Tin Việt Nam chiều thứ Hai: Báo Tuổi Trẻ gỡ bài ‘Nữ sinh nghèo giành học bổng $1 triệu của Harvard’

Báo Tuổi Trẻ gỡ bài ‘Nữ sinh nghèo giành học bổng $1 triệu của Harvard’

Bài báo “Con gái người nông dân Hội An giành học bổng $1 triệu vào Harvard” đột ngột bị báo Tuổi Trẻ gỡ bỏ vào đêm 6 Tháng Tám sau nhiều giờ đăng tải.

Khi click vào link bài, độc giả chỉ thấy dòng chữ thông báo “Nội dung không hiển thị” và “404 error.”

Tờ báo không đăng bất kỳ lời giải thích hay đính chính cho việc gỡ bài báo nêu trên.

Bài báo bị gỡ kể về cô Nguyễn Đỗ Thúy Hằng, 20 tuổi, người “vừa vinh dự nhận được học bổng toàn phần trị giá $1 triệu cho chương trình đào tạo sáu năm tại trường Đại Học Harvard.”

Theo báo Tuổi Trẻ, cô Hằng “sinh ra trong xóm nghèo Bàu Súng, phường Thanh Hà, thành phố Hội An.” Cha mẹ cô mưu sinh bằng nghề trồng cây quất (tắc) cảnh.

Bản tin cũng cho hay cô Hằng đang là sinh viên ngành y, trường Đại Học Phan Châu Trinh, tỉnh Quảng Nam. Dự kiến cô sẽ qua Mỹ ngay trong tháng này để kịp nhập học năm học mới.

“Tôi biết trường Đại Học Harvard tuyển sinh không dựa trên điểm số. Trường chú trọng các hoạt động ngoại khóa, hoàn cảnh đến tài chính gia đình, nhất là ở mọi tầng lớp lao động để đánh giá, xét chọn nên tôi cũng bớt lo lắng hơn khi gửi hồ sơ,” cô Hằng được bài báo dẫn lời.

Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, cô Hằng được học bổng Harvard nhờ “thực hiện một clip giải phẫu bóc tách da người tại phòng thực hành của trường Đại Học Phan Châu Trinh” “đã cố gắng thực hiện các bước giải phẫu một cách hoàn chỉnh nhất.”

Ngoài ra, cô Hằng được ghi nhận “không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để được đi thực tập, học hỏi từ môi trường thực tế tại các bệnh viện ở Đà Nẵng như bệnh viện Tâm Trí, bệnh viện Gia Đình, bệnh viện C17…”

Bài báo về cô Nguyễn Đỗ Thúy Hằng đã bị báo Tuổi Trẻ gỡ link vào đêm 6 Tháng Tám. (Hình: Chụp qua màn hình)

Sau khi bài báo đăng tải, dân mạng phát hiện bài báo copy nguyên văn nội dung một bình luận trên trang Facebook “Thành Phố Hội An” hồi giữa tháng trước. Một số trang khác của Hội An như Facebook “UBND Thành Phố Hội An,” “Phụ Nữ Hội An” thời điểm đó cũng đưa tin này.

Được biết trường Y của Đại Học Harvard chỉ nhận người đã có bằng cử nhân, chứ không phải năm nhất đại học như bài báo của báo Tuổi Trẻ.

Cuối cùng vào ngày 7 tháng 8,2022 báo Tuổi Trẻ đã đăng Cải Chính như sau:

Cải chính

TTO – Tuổi Trẻ Online ngày 6-8 có đăng bài viết ‘Con gái người nông dân Hội An giành học bổng 1 triệu USD vào Harvard’ của cộng tác viên Hoàng Duy.

Sau khi bài báo đăng, nhiều bạn đọc đã phản hồi liên quan đến một số thông tin trong bài viết. Sau khi tìm hiểu, Tuổi Trẻ Online xác định thông tin trong bài viết về việc sinh viên T.H. nhận học bổng 1 triệu USD từ Đại học Harvard là không chính xác. 

Tuổi Trẻ Online xin chân thành cáo lỗi cùng bạn đọc. 

