Huyền Anh
Hôm 29/7, Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk đã đệ đơn kiện Twitter sau khi công ty truyền thông xã hội này kiện tỷ phú vì đã bỏ thương vụ mua bán trị giá 44 tỷ USD. Đơn kiện dài 164 trang đã được đội ngũ pháp lý của Musk gửi lên tòa án Delaware – nơi sẽ diễn ra phiên xử giữa ông với Twitter.
Đơn kiện của ông Musk là bước ngoặt đột ngột trong cuộc chiến pháp lý giữa một đại công ty công nghệ và một tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới. Theo đó, Twitter đang kiện ông Musk để hoàn thành thỏa thuận mà ông đã ký với Twitter hôm 25/04.
Động thái của Musk được thực hiện chỉ vài giờ sau khi bà Kathaleen McCormick, thẩm phán tòa án Delaware, ra lệnh phiên xử sẽ diễn ra trong năm ngày, bắt đầu từ 17/10. Phiên toà sẽ xác định liệu Musk có vi phạm hợp đồng thỏa thuận hay không và liệu ông có phải thực hiện thương vụ như thỏa thuận ban đầu.
Bà McCormick đã ra lệnh cho Twitter trả lời yêu cầu đơn kiện vào hoặc trước hôm 04/08 năm nay. Giai đoạn thủ tục tiền tố tụng của vụ kiện kết thúc vào nửa đầu tháng 9/2022.
Hiện vẫn chưa rõ, khi nào thì phiên bản công khai của đơn kiện từ ông Musk sẽ được công bố. Tờ Wall Street Journal xác nhận rằng một phiên bản biên soạn lại đơn kiện của ông Musk sẽ được công bố “ngay trong tuần tới”.
Ngày 25/4, ông Musk thông báo sẽ mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD, tương đương giá 54,20 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, kể từ sau thỏa thuận, việc kinh doanh của mạng xã hội dần xuống dốc, còn tỷ phú Mỹ cũng yêu cầu chấm dứt thương vụ đầu tháng này.
Về lý do ông Musk huỷ thương vụ này, ông cho rằng Twitter đã nói dối về số lượng tài khoản rác trên nền tảng, đồng thời từ chối cho ông toàn quyền xử lý lượng dữ liệu này. Twitter sau đó đâm đơn kiện, cáo buộc Musk hành động “thiếu thiện chí mỗi ngày” trong tiến trình đàm phán, đồng thời cho rằng sự không chắc chắn khiến họ thiệt hại ngày càng lớn.
Trong khi hồ sơ tòa án không được công khai ngay, đội ngũ pháp lý của ông Musk đã liên tục lặp lại những lập luận của mình xoay quanh số lượng tài khoản bot trên nền tảng truyền thông xã hội này. Luật sư của ông Musk cho biết, tin tức này chỉ được cung cấp cho họ sau khi hai bên ký hợp đồng, nhưng nó sẽ có “tác động đáng kể” đến lợi nhuận của Twitter.
“Tranh chấp cốt lõi về các tài khoản giả mạo và spam là điều căn bản đối với giá trị của nền tảng Twitter. Điều này cũng vô cùng thực tế và chuyên sâu, đòi hỏi mất thời gian đáng kể để tìm hiểu”, các luật sư của ông Musk cho biết trong đơn gửi hôm 15/07 đề nghị một ngày xét xử vào tháng 02/2023, đồng thời cho biết thêm rằng việc Twitter từ chối cung cấp thông tin này đã khiến ông Musk phải đệ đơn từ bỏ thỏa thuận hôm 08/07.
Các luật sư của ông Musk khẳng định rằng, chỉ số người dùng hoạt động hàng ngày có thể kiếm tiền của nền tảng là chỉ số cho thấy tỷ lệ tài khoản bot trên nền tảng truyền thông xã hội này. Bản thân là một người dùng Twitter ‘sôi nổi’, ông Musk trước đây đã ám chỉ trên Twitter rằng khám phá này có thể dẫn đến hiểu biết sâu sắc hơn về tỷ lệ bot trên Twitter cũng như về lợi nhuận của nền tảng.
Trong phiên tranh luận hôm 19/07, Twitter nói rằng ông Musk đang cố gắng “phá hoại” công ty truyền thông xã hội bằng cách yêu cầu một lịch trình “kéo dài một cách vô lý”.
Ông William Savitt, luật sư đại diện cho Twitter, cho biết trong phiên điều trần: “Ông Musk đã và vẫn có nghĩa vụ theo hợp đồng phải sử dụng những nỗ lực tốt nhất của mình để hoàn tất thỏa thuận này”. Twitter đã đề nghị trong phiên điều trần rằng sẽ có một phiên tòa diễn ra vào tháng 09/2022.
Ông Savitt nói: “Những điều ông ấy đang làm hoàn toàn ngược lại. Đó là sự phá hoại”.
Thẩm phán McCormick, người chủ trì phiên điều trần, đã đứng về phía Twitter và ra lệnh rằng một phiên tòa kéo dài 5 ngày sẽ diễn ra vào tháng 10/2022.
“Thực tế là sự chậm trễ đe dọa tác hại không thể khắc phục được đối với người bán”, bà McCormick nói trong phán quyết của mình, đề cập đến Twitter: “Sự chậm trễ càng lâu, rủi ro càng lớn”.
Sau ngày 17/10, ông Musk dự kiến đối mặt với một phiên tòa khác kéo dài một tuần, cũng ở Delaware, bắt đầu từ ngày 24/10.
Huyền Anh