Bắc Ninh: Hai cựu Chủ tịch thành phố Từ Sơn bị bắt
Ông Nguyễn Văn Quỹ và Nguyễn Xuân Thanh, cựu Chủ tịch UBND TP. Từ Sơn, bị bắt với cáo buộc sai phạm liên quan đến đất đai.
Ngày 22/7, cơ quan an ninh điều tra, công an tỉnh Bắc Ninh có quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Xuân Thanh (cựu giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bắc Ninh, cựu chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn – nay là TP. Từ Sơn), vì tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ông Thanh trưởng thành từ cán bộ phòng địa chính Từ Sơn, sau đó lần lượt trải qua các chức vụ trước khi là Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn. Tháng 3/2021, khi đang là Bí thư huyện ủy Tiên Du, ông Thanh được bầu là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh. Ngày 21/7, HĐND tỉnh Bắc Ninh miễn trừ thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh với ông Thanh.
Cơ quan công an cũng quyết định khởi tố, bắt ông Nguyễn Văn Quỹ (cựu Chủ tịch UBND TP. Từ Sơn) vì tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Quỹ từng là chủ tịch thị xã Từ Sơn, Phó ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau đó là Chánh văn phòng HĐND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2016-2021.
Cơ quan điều tra còn khởi tố ông Nguyễn Văn Hải, Mầu Quang Thắng, Nguyễn Ngọc Sơn (cùng trú tại TP. Bắc Ninh), cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ông Hải và Thắng bị bắt tạm giam, còn Sơn bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Chức danh trước khi bị khởi tố và vi phạm cụ thể của 3 bị can này chưa được công bố.
Trước đó, công an tỉnh Bắc Ninh đã bắt tạm giam ông Nguyễn Thế Tuấn (nguyên Phó chủ tịch thường trực TP. Từ Sơn) và ông Phạm Quốc Tuấn (Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh) và một trưởng phòng của Sở.
Được biết, cơ quan an ninh điều tra bắt tạm giam các bị can để điều tra sai phạm liên quan đến dự án đấu giá đất tại phường Đồng Nguyên, TP. Từ Sơn, Bắc Ninh.
Phạm Toàn
Thái Lan ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ
Hôm 21/7 vừa qua, Bộ Y tế Thái Lan xác nhận đã phát hiện ca đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này tại đảo Phuket. Được biết, bệnh nhân là nam giới, 27 tuổi, mang quốc tịch Nigeria.
Theo nhân viên y tế cấp cao Opart Karnkawinpong, bệnh nhân từ Nigeria tới và đã ốm mệt khoảng 1 tuần nay. Như vậy, hiện khu vực châu Á có 4 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca mắc đậu mùa khỉ gồm Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan.
Bệnh đậu mùa khỉ lây từ động vật sang người và ca bệnh đầu tiên trên thế giới được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Trước đây, bệnh đậu mùa khỉ chỉ xảy ra ở các nước lưu hành bệnh thường xuyên – chính là các quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, căn bệnh này đã bùng phát tại nhiều quốc gia châu Âu, trong đó ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở Anh vào tháng 5/2022. Đây được đánh giá là đợt dịch hiếm gặp. Các nhà khoa học đang tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/7 đã triệu tập họp ủy ban chuyên gia về bệnh đậu mùa khỉ để quyết định liệu căn bệnh này có trở thành tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, mức cảnh báo cao nhất mà WHO có thể ban bố, hay không. Đây là cuộc họp thứ 2 của ủy ban trên nhằm đánh giá liệu có phải tình hình đang xấu đi trong bối cảnh WHO đã nhận được báo cáo về gần 14.000 ca mắc bệnh trên ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trước đó, giới chức trách Anh Quốc cho biết bệnh đậu mùa khỉ đang bùng phát mạnh trên khắp đất nước, chủ yếu là ở những người đồng tính nam, song tính, hoặc đàn ông khác có quan hệ tình dục đồng giới. Họ kêu gọi bất kỳ ai có bạn tình mới hoặc nhiều bạn tình cần cảnh giác trước các triệu chứng của căn bệnh này.
Phan Anh
Vụ thi thể lìa đầu tại Hải Phòng: Thêm một người tử vong
Cuối ngày 22/7, sau khi phần đầu của người phụ nữ trung niên được phát hiện trong quán ăn gia đình, thêm một người đàn ông được xác định đã tử vong. Người này làm phục vụ tại quán và có quan hệ tình cảm với nạn nhân.
Công an TP và Công an quận Kiến An phong tỏa hiện trường, điều tra vụ việc. (Ảnh: Người dân ghi lại/Facebook)
Theo thông tin từ báo nhà nước, nạn nhân đầu tiên được phát hiện là bà N.T.H (SN 1968, thường trú ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng). Bà H. cùng con gái mở quán ốc ở khu nhà Tinh Thành Quốc Tế (phường Bắc Sơn, quận Kiến An, TP Hải Phòng) được gần 1 tháng nay.
Vào chiều 22/7, con gái bà H. đến quán ăn của gia đình thì phát hiện mẹ đã tử vong, phần đầu ở trong quán.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng của Công an TP Hải Phòng phối hợp với Công an quận Kiến An tới phong tỏa hiện trường, khám nghiệm, điều tra vụ việc. Qua khám nghiệm tử thi và các dấu vết tại hiện trường, cơ quan chức năng xác định nghi vấn bà H. bị sát hại.
