TASS: Moscow cảnh báo chấm dứt quan hệ Nga – Mỹ nếu tài sản bị tịch thu

Huyền Anh

TASS: Moscow cảnh báo chấm dứt quan hệ Nga - Mỹ nếu tài sản bị tịch thu
Một lá cờ Nga bay bên cạnh tòa nhà đại sứ quán Hoa Kỳ ở Moscow, Nga, hôm 31/7/2017. (Ảnh: Mladen Antonov/AFP/Getty Images)

Nếu Hoa Kỳ chiếm giữ tài sản của Nga sẽ phá hủy hoàn toàn quan hệ song phương của Moscow với Washington, tờ TASS dẫn lời ông Alexander Darchiev, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Nga hôm 13/8.

Mối quan hệ của Nga với phương Tây đã xấu đi đáng kể từ khi Moscow điều hàng chục nghìn binh sĩ tới Ukraine vào ngày 24/2, gọi đây là một “hoạt động quân sự đặc biệt”.

Phương Tây đáp trả bằng một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính và ngoại giao chưa từng có, bao gồm việc đóng băng khoảng một nửa dự trữ ngoại hối của Nga.

Các quan chức hàng đầu của phương Tây, bao gồm cả người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell, đã đề xuất thu giữ các nguồn dự trữ bị đóng băng để giúp tài trợ cho việc tái thiết Ukraine trong tương lai.

Ông Alexander Darchiev, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nói với hãng tin TASS ngày 13/8 trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi cảnh báo người Mỹ về hậu quả bất lợi của những hành động như vậy sẽ làm tổn hại vĩnh viễn quan hệ song phương, điều này không có lợi cho quý vị cũng như lợi ích của chúng tôi”.

Tuy nhiên, ông không đề cập đến loại tài sản nào của Nga đang có nguy cơ bị đóng băng

Theo chính quyền ông Biden, Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng đã phong tỏa 30 tỷ USD tài sản do các cá nhân giàu có có quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin nắm giữ, bao gồm du thuyền, trực thăng, bất động sản và nghệ thuật.

Một công tố viên cho biết vào tháng 7, Bộ Tư pháp Mỹ đang tìm kiếm thẩm quyền rộng rãi hơn từ Quốc hội để thu giữ tài sản của các nhà tài phiệt Nga như một biện pháp gây áp lực lên Moscow về các hành động của họ ở Ukraine.

Quan chức ngoại giao Nga cũng nói rằng nếu Mỹ tuyên bố Nga là nhà nước bảo trợ khủng bố, thì mối quan hệ với Mỹ sẽ chấm dứt.

Phát biểu về tình hình ở Ukraine, ông Darchiev nói rằng ảnh hưởng của Mỹ đối với Kyiv đã gia tăng đến mức “Người Mỹ đang trở thành một bên can dự trực tiếp trong cuộc xung đột”.

Ông Darchiev xác nhận rằng, ông Viktor Bout, bị Mỹ giam giữ, cũng như ngôi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner và cựu thủy quân lục chiến Paul Whelan bị Nga giam giữ, đang được thảo luận trong các cuộc đàm phán hoán đổi tù nhân giữa Moscow và Washington, theo tờ TASS.

Moscow: Washington nên thuyết phục ông Zelensky quay lại đàm phán trước khi quá muộn

“Ở thời điểm hiện tại, Washington nên thuyết phục Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky chấm dứt sự phản kháng một cách vô nghĩa và quay trở lại bàn đàm phán với Moscow trước khi mọi việc trở nên quá muộn. Đó là giải pháp tốt nhất cho cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine”, ông Darchiev cho hay.

Ông Darchiev lưu ý thêm rằng dường như Mỹ không quan tâm đến quan điểm của Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. “Washington cần hiểu rõ quan điểm của Moscow trong cuộc xung đột quân sự với Kyiv, đặc biệt là lời cảnh báo của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, trong cuộc điện đàm gần đây với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, rằng việc Mỹ và NATO tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine sẽ càng làm leo thang cuộc xung đột và “sẽ chỉ kéo dài sự khốn khổ của chế độ Ukraine”.

Nhà ngoại giao Nga cũng cảnh báo Mỹ ngày càng can dự vào xung đột ở Ukraine và đang tiến gần đến ranh giới nguy hiểm trong cuộc đối đầu với Moscow.

Trước đó, hôm 8/8, Lầu Năm Góc thông báo gói viện trợ vũ khí mới nhất đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt và là gói viện trợ thứ 18 dành cho Ukraine. Mỹ là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2.

Phía Nga nhiều lần cảnh báo sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cho đến khi đạt được mục tiêu và các nỗ lực hỗ trợ Kyiv từ phương Tây sẽ không khiến cho Moscow bị ảnh hưởng. Nga cũng tuyên bố sẽ coi lô vũ khí phương Tây viện trợ là mục tiêu hợp pháp của lực lượng vũ trang, đồng thời cảnh báo nguy cơ những khí tài này có thể bị tuồn ra “chợ đen”, hoặc lọt vào tay các nhóm tội phạm và điều này có thể gây tổn hại tới an ninh của châu Âu cũng như thế giới.

Xung đột Nga – Ukraine tới nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù đã bước sang tháng thứ sáu. Tiến trình đàm phán giữa hai nước đình trệ sau cuộc đàm phán tại Istabul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào cuối tháng 3. Cả Moscow và Kyiv đều đổ lỗi cho đối phương là nguy cơ khiến đàm phán không thể tiến hành.

Ukraine và Nga không còn giữ liên lạc về mặt quân sự hay chính trị. Tuy nhiên, hai nước vẫn tiếp xúc để thảo luận về các vấn đề như trao đổi tù nhân, thi thể binh sĩ thiệt mạng, mở hành lang nhân đạo và xuất khẩu ngũ cốc.

Huyền Anh

Related posts