Bắt tạm giam Giám đốc CDC Cà Mau liên quan đến Công ty Việt Á
Ông Đặng Hải Đăng – Giám đốc CDC Cà Mau bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến Công ty Việt Á.
Ngày 31/7, cảnh sát điều tra công an tỉnh Cà Mau đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đặng Hải Đăng (56 tuổi) – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Cà Mau; Hồ Quang Nhu – Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ CDC Cà Mau; và Lê Ngọc Định – Trưởng Phòng Kế hoạch – Tài chính (Sở Y tế Cà Mau) để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cơ quan điều tra, từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2021, Sở Y tế, CDC Cà Mau và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau thực hiện 11 gói thầu mua kit xét nghiệm COVID-19, máy tách chiết DNA/RNA tự động, hóa chất, sinh phẩm và thiết bị phục vụ phòng, chống dịch của Công ty Việt Á, với số tiền 49,47 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, Sở Y tế Cà Mau đã mua kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á cao hơn so với chi phí sản xuất (đã bao gồm 5% lợi nhuận và chi phí khác), dẫn đến thiệt hại khoảng 9,156 tỷ đồng; còn lại gói thầu 40.000 kit chưa thanh quyết toán.
CDC Cà Mau mua kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á cao hơn so với giá của chi phí sản xuất (đã bao gồm 5% lợi nhuận và chi phí khác), dẫn đến thiệt hại khoảng 3,09 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cáo buộc, trong quá trình thực hiện hồ sơ đấu thầu mua kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á, 3 bị can trên đã thực hiện không đúng quy định về đấu thầu: “không bảo đảm công bằng, minh bạch”, vi phạm các hành vi bị cấm liên quan đến đấu thầu; gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 12 tỷ đồng.
Huy Hoàng
Điều tra cặp vợ chồng trông trẻ nghi dùng băng keo bịt miệng, buộc chân bé gái 1 tuổi
Bé gái một tuổi (quê Hà Tĩnh) được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng bị hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn, tiên lượng rất nặng, nghi bị ngược đãi, bạo hành.
Theo Công an TP. Hà Nội, ngày 28/7, Công an phường Láng Thượng (quận Đống Đa) tiếp nhận tin báo từ Bệnh viện Nhi Trung ương về việc có một trường hợp bệnh nhân là cháu L.Q.T. (1 tuổi, quê Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng tím tái, li bì và sốt cao, nghi bị ngược đãi, hành hạ.
Qua điều tra sơ bộ, cơ quan điều tra xác định, ngày 21/7, mẹ bé T. là chị Lê Thị Lan H. (28 tuổi, ở Hà Tĩnh) thuê Đoàn Diệu Linh (26 tuổi, ở Hà Nội) trông bé T. với giá 3 triệu đồng/tháng tại ngõ 198 Xã Đàn, phường Phương Liên (quận Đống Đa) để đi làm công nhân tại Bắc Giang.
Trong quá trình trông trẻ, do bé T. bị sốt và quấy khóc nên Linh và chồng là Hoàng Thế Vũ (28 tuổi) đã dùng dây sạc điện thoại buộc chân; dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người và dùng chăn quấn, dùng băng dính bịt miệng bé T.
Đến ngày 26/7, thấy bé T. mệt mỏi, khó thở, Vũ và Linh đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện tiếp nhận cháu bé trong tình trạng bé bị hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn, tiên lượng rất nặng.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã cấp cứu, đặt nội khí quản, bù dịch và chuyển ngay lên hồi sức cấp cứu.
Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám, các bác sĩ phát hiện nhiều bất thường trên cơ thể của bé. Hai chân của bé có rất nhiều vết bầm tím, hằn sâu giống như bị trói. Người đưa bé đến bệnh viện không phải là cha mẹ bé. Nghi ngờ bé bị bạo hành, bệnh viện đã báo ngay với nhà chức trách.
