Thế giới hiện đang phải đối mặt với một thảm họa về lương thực do con người gây ra. Thảm họa này đang đạt đến cấp độ khủng hoảng.
Các chính sách hiện hành ở nhiều nơi trên thế giới đặt ưu tiên về biến đổi khí hậu để thực hiện một thỏa thuận xanh mới (green new deal). Trong khi đó, những chính sách như vậy sẽ góp phần dẫn đến tình trạng tử vong ở trẻ em do suy dinh dưỡng nghiêm trọng, vì hệ thống lương thực bị đứt gãy, thiếu thức ăn và nước uống, căng thẳng, lo âu, sợ hãi, và phơi nhiễm hóa chất nguy hiểm.
Áp lực tiêu cực nhiều hơn đối với nông dân và hệ thống lương thực đang tự chiêu mời một thảm họa. Hệ thống miễn dịch của nhiều người, đặc biệt là trẻ em, đã mất khả năng chống chọi và đang dần suy yếu trước các nguy cơ nhiễm độc, nhiễm trùng, và các căn bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm, các ca tử vong và vô sinh.
Nông dân Hà Lan, nhiều người trong số đó sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sau năm 2030, đã vạch ra giới hạn. Ngày càng có nhiều nông dân và công dân trên toàn thế giới ủng hộ họ.
Không phải nông dân mới là những người gây ô nhiễm môi trường nặng nề nhất, mà là các ngành công nghiệp vốn tạo ra các sản phẩm cần thiết cho một cuộc cách mạng kỹ trị dẫn đến năng lượng xanh, khai thác dữ liệu, và Trí tuệ Nhân tạo. Khi các chính trị gia khai triển ngày càng nhiều kế hoạch của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), bất bình đẳng phát sinh và xung đột tăng thêm trên toàn thế giới.
Cuộc nổi dậy mạnh mẽ của nông dân ở Hà Lan là lời kêu gọi cho một cuộc chuyển đổi khẩn cấp sang một thế giới hướng tới con người, tự do, và lành mạnh, với thực phẩm bổ dưỡng được trồng trọt và thu hoạch theo các quy trình tự nhiên. Người dân bình thường trên toàn thế giới đang tăng cường hợp tác để ngăn chặn một thảm họa đói kém hàng loạt — hậu quả từ kế hoạch của chủ nghĩa khoa học và chế độ kỹ trị nhằm đặt thế giới dưới sự thống trị và kiểm soát của các nhà khoa học và giới tinh hoa không được bầu chọn.
Giải pháp là có đủ lương thực, tiếp cận được với lương thực
Nông dân trên khắp thế giới thường trồng đủ lượng calo (2,800) cho mỗi người (trong khi mức đủ sẽ là 2,100 calo/ngày) để hỗ trợ cho một lượng dân số từ 9 đến 10 tỷ người trên toàn thế giới. Nhưng vẫn còn hơn 828 triệu người không đủ ăn mỗi ngày. Vấn đề không phải lúc nào cũng là lương thực; mà là quyền tiếp cận [lương thực]. Liên Hiệp Quốc đã viết trong mục tiêu 2 của các Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2015 như sau, “Mục tiêu không có nạn đói và suy dinh dưỡng cho tất cả mọi người sẽ không đạt được vào năm 2030.”
Trong suốt lịch sử, nhiều lần các thảm họa tự nhiên hoặc thảm họa do con người tạo ra đã dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực trong thời gian dài hơn, dẫn đến nạn đói, suy dinh dưỡng (thiếu dinh dưỡng), và tử vong. Đại dịch COVID-19 đã khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Kể từ khi đại dịch toàn cầu này khởi phát, các ước tính về việc tiếp cận lương thực cho thấy tình trạng mất an ninh lương thực có thể đã tăng gấp đôi, nếu không muốn nói là tăng gấp ba ở một số nơi trên thế giới.
Hơn nữa, trong thời kỳ đại dịch, nạn đói trên toàn cầu đã tăng lên 150 triệu người và hiện đang ảnh hưởng đến 828 triệu người, với 46 triệu người ở ngưỡng nguy cơ của nạn đói đang phải đối mặt với tình trạng đói ở mức khẩn cấp hoặc tệ hơn. Ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, điều này có nghĩa là xảy ra nạn đói hoặc các tình trạng giống như nạn đói. Ít nhất 45 triệu trẻ em đang bị gầy ốm, vốn là dạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng và dễ nhận thấy nhất, và có khả năng đe dọa đến tính mạng.
