Minh Đăng
Tin tức chùa phá sản, vỡ nợ có lẽ chỉ diễn ra ở Trung Quốc! Chùa ở Trung Quốc từ lâu là nơi để kiếm tiền, không phải chốn linh thiêng tu hành nữa. Một nghịch lý là Trung Quốc đàn áp đức tin đẫm máu nhưng lại kiếm bộn tiền từ niềm tin mua bán, mặc cả với Phật, Thần.
Quyền lực của tăng ni trong các chùa ở Trung Quốc ngày càng lớn, đi tu trở thành một nghề kinh doanh, càng tu càng giàu có, quyền lực và nổi tiếng, song hành với đó là sự xa đọa, dâm loạn đến khó tưởng tượng. Để kiếm tiền, không việc gì mà các trụ trì không thể làm, từ cổ phần hóa chùa chiền cho đến vay nợ đầu tư, thậm chí gia tăng quyền lực chính trị và tiền bạc thông qua các mối quan hệ mật thiết với các chính trị gia tham tay nhuốm đầy máu người Trung Quốc…
Trong lịch sử phát triển Phật giáo, Trung Quốc là nơi đã xuất sinh ra nhiều vị đại giác giả, có vị mà chỉ cần kể tên ra thì ai ai cũng biết như Lục tổ Huệ Năng. Thế nhưng hình thế tôn giáo ở Trung Quốc ngày nay đã hoàn toàn đổi khác kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thống trị đất nước từ năm 1949.
Những chân tăng dường như biến mất sau thời Đại Cách mạng Văn hóa hoặc không thể tồn tại chính thức trong hệ thống Phật giáo ngày nay của Bắc Kinh. Khác hoàn toàn với minh triết và con đường tu hành mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni răn dạy, nhiều sư thầy nổi tiếng của Trung Quốc, trong các chùa lớn được ĐCSTQ quản lý, đều đi theo con đường danh lợi tình.
Chùa phá sản, vỡ nợ vì chính sách ‘zero covid’
Câu chuyện này không phải là một vài sự kiện đơn lẻ, mà là xu hướng và vấn nạn trong Phật giáo ngày nay ở Trung Quốc. Tờ Vision Times đưa tin về câu chuyện thương mại hoá Chùa Pháp Môn ở Trung Quốc. Bài báo cho biết, dưới tác động của dịch bệnh, thu nhập từ hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng lớn, có một số khoản nợ thuê tài chính quá hạn trong thời gian dài.
Dữ liệu mới nhất cho thấy trong ba quý đầu năm 2020, Chùa Pháp Môn phát triển và đạt doanh thu 27,5363 triệu nhân dân tệ , giảm 71,56% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ròng thuộc về công ty mẹ là -27,591 triệu USD, giảm 534,66% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối quý 3 năm 2020, tổng tài sản của sự phát triển của Chùa Pháp môn là 5,515 tỷ nhân dân tệ, tổng nợ phải trả là 4,028 tỷ nhân dân tệ, tài sản ròng là 1,487 tỷ nhân dân tệ và tỷ lệ tài sản – nợ phải trả là 73,03%.
Cơ cấu cổ phần của Chùa Pháp Môn tương đối phân tán, trong đó Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Du lịch Pháp Môn nằm ở thành phố Bảo Kê (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) nắm giữ 43,75% cổ phần và là cổ đông chi phối của công ty. Tổ chức kiểm soát thực tế của công ty là Ủy ban Giám sát và Quản lý của thành phố Bảo Kê.
Câu chuyện này cho thấy rằng có một số ngôi chùa ở Trung Quốc không chỉ là nơi thờ cúng tâm linh nữa, mà đã trở thành công ty thương mại, cũng có người điều hành, quản lý đằng sau, có bảng cân đối kế toán thu chi. Điều này khác xa so với nguyên gốc của tu hành là từ bỏ tiền tài và danh vọng.
Bài viết cũng cung cấp thêm thông tin dựa trên tờ Times Finance and Economics, thống kê từ Hiệp hội Phật giáo Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy đến cuối năm 2020, có 32.600 ngôi chùa hiện có ở Trung Quốc, trong đó hơn 20% đã được thương mại hóa, chủ yếu ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Chiết Giang, Hà Nam, Tứ Xuyên và những nơi khác. Những ngôi đền, chùa này thường có thu nhập bằng cách bán vé, cúng dường, quyên góp và bán các sản phẩm liên quan. Phải chăng những điều đề cập ở trên đây nói rằng sản phẩm của những “doanh nghiệp thương mại” này chính là đức tin của con người vào Thần linh, vào Phật?