Đến ngày 31/7, bé đã tự thở oxy, cai thở máy, tuy nhiên, bé có biểu hiện tổn thương thần kinh và đang được chăm sóc đặc biệt theo dõi đánh giá tổn thương não.
Hiện, vụ việc đang được nhà chức trách tiếp tục điều tra, làm rõ.
Trần Duy
Mỗi năm cử 400 – 500 cán bộ đi nước ngoài bồi dưỡng bằng ngân sách
Bộ Chính trị vừa đưa ra mục tiêu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, mỗi năm cử 400 – 500 cán bộ đi nước ngoài bồi dưỡng bằng ngân sách.
Trithucvn đưa tin, từ 2022 đến 2025, mỗi năm cử đi nước ngoài bồi dưỡng khoảng 400 cán bộ. Trong đó, bồi dưỡng trung hạn khoảng 40 cán bộ, bồi dưỡng ngắn hạn 250 cán bộ và bồi dưỡng ngoại ngữ 120 cán bộ.
Trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030, mỗi năm cử đi nước ngoài bồi dưỡng khoảng 500 cán bộ, gồm bồi dưỡng trung hạn khoảng 50 cán bộ; bồi dưỡng ngắn hạn khoảng 300 cán bộ; bồi dưỡng ngoại ngữ khoảng 150 cán bộ.
Cán bộ bồi dưỡng gồm bồi dưỡng ngắn hạn (khoảng 2 tuần), tổ chức theo đoàn, mỗi đoàn khoảng 15 – 20 người có vị trí lãnh đạo, quản lý và lĩnh vực công tác tương đồng ở trung ương và địa phương.
Bồi dưỡng trung hạn (khoảng 3 tháng), học trực tiếp bằng ngoại ngữ đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục, cục, vụ của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương; ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương; cán bộ lãnh đạo cấp sở và tương đương trở lên ở địa phương.
Bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ thời gian khoảng 4 tháng trong nước và 4 tháng ở nước ngoài. Đối tượng bồi dưỡng là cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên sử dụng ngoại ngữ trong công việc.
TP.HCM: Cầu Thủ Thiêm 2 mới khánh thành 3 tháng bị bôi bẩn, vẽ bậy
Nhiều vị trí trên dây văng, trụ cầu Thủ Thiêm 2 bị bôi bẩn, sơn hình thù nham nhở, mặc dù mới khánh thành cách đây ba tháng.
Cầu Thủ Thiêm 2 được xem là biểu tượng mới vừa được TP.HCM khánh thành vào ngày 28/4.
Cây cầu dây văng với kiến trúc đẹp được đầu tư với 3.100 tỷ đồng, dài gần 1,5 km với 6 làn xe, là điểm kết nối giao lộ Tôn Đức Thắng – Lê Duẩn (Q.1) với Đại lộ Vòng cung trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức). Sau khi đưa vào hoạt động đã thu hút được nhiều người dân đến tham quan, check-in.
Tuy nhiên, báo chí nhà nước vừa phản ánh gần chục vị trí trên mố, trụ cầu Thủ Thiêm 2 tại hai nhánh qua quận 1 xuất hiện nhiều hình vẽ được sơn màu đen và đỏ nguệch ngoạc, theo kiểu graffiti (vẽ tranh đường phố). Ngay vị trí lối cầu thang bộ lên xuống cầu có hình vẽ tựa mặt người màu trắng rộng khoảng 3 m2. Trên cầu, hai đoạn đầu dây văng cũng bị bôi bẩn với kiểu tương tự.
Không chỉ vậy, đường đi bộ lên cầu cũng ngập rác thải. Xung quanh các trụ và cột điện thắp sáng của cây cầu bị dán nhiều tờ rơi, khiến nơi đây trở nên nhếch nhác.
Đại diện đơn vị quản lý cầu Thủ Thiêm 2 cho biết tình trạng này mới xảy ra. Đơn vị sẽ xác minh đồng thời trích xuất camera trên cầu, đề nghị công an xử lý.