Với việc giá lương thực và phân bón toàn cầu đang ở mức cao đáng lo ngại, các tác động liên tục của đại dịch, các lực lượng chính trị đang nhận thấy các mục tiêu về biến đổi khí hậu và cuộc chiến Nga-Ukraine làm gia tăng những lo ngại nghiêm trọng về an ninh lương thực cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực ngày càng gia tăng, khiến nhiều gia đình trên toàn thế giới có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Những cộng đồng từng sống sót qua các cuộc khủng hoảng trước đây sẽ dễ bị tổn thương hơn so với trước đây trước một sự xáo động mới và sẽ phải chịu các tác động chồng chất, và rơi vào nạn đói (tình trạng đói cấp tính và số ca tử vong tăng mạnh).
Hơn nữa, tăng trưởng của các nền kinh tế và sự phát triển của các quốc gia hiện đang chậm lại vì thiếu lực lượng lao động do mức độ phúc lợi giảm mạnh và tỷ lệ tử vong cao hơn.
Theo sau những giới hạn nitơ mới vốn đòi hỏi nông dân phải hạn chế hết mức khí thải nitơ của họ lên tới 70% trong tám năm tới, hàng chục ngàn nông dân Hà Lan đã vùng lên để phản đối chính phủ.
Nông dân sẽ buộc phải sử dụng ít phân bón hơn và thậm chí phải giảm số lượng vật nuôi của họ, trong một số trường hợp có thể lên đến 95%. Các trang trại gia đình có quy mô nhỏ hơn sẽ không thể đạt được những mục tiêu này. Nhiều người sẽ buộc phải đóng cửa, kể cả những người có gia đình đã làm nghề nông đến tám thế hệ.
Hơn nữa, sự sụt giảm đáng kể và những hạn chế đối với nông dân Hà Lan sẽ gây ra những hậu quả to lớn đối với chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Hà Lan là quốc gia xuất cảng nông sản lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chính phủ Hà Lan vẫn theo đuổi nghị trình về biến đổi khí hậu của họ trong khi hiện tại không có luật nào hỗ trợ việc thực hiện, mặc dù nghị trình này sẽ không thay đổi nhiều tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng của hành tinh. Các mô hình được sử dụng để đi đến quyết định của chính phủ Hà Lan đang gây tranh cãi giữa các nhà khoa học nổi tiếng.
Các chính trị gia Hà Lan đã không có một thông báo nào về việc xem xét tác mà động quyết định của họ có đối với việc thực thi một mục tiêu quan trọng nhất trong thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc: chấm dứt nạn đói, tình trạng mất an ninh lương thực, và suy dinh dưỡng vào năm 2030.
Thật không may, Sri Lanka, một quốc gia mà giới lãnh đạo chính trị từng đề đạt chính sách không phát thải Nitơ và CO2, hiện đang phải đối mặt với các vấn đề về kinh tế, nạn đói nghiêm trọng, và những khó khăn trong việc tiếp cận lương thực vì một quyết định mang tính chính trị là nông dân không được phép sử dụng các loại phân bón và thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, các chính trị gia chịu trách nhiệm về phát thải Nitơ/biến đổi khí hậu ở các quốc gia khác vẫn theo đuổi chính sách xanh tương tự.
Hơn nữa, các chuyên gia đang cảnh báo rằng nắng nóng, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, và các thảm họa khác đã đang tàn phá nền kinh tế sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Tình trạng thiếu lương thực và nước đã được giới truyền thông đưa tin.
Hơn hết, các chuyên gia Úc thông báo một nguy cơ bùng phát một căn bệnh do virus ở gia súc gây ra. Điều này có thể gây thiệt hại 80 tỷ dollar Úc cho nền kinh tế Úc và thậm chí là nhiều vấn đề thực tế hơn đối với chuỗi cung ứng. Vô số doanh nghiệp và nhà sản xuất đi đến phá sản. Sự tổn thất về mặt tinh thần mà họ phải đối mặt khi tiêu hủy đàn gia súc khỏe mạnh của họ là rất lớn và khó có thể chịu đựng được. Điều này đang đẩy nhiều nông dân hơn vào tình cảnh tự kết liễu mạng sống của mình.