Sau đó một ngày (26/7), Tờ Vision Times lại kể thêm câu chuyện về Pháp sư Truyền Chân – vị sư trụ trì chùa Huyền Trang ở Nam Kinh, Trung Quốc. Ông bị phanh phui và phải công khai xin lỗi toàn dân vì bê bối chùa thờ cúng tội phạm chiến tranh Nhật Bản trong vụ thảm sát Nam Kinh.
Không chỉ thế, ông ta tiết lộ bản thân có tình bạn thân thiết với các quan chức đã ngã ngựa ở Nam Kinh và tự cho mình là “người nổi tiếng” trong phạm vi chính quyền Nam Kinh. Ông cũng giữ nhiều chức danh như Ủy viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị thành phố Nam Kinh, Giám đốc Hiệp hội Phật giáo Giang Tô, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Thanh niên Nam Kinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Nam Kinh. Với mối quan hệ rộng của mình, nếu ai “động” đến ông, ông sẽ “xử lý”.
Cổ phần hóa chùa: công khai thừa nhận ‘buôn thần bán thánh’
Chùa bị vỡ nợ không phải là một tin sốc hay hiếm hoi ở Trung Quốc ngày nay. Bởi vì thông tin chùa được cổ phần hóa và kinh doanh đã được đi đầu bởi ngôi chùa cổ danh tiếng nhất của Trung Quốc, đó là chùa Thiếu Lâm Tự. Sư trụ trì chùa này, Thích Vĩnh Tín, người được ĐCSTQ bổ nhiệm, đã biến chùa thành một công ty cổ phần, bản thân ông trở thành CEO của chùa Thiếu Lâm Tự. Không chỉ cộng đồng mạng trong nước Trung Quốc đại lục mà cả các báo lớn của nước ngoài cũng đề cập đến vị “danh sư” này bởi những sự vụ bê bối của một vị phương trượng Thiếu Lâm Tự.
Sau khi Thích Vĩnh Tín trở thành trụ trì chùa Thiếu Lâm, nơi chùa trang nghiêm, thanh tịnh bỗng chốc trở nên ồn ào, nhộn nhịp bởi vị sự hình thành của một khu du lịch mới.
Chưa kể, báo chí Trung Quốc cũng sôi nổi bàn luận về việc Thiếu Lâm Tự có cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh của một doanh nghiệp, trong đó ông Thích Vĩnh Tín nắm 80% cổ phần, Thiếu Lâm Tự Tung Sơn Trung Quốc chỉ giữ 10%, công ty Thiếu Lâm tự quản lý 7 đơn vị sự nghiệp to lớn, vậy là Thiếu Lâm Tự đã trở thành tài sản tư nhân của ông “hòa thượng” Thích Vĩnh Tín. Mọi người không ai không hiếu kỳ, tại sao Thiếu Lâm Tự lại trở thành thế này? Kim tiền và quyền lực vốn là vật ngoài thân đối với người xuất gia, tại sao chùa Thiếu Lâm lại xen vào chuyện thế tục?
Ông Đồng Lập Văn, Khoa An ninh Công cộng Đại học Cảnh sát Trung ương nhận định, “vì Trụ trì của Thiếu Lâm Tự cũng là một cán bộ của Đảng, có quan hệ thân thiết với giới chức cao cấp, việc thương nghiệp hóa Thiếu Lâm Tự là hiện tượng đặc biệt của sự phối kết hợp giữa chủ nghĩa tư bản và tôn giáo chỉ có ở Trung Quốc”.
Sư thầy Trung Quốc dâm loạn, sa đọa
Theo tờ Epoch Times tiếng Trung, ngày 1/8/2018, một vụ bê bối bùng nổ trên mạng, gây chấn động trong và ngoài nước. Thích Học Thành – đại hòa thượng tối cao cấp của ĐCSTQ, Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, hóa ra lại là một con quỷ dâm loạn, đã tấn công tình dục một số nhà sư nữ xuất gia.
