Vụ Tịnh thất Bồng Lai: Ông Lê Tùng Vân bị tuyên phạt 5 năm tù
HĐXX TAND huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) đã tuyên phạt ông Lê Tùng Vân 5 năm tù; 5 người còn lại từ 3 – 4 năm tù.
Ngày 21/7, HĐXX TAND huyện Đức Hòa (Long An) tuyên án sơ thẩm đối với 6 người liên quan đến vụ Tịnh thất Bồng Lai, về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” tại Khoản 2, Điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt ông Lê Tùng Vân 5 năm tù; ông Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương cùng mức án 4 năm tù; ông Lê Thanh Nhị Nguyên 3 năm 6 tháng tù; bà Cao Thị Cúc 3 năm tù.
Trên Facebook cá nhân của luật sư Đặng Đình Mạnh (người bào chữa cho các bị cáo), ông cho biết phiên tòa kết thúc vào lúc 20h06.
“Xin tòa nhớ cho, những gì xảy ra tại phiên tòa hôm nay sẽ là lịch sử cho mai sau”, ông Trùng Dương nói lời cuối cùng tại phiên tòa.
Trước đó, tại phiên tòa hôm 20/7, ông Trùng Dương khẳng định trong khi hỏi cung ông bị cán bộ điều tra ép nhận tội bằng cách dùng nhục hình.
“Trong lúc điều tra, tôi bị một cán bộ tên Phong ở huyện Đức Hòa đánh tôi 3 bạt tai, và còng bàn tay tôi như tù nhân, siết rất chặt làm máu không lưu thông. Lúc đó tôi sắp xỉu cho nên lúc đó tôi xin với cán bộ đi vào phòng bên trong, và tôi bị cán bộ Pháp uy hiếp tôi cho nên mới có những lời khai trong bản khai không đúng sự thật”, ông Dương nói.
Ông Lê Thanh Nhất Nguyên cho rằng ông bị đánh trong giai đoạn điều tra, “khi chưa có luật sư thì tôi bị đánh, còn khi có sự tham dự của các luật sư thì tôi không còn bị đánh nữa, do đó tôi yêu cầu phải điều tra lại toàn bộ sự việc”.
Ông Lê Thanh Nhị Nguyên cũng khẳng định bản thân bị cơ quan điều tra đe dọa.
Cáo trạng của VKSND tỉnh Long An cáo buộc 6 bị cáo do ông Lê Tùng Vân làm chủ mưu đã có những hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, họ bị cho là đã đăng tải nhiều bài viết, clip trên mạng xã hội Facebook và YouTube trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021 có thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của cơ quan Công an huyện Đức Hòa, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (tức hòa thượng Thích Nhật Từ).
Các luật sư đại diện cho các bị cáo đã phản bác cáo buộc này và cho rằng một video clip được sử dụng làm chứng cứ là giả tạo.
Đây là phiên toà hiếm hoi được tổ chức phát sóng trực tiếp trên mạng internet, các phóng viên của các báo trong nước cũng được tham dự và cập nhật trực tiếp, một màn hình và hệ thống âm thanh cũng được bố trí ở một nhà văn hoá gần đó để người dân được theo dõi.
Thông thường, các phiên tòa có bị cáo bị cáo buộc theo Điều 331 về mặt nguyên tắc là được mở công khai, nhưng trên thực tế thì người dân rất khó tiếp cận, thậm chí đến cả người thân của bị cáo cũng khó tham dự.
Phạm Toàn
8 cán bộ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình bị bắt, khởi tố
8 lãnh đạo và cán bộ thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình (trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước – Bộ Tài chính) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ngày 21/7, báo chí nhà nước đưa tin công an tỉnh Thái Bình khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc của 8 bị can là lãnh đạo, cán bộ của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình (số 73 đường Trần Phú, phường Trần Hưng Đạo, TP. Thái Bình) và một số chi cục trực thuộc.
Các bị can gồm: Lê Văn Sáu (SN 1964, trú tại phường Quang trung, TP. Thái Bình, Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình); Vũ Văn Tại (SN 1964, trú tại phường Trần Lãm, TP Thái Bình, Phó Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình); Mai Lâm Hoàn (SN 1978, trú tại phường Trần Hưng Đạo, TP. Thái Bình, là Trưởng phòng Tài chính kế toán Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình); Phạm Văn Dân (SN 1962, trú xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, giữ chức Chi cục trưởng Chi cục dự trữ huyện Vũ Thư); Bùi Xuân Cường (SN 1968, trú tại phường Bồ Xuyên, TP. Thái Bình, Chi cục trưởng Chi cục dự trữ huyện Đông Hưng).
Lúc 13h chiều nay (21/7), tại trụ sở Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình, 2 xe ô tô biển xanh đã xuất hiện. Bên trong cơ quan này có nhiều cán bộ của cơ quan tố tụng đến làm việc.
Gần 1 giờ sau, 2 chiếc xe này rời trụ sở Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình về Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, công an tỉnh Thái Bình.
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình (trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước – Bộ Tài chính) có chức năng trực tiếp quản lý hàng dự trữ Nhà nước và thực hiện quản lý Nhà nước đối với các hoạt động dự trữ Nhà nước tại tỉnh.
