Ngũ cốc được đổ từ máy gặt đập liên hợp vào máy kéo ở làng Mala Divytsa, Ukraine ngày 27/07/2015. (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP/Getty Images) Tây Dương
Hôm thứ Sáu (22/07), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết Nga và Ukraine đã ký một thỏa thuận cho phép xuất cảng hàng triệu tấn ngũ cốc trong bối cảnh chiến tranh diễn ra giữa hai nước này.
Thỏa thuận được ký kết tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ cho phép Ukraine xuất cảng ngũ cốc qua Biển Đen. Thỏa thuận đạt được sau nhiều tháng đàm phán giữa hai bên, do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
“Hôm nay, có một ngọn hải đăng trên Biển Đen. Một ngọn hải đăng hy vọng, một ngọn hải đăng triển vọng, một ngọn hải đăng cứu trợ trong một thế giới cần nó hơn bao giờ hết,” ông Guterres nói hôm thứ Sáu tại Istanbul.
Ông Guterres cho biết hiệp định này mở ra con đường xuất cảng thực phẩm thương mại với khối lượng lớn từ ba cảng quan trọng của Ukraine là Odesa, Chernomorsk, và Yuzhny. Liên Hiệp Quốc sẽ thành lập một trung tâm điều phối để giám sát việc thực hiện thỏa thuận này.
“Thúc đẩy phúc lợi của nhân loại là động lực của các cuộc đàm phán này,” ông nói. “Vấn đề không phải là điều gì tốt cho phía bên này hay phía bên kia. Trọng tâm là những gì quan trọng nhất đối với con người trên thế giới chúng ta. Và đừng nghi ngờ gì nữa — đây là một thỏa thuận cho cả thế giới.”
Nga và Ukraine, đều là những nhà xuất cảng lương thực hàng đầu thế giới, đã cử các bộ trưởng quốc phòng và cơ sở hạ tầng lần lượt tới Istanbul để dự lễ ký kết. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng sẽ có mặt tại sự kiện này.
Thêm chi tiết
Một cuộc phong tỏa các cảng của Ukraine bởi hạm đội Biển Đen của Nga đã khiến hàng chục triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các hầm chứa và khiến nhiều tàu bị mắc cạn. Một số quan chức phương Tây cho biết sự việc này đã khiến tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu càng tồi tệ hơn và, cùng với các lệnh trừng phạt sâu rộng của phương Tây, đã gây ra lạm phát phi mã đối với giá thực phẩm và năng lượng trên khắp thế giới.
Moscow bác bỏ thông tin cho rằng họ đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực và cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây là lý do tại sao. Nga cũng cáo buộc các lực lượng Ukraine đặt mìn dọc theo các hướng tiếp cận các cảng Biển Đen của nước này.
Ukraine và Nga đã đạt được một vài thỏa thuận kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu vào ngày 24/02. Các vòng đàm phán hòa bình trước đó được tổ chức tại nước láng giềng Belarus đã không mang lại thỏa thuận nào, trong khi các cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng Ba không có kết quả.
Trước khi thỏa thuận này được ký kết hôm thứ Sáu, một quan chức Kyiv cho biết nước này sẽ không trực tiếp đàm phán với Moscow.
“Ukraine không ký bất kỳ văn bản nào với Nga. Chúng tôi sẽ ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ”, trợ lý tổng thống Mykhaylo Podolyak cho biết qua Twitter. Ông nói thêm rằng Nga sẽ ký một thỏa thuận khác với hai bên [Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ].
Tuy nhiên hôm thứ Sáu, ông Guterres cho biết thỏa thuận về ngũ cốc là “một thỏa thuận chưa từng có giữa hai bên tham gia vào cuộc xung đột đẫm máu. Tuy nhiên cuộc xung đột đó vẫn sẽ tiếp tục. Mọi người đang mất đi sinh mệnh mỗi ngày. Giao tranh đang diễn ra ác liệt mỗi ngày.”
Một hiệp ước khác được ký hôm thứ Sáu sẽ dàn xếp việc xuất cảng thực phẩm và phân bón của Nga vốn được Liên Hiệp Quốc hoan nghênh. Để giải quyết mối lo ngại của Nga về các tàu buôn lậu vũ khí sang Ukraine, tất cả các tàu trở về sẽ được đại diện các bên kiểm tra tại một cảng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.
Cẩm An biên dịch
Ngoại trưởng Ukraine nói không tin tưởng Nga tôn trọng thỏa thuận ngũ cốc
Ukraine nhấn mạnh rằng Kyiv không tin tưởng Nga sẽ tôn trọng thỏa thuận về việc dỡ bỏ phong tỏa tại các cảng ở Biển Đen đối với hàng chục triệu tấn ngũ cốc của Ukraine.
Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng Ukraine đặt niềm tin vào Liên Hợp Quốc – tổ chức sẽ điều phối việc đưa các tàu Ukraine qua Biển Đen một cách an toàn – chứ không phải Moscow.
“Ukraine không tin tưởng Nga”, ông Kuleba nói. “Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai có lý do gì để tin tưởng Nga.”
“Chúng tôi đầu tư niềm tin vào Liên Hợp Quốc như là động lực của thỏa thuận này”, ông Kuleba nói thêm, đồng thời lưu ý rằng Tổng thư ký António Guterres “cũng đầu tư vào danh tiếng và năng lực của mình, để đảm bảo rằng thỏa thuận này hoạt động và Nga không phá vỡ nó, vì họ [Nga] đã phá vỡ rất nhiều thỏa thuận và đồng thuận khác.”
Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đều đã ký các thỏa thuận song song riêng biệt với Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tại Istanbul vào thứ Sáu, sau hai tháng đàm phán.
Các hiệp định sẽ cho phép thành lập một trung tâm điều phối ở Istanbul do các quan chức Liên Hợp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine cùng làm việc. Thỏa thuận có hiệu lực trong 120 ngày, sau đó các bên có thể đồng ý gia hạn.
BBC đưa tin rằng theo các điều khoản của thỏa thuận được ký hôm thứ Sáu, Moscow cho biết họ sẽ không nhắm mục tiêu vào các cảng trong khi các chuyến hàng đang vận chuyển. Các tàu Ukraine sẽ hướng dẫn các tàu chở hàng đi qua các vùng nước được đặt mìn, và các tàu này sẽ được Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra – với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc – để đảm bảo không có vũ khí nước ngoài. Xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga qua Biển Đen cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi.
Các nhà lãnh đạo thế giới hy vọng rằng các thỏa thuận sẽ giảm bớt giá lương thực tăng cao, đặc biệt là ở Trung Đông và châu Phi, nơi một số quốc gia đặc biệt phụ thuộc vào xuất khẩu từ Ukraine và Nga.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres thừa nhận với BBC rằng họ không có cách nào trừng phạt Nga nếu Moscow không tôn trọng lối đi an toàn hàng hải cho Ukraine.
Mykhailo Podolyak, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã viết trên Twitter rằng bất kỳ “hành động khiêu khích” nào của Nga vi phạm các hiệp định sẽ bị “đáp trả quân sự ngay lập tức.”
Ngân Hà
Mỹ: Nga gánh chịu hàng trăm thương vong mỗi ngày trong cuộc chiến ở Ukraine
Lam Giang
Mỹ tin rằng quân đội Nga đang gánh chịu hàng trăm thương vong mỗi ngày trong cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm cả việc họ bị mất tổng cộng hàng nghìn sỹ quan cấp úy, một quan chức quốc phòng cấp cao ẩn danh của Mỹ cho biết hôm thứ Sáu 22/7.
Đã gần 5 tháng kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động xâm lược nước láng giềng của Nga, các lực lượng của nước này đang tiến sâu vào khu vực Donbas, miền đông Ukraine và chiếm giữ khoảng 1/5 diện tích đất nước.
Hoa Kỳ ước tính thương vong của Nga ở Ukraine cho đến nay lên đến khoảng 15.000 người thiệt mạng và khoảng 45.000 người bị thương, Giám đốc CIA William Burns cho biết hôm 20/7, đồng thời ông nói thêm rằng Ukraine cũng phải chịu những thương vong đáng kể.
Quan chức Mỹ ẩn danh cho biết, ngoài sỹ quan cấp úy bị thiệt mạng, hàng trăm sỹ quan cấp tá và “nhiều” viên tướng Nga cũng đã thiệt mạng.
“Dây chuyền chỉ huy vẫn đang gặp khó khăn”, quan chức này nói.
Nga xếp thông tin về quân nhân thiệt mạng vào hàng bí mật quốc gia ngay cả trong thời bình và không cập nhật thường xuyên số liệu thương vong chính thức trong chiến tranh. Hồi ngày 25/3, họ cho biết 1.351 binh sĩ Nga đã thiệt mạng.
Chính phủ Kyiv cho hay vào tháng Sáu rằng 100 đến 200 quân Ukraine tử trận mỗi ngày.
Mỹ cũng tin rằng Ukraine đã phá hủy hơn 100 mục tiêu “có giá trị cao” của Nga bên trong Ukraine, bao gồm các sở chỉ huy, kho đạn và các điểm phòng không, quan chức Mỹ cho biết.
Hoa Kỳ đã cung cấp 8 tỷ USD viện trợ an ninh kể từ khi chiến tranh bùng nổ, bao gồm 2,2 tỷ USD trong tháng trước.