Khi bị tố cáo, Thích Học Thành đã có rất nhiều “quan tước”, từng là Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Viện trưởng Học viện Phật giáo Trung Quốc, Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo tỉnh Phúc Kiến, Viện trưởng Viện Phật học tỉnh Phúc Kiến, Hội trưởng danh dự Hiệp hội Phật giáo tỉnh Thiểm Tây, Viện trưởng Viện Phật học chùa Thiểm Tây Pháp Môn, trụ trì chùa Quảng Hóa Phúc Kiến, Trụ trì chùa Pháp Môn ở Thiểm Tây, Trụ trì của chùa Long Tuyền ở Bắc Kinh, v.v.
Năm 2008, Thích Học Thành được “bầu” vào Thường ủy của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc; Năm 2018, hắn cũng giữ chức vụ Phó chủ nhiệm của Ủy ban Toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc về Dân tộc và Tôn giáo.
Vào ngày 01/08/2018, Thích Hiền Giai và Thích Hiền Khải, những người từng là đô giám chùa Long Tuyền ở Bắc Kinh, đã công bố một “Báo cáo tình huống trọng đại” dài 95 trang bằng tên thật của họ, báo cáo việc Thích Học Thành xâm hại tình dục và các vấn đề khác.
Thích Hiền Giai và Thích Hiền Khải tốt nghiệp Tiến sĩ Công trình học tại Đại học Thanh Hoa. Bản “Báo cáo tình huống trọng đại” mà họ công bố trông rất giống như một luận án tiến sĩ, có mục lục, phụ lục, có trần thuật sự thực, có chứng cứ trọng yếu, logic chặt chẽ, tình lý rõ ràng. Vì nội dung rất có cơ sở, nó đã được đông đảo độc giả trong và ngoài nước lưu truyền rộng rãi. Bản báo cáo này tiết lộ, Thích Học Thành đã gửi một số lượng lớn tin nhắn quấy rối tình dục đến một số nhà sư nữ với nội dung vô cùng hạ lưu, bẩn thỉu và vô liêm sỉ.
Chưa kể đến, trong bài viết cũng đề cập đến việc nhiều lần Thích Học Thành nhận được cúng dường nhưng số tiền này không được đưa đến tài khoản của chùa mà được chuyển về một tài khoản cá nhân. Theo số liệu ghi lại, vào 11/2015, số tiền 12 triệu nhân dân tệ quyên góp từ các tín đồ để xây dựng bức tượng Phật ở Tam Huệ đường của chùa Long Tuyền không biết đã được chuyển đi đâu. Vào tháng 3/20218, tổ tài vụ của chùa Vĩnh Xuân Phổ Tế ở Tuyền Châu, Phúc Kiến, một phân viện của chùa Long Tuyền Bắc Kinh, phát hiện ra rằng từ tháng 11 năm 2015 đến tháng 1 năm 2016, tổng cộng 10 triệu nhân dân tệ đã được chuyển từ chùa Long Tuyền Bắc Kinh đến chùa Vĩnh Xuân Phổ Tế trong bốn lần nhập hối, và ngay lập tức được chuyển vào tài khoản cá nhân. Đối với vấn đề này, Thích Hiền Khải, người phụ trách chùa Long Tuyền, không hề biết sự tình, và cũng không có ghi chép nào trong sổ cái. Phụ lục của “Báo cáo tình huống trọng đại” ghi lại việc ngân hàng đã chuyển 10 triệu NDT vào tài khoản cá nhân. Đến năm 2016, số tiền nhận được hơn 20 vạn nhân dân tệ từ một tập thể người mới xuất gia đi thụ giới được mang đến chùa Long Tuyền, sau đó cũng được gửi vào tài khoản cá nhân. Theo thông tin cho biết, tài khoản tư nhân này là tài khoản sổ tiết kiệm mà một nữ tín chúng xuất gia ở chùa Cực Lạc đã “cúng dường” cho Thích Học Thành.
Ở Trung Quốc, có bao nhiêu Thích Học Thành? Vụ Thích Học Thành chẳng qua chỉ là một điển hình bởi ngôi chùa quá lớn, nơi đó tiền quá nhiều, Thích Học Thành lại là nhân vật cấp cao nhất mà ĐCSTQ đưa lên trong Phật giáo nước này. Các thông tin về các sư thầy, tăng ni không giữ giới, xa hoa, dâm loạn trong chùa chiền khắp Trung Quốc thực sự nhiều không kể hết.
