Ngày 1/8, ông Lưu Đức Âm (Mark Liu), chủ tịch TSMC, lần đầu tiên nhận lời phỏng vấn của CNN, nhấn mạnh rằng nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xâm lược Đài Loan, có thể sẽ dẫn đến trật tự thế giới bị sụp đổ.
Người dẫn chương trình CNN, ông Fareed Zakaria, đã hỏi về tác động đối với nền kinh tế Đài Loan nếu ĐCSTQ xâm lược Đài Loan, và liệu nguồn cung chip toàn cầu có bị đe dọa nếu TSMC bị Trung Quốc chiếm giữ hay không.
Ông Lưu Đức Âm cho biết, nếu ĐCSTQ tấn công Đài Loan, những con chip sẽ không phải là thứ quan trọng nhất. Vì toàn bộ trật tự thế giới sẽ bị thay đổi khi chiến tranh bắt đầu, trật tự thế giới dựa trên luật lệ sẽ bị sụp đổ, và địa chính trị sẽ bị thay đổi hoàn toàn.
Lưu Đức Âm tuyên bố ông có quan điểm phản đối chiến tranh, và tin rằng việc Trung Quốc cần chip của TSMC không phải là điều xấu. Mối quan hệ giữa 2 bờ eo biển Đài Loan khác với mối quan hệ giữa Ukraine và Nga, nên rút kinh nghiệm từ cuộc chiến Nga – Ukraine, suy nghĩ về cách tránh chiến tranh và đảm bảo rằng chiếc động cơ của nền kinh tế thế giới vẫn có thể tiếp tục hoạt động, cạnh tranh công bằng. Vì trong chiến tranh không có người thắng, chỉ có kẻ thua.
Ông nói rằng một môi trường cạnh tranh lành mạnh chỉ có thể đạt được trong điều kiện hòa bình. Ông tin rằng cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu không muốn thấy chiến tranh, “Vậy tại sao lại nhảy vào một cái bẫy khác (ngoài cuộc chiến Nga và Ukraine)?”
Ông Lưu Đức Âm chỉ ra rằng ngay cả khi ĐCSTQ sử dụng vũ lực để giành lấy nhà xưởng và thiết bị của TSMC, thì hoạt động sản xuất vẫn sẽ dừng lại, không thể tiếp tục hoạt động. Vì chuỗi cung ứng của TSMC, như nguyên liệu đều đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và những nơi khác.
Nếu chỉ có nhà máy và thiết bị đĩa bán dẫn cũng vô ích. Trung Quốc vẫn sẽ không có được chip cao cấp, điều này có thể dẫn đến sự hỗn loạn kinh tế ở Trung Quốc Đại Lục.
Zakaria hỏi phải chăng ông Lưu Đức Âm muốn bày tỏ rằng không nên sợ hãi trước sự đe dọa của Trung Quốc? ĐCSTQ không bao giờ có thể tiếp quản nền kinh tế Đài Loan, vì nền kinh tế này được xây dựng dựa trên sự tin tưởng, cởi mở và hợp tác toàn cầu. Nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan bằng vũ lực, liệu họ có phát hiện ra rằng họ cũng không thể đạt được bất cứ điều gì hay không?
Ông Lưu Đức Âm gật đầu 3 lần liên tiếp và nói: “Đúng vậy, không sai, quả thực là tôi nghĩ vậy. Chúng tôi đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, nhưng chúng tôi cũng phải giữ hy vọng tốt nhất.”
Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), Bộ trưởng Bộ Kinh tế, bà Vương Mỹ Hoa (Wang Mei-hua) cũng khẳng định những tuyên bố của ông Lưu Đức Âm trong cuộc phỏng vấn với Hiệp hội Truyền thông, về các chủ đề như chuỗi cung ứng chất bán dẫn, sách trắng của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại, giá điện và việc TSMC thành lập nhà máy tại Cao Hùng.
Bà Vương Mỹ Hoa cho rằng ngay cả khi ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan phát triển, thì các vật liệu và thiết bị cần thiết cho việc sản xuất chất bán dẫn vẫn cần hợp tác với thế giới. Ví dụ như vật liệu bán dẫn của Đài Loan đến từ Nhật Bản và Đức, thiết bị đến từ Hà Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, v.v… Đây là một ngành hợp tác toàn cầu, tạo thành một chuỗi cung ứng khổng lồ.
Bà cũng chỉ ra rằng nếu xảy ra xung đột quân sự, các quốc gia sẽ không thể tiếp tục cung cấp nguyên vật liệu và thiết bị, các hãng bán dẫn cũng không thể tiếp tục sản xuất. Đài Loan cung ứng chất bán dẫn trên toàn thế giới, nếu không thể cung cấp, sẽ dẫn đến những vấn đề rất lớn về kinh tế thế giới.
Bà Vương Mỹ Hoa nhấn mạnh, chính vì điều này nên cộng đồng quốc tế mới cho rằng “nếu có Đài Loan xảy ra sự cố gì, thì toàn thế giới cũng sẽ gặp sự cố.” Bà nói rằng nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực, tất nhiên, điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu chip cao cấp của chính Trung Quốc. Vì vậy đây là một tình huống mà tất cả các bên đều thua, “Chủ tịch Lưu Đức Âm đã mô tả điều này rất hay.”
Hôm 16/6, Fabian Kretschmer, phóng viên của RND trú tại Bắc Kinh, đã chỉ ra trong một bài báo có tiêu đề “Vì sao một khi mất Đài Loan, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị hủy hoại trong chốc lát” rằng khoảng cách giữa Đài Loan và Đức là 9.000 km, diện tích Đài Loan chỉ tương đương với Baden-Württemberg – bang lớn thứ ba ở Tây Nam nước Đức, nhưng sự gần gũi về kinh tế của Đài Loan với Đức nằm ngoài sức tưởng tượng của hầu hết người Đức. Tất cả những điều này “chủ yếu nhờ công của một công ty Đài Loan: TSMC”.
Tờ Handelsblatt của Đức gần đây đã chỉ ra rằng Đài Loan có một chuỗi cung ứng chất bán dẫn không thể thay thế, chi phối huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu. Bởi vì không có chip, máy bay không thể cất cánh, không thể sản xuất điện thoại di động, vũ khí của một số quốc gia có thể không được sản xuất, toàn cầu đều gặp tai họa, thì Trung Quốc cũng không thoát khỏi thảm họa này.
Bình Minh