Một cuộc điều tra cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa 3 triệu đô la Úc (khoảng 2,1 triệu USD) cho các nghị sĩ đảng cầm quyền Quần đảo Solomon vào năm ngoái. Người đứng đầu Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Quần đảo Solomon cáo buộc ĐCSTQ sử dụng tham nhũng để kiểm soát Chính phủ nước này.
Chương trình Four Corners của Đài ABC tiết lộ rằng số tiền của ĐCSTQ đã được phân phối làm 2 lần, một lần trước khi Quốc hội Quần đảo Solomon bỏ phiếu theo đề nghị bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Manasseh Sogavare của họ; và một lần khi xảy ra hỗn loạn ở thủ đô Quần đảo Solomon, các nghị sĩ đảng chấp chính nhận được khoảng 80.000 đô la Úc (khoảng 56.175 USD), trong khi một cựu nghị sĩ đang trong phe của đảng cầm quyền sau khi tham gia vào đảng đối lập thì không nhận được khoản tiền thứ hai.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Honiara, thủ đô của quần đảo Solomon, vào tháng Tám năm ngoái đã đồng ý hỗ trợ thêm cho Chính phủ của Thủ tướng Sogavare. Sau đó, ông Sogavare đã thoát được kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông.
Mặc dù số tiền này chỉ được trao cho các nghị sĩ đảng cầm quyền, nhưng Thủ tướng Sogavare cho biết đây là để kích thích nền kinh tế.
Phát biểu trên Four Corners, bà Ruth Liloqula, Giám đốc Tổ chức Minh bạch Quốc tế về chống tham nhũng tại Quần đảo Solomon cho biết: “Đây là tham nhũng”.
Theo báo cáo, các nghị sĩ đã nhận tiền và không phải giải thích số tiền đó được sử dụng vào việc gì. Bà Ruth Liloqula cho biết ĐCSTQ đang duy trì Chính phủ Quần đảo Solomon hiện tại, đồng thời đang “kiểm soát từ xa các công việc của Chính phủ này và các vấn đề của Quần đảo Solomon”.
Ông Sogavare đã không hồi đáp về các cáo buộc.
Ông Silas Tausinga, một nghị sĩ đã tham gia phe đối lập, cho biết trên chương trình rằng ông đã nhận được khoản tiền đầu tiên khi còn là thành viên của đảng cầm quyền, nhưng ông đã không nhận được khoản tiền thứ 2 sau khi tham gia đảng đối lập. “Tôi sẽ không vì tiền mà ở lại trong đảng cầm quyền.”
Khi được hỏi số tiền này liệu có có giữ được ghế thủ tướng của ông Sogavare hay không, ông Tausinger nói: “Chẳng phải ông ấy vẫn đang nắm quyền phải không?”
Trong khi đó, các công ty quốc doanh của Trung Quốc đang tìm cách nắm quyền kiểm soát một cảng nước sâu có thể cập cảng các tàu lớn ở quần đảo Solomon.
Tập đoàn Lâm nghiệp Trung Quốc đã nhắm đến một đồn điền trên đảo Kolombangara thuộc quần đảo Solomon, họ đang đàm phán với đối phương để mua nó.
Nếu thành công, công ty quốc doanh của Trung Quốc này sẽ giành quyền kiểm soát 2/3 hòn đảo, bao gồm cảng, các căn cứ trên biển, đường băng và những vùng đất bằng phẳng.
Mặc dù ông Sogavare hứa sẽ không cho phép ĐCSTQ thiết lập căn cứ quân sự ở Quần đảo Solomon, nhưng ông Silas Tausinga cho rằng tham vọng của Trung Quốc trong việc thiết lập sự hiện diện quân sự ở quần đảo Solomon vẫn còn cao, và Úc nên lo ngại về vấn đề này.
Các thành viên hội đồng quản trị công ty KFPL đã viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong, thúc giục Chính phủ Úc vào cuộc để ngăn chặn cảng nước sâu tốt nhất ở Quần đảo Solomon rơi vào tầm kiểm soát của Bắc Kinh, gây ra mối đe dọa chiến lược đối với Úc. Bộ ngoại giao Úc cho biết, họ đang liên lạc với tầng quản lý của đồn điền. Bộ Ngoại giao Úc không loại trừ khả năng tham gia vào vấn đề này.
Trước đó, việc quần đảo Solomon và Bắc Kinh ký một thỏa thuận an ninh đã làm dấy lên sự bất mãn mạnh mẽ từ Úc.
Vào tháng Tư năm nay, ông Peter Dutton, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Úc, nói với đài 3AW: “Cách Trung Quốc tiến hành kinh doanh rất khác với chúng ta. Chúng ta không hối lộ người khác, nhưng phía Trung Quốc tất nhiên sẽ làm như vậy, họ đã chứng minh điều này ở châu Phi và các nơi khác. Mọi người có thể rút ra kết luận của riêng mình.”
“Chúng ta có thể cung cấp viện trợ, nhưng cuối cùng chúng ta không thể giành chiến thắng nếu có người dựa vào thủ đoạn tham nhũng.”
Theo Thiên Duệ, Epoch Times