Nghịch lý: Đàn áp chính tín trong khi kiếm bộn tiền từ ‘buôn thần bán thánh’?
Ông Đồng cho biết: “Sự kiện Thiếu Lâm Tự này là một mắt xích trong hệ thống hủ bại của cán bộ (ĐCSTQ), sự hủ bại này bị phanh phui ra là vì ông Thích Vĩnh Tín là bạn thân của ông Quách Bá Hùng, quan hệ riêng tư của họ mọi người đều biết”.
Ông Quách Bá Hùng là Phó Chủ tịch Quân ủy ĐCSTQ khóa 17, cùng với ông Từ Tài Hậu đều là những thân tín của Giang Trạch Dân, cả 2 ông này đều bị “ngã ngựa” trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Năm 2004, ông Giang Trạch Dân bị ép trả lại quân quyền, nhưng thực tế ông ta vẫn tiếp tục nắm quân quyền thông qua trung gian là ông Từ Tài Hậu và ông Quách Bá Hùng.
Cả Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, đằng sau án tham nhũng, tội ác đẫm máu nhất của họ chính là ra lệnh và bảo kê hoạt động mổ cướp tạng các tù nhân lương tâm Trung Quốc trong các bệnh viện quân đội, nhà nước khắp Trung Quốc. Nhờ sự bảo kê này của ĐCSTQ, đứng đầu là Giang Trạch Dân và thân tính như Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, ngành công nghiệp y tế thay tạng của Bắc Kinh trở trung tâm ghép tạng lớn nhất toàn cầu, nguồn tạng sẵn có đến mức bất kỳ ai có lương tri đều nhận thấy rằng Trung Quốc đã hình thành nên một kho tạng sống, gồm những người đang sống bị giết chết để thu hoạch tạng cho hệ thống chính trị ma quỷ này. Theo điều tra của các luật sư nhân quyền độc lập quốc tế, kết luận của nhiều tòa án quốc tế khắp thế giới, nạn nhân bị mổ cướp tạng ở Trung Quốc bao gồm những người tu luyện Pháp Luân Công, những người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ.
Đáng nói, người tu luyện Pháp Luân Công cũng là những người tuyên bố rằng họ có đức tin trong Phật gia, rằng đặc tính cơ bản của vũ trụ này là Chân – Thiện – Nhẫn, bởi vậy, họ suy nghĩ, hành xử theo chuẩn mực này cùng với luyện tập các bài thiền định để đạt trạng thái tinh thần cao thượng hơn, hài hòa hơn với thiên nhiên và vũ trụ, có sức khỏe tốt hơn. Một nhóm những người luôn muốn trở nên tốt hơn, tuân thủ pháp luật như vậy, cùng với những tộc người thiểu số ở Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng, đã trở thành nạn nhân đàn áp đẫm máu để chính quyền kiếm tiền từ thu hoạch cưỡng bức tạng. Đây là tội ác diệt chủng lạnh kinh hoàng, chưa từng có trong lịch sử cận đại của loài người.
Trong khi đó, cùng với phá bỏ đền chùa hồi Cách mạng văn hóa, diệt chủng những người tín Phật và thiền định hài hòa của Pháp Luân Công, ĐCSTQ giờ đây tạo ra một thứ Phật giáo của riêng nó; một thứ Phật giáo không còn mấy tư tưởng, hình thức, gốc rễ của Phật giáo nguyên gốc thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
ĐCSTQ đang tạo ra một thứ Phật giáo của chính nó?
Thích Học Thành, ông ta thực sự là một “quan chức của Đảng” do ĐCSTQ đào tạo, Học viện Phật giáo Phúc Kiến và Học viện Phật giáo Trung Quốc mà ông ta theo học đều là các tổ chức của “Đảng”. Tiêu chí đầu tiên để đào tạo “nhân tài” là để tuân thủ và trung thành tuyệt đối với Đảng, chứ không phải triết lý, tôn chỉ của nhà Phật. Là một quan chức của ĐCSTQ, không khó hiểu khi Thích Học Thành là một kẻ háo sắc.
