Thứ bậc trên bảng xếp hạng uy tín quốc tế
Tại Báo cáo Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT cho biết, Việt Nam xếp thứ 59 thế giới theo xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021 của USNEWS (dựa trên khảo sát toàn cầu về 3 thuộc tính cùng trọng số của mỗi quốc gia: có hệ thống giáo dục công phát triển tốt; mọi người có cân nhắc theo học đại học ở đó hay không; quốc gia đó có cung cấp nền giáo dục chất lượng hàng đầu hay không).
Thứ hạng này của Việt Nam đã tăng 5 bậc so với năm 2020, tuy nhiên vẫn xếp sau một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Singapore hạng 21, Malaysia hạng 38, Thái Lan hạng 46, Indonesia hạng 54, Philippines hạng 55).
Các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.
Theo đó, so với các năm trước, năm 2022 là một bước nhảy vọt khi có 5 đại diện của Việt Nam được lọt vào bảng xếp hạng THE, gồm trường ĐH Duy Tân: vị trí 401-500, trường ĐH Tôn Đức Thắng: vị trí 401-500, ĐH Quốc gia Hà Nội: vị trí 1.001-1.200, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội: vị trí 1.201+, ĐH Quốc gia TPHCM: vị trí 1.201+.
5 cơ sở giáo dục đại học này cũng nằm trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất toàn cầu 2022 (Best Global Universities) với thứ hạng như sau: trường ĐH Tôn Đức Thắng ở vị trí 387 (tăng 236 bậc), trường ĐH Duy Tân ở vị trí 577 (lần đầu tiên có mặt trong danh sách), ĐH Quốc gia Hà Nội ở vị trí 938 (tăng 11 bậc), ĐH Quốc gia TPHCM ở vị trí 1.187 (tăng 84 bậc), trường ĐH Bách Khoa Hà Nội ở vị trí 1.449.
Tại bảng xếp hạng QS World University Rankings 2023 và bảng xếp hạng trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi 2021 (THE Emerging Economies University Rankings 2021), Việt Nam cũng có 5 đại diện, là 5 cơ sở giáo dục đại học nói trên.
Ngoài ra, nước ta có 10 cơ sở giáo dục đại học nằm trong bảng xếp hạng Webometrics, gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường ĐH Duy Tân, trường ĐH Bách khoa TPHCM, trường ĐH Công nghiệp TPHCM, trường ĐH Đà Nẵng, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế, trường ĐH Kinh tế TPHCM, và trường ĐH Mỏ Địa chất.
11 cơ sở giáo dục ĐH nằm trong bảng xếp hạng đại học châu Á (QS Asian University Rankings 2022) gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội (vị trí 147); trường ĐH Tôn Đức Thắng (vị trí 142); ĐH Quốc gia TP.HCM (vị trí 179); trường ĐH Duy Tân (vị trí 210); trường ĐH Bách khoa Hà Nội (trong nhóm 281-290); ĐH Huế (trong nhóm 401-450); trường ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng (trong nhóm 501-550); trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường ĐH Kinh tế TPHCM (trong nhóm 551-600); trường ĐH Công nghiệp TPHCM (trong nhóm 601-650).
7 cơ sở giáo dục ĐH tại bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 2022 gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội (vị trí 601-800), trường ĐH Tôn Đức Thắng (vị trí 601-800), trường ĐH Bách khoa Hà Nội (vị trí 601-800) và trường ĐH Phenikaa (vị trí 801-1000), trường ĐH Duy Tân (vị trí 601-800), trường ĐH Kinh tế quốc dân (vị trí 601-800) và trường ĐH FPT (vị trí 801-1.000).
Tự chủ đại học thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, về vấn đề thực hiện tự chủ đại học, đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 90,6%). Trong đó, có 36/36 cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT đã thành lập Hội đồng trường.
Việc thành lập Hội đồng trường tại các trường trực thuộc các Bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ 91,18%. Có 15 cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc Bộ, ngành, địa phương đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công nhận Hội đồng trường.
Bộ GD&ĐT thông tin, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Theo đó, các trường chủ động tăng số lượng giảng viên và giảm số lượng lao động khối hành chính.
Thống kê đến hết năm 2021 của Bộ GD&ĐT cho thấy, tỷ lệ giảng viên trên tổng số cán bộ, giảng viên và người lao động của các cơ sở giáo dục đại học chiếm 71%, lớn nhất trong cơ cấu nhân lực của nhà trường, hơn gấp đôi số cán bộ quản lý và chuyên viên hành chính.
Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục đại học tự chủ cũng thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập cho giảng viên.
Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 25% (năm 2018) lên trên 31% (năm 2021). Tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư cũng tăng dần đều hằng năm (tỷ lệ giáo sư tăng thêm 0,5%/năm; phó giáo sư tăng thêm 5-6%/năm). Tỷ lệ trợ giảng có trình độ đại học giảm mạnh (giảm trên 50% từ 2016 đến 2021).
Kết quả thực hiện tự chủ về chuyên môn học thuật ở các cơ sở giáo dục đại học cũng cho thấy, thực hiện tự chủ trong việc mở ngành đào tạo/chương trình liên kết đào tạo là nội dung quan trọng trong hoạt động tự chủ. Bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường cũng tích cực điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học.
Từ đầu năm 2018 đến 31/12/2021, có 818 ngành đào tạo do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở; trong đó đã có các ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nhiều lĩnh vực mới như: khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh, IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, nghệ thuật số, robot và trí tuệ nhân tạo, digital marketing…
Báo cáo của Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, tự chủ đại học đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi. Quy mô tuyển sinh sinh viên hệ đại trà sau tự chủ có xu hướng giảm; thay vào đó là tăng quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo với nước ngoài và đào tạo bằng tiếng Anh.
Việc 5 cơ sở giáo dục đại học lọt top đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín đã vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số lượng các sản phẩm công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học cũng gia tăng nhanh chóng. Văn hóa kiểm định gắn với chất lượng đào tạo bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng nêu một số hạn chế trong thực hiện tự chủ đại học hiện nay. Cụ thể, việc thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học cùng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học còn chưa đồng bộ khiến thực tế triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng; đặc biệt là vấn đề thành lập Hội đồng trường, quan hệ giữa Hội đồng trường với Đảng ủy và ban giám hiệu. Điều này dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết tại một số đơn vị.