TOKYO / NEW YORK – phân tích (từ các bức ảnh vệ tinh) của Nikkei cho thấy Trung Quốc đang mở rộng các cơ sở thử nghiệm hạt nhân ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương.
Mặc dù đã tạm dừng các vụ thử chất nổ ở khu vực này cách đây ¼ thế kỷ, nhưng gần đây một số chuyên gia khẳng định rất có thể Bắc Kinh đang tăng cường khả năng các vụ thử hạt nhân mới.
Những lớp che chắn đã được dựng lên trên một sườn núi khô cằn, cùng với những tảng đá vỡ chồng chất ngổn ngang gần đó là những dấu hiệu cho việc xây dựng đường hầm thứ 6, nhằm chuẩn bị cho các vụ thử nghiệm mới dưới lòng đất.
Quan sát cho thấy hệ thống cáp điện, một cơ sở có thể được dùng vào việc lưu trữ chất nổ hạng nặng và hệ thống giao thông giữa các sở chỉ huy theo nhiều hướng khác nhau đã được xây dựng.
Một vệ tinh đã phát hiện khu thử hạt nhân bí mật này nằm ở Lop Nur, một hồ muối khô ở phía đông nam của Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, miền tây Trung Quốc; các phân tích cũng cho thấy chính Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đảm nhận an ninh khu vực này.
Một chuyên gia giấu tên của một công ty địa lý không gian tư nhân Mỹ AllSource Analysis tiết lộ ‘Trung Quốc có thể tiến hành các vụ thử hạt nhân bất cứ lúc nào bởi vì các hệ thống cáp điện và giao thông đã được kết nối với các khu vực thử nghiệm mới ở phía Tây
Mặc dù vẫn còn có những lĩnh vực khá yếu kém nhưng Trung Quốc đã đặt mục tiêu trở thành cường quốc quân sự ngang hàng với Mỹ vào giữa thế kỷ 21 – rất có thể đây là một tham vọng quá sức.
Hiện Trung Quốc có 2,04 triệu quân nhân; đây là lực lượng thường trực lớn nhất trên thế giới, và lớn gấp 1,5 lần so với Mỹ. Nhưng theo một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu thì lực lượng này gần đây đã không tuyển đủ quân số. Đây là hậu quả của chính sách một con và giới trẻ nước này thích các công việc nhàn hạ ở khu vực tư nhân hơn là gia nhập quân đội.
Chủ tịch Tập luôn rêu rao rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc cai trị ‘đông, tây, nam, bắc’, ý là đảng này kiểm soát Quân đội Nhân dân. Nhưng đây quả thực là một hệ thống quân sự tham nhũng và độc tài; và quân đội nước này gần như chưa qua thực chiến (lần cuối cùng chiến đấu là năm 1979 trong chiến tranh Trung-Việt).
Một mặt chính quyền ông Tập đã và đang tính đến việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Nhưng mặt khác, cuộc chiến Nga – Ukraine đã phơi bày những thiếu sót nghiêm trọng về chất lượng trang thiết bị quân sự của Nga (khi mà nước này cung cấp cho Bắc Kinh hơn 66% khí tài quân sự nhập khẩu). Đây cũng là một lời cảnh tỉnh cho những rủi ro của một cuộc phiêu lưu quân sự.
Vấn đề nằm ở chỗ, Trung Quốc định làm gì nếu có vũ khí hạt nhân. Tính toán cho thấy Trung Quốc đã tiến hành năm vụ thử hạt nhân dưới lòng đất tại Lop Nur, lần gần đây nhất vào năm 1996. Hiện tại đường hầm thứ sáu đã xây xong để nối lại kế hoạch.
Các bằng chứng khác cho thấy đã có những cuộc đấu thầu quân sự. Vào tháng 4, một trang web mua sắm chính thức của Trung Quốc đã mời thầu “10 thiết bị báo động liều bức xạ”, “12 bộ quần áo bảo hộ” và “một máy phát hiện hư hỏng.” Đây dường như là một phần của “dự án giám sát khẩn cấp các tai nạn hạt nhân và bức xạ.”. Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), một tổ chức bán quân sự dưới quyền của ĐCSTQ, là đơn vị mời thầu.