Về cơ cấu tổ chức, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình gồm có Phòng Kế hoạch và Quản lý hàng dự trữ; Phòng Kỹ thuật bảo quản; Phòng Tài chính Kế toán; Phòng Tổ chức Hành chính và Phòng Thanh tra.
Trực thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình là 5 chi cục cấp huyện, gồm: Chi cục Quỳnh Phụ, Chi cục Kiến Hải (huyện Kiến Xương và huyện Tiền Hải), Chi cục Hưng Hà, Chi cục Đông Hưng và Chi cục Vũ Thư.
Về quy định nhiệm vụ, quyền hạn, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình có các nhiệm vụ chính như:
1/ Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn về dự trữ Nhà nước trên địa phương thuộc phạm vi quản lý; xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách hàng năm của đơn vị;
2/ Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị dự trữ trên địa bàn trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch dự trữ theo đơn đặt hàng của Nhà nước theo phân công của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước;
3/ Thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật dự trữ Nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý hàng dự trữ, các tổ chức, cá nhân sử dụng quỹ dự trữ nhà nước; Tổ chức thực hiện công tác mua, bán, nhập, xuất hàng dự trữ theo kế hoạch được giao…
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình còn có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo quản hàng dự trữ Nhà nước; thực hiện quản lý chất lượng hàng dự trữ Nhà nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do nhà nước quy định; thực hiện công tác bảo vệ, bảo mật, phòng chống cháy, nổ, bão lụt, giữ gìn an toàn hàng dự trữ theo quy định… và các nhiệm vụ khác.
Phạm Toàn
Việt Nam xuất hiện biến thể phụ BA.2.12.1 của Omicron
Thông tin trên được TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nói tại “Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022”, vào chiều ngày 21/7.
Theo ông Thượng, số ca mắc COVID-19 tại các tỉnh khu vực phía Nam giảm dần trong thời gian vừa qua và thấp nhất vào tuần 24-26, sau đó có sự gia tăng nhẹ từ tuần 27 đến nay.
Về kết quả giải trình tự gen, ông Thượng cho biết những tuần trước biến thể phụ BA.2 chiếm chủ yếu tại khu vực phía Nam. Tuy nhiên, 3-4 tuần gần đây lại xuất hiện ổ dịch của chủng Delta làm tăng số ca mắc.
“Trong tuần vừa rồi, trong số hơn 30 mẫu được làm giải trình tự gen thì biến thể phụ BA.2 chiếm khoảng 30%, còn lại là BA.4, BA.5, đồng thời phát hiện thêm cả biến thể phụ BA.2.12.1”, ông Thượng nói.
Ông Thượng cho hay theo y văn thế giới, biến thể phụ BA.4 và BA.5 có khả năng lẩn tránh miễn dịch tốt hơn so với biến thể gốc của Omicron. Hai biến thể này có hiệu giá kháng thể trung hòa thấp hơn khoảng 7,5 lần so với biến thể phụ BA.1. Đồng thời, có khả năng kháng với kháng thể vắc-xin cao gấp 3-4 lần so với các biến thể cũ của Omicron.
Biến thể phụ BA.2.12.1 tăng 1.8 lần khả năng kháng với kháng thể tạo ra từ vắc-xin so với biến thể phụ BA.2.
“Vì thế, nếu chúng ta không làm tốt các biện pháp phòng dịch thì dự báo ca mắc sẽ gia tăng”, ông Thượng nói.
TS Ngũ Duy Nghĩa, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), cho biết 6 tháng đầu năm các tỉnh miền Bắc ghi nhận gần 7 triệu ca COVID-19, chiếm 95% tổng số ca mắc của cả toàn bộ đợt dịch từ đầu năm đến giờ, chủ yếu cộng đồng, số nhỏ ca xâm nhập. Đỉnh dịch rơi vào tháng 3 với 5 triệu ca mắc, sau đó giảm dần.
Cách đây 2-3 tuần, số mắc tăng nhẹ trở lại tuy nhiên không cao, mức 400.000 – 500.000 trường hợp/tháng. Tất cả 28 tỉnh thành phía Bắc đều ghi nhận ca bệnh, trong đó Hà Nội có số mắc cao nhất.
6 tháng đầu năm, miền Bắc có 3.133 trường hợp tử vong do COVID-19, chiếm 97% ca tử vong đầu dịch đến nay (3.214 ca). Hà Nội có số tử vong cao nhất.
Theo ông Nghĩa, đến hết tháng 1/2022, chủng Omicron chiếm 70% ca mắc, còn lại 30% là chủng Delta. Từ tháng 2, 3 trở đi, chủng Omicron tăng dần, chiếm 91 – 95%. Từ tháng 5, miền Bắc chỉ còn chủng Omicron.
Từ tháng 6, các biến chủng phụ của Omicron là BA.5 xuất hiện với 3 trường hợp ở Hà Nội. Tháng 7/2022, miền Bắc phát hiện 6 trường hợp biến thể phụ BA.5, các ca ghi nhận ở Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An và Hải Dương.
Minh Long