Hy vọng rằng động lực thôi thúc chính phủ Đan Mạch xin lỗi sẽ giúp các chính trị gia xem xét lại các biện pháp quyết liệt như vậy đối với nông dân, sau khi một báo cáo điều tra chỉ trích về việc chính phủ ra lệnh phân loại để tiêu hủy hơn 15 triệu con chồn hồi tháng 11/2020. Lệnh đó đã dẫn đến thông tin sai lệch cho những người chăn nuôi chồn và công chúng cũng như dẫn đến những hướng dẫn rõ ràng là bất hợp pháp đối với các nhân viên chính phủ.
Các cuộc biểu tình của nông dân đang gia tăng trên toàn thế giới, và ngày càng được nhiều công dân hưởng ứng — những người đứng lên chống lại các quy định bắt buộc tốn kém được tạo ra vì những thay đổi trong “các chính sách xanh” vốn dĩ đã mang lại nhiều sự khốn khổ và bất ổn.
Tại một hội nghị cấp bộ trưởng về an ninh lương thực hôm 29/06/2022, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng tình trạng thiếu lương thực ngày càng nghiêm trọng có thể dẫn đến một “thảm họa” toàn cầu.
Suy dinh dưỡng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật hơn bất kỳ nguyên nhân nào khác
Nguy cơ gia tăng về tình trạng thiếu lương thực và nước mà hiện nay thế giới đang phải đối mặt sẽ đưa nhân loại đến bờ vực thẳm. Nạn đói là một con quái vật có nhiều đầu. Trong nhiều thập niên, việc chế ngự nạn đói trên thế giới đã trở thành một vấn đề chính trị theo cách mà trước đây không thể. Việc sử dụng quyền lực chính trị độc tài đã dẫn đến những chính sách đầy tai hại của chính phủ, khiến hàng triệu người không thể kiếm sống. Như hai ông Dreze và Sen đã nói trong cuốn “Nạn Đói và Hành Động Của Công Chúng” (“Hunger and Public Action”) xuất bản năm 1991, nạn đói kinh niên và sự tái diễn của nạn đói hoành hành phải được xem là thái quá về mặt đạo đức và không thể chấp nhận được về mặt chính trị.
“Đối với những người ở đỉnh cao của giai tầng xã hội, chấm dứt nạn đói trên thế giới sẽ là một thảm họa. Đối với những người cần lao động giá rẻ, nạn đói là nền tảng của sự giàu có của họ, đó là một tài sản,” Tiến sĩ George Kent viết trong bài luận năm 2008 có nhan đề “Các Lợi Ích của Nạn Đói Thế Giới” (“The Benefits of World Hunger”).
Suy dinh dưỡng không chỉ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lương thực và nước uống, mà còn do tình trạng căng thẳng tột độ, lo âu, cảm giác không an toàn và thiếu ăn, các yếu tố xã hội, hóa chất, vi nhựa, chất độc, và y tế hóa quá mức. Không một quốc gia nào trên thế giới có thể bỏ qua thảm họa này dưới mọi hình thức, vốn ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Toàn cầu có hơn 3 tỷ người không thể mua được những bữa ăn đủ dinh dưỡng. Và điều này trái ngược với những gì mà nhiều người nghĩ chẳng qua chỉ là vấn đề của một quốc gia có thu nhập thấp.
Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, khoảng 8% dân số ở Bắc Mỹ và Âu Châu không được tiếp cận thường xuyên với thực phẩm bổ dưỡng và đầy đủ. ⅓ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị thiếu máu, trong khi 39% người trưởng thành trên thế giới bị thừa cân hoặc béo phì. Mỗi năm có khoảng 20 triệu trẻ sinh ra bị nhẹ cân. Năm 2016, 9.6% phụ nữ bị nhẹ cân. Trên toàn cầu vào năm 2017, 22.2% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, trong khi tình trạng suy dinh dưỡng là nguyên nhân giải thích cho khoảng 45% trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Ông Lawrence Haddad, đồng chủ tịch của Nhóm Chuyên gia Độc lập về Báo cáo Dinh dưỡng Toàn cầu, nêu rõ, “Hiện nay, chúng ta đang sống trong một thế giới mà trạng thái suy dinh dưỡng là tình trạng bình thường mới. Đó là một thế giới mà tất cả chúng ta phải khẳng định là hoàn toàn không thể chấp nhận được.” Trong khi suy dinh dưỡng là nguyên nhân hàng đầu của bệnh tật với gần 50% số trường hợp tử vong trong năm 2014 là do các bệnh không lây nhiễm liên quan đến tình trạng dinh dưỡng, thì chỉ 50 triệu USD trong số tiền tài trợ của các nhà tài trợ được trao đi.
Suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức đều mang đến những chi phí cao đến mức không thể chấp nhận được — cả trực tiếp và gián tiếp — đối với các cá nhân, gia đình, và quốc gia. Theo một Báo cáo Dinh dưỡng Toàn cầu năm 2018, tác động ước tính đối với nền kinh tế toàn cầu do tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính của 800 triệu người có thể lên tới 3.5 ngàn tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, tình trạng tử vong ở trẻ em và chết yểu ở người trưởng thành, và các căn bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm liên quan tới suy dinh dưỡng có thể phòng ngừa được bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Mới đây, các công ty bảo hiểm cho thấy, tình trạng này sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa vào thời điểm quan trọng này, khi số ca tử vong vượt mức dự báo và số ca bệnh không lây nhiễm tăng vọt ở những người trong độ tuổi lao động trong dân số.
Nạn đói gây ra các hiệu ứng vượt thế hệ
Nạn đói là một tình trạng phổ biến mà trong đó một tỷ lệ lớn người dân trong một quốc gia hoặc một khu vực ít được hoặc không được tiếp cận với các nguồn cung cấp lương thực đầy đủ. Âu Châu và các khu vực phát triển khác trên thế giới hầu như đã loại bỏ được nạn đói, mặc dù những nạn đói lan rộng khiến hàng ngàn và hàng triệu người tử vong đã được biết đến trong lịch sử, như nạn đói Khoai tây Hà Lan năm 1846-1847, Nạn đói Hà Lan vào mùa đông năm 1944–1945, và nạn đói Trung Quốc năm 1959–1961.
Trong đó, nạn đói Trung Quốc là nghiêm trọng nhất cả về thời gian lẫn số người bị ảnh hưởng (600 triệu người bị ảnh hưởng và khoảng 30 triệu người thiệt mạng) và dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng trên diện rộng trong dân số Trung Quốc ở giai đoạn từ năm 1959 đến 1961. Hiện nay, Phi Châu cận Sahara và Yemen là những quốc gia có nạn đói được công nhận.
Thật không may, tình trạng bất ổn toàn cầu, nạn đói, và di cư hàng loạt đang gia tăng nhanh chóng cùng với nhiều nạn đói hơn có thể xảy ra nếu chúng ta không hành động hôm nay.
Các nghiên cứu dịch tễ học của nhà dịch tễ học Barker và sau đó là của Hales cho thấy một mối tương quan giữa nguồn dinh dưỡng sẵn có trong các giai đoạn khác nhau của thai kỳ và những năm đầu đời với các bệnh về sau trong cuộc đời. Các nghiên cứu của họ đã chứng minh rằng những thai nhi mắc hội chứng chuyển hóa và các bệnh tim mạch thường nhẹ cân khi sinh ra. Ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh vai trò của các cơ chế ảnh hưởng đến biểu hiện gene liên quan đến dinh dưỡng. Ngay cả giai đoạn trước khi mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ kháng insulin về sau hoặc các biến chứng khác của thai nhi.
Như đã được chứng minh trong một nghiên cứu với 3,000 người tham gia ở miền Bắc Trung Quốc, việc trải qua tình trạng thiếu ăn trước khi sinh làm tăng đáng kể chứng tăng đường huyết ở tuổi trưởng thành trong hai thế hệ liên tiếp. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu ăn trong giai đoạn phát triển trước khi sinh có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Type 2. Những phát hiện này phù hợp với các mẫu động vật đã cho thấy tác động của tình trạng dinh dưỡng trước khi sinh đối với những thay đổi trong hệ thần kinh-nội tiết vốn ảnh hưởng đến sự trao đổi chất và có thể được lập trình để truyền sinh lý qua nhiều thế hệ, cả các thế hệ nam lẫn nữ. Các tình trạng căng thẳng sức khỏe đầu đời có thể gây ra những thay đổi biểu sinh ở người kéo dài suốt cuộc đời, ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong ở tuổi già và tác động đến nhiều thế hệ. Tùy thuộc vào tam cá nguyệt nào mà thai nhi phải chịu tình trạng thiếu dinh dưỡng hoặc chỉ riêng tình trạng căng thẳng thôi, một bệnh liên quan đến cuộc đời sau này có thể là khác nhau, từ tâm thần phân liệt, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) đến suy thận và tăng huyết áp, trong số những bệnh khác. Các nghiên cứu khác về tình trạng thiếu dinh dưỡng ở người đã cho thấy bằng chứng về những thay đổi trong hệ nội tiết và biểu hiện gene trước khi sinh trong hệ sinh sản.