Mặc dù không có nhà máy điện hạt nhân nào ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, nhưng XPCC lại cho biết họ sẽ “coi năm 2022 là năm khởi đầu cho việc tăng cường năng lực giám sát phóng xạ.” Và việc mua sắm lượng lớn các thiết bị liên quan đã được thực hiện.
Các vệ tinh đã thu thập được nhiều thông tin hoạt động của phía quân đội Trung Quốc. Tháng 10 năm 2020 đã ghi nhận hoạt động san lấp mặt bằng địa hình mới tại Lop Nur. Các xe tải lớn đến và đi vào năm 2021, và hệ thống dây cáp điện cho đường hầm thứ sáu được xây dựng vào nửa đầu năm 2022. Và vào tháng 6, cơ sở lưu trữ chất nổ đã được hoàn thành.
Cùng với việc xây dựng công trình này, sự gia tăng bức xạ trong vùng lân cận đã được phát hiện. Ngoài ra một phát hiện khác là một hầm cơ sở mới được xây dựng ở gần đó.
Nghe có vẻ thời gian không đứng về phía ông Tập khi mà ông đang tập trung nguồn lực cho để giành được nhiệm kỳ thứ ba; và rằng sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ sẽ giúp ông ngăn cản Mỹ can thiệp nếu ông ta muốn thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, theo giáo sự Nobumasa Akiyama tại Đại học Hitotsubashi; người nghiên cứu về vấn đề an ninh Đông Á trao đổi với Nikkei.
Nếu có tình huống khẩn cấp ở eo biển Đài Loan, kiểm soát hàng hải tất nhiên sẽ là vấn đề then chốt. Các vũ khí hạt nhân nhỏ có thể cho phép Trung Quốc cầm chân hàng không mẫu hạm Mỹ.
Nga đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ tại các sân bay và các khu vực đông dân cư ở Ukraine. Cho đến nay, Mỹ không can dự trực tiếp vào cuộc chiến ở đó, và một số nhà phân tích cho rằng việc có thể sử dụng hỏa lực hạt nhân khiến nước này càng phải cảnh giác hơn trước bất kỳ nguy cơ nào. Và chắc chắn Trung Quốc nhận thức được điều này.
Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã lỗi thời nhiều kể từ khi các vụ thử cuối cùng được tiến hành và cần phải có dữ liệu mới cho thế hệ vũ khí hạt nhân tiên tiến nhất trước khi triển khai chúng.
Trong khi đó, các phân tích vệ tinh khác cho thấy có các hoạt động của Hoa Kỳ tại Khu phức hợp U1a ở Khu vực An ninh Quốc gia Nevada vào giữa tháng 7.
Công trình Nevada được cho là đã bắt đầu vào tháng 9 năm 2021 và quy mô xây dựng tại hai địa điểm với diện tích đã tăng gần gấp đôi. Tyler Patterson, người phát ngôn của trang web cho biết: “Dự án Cải tiến Tổ hợp U1a sẽ giúp thực hiện các đánh giá hàng năm và các chương trình hiện đại hóa trong tương lai, đồng thời đảm bảo sự tin cậy của kho dự trữ hạt nhân mà không cần quay lại thử nghiệm hạt nhân”.
Mặc dù Tổng thống Joe Biden đã ủng hộ một “thế giới không có hạt nhân”, nhưng Mỹ đã tiến hành các vụ thử hạt nhân trong giới hạn cho phép vào tháng 6 và tháng 9 năm 2021. Bằng cách nắm giữ hơn 1/4 số đầu đạn hạt nhân trên thế giới, Mỹ tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc và Nga về vũ khí hạt nhân.
Việc cấm sử dụng vũ khí hạt nhân có thể khiến Mỹ và Trung Quốc tiếp tục phát triển các loại khí tài trong giới hạn cho phép.
Michiru Nishida, giáo sư tại Đại học Nagasaki, cho biết: “Một cuộc khủng hoảng tại eo biển Đài Loan có thể làm tăng nguy cơ Trung Quốc sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ và Mỹ cũng sẽ phản công với vũ khí tương tự”.
Trong một báo cáo hồi tháng 6, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cảnh báo rằng nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng đang ở mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh vào nửa sau thế kỷ 20.
Báo cáo này được đưa ra khi các bên tham gia thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc nhóm họp tại New York nhằm thường xuyên rà soát lại thỏa thuận.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, DC từ chối bình luận về vấn đề này.