Ba Lan tiết lộ kế hoạch ngừng cấp thị thực cho du khách Nga của EU
Hôm 14/8 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Piotr Wawrzyk nói với hãng thông tấn PAP rằng nước này đang phát triển dự thảo đề xuất cho phép Liên minh châu Âu (EU) ngừng cấp thị thực đối với du khách Nga.
Cụ thể, ông Wawrzyk cho biết quyết định về vấn đề trên sẽ được đưa ra trong vài tuần tới. Dù không nêu rõ chi tiết của đề xuất nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan nói rằng mục đích của đề xuất này nhằm thuyết phục một số thành viên chủ chốt trong EU về việc cấm thị thực toàn diện đối với tất cả công dân Nga.
Ba Lan ủng hộ đình chỉ hoàn toàn thỏa thuận năm 2007 giữa EU và Nga về vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp thị thực. Hiệp ước này quy định về việc cấp thị thực cho thời hạn lưu trú dự định không quá 90 ngày trong khoảng thời gian 180 ngày cho công dân của Nga và EU.
Tuy nhiên, theo ông Wawrzyk, không phải tất cả các thành viên EU đều ủng hộ đề xuất đó. Ông cho hay rằng kế hoạch ngừng cấp thị thực cho công dân Nga đã bị các thành viên lớn phản đối, trong đó có Đức, Pháp và Hà Lan. Ông nói: “Vì không thể vượt qua sự phản kháng của các quốc gia này để đình chỉ thỏa thuận, Ba Lan đang nghiên cứu một giải pháp mới”.
Thứ trưởng Wawrzyk cho biết Ba Lan đã tiến hành đàm phán với một số nước thành viên EU trong những tuần qua. Đồng thời ông nói thêm rằng Latvia, Litva, Estonia cũng như Cộng hòa Séc và Slovakia đều ủng hộ cách tiếp cận của Ba Lan đối với vấn đề này. Ông cho hay rằng Ba Lan đang mong chờ quyết định về vấn đề này trong những tuần tới.
Vị quan chức Ba Lan cũng hoan nghênh quyết định của Estonia và Latvia về việc đình chỉ hoặc hạn chế cấp thị thực cho người Nga. Ông cho biết thêm rằng Ba Lan đã không cấp thị thực du lịch cho người Nga trong nhiều tháng nay. Ba Lan chỉ tiếp nhận các nhà ngoại giao, lái xe đến Ba Lan làm việc và các thành viên gia đình của công dân Ba Lan và EU.
Đầu tuần này, Cộng hòa Séc, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, cho hay rằng họ sẽ thúc đẩy lệnh cấm toàn diện của EU đối với người Nga. Các thành viên của khối sẽ thảo luận về vấn đề này tại hội nghị cấp bộ trưởng ở Praha vào cuối tháng 8 tới.
Đầu tháng 8, Latvia đã ngừng cấp thị thực cho gần như tất cả công dân Nga với lý do lo ngại về an ninh. Hôm 11/8, Estonia cho biết họ cũng sẽ thực hiện quyết định tương tự. Estonia cũng có kế hoạch cấm những người Nga có thị thực Estonia nhập cảnh bắt đầu từ ngày 18/8. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cũng kêu gọi các quốc gia thành viên EU khác đưa ra lệnh cấm tương tự.
Đài truyền hình YLE đưa tin Chính phủ Phần Lan cũng ủng hộ biện pháp trên và dự kiến thảo luận về các giới hạn cấp thị thực cho người Nga vào ngày 16/8.
Phan Anh
Đức từ chối cấp visa cho hộ chiếu Indonesia do thiếu chỗ ký tên
Giới chức Indonesia hiện đang phối hợp giải quyết vấn đề dẫn tới việc Đại sứ quán Đức tại nước này từ chối cấp visa cho các hộ chiếu do thiếu chỗ để người mang hộ chiếu ký tên.
Cụ thể, Tổng cục Nhập cư thuộc Bộ Luật pháp và Nhân quyền Indonesia cho biết Bộ này cùng Bộ Ngoại giao Indonesia đang thảo luận về vấn đề này với Đại sứ quán Đức tại Jakarta. Để giải quyết tạm thời, Tổng cục Nhập cư đã chỉ đạo các văn phòng nhập cư hướng dẫn người mang hộ chiếu bổ sung chữ ký vào các trang “