Các bản tin không nêu rõ thời gian tử vong của nạn nhân và vị trí của phần còn lại của thi thể.
Khoảng đất lớn tại Khu nhà Tinh Thành Quốc Tế (phường Bắc Sơn, quận Kiến An, TP Hải Phòng) bị phong tỏa. (Ảnh: Người dân ghi lại/Facebook)
Theo tin công bố, qua rà soát các mối quan hệ, công an bước đầu xác định nghi phạm là một người đàn ông quê xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Người này có 2 tiền án và đang làm phục vụ tại quán ăn trên và có quan hệ tình cảm với bà H.
Trong quá trình truy vết nghi phạm, cơ quan chức năng phát hiện người đàn ông này đã chết, nghi tự sát bằng điện tại huyện An Dương, TP Hải Phòng, các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên dẫn nguồn tin cho biết vào đêm 22/7.
Nguyễn Sơn
Mì gói, phở ăn liền Việt Nam lại bị EU cảnh báo chất Ethylene Oxide vượt quy định
Một số nước liên minh châu Âu (EU) lại vừa gửi cảnh báo, thu hồi hoặc trả lại sản phẩm mì gói, phở ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam do vi phạm quy định an toàn thực phẩm liên quan đến chất Ethylene Oxide.
Việt Nam đứng thứ ba về tiêu thụ mì ăn liền sau Trung Quốc và Indonesia, với khoảng 7,03 tỷ gói mì ăn liền được sử dụng vào năm 2020, theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới. (Ảnh minh họa: Monthira/Shutterstock)
Theo truyền thông trong nước, ngày 22/7, ông Ngô Xuân Nam – Phó giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7, văn phòng SPS nhận được 3 cảnh báo từ Hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm của EU.
Cụ thể, Đức, Ba Lan và Malta gửi cảnh báo các sản phẩm mì ăn liền, bánh phở nhập khẩu từ Việt Nam vi phạm các quy định về việc chứa chất Ethylene Oxide vượt ngưỡng quy định của EU.
Theo đó, ông Nam cho biết Đức gửi cảnh báo sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty CP thực phẩm Á Châu (TP Thuận An, Bình Dương) chứa chất cấm Ethylene Oxide vượt ngưỡng quy định của EU.
Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở thương hiệu Nguyễn Gia vì sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép. Nước này cũng đã thực hiện biện pháp giám sát và thu hồi sản phẩm.
Còn Ba Lan cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty CP kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam – Vifon (quận Tân Phú, TP.HCM), hiện nước này đã trả lại lô hàng.
Theo ông Nam, việc doanh nghiệp của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của EU sẽ gây khó khăn cho quá trình tháo gỡ việc giảm tần suất kiểm tra mì ăn liền của Việt Nam vào EU của Văn phòng SPS Việt Nam.
“Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt lưu ý về ngưỡng an toàn của chất Ethylene Oxide. Bởi tại EU quy định ngưỡng này ở mức rất thấp”, ông Nam cho biết các quốc gia có quy định về chất này không giống nhau. Riêng tại EU quy định trong khoảng 0,02-0,2 mg/kg tổng hàm lượng Ethylene Oxide và 2-Chloroethanol, tùy sản phẩm, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Ông Nam cho biết hiện nay tần suất kiểm tra sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam vào thị trường EU ở mức 20%. Trong phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO vào hôm 23/6, Văn phòng SPS Việt Nam cùng Bộ Công Thương và các đơn vị đã làm việc với EU cam kết Việt Nam sẽ kiểm soát chất lượng sản phẩm mì ăn liền đáp ứng thị trường này.
“Hy vọng thời gian tới, EU sẽ xem xét giảm tần suất kiểm tra đối với sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu. Bởi định kỳ 6 tháng một lần, EU sẽ xem xét danh sách các thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, từ một số nước thứ ba chịu sự tăng cường tạm thời của biện pháp kiểm soát chính thức tại các chốt kiểm soát biên giới để đảm bảo an toàn thực phẩm”, ông Nam nói, Zing dẫn lời.
Trước đó, ngày 13/6, EU chính thức thông báo tiếp tục duy trì yêu cầu bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm và tần suất kiểm tra 20% đối với mì ăn liền có nguồn gốc từ Việt Nam (trong thành phần có chứa gia vị và một số nguyên liệu, phụ gia khác).
Ở vụ việc liên quan đến dư lượng chất này, ngày 20/8/2021, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) đã thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide, trong đó có mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77 g, lô hạn sử dụng đến 24/9/2022) và miến Good vị sườn heo (loại 56 g, lô hạn sử dụng đến 10/11/2022) do Acecook Việt Nam sản xuất.
Ethylene chlorohydrin (còn gọi là 2-chloroethanol, viết tắt 2–CE) là sản phẩm phụ trong quá trình khử trùng bằng ethylene oxide (viết tắt là EO). Các quy định về hàm lượng 2–CE trong thực phẩm tại các quốc gia trên thế giới là khác nhau. Trong khi tại châu Âu, Ethylene Oxide được xếp nhóm các sản phẩm thuốc trừ sâu, bị cấm dùng trong thực phẩm bán ra do có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài.
Kiến Minh