêu, từ các sở chỉ huy đến doanh trại, trong khi vẫn gần như không bị bắn trả nhờ khả năng “bắn và di chuyển” nhanh chóng. Ukraine dường như đang sử dụng các tên lửa từ thời Liên Xô để gây nhầm lẫn và áp đảo các hệ thống phòng không của Nga, trước khi bắn ra các loại đạn dẫn đường bằng GPS mới.
Vị đại tá nói rằng sẽ cần thêm hàng chục hệ thống tên lửa nữa để có thể thực hiện một cuộc phản công thực sự. Ông cũng thừa nhận rằng HIMARS có thể kém hiệu quả hơn khi Nga thích nghi theo, chẳng hạn bằng cách ngụy trang các mục tiêu chính. Nhưng thực tế là quân Nga đã không thực hiện các biện pháp phòng ngừa như vậy mặc dù đã có thông báo trong nhiều tuần rằng HIMARS sắp dẫn đến sự thay đổi cấu trúc của cuộc chiến.
Quân đội Mỹ có xu hướng phân tán và che giấu các kho chứa đạn dược của mình trên nhiều địa điểm nhỏ hơn. Quân đội Nga là lực lượng chủ yếu dựa vào các đoàn tàu để di chuyển bom đạn và sức người để chất chúng lên xe tải, nên thay vào đó đã tạo ra các kho chứa lớn gần các đầu mối đường sắt — thường bằng cách tiếp quản và sử dụng các trung tâm phân phối công nghiệp dân sự. Điều này vẫn ổn cho đến khi HIMARS xuất hiện. Việc phân tán đạn dược ra khỏi các kho lớn đó sẽ đòi hỏi một lượng lớn thiết bị hoặc nhân lực mới. Việc di chuyển các kho đạn này ra xa tiền tuyến cũng sẽ gây khó khăn cho đội xe tải vốn đã bị giới hạn của quân đội Nga: khi tăng gấp đôi khoảng cách đi lại, cần gấp đôi số lượng xe tải cần thiết hoặc chỉ còn một nửa lượng đạn dược được chuyển tới.
Ngay cả khi Nga di chuyển chuỗi cung ứng của mình một cách thận trọng ra khỏi phạm vi pháo kích của HIMARS, giải pháp có thể chỉ là tạm thời. Mỹ, vốn cảnh giác với việc leo thang chiến tranh, đã gửi HIMARS tới với điều kiện Ukraine không được sử dụng chúng bắn vào các mục tiêu trên đất Nga. Để đề phòng thêm, Mỹ không cung cấp cho Ukraine loại vũ khí có tầm bắn xa nhất: Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (Army Tactical Missile System, atacms) với tầm bắn 300km.
Nếu Mỹ cung cấp cho Ukraine loại pháo như vậy, bất kể lãnh thổ nào do Nga chiếm đóng đều sẽ nằm trong tầm bắn của hỏa lực pháo Ukraine. Khoảng không pháo kích này bao gồm cả bán đảo Crimea, mà Nga sáp nhập vào năm 2014, cũng như cây cầu Kerch nối nó với Nga, các tàu Nga ở các cảng của Crimea và nhiều mục tiêu ngon lành khác.