Vụ Việt Á: Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh bị kỷ luật

Cơ quan điều tra thi hành lệnh bắt giam ông Trần Đắc Thanh (bên trái) và Nguyễn Văn Lơ. (Ảnh: congan.travinh.gov.vn)

Hai lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Trà Vinh bị kỷ luật cảnh cáo do có vi làm liên quan đến việc đấu thầu mua sắm thiết bị y tế của Việt Á.

Ngày 8/8, Tỉnh ủy Trà Vinh cho hay UBKT đã thi hành quyết định kỷ luật Giám đốc và Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh do có vi phạm liên quan đến việc mua sắm thiết bị y tế của Việt Á.

Cụ thể, UBKT quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Kiên Sóc Kha (Ủy viên Ban chấp hành tỉnh, Giám đốc Sở Y tế) và ông Nguyễn Hữu Phước (Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Y tế).

Ông Kha và ông Phước được xác định là có vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ, thiếu kiểm tra, để cấp dưới vi phạm trong đấu thầu mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, gây hậu quả nghiêm trọng.

Hai ông thiếu sâu sát trong quản lý để một số đảng viên, công chức, viên chức tự ý nhận tiền của công ty Việt Á dẫn đến bị khởi tố, bắt tạm giam; để tổ chức đảng trực thuộc vi phạm, bị xử lý kỷ luật gây dư luận xấu.

Trước đó, công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố và bắt tạm giam 4 bị can gồm Trần Đắc Thanh (phó giám đốc Sở Y tế); Nguyễn Văn Lơ (giám đốc CDC); Lê Văn Thanh (phó trưởng khoa Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh thuộc CDC) và Nguyễn Văn Truyền (chuyên viên Phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế) về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2021 đến năm 2022, 4 bị can trên đã phối hợp với Công ty Việt Á thực hiện 8 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm, sinh phẩm, vật tư y tế tiêu hao phục vụ công tác phòng dịch (tương ứng với 8 hợp đồng), với tổng số tiền hơn 36 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty Việt Á ký với Sở Y tế Trà Vinh 5 gói thầu và ký với CDC Trà Vinh 3 gói thầu.

Quá trình thực hiện 8 gói thầu, 4 bị can nói trên đã có hành vi hợp thức hóa thủ tục đấu thầu gây thiệt hại khoảng 7,6 tỷ đồng. Trong đó, Sở Y tế tỉnh Trà Vinh gây thiệt hại khoảng 6,9 tỷ đồng và CDC tỉnh Trà Vinh khoảng 0,7 tỷ đồng.

Phạm Toàn

Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Đạm Ninh Bình lỗ nghìn tỷ đồng, âm vốn

Nhà máy đóng tàu Dung Quất của Việt Nam lỗ hàng nghìn tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu chờ được giải quyết. (Ảnh minh họa: Chinahbzyg/Shutterstock)

Tại buổi họp xử lý các dự án kém hiệu quả hôm 7/8, Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái chỉ thị giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp yếu kém Đạm Ninh Bình, Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS).

Theo đó, đối với Nhà máy đóng tàu DQS, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết nhà máy này được Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành lập từ năm 2006, vốn điều lệ hơn 3.700 tỷ đồng, sau này được chuyển về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào tháng 7/2010.

Tại thời điểm bàn giao, DQS đã mất khả năng thanh toán, lâm vào tình trạng phá sản… Sau khi DQS chuyển về, PVN đã đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng để hỗ trợ thanh toán các khoản nợ vay, tái cấu trúc cơ cấu tổ chức, tài chính, sản xuất… Nhờ đó, doanh thu của DQS đã tăng lên và có lãi vào năm 2021.

Tuy vậy, đến nay Nhà máy DQS vẫn còn nhiều tồn tại như: tranh chấp hợp đồng, số nợ phải trả lớn, vốn chủ sở hữu âm, v.v…

Còn doanh nghiệp Đạm Ninh Bình báo cáo tại cuộc họp, cho biết chưa hoàn thành quyết toán, do một số vướng mắc trong thực hiện hợp đồng và vấn đề tài chính…; từ khi hoạt động đã liên tục thua lỗ (lỗ hơn 7.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng).

