Lê Học Lãnh Vân
Nửa thế kỷ đã qua từ ngày đất nước hoà bình mà mỗi năm vào dịp các ngày lễ lớn liên quan tới cuộc “hai mươi năm nội chiến từng ngày”, trên các trang mạng lại bùng lên những lời căm thù, hằn học. Thời gian gần đây tiếng kêu căm thù giảm bớt, nhưng vẫn còn nhiều lời xót thương dành cho người hy sinh trước mũi súng kẻ thù vì lý tưởng “giải phóng Miền Nam”! Dù không nói rõ kẻ thù là ai, vô tình hay hữu ý, hai chữ đó là viên đạn chữ nghĩa làm đau trái tim của một nửa nước “thua cuộc”!
Có lẽ không cần thiết nói với những người kêu gọi nối tiếp căm thù. Sự lạc lõng của họ cho thấy họ thuộc tầng lớp nào trong xã hội, họ được lợi gì khi dân tộc chia rẽ, bị ngoại bang coi khinh trong hoàn cảnh một thành phần của dân tộc ngồi cao hơn tất cả những thành phần còn lại…
Xin được tâm sự với các anh chị vô vị lợi, thật lòng thương xót máu xương người đổ xuống cho cuộc chiến giành độc lập ba mươi năm. Xin được chú ý tới cuộc chiến Bắc – Nam từ sau hiệp định Geneva. Máu xương mà anh chị xót thương là máu xương của của thanh niên Miền Bắc và của một phần thanh niên Miền Nam ủng hộ Hà Nội trong cuộc chiến đó.
Các anh chị ơi, các anh chị có biết rằng những năm tháng chiến tranh, không ít bà Mẹ Miền Nam có con nằm trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa vẫn trằn trọc xót thương tuổi trẻ Sinh Bắc Tử Nam? Tuổi trẻ đó vượt tuyến đang cầm súng tấn công đơn vị của con các bà, nhưng các bà vẫn xót thương vì một lập luận đơn giản: Tụi nhỏ biết gì đâu, bị lùa vô máu lửa, có thắng trận mà còn sống thì ai trên đầu trên cổ hưởng chứ tụi nó rồi cũng về quê còng lưng làm ruộng! Chỉ có người trên cao mới dựng nên cuộc chiến này!
Chính những bà Mẹ đó khuyên con mình, Việt Cộng tấn công đồn, đẩy lùi được thì thôi, đừng giết người ta quá mang tội nghe con. Tụi nó cũng trẻ như con, cũng là anh em đồng bào con chớ ai! Không biết dân mình mang quả nghiệp gì từ ông cha mà nặng nề quá!
Các anh chị ơi, các anh chị có nghĩ những lời khuyên bảo của Mẹ hiền, Vợ hiền khiến những đứa con Miền Nam mềm lòng, không dốc cạn máu xương vào cuộc chiến? Có phải những lời rủ rỉ đó góp phần đưa cuộc chiến tới kết thúc mà các thành phố Miền Nam còn nguyên vẹn đợi chờ cuộc trùng phùng Nam Bắc cho dân tộc hồi sinh, quốc gia phát triển?
Là người đã hiểu biết khi cuộc chiến Nam – Bắc bùng lớn, quen biết với người ủng hộ chế độ Sài Gòn và cả người ủng hộ chế độ Hà Nội, tôi tin rằng dù đang hoàn cảnh chiến tranh, không khí không hận thù và ngập tràn nhân ái trong lòng xã hội Miền Nam, thông qua báo chí, văn nghệ, học đường, những tâm sự, nhắn nhủ trong gia đình… đã tạo nên kết cuộc như thế hệ chúng tôi chứng kiến! Nên cám ơn xã hội nhân ái đó, dù “thua cuộc”, xã hội đó cũng có tác dụng ngăn cản những hành động quá khích hơn. Dù không ngăn được việc đưa thành phần ưu tú của Miền Nam vào trại cải tạo, không ngăn được cuộc cải tạo công thương nghiệp, xã hội đó cũng không để Miền Nam bị vướng vào bất kỳ cuộc cải cách ruộng đất trời long đất lở nào!
Trước khi đi tới hoà bình, cuộc chiến đã giết bao nhiêu con người của cả hai Miền, trong đó chủ yếu là thanh niên. Tất cả những sinh mạng đó đều hoà máu xương mình lát đường cho dân tộc tiến lên. Đứng trên bình diện tổ quốc, đồng bào, người lãnh đạo có nên phân chia những cái chết đó không? Có người liệt sĩ “thứ thiệt” nào lại đành lòng nằm trong khói nhang ấm cúng nhìn anh em hoang tàn lạnh lẽo!
Nửa thế kỷ hoà bình mà quốc gia còn chia rẽ và càng tụt hậu, người sống có thấy mình có lỗi với người mất không?
Chừng nào Gia Tài Của Mẹ hết lũ bội tình là chúng ta đây?
Trong hoàn cảnh này của đất nước, xin trân trọng nương nhẹ nhau, xin hãy tìm lý do để thương nhau, đừng tìm lý do để hận thù! Bài viết này tin rằng chỉ cần mười năm xoá bỏ hận thù, nước Việt sẽ mau chóng giàu mạnh khiến người Việt nhìn lại thời bây giờ mà thấy rằng hận thù và chia rẽ là sai lầm quá lớn của quốc gia!
Ngày 27 tháng 7 năm 2022