Giang Trạch Dân, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã dấy lên phong trào dâm loạn trong thời gian cầm quyền của mình. Bản thân Giang háo sắc thế nào thì khỏi phải nói, nhưng việc ông ta thăng chức và sử dụng lại các quan chức cấp cao của đảng, chính phủ, và quân đội, chẳng hạn như Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, kiêm bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, tất cả đều là những kẻ dâm loạn.
Kết quả là, đặc tính này lan rộng như cháy rừng từ trên xuống dưới, bao gồm cả giới tôn giáo. Năm 1989, năm mà Thích Học Thành trở thành trụ trì của chùa Quảng Hoa, Giang Trạch Dân đã giẫm lên máu học sinh sinh viên trong sự kiện Lục Tứ (hay còn được biết đến như Thảm sát Thiên An Môn) và leo lên vị trí quyền lực cao nhất trong ĐCSTQ. Khi Thích Học Thành từng bước vươn lên, chính là thời kỳ Giang Trạch Dân nắm quyền và làm “Đại đế”. Thích Học Thành tuy thân vào “Phật môn”, nhưng tâm lại ở chốn “hồng trần”, tai nghe mắt thấy đã tiêm nhiễm giao dịch quyền lực, tình dục của các quan chức cao cấp của ĐCSTQ, nên cũng trong lòng xáo động, nên đã trôi theo dòng nước.
Từ xa xưa đến nay, tất cả các tôn giáo chính thống đều tin vào Thần, đều giới sắc. Trong Phật giáo có Ngũ giới, một trong số đó là “giới dâm tà”. Trong kinh Phật có chép rằng, những người phạm giới sắc là tội ác vô cùng, “đọa vào ba đường ác, và bị chém đầu”. Những tín đồ Phật giáo thuần thành đều tin rằng, mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành vi của con người, thì Thần đều nhìn thấy rõ ràng. Ai động niệm tà dâm, làm những việc tà dâm, thì khi ác báo giáng xuống, có thể bị đọa vào mười tám tầng địa ngục.
Là đại hòa thượng cấp cao nhất trong cấp bậc ĐCSTQ, Thích Học Thành có hiểu điều này không? Từ hành vi của ông ta có thể thấy, ông ta không tin chút nào. ĐCSTQ cổ xúy chủ nghĩa vô Thần, khiến người ta không tin vào sự tồn tại của Thần linh, không tin có đời sau kiếp trước, không tin vào nhân quả báo ứng, không tin có Thiên đường và địa ngục, không sợ trời, không sợ đất đất, bất kỳ việc việc trái đạo lý nào cũng dám làm.
ĐCSTQ cũng tuyên truyền chủ nghĩa duy vật, chỉ những lợi ích hữu hình, sờ thấy, nhìn thấy mới là lợi ích thật, mới là thực tại. Biểu hiện nổi bật của chủ nghĩa duy vật ở Trung Quốc ngày nay là, những ham muốn vật chất và ham muốn của con người tuôn trào; So sánh một chút, không khó để nhận ra, Thích Học Thành thực chất là một người theo chủ nghĩa duy vật, ông ta theo lời dạy của ĐCSTQ, và khi thấy trong tay mình có những nữ đệ tử xinh đẹp, làm sao ông ta có thể bỏ qua được?
Trên thực tế, cách tiếp cận của ĐCSTQ đối với tôn giáo là loại bỏ nội hàm cốt lõi nhất của tôn giáo, và biến nó thành một đoàn thể “tin vào ĐCSTQ”. Các nhóm tôn giáo chấp nhận sự thay đổi này, đã trở thành công cụ để ĐCSTQ cai trị các tín đồ của mình. Là Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Thích Học Thành đương nhiên hiểu điều này.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thích Học Thành đã thúc đẩy Hiệp hội Phật giáo học cái gọi là “tinh thần báo cáo của Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 19”. Cấp phó của ông ta, Phó chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Ấn Thuận, đã có bài phát biểu trước công chúng tại một lớp tập huấn: “Báo cáo của Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một bản kinh Phật giáo đương đại, tôi đã chép tay nó ba lần, và tôi dự định sẽ chép tay nó mười lần nữa”. Những lời này, thật là một tiếng thở dài.
Minh Đăng