Du Uyên
Nhìn vào thực tế, người Việt nào được khen có vẻ đẹp “Tây ghê” là sướng rơn, thấy chàng trai Tây bập bẹ mấy từ tiếng Việt là tung hô – bao dung, trong khi ai đó phát hiện đồng bào nói sai một từ tiếng Anh thì không sửa đâu, chỉ cười mỉa trong lòng, có khi cười ra mặt luôn. Ngoài ra, trào lưu vài năm gần đây ở Việt Nam là mua… “giống Tây” để đẻ con đẹp, lai Tây. Ða số người Việt luôn thích bắt chước và đề cao người nhìn có vẻ “Tây” – dầu đôi khi họ không phải Tây “xịn”. Tôi cũng đã từng bị “phân biệt đối xử” ngay trong đất nước mình – khi vào các quán ăn, cửa hàng… ngay tại Sài Gòn, người phục vụ Việt hầu như đều ưu tiên, đon đả với các vị khách ngoại quốc trước. – Ngay cả những người thành đạt và có danh tiếng hơn tôi cũng nhiều lần lên tiếng vì sự bẽ bàng này. Cũng vì mê Tây – sính ngoại mà nhiều người Việt bị lừa tình, tiền (qua mạng lẫn ngoài đời) bởi những người tới từ Tây Ninh, Châu Phi, Mã Lai…
Marko Nikolic (1987 – người Serbia, sống ở Hà Nội từ 2014) đã có một bài viết gây bàn cãi hồi 2019 về “lợi thế” của một người Tây ở Việt Nam, riêng tôi đọc thấy rất chính xác. Xin trích dẫn một ít:
“Có một điều khiến người Tây kinh ngạc khi mới đến Việt Nam: họ thường được đối xử như một thứ đặc biệt, quý hiếm.
….Thật vậy, tôi đã không ít lần có cảm giác kỳ cục rằng tôi được quý trọng chỉ đơn thuần do mình là người Tây chứ không phải vì mình có một tính cách hay phẩm chất cá nhân nhất định.” – Hết trích.
Người Việt mê Tây, tại sao? Vì người Tây tốt thật, đa số người Việt lại mất niềm tin ở giá trị Việt, ngoài ra còn phụ thuộc vào sự trọng sĩ diện, thích khoe mẽ, cuối cùng có lẽ do những tự ti thầm kín (ngoại hình, văn hóa, GDP đầu người…)?
Vậy tôi có mê Tây hông?
Có nha!
Trai Tây đẹp, gái Tây cũng đẹp, mà ai lại không thích cái đẹp? Ðồ Tây cũng tốt, ở Việt Nam bây giờ có cái gì an toàn không – tôi hoàn toàn không tự tin để liệt kê – Mà Việt Nam hầu như chưa bao giờ có được những tiêu chuẩn khắt khe vì mục đích sức khỏe con người như những nước “giãy chết” – mới hôm rồi, báo trong nước đăng: “Gần 50% mẫu rau quả ở các chợ đầu mối tại Sài Gòn có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản chứa kim loại nặng, nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép. Nhìn rộng ra thị trường thực phẩm trong nước ở các địa phương khác càng đáng lo hơn.” – trích tuoitre.vn.
Người Tây họ còn có những sự thoải mái toát ra từ trong tâm hồn, từ đó mà thần thái sáng láng, rất cuốn hút – Có lẽ vì họ có nhiều sự tự do hơn người Việt. Ở Việt Nam, nội nói chuyện hay bàn luận cũng dòm trước ngó sau, những chủ đề bình thường cũng dễ thành “chuyện nhạy cảm” – nếu cứ đi đến tận gốc rễ của vấn đề, đồng bào ta lại bị chụp mũ là “phản động”. Nói gì cũng phải mé mé, lòng vòng. Ngoài ra, nhiều người Tây họ thích làm việc tốt một cách hồn nhiên. Bạn tôi kể, có một người Australia tên là Davis, kỹ sư cầu đường, 70 tuổi, đã nghỉ hưu, ông ta sang Việt Nam dạy tiếng Anh miễn phí cho người Việt và sống (ăn,ở) bằng tiền lương hưu, chỉ về Australia có một tháng mỗi năm vào dịp Giáng sinh. Khi được hỏi lý do tại sao ông nhiệt tình thế, ông nói: “Tôi không còn sống được nhiều, nên khi nào có thể, tôi lại sang Việt Nam dạy tiếng Anh cho người Việt. Ðó là cái có ích duy nhất tôi có thể làm được bây giờ”.