Nguyên nhân được cho là chi phí khấu hao, lãi vay cao; doanh nghiệp thiếu vốn lưu động để phục vụ sản xuất; tác động của dịch bệnh COVID-19; hệ thống vận hành chưa ổn định, còn xảy ra một số sự cố, mất thời gian, chi phí sửa chữa, v.v…

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề xuất một số giải pháp xử lý, trong đó lựa chọn phương án tái cơ cấu nợ vay để bảo đảm giảm thiểu thiệt hại cho tất cả các bên.

Tại cuộc họp, ông Lê Minh Khái cho biết các doanh nghiệp kém hiệu quả này phải có phương án xử lý dứt điểm các bất cập kể trên trong năm 2022.

Kiến Minh

Diễn viên Hồng Đăng, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đã về nước

2 nghệ sĩ Hồ Hoài Anh, Hồng Đăng đã về nước. (ảnh: NLĐ).

Ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết hai nghệ sĩ vướng cáo buộc hiếp dâm tại Tây Ban Nha đã về Việt Nam.

Cụ thể, trao đổi với Zing vào sáng 8/8, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng về nước vào chiều 7/8. Trước mắt, hai nghệ sĩ sẽ làm việc với đơn vị, nơi làm việc. Cụ thể, Hồ Hoài Anh có buổi gặp gỡ trực tiếp, làm việc với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hồng Đăng là nghệ sĩ trực thuộc Nhà hát Kịch Hà Nội.

“Sau đó, đơn vị của hai nghệ sĩ sẽ làm văn bản báo cáo lên Bộ Văn hóa. Quy trình xử lý là như vậy. Hiện, cả hai chưa có báo cáo chi tiết nên Bộ chưa thể trả lời thêm”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nói.

Ngày 7/8, tờ Ultima Hora của Tây Ban Nha đưa tin tòa án Palma đã quyết định trả lại hộ chiếu cho Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh vào ngày 3/8.

Trước đó, hai nghệ sĩ trên đều từ chối đưa ra lời khai trước tòa sau khi bị bắt vì cáo buộc hiếp dâm một thiếu nữ Anh 17 tuổi ở Andratx. Sau đó, 2 nghệ sĩ được tại ngoại nhưng bị tịch thu hộ chiếu, cấm rời khỏi Mallorca.

Hội An

Khởi tố, bắt giam đại úy công an cướp vàng vứt ra đường

Ngô Văn Quốc lúc ở trên cầu Gia Hội trưa 31/7. (Ảnh: Vạn An/VnExpress).

Liên quan đến vụ nổ súng cướp tiệm vàng tại TP. Huế ngày 31/7, chiều nay (6/8) Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Văn Quốc (38 tuổi, trú TX.Hương Thủy) về 2 hành vi “Cướp tài sản” và “Chiếm đoạt, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.

Theo Thanh Niên, Quốc là cán bộ trại giam Bình Điền (thuộc Bộ Công an đóng trên địa bàn tỉnh này) với quân hàm đại úy.

Cơ quan CSĐT tạm giam Ngô Văn Quốc 4 tháng để làm rõ động cơ gây án của Quốc. Sau khi khởi tố, cơ quan CSĐT sẽ giám định tâm thần đối với Ngô Văn Quốc, thời gian giám định kéo dài gần 2 tháng.

Trưa 31/7, Quốc mặc quân phục công an mang súng AK đi xe máy hơn 20km đi từ trại giam Bình Điền về chợ Đông Ba ở đường Trần Hưng Đạo. Tại đây, Quốc đã nổ súng bắn vỡ tủ gương tiệm vàng Hoàng Đức và tiệm vàng Thái Lợi để cướp vàng rồi vứt ra đường.

Sau đó Quốc đi bộ về cầu Gia Hội và cố thủ tại nhà lục giác ở công viên Trịnh Công Sơn rồi buông súng đầu hàng.

Nhà chức trách đang tạm giam Quốc để tiếp tục điều tra và kêu gọi người dân giao nộp vàng do Quốc ném ra đường.

Hội An

Related posts