Tình trạng bôi bẩn, vẽ bậy trên các bức tường nơi công cộng, các tòa nhà… diễn ra ở TP.HCM nhiều năm nay. Hồi giữa tháng 6, tàu metro số 1 đặt tại depot Long Bình, TP. Thủ Đức cũng bị sơn vẽ nhiều hình thù khác nhau.
Trước đó, hơn 40 nắp chắn rác trên cầu Thủ Thiêm 2 từng bị mất trộm sau một tháng khánh thành. Người lấy trộm sau đó bị công an tạm giữ.
Theo Nghị định 144 của Chính phủ, hành vi phun sơn, viết, vẽ lên tường, cột điện hoặc các công trình công cộng mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền lên tới 5 triệu đồng.
Minh Long
Diễn biến mới vụ ô tô cán bộ quân đội chuyển làn khiến nữ sinh tử vong
Hội An 30/07/2022 536 lượt xem
Gia đình nạn nhân nữ sinh đau buồn và bức xúc trước kết quả xét nghiệm nói rằng con gái họ nó nồng độ cồn, trong khi cơ quan điều tra thu thập mẫu máu của con gái không có sự chứng kiến của gia đình, các cơ quan chức năng khác. Thế nhưng khi yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến đơn khiếu nại việc giám định, đối chiếu mẫu máu của nạn nhân thì Giám đốc Bệnh viện cho biết, hồ sơ bệnh án của bệnh nhân là mật, chỉ cung cấp cho cơ quan điều tra.
Chiều 27/7, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hồ Hoàng Hùng, ngụ phường Tấn Tài, TP. Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận) cho biết, gia đình vẫn đang bức xúc và đau lòng sau cái chết bất ngờ của con gái mình là nữ sinh Hồ Hoàng Anh (SN 2005), tử vong do tai nạn giao thông vào sáng ngày 28/6.
Theo ông Hùng cung cấp cho báo chí, khoảng 7 giờ 30 ngày 28/6, Hồ Hoàng Anh điều khiển xe máy lưu thông bên lề phải đường 16 tháng 4, TP. Phan Rang – Tháp Chàm theo hướng từ đông sang tây. Khi đến trước cổng Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt nam chi nhánh Ninh Thuận thì bất ngờ ô tô 7 chỗ do ông Hoàng Văn Minh (SN 1986, cán bộ của một đơn vị quân đội đóng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận) điều khiển chạy cùng chiều chuyển làn đường, va vào xe máy của Hồ Hoàng Anh đang đi chuyển.
Sau va đập, Hồ Hoàng Anh văng về phía trước khoảng 4m, đập đầu xuống lề đường và vào trụ điện đường, nằm bất động và tử vong sau khi đưa đến bệnh viện.
Thế nhưng, cũng theo ông Hùng, gia đình rất bất ngờ và bức xúc khi được Cơ quan CSĐT thông báo về kết quả nồng độ cồn trong máu của con gái ông sau khi xảy ra tai nạn.
“Chiều 13/7, thay mặt Cơ quan điều tra Công an TP. Phan Rang – Tháp Chàm( Ninh Thuận), một cán bộ thông báo cho gia đình tôi biết là kết quả kiểm tra nồng độ cồn của cháu Hồ Hoàng Anh là 0,79 mg/100 ml máu.
Ông Hùng cho hay, gia đình tôi rất bức xúc và đặt câu hỏi: “Một học sinh đi đến trường lúc 7 giờ sáng để nhận giấy báo dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022, đến khoảng 7 giờ 30 phút, trên đường về nhà thì gặp tai nạn thì hỏi làm sao lại có nồng độ cồn lên đến 0,79 mg/100ml máu như những người đã uống nhiều rượu bia?”, ông Hùng trình bày.
Để làm sáng tỏ vụ việc, gia đình nữ sinh xấu số đã gửi đơn khiếu nại gửi đến các ngành liên quan trong tỉnh Ninh Thuận.