Ảnh hưởng của các giai đoạn thiếu ăn hoặc thiếu dinh dưỡng chủ yếu được phát hiện ở những người có thu nhập kinh tế xã hội thấp. Tuy nhiên, trong năm 2016, cứ ba người trên thế giới thì có một người bị một số dạng suy dinh dưỡng. Phụ nữ và trẻ em chiếm 70% số người bị đói. Chắc chắn tình trạng thiếu dinh dưỡng đã tăng thêm trong sáu năm qua. Tình trạng thấp còi và gầy ốm gia tăng ở những người dễ bị tổn thương nhất này. Trong số ba trẻ em thì sẽ có hai em không được cung cấp chế độ ăn uống đa dạng tối thiểu mà các em cần để tăng trưởng và phát triển hết khả năng của mình.
Những người chịu đựng tình trạng đói kém ở các quốc gia như Sri Lanka, Haiti, Armenia, và Panama chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, khiến nhiều công dân trên toàn thế giới bừng tỉnh trước một vấn đề đang gia tăng nhanh chóng do hệ lụy của các đợt phong tỏa, các quy định bắt buộc, và các chính sách cưỡng chế về biến đổi khí hậu, hạn hán, và chiến sự ở Ukraine.
Trong nhiều năm qua, các công dân trên thế giới đã phải đối mặt với: tỷ lệ tử vong quá mức, tỷ lệ sinh và vô sinh giảm nhanh với một mối đe dọa đối với nhân quyền của phụ nữ, và nhiều căn bệnh hơn.
Các báo cáo gây chấn động của Liên Hiệp Quốc và WHO thừa nhận sức khỏe của con người và môi trường đang giảm sút. Thế giới đang thụt lùi trong việc xóa bỏ nạn đói và tình trạng suy dinh dưỡng. Điều nguy hiểm thực sự là những con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa trong những tháng tới.
Sự thật là các trung tâm cải tiến lương thực, những miền đất sản xuất lương thực (canh tác thẳng đứng), các loại thịt nhân tạo, những sự chỉnh sửa gene và tâm trí sẽ không thể giải quyết được tình cảnh tuyệt vọng mà nhân loại đang phải đối mặt.
Chính sách zero COVID đã khiến nhân loại gặp nguy cơ tồn vong. Các loại vaccine ngừa COVID-19 với nguy cơ gây hại đã được khai triển ngay cả cho trẻ em dưới 5 tuổi, vốn hiếm khi có nguy cơ mắc bệnh nặng, nhưng tình trạng suy dinh dưỡng làm tăng đáng kể khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm lớn ở người vẫn chưa được quan tâm.
Những cuộc xung đột ngày càng phát sinh nhiều hơn trên toàn thế giới, khiến tình trạng bất ổn cũng ngày càng gia tăng. Người dân sẽ không còn chấp nhận những chính sách nào mà không có một phân tích rõ ràng giữa lợi ích và chi phí cũng như tác hại.
Chúng ta cần hành động ngay bây giờ để giảm giá lương thực và nhiên liệu ngay lập tức bằng cách hỗ trợ nông dân và các hệ thống lương thực hiệu quả, nhằm cung cấp thực phẩm dinh dưỡng chữa lành những người bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhất trong dân số (trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản).
Chúng ta hãy hy vọng vào một sự hồi sinh của nguyên tắc Hippocrates: “Hãy để thức ăn là thuốc và thuốc là thức ăn của chúng ta.”
Bà Carla Peeters là người sáng lập và là giám đốc điều hành của tổ chức COBALA Good Care Feels Better. Bà lấy bằng Tiến sĩ về Miễn dịch học từ Khoa Y trường Utrecht, học Khoa học Phân tử tại Trung tâm nghiên cứu Đại học Wageningen, và theo học một khóa học bốn năm về Giáo dục Khoa học Tự nhiên Cao cấp với chuyên môn về nghiên cứu và chẩn đoán trong phòng thí nghiệm y tế. Bà đã học tại nhiều trường kinh doanh khác nhau, trong đó có Trường Kinh doanh London, INSEAD, và Trường Kinh doanh Nyenrode.
Khánh Ngọc biên dịch