Đầu tuần này, Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ cung cấp cho Ukraine thêm 4 hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) trong gói viện trợ vũ khí mới nhất.
Nga nói họ đang tiến hành một “chiến dịch đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa nước láng giềng và tiễu trừ những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm ở Ukraine.
Ngược lại, Kyiv và phương Tây nói rằng Nga đang tiến hành một chiến dịch kiểu đế quốc để tái chiếm một nước láng giềng thân phương Tây đã vượt ra khỏi vòng kiềm tỏa của Moscow khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Mỹ viện trợ quân sự thêm cho Ukraine 270 USD
Hoa Kỳ sẽ tăng khoản viện trợ quốc phòng cho Ukraine lên khoảng 270 nhằm chống lại cuộc xâm lược của Nga, bao gồm 100 triệu USD cho máy bay không người lái, Nhà Trắng cho biết hôm 22/7 trong lúc giao tranh diễn ra khốc liệt ở miền đông Ukraine.
Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby nói với các phóng viên rằng gói viện trợ của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cho phép Ukraine mua 580 máy bay không người lái Phoenix Ghost của công ty tư nhân AEVEX Aerospace.
Gói này bao gồm một khoản khác lên tới 175 triệu USD cho các viện trợ quốc phòng khác, một bản ghi nhớ của Nhà Trắng cho biết.
Khoản tài trợ bổ sung của Mỹ được đưa ra trong lúc Ukraine tìm cách chống đỡ Moscow khi cuộc xung đột tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ đệ nhị thế chiến tiếp tục bước sang tháng thứ 5.
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy trong tuần này nói lực lượng của ông có thể gây ra thiệt hại lớn cho Nga khi dựa vào vũ khí của phương Tây trong các nỗ lực đã lên kế hoạch để tiến hành một cuộc phản công và tái chiếm lãnh thổ.
Cùng ngày 22/7, một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang xem xét liệu có thể gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine trong tương lai hay không.
Trong khi chính quyền ông Biden đang tiến hành thăm dò sơ lược về tính khả thi của việc cung cấp các máy bay phản lực cho Ukraine, động thái này không phải là điều sẽ được thực hiện trong tương lai gần, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby nói trong một cuộc họp báo.
Lam Giang
Hoa Kỳ và Châu Âu liên tiếp viện trợ cho Ukraina
Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu 22/7 cho biết Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ thêm cho Ukraina khoảng 270 triệu đô la Mỹ để chống lại sự xâm lược của Nga, bao gồm các hệ thống tên lửa tầm trung và máy bay không người lái chiến thuật.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên rằng gói viện trợ do Tổng thống Mỹ Joe Biden ủy quyền sẽ cho phép Kyiv mua 580 máy bay không người lái Bóng Ma Phượng Hoàng (Phoenix Ghost) của AEVEX Aerospace. Cụ thể, Gói viện trợ mới bao gồm:
Bốn hệ thống tên lửa pháo cơ động cao (HIMARS) và đạn bổ sung cho HIMARS
Bốn phương tiện chỉ huy
36.000 viên đạn 105mm
3.000 vũ khí chống giáp
Lên đến 580 hệ thống máy bay không người lái chiến thuật “Bóng Ma Phượng Hoàng”
Các linh kiện và thiết bị khách
Ông Kirby cho biết, gói hỗ trợ mới nhất này nâng tổng số viện trợ của Mỹ cho Ukraine lên 8,2 tỷ USD kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraina.
Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc nói thêm rằng TT Biden sẽ phê duyệt các gói viện trợ bổ sung trong những tuần và tháng tới.
Cũng trong ngày 22/7, Liên minh châu Âu thông báo đã phê duyệt khoản viện trợ quân sự bổ sung 500 triệu euro (tương đương 510 triệu USD) cho Ukraine.
Hội đồng châu Âu cho biết trong một tuyên bố: “Hai biện pháp hỗ trợ này trong khuôn khổ Quỹ Hòa bình Châu Âu (EPF) [là] nhằm thúc đẩy sự hỗ trợ của EU với năng lực và sự kiên cường của Lực lượng vũ trang Ukraine để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của đất nước, cũng như bảo vệ dân thường chống lại cuộc xâm lược của Nga”
Ông Josep Borrell, Đại diện Cấp cao phụ trách An ninh và Chính sách Đối ngoại của Liên minh châu Âu cho biết: “EU vẫn tập trung và kiên định ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến giành tự do và độc lập. Ukraine cần thêm vũ khí; chúng tôi sẽ cung cấp cho họ. Trong bối cảnh đó, các nước thành viên EU đã nhất trí huy động đợt hỗ trợ quân sự thứ năm trị giá 500 triệu euro, nâng tổng số viện trợ quân sự lên 2,5 tỷ euro cho Lực lượng vũ trang Ukraine ”