Nói chung khen Tây chắc khen tới… Tết, nên khen nhiêu đó thôi. Dĩ nhiên không phải Tây nào cũng tốt, nhưng nền văn hóa giống như một trường học, nếu phẩm chất tốt thì sẽ đào tạo được nhiều (không phải 100% thì cũng 60-80%) sinh viên giỏi và ngược lại. Tôi chỉ liệt kê ra để cho thấy, người Việt mê Tây cũng đúng, nhưng mê một cách quá lố, không lý trí thì hết đúng. Và người ta chỉ mê thôi, ngoài mê ra, rất ít người chịu học cái tốt của Tây. Ða số người Việt hướng tới – học hỏi, đều là thứ chưa chắc là “Tây”. Khi nói tới phong cách “Tây” của người Việt, có lẽ đều nghĩ ngay tới nhuộm da nâu, tim môi dày, nâng ngực to, nâng mông bự, lối sống buông thả, ngủ lang chạ, ăn mặc hở hang, nói chuyện bất lịch sự, đi bar pub… rồi cho đó là “Tây”. Rất ít người Việt được khen “phong cách Tây” mà có cái gì liên quan tới mấy điều tốt cốt lõi về Tây, đa số là ở vẻ bề ngoài hoặc độ ăn chơi/hở hang.
“Ðàn ông đi nước ngoài ông nào chẳng thử “dâu ngô“ 1 tí. Không chủ động thì cũng bị tác động bởi bạn bè hoặc fan hâm mộ mời, tặng (đây là văn hoá đàn ông) mà! Ở bên nước ngoài các bạn nữ phát triển dậy thì sớm, trải nghiệm cũng sớm từ 12,13 tuổi cơ. Vào đúng 2 anh đẹp trai lại nổi tiếng nên thành to chuyện! Có khi là người bình thường thì bạn nữ kia ok ngay!” (Nguồn FB Kiều Thanh) – Hết trích.
Thứ nhất, chuyện ngoại tình ở xã hội VN lẫn Tây vẫn đang bị phản đối dữ dội, không hề là “văn hóa đàn ông”. Cái định nghĩa “văn hoá đàn ông” của cô “nghệ sĩ ưu tú” vừa xúc phạm hàng triệu đàn ông Việt, vừa xúc phạm luôn những ai đã trao danh hiệu “ưu tú” cho cổ.
Thứ nhì, tôi không biết ở nước ngoài thì các bạn nữ có “trải nghiệm” sớm hay không, nhưng tôi biết ở Việt Nam thì có – do chính những lầm tưởng là sống phóng khoáng, “Tây hóa” thì có thể “thử” quan hệ sớm, điều này đã khiến tỷ lệ phá thai ở VN luôn đứng top Vũ Trụ, luôn cao hơn mấy nước “Tây”.
Thứ ba, hiếp dâm bà lão 100 tuổi hay hiếp dâm cô gái 17 tuổi đều là tội ác. Nên cho dầu các bé có “trải nghiệm” sớm hay không, thì việc hiếp dâm/cưỡng đoạt vẫn là tội ác.
Thứ tư, xin mượn lời một cư dân mạng “hai cha nội này là thợ diễn Ðông Lào lại nghĩ mình là anh hào nước Mỹ. Ra nước ngoài nó biết các ông là thằng nào đâu mà bày đặt nổi tiếng với đẹp trai? Ðẹp chỗ nào?”
Thứ năm, qua việc này, chúng ta hiểu việc phong tặng các danh hiệu chỉ để “lấy le” với thiên hạ, chứ “nghệ sĩ ưu tú” cũng không có gì hơn so với nghệ sĩ không ưu tú. Cho ai chưa biết, cách đây một năm, chính cô “nghệ sĩ ưu tú” này từng tuyên bố trên báo: “Tôi tự hào vì là người thứ 3, hãy sống như tôi.”
Thật ra, tuy được tự do, ít bị quản chế, nhưng người Tây cũng có “thuần phong mỹ tục” của họ (dầu không ra rả mỗi ngày), chứ không phải lung tung như người Việt nghĩ và đang bắt chước bậy bạ. Ví dụ:
Năm 2004, trong giải Super Bowl (giải bóng bầu dục của Mỹ), ca sĩ Janet Jackson (em gái của vua nhạc pop Michael Jackson) trình diễn cùng nam ca sĩ Justin Timberlake, không biết vì quá sung hay cố ý mà khi nữ ca sĩ hát đến câu “I’m gonna have you nak** by the end of this song” trong bài Rocky Your Body, Justin Timberlake hơi “mạnh tay” giật chiếc áo dây của Janet Jackson và vô tình làm lộ ngực cô trong vài giây trên đài truyền hình CBS (lượng người xem xấp xỉ hàng trăm triệu người). Tưởng lộ miếng da chút hông sao, vậy mà khán giả phản đối rất mạnh mẽ, đến mức mém đẩy tên tuổi, sự nghiệp của Janet Jackson đến bờ vực sụp đổ. Cô và bạn diễn cũng bị điều tra coi cố ý hay vô tình lộ ngực. Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) đã phạt đài CBS 550,000 USD (vẫn y án sau khi đài này nhiều lần kháng cáo).
Hồi tháng 4-2022, nữ DJ người Hàn Quốc có nghệ danh Soda đã tố với báo chí là cô đã bị đuổi xuống khỏi một chuyến bay của American Airlines, tại Mỹ và rơi vào tình cảnh phải thay đồ trước mặt nhiều người để được lên máy bay đúng giờ, vì chiếc quần cô mặc in nhiều từ chửi thề. Hồi tháng 1, “Mỹ nhân gợi cảm nhất thế giới” Olivia Culpo, Hoa hậu Mỹ kiêm Hoa hậu Hoàn vũ năm 2012 cũng suýt không lên được máy bay vì nhân viên American Airlines cho rằng trang phục của cô không phù hợp với quy định của hãng.
Tự do kiểu Tây không phải là “tự do” như người Việt Nam luôn nghĩ, “văn hóa đàn ông” Tây chắc chắn cũng khác “văn hóa đàn ông” trong mắt cô “nghệ sĩ ưu tú” Việt Nam ở trên. Vì vậy, muốn kính trọng – bắt chước hay ghét bỏ – phỉ báng cũng phải tìm hiểu kỹ, trước hết là không bị chửi, thứ hai là không bị định cư nước ngoài bằng cách ở tù (như hai vị nghệ sĩ VN hiện đang bị câu lưu tại Tây Ban Nha).
Một diễn giả người Mỹ gốc Việt phát biểu: Ðây là một đất nước tự do. Ở Mỹ, một người đàn ông có thể đứng dậy và nói hết mọi sự thật, nếu anh ta không sợ vợ, mẹ vợ, hàng xóm, hay ông chủ; Và nếu anh ta nghĩ điều đó không làm hại đến danh tiếng hay công việc kinh doanh của mình. Quan trọng nhất là anh ta biết chắc chắn rằng Sở Thuế không nghe thấy. Còn ở Việt Nam, bạn có thể nói mọi sự thật, không sợ ai nghe thấy, trừ người của chính quyền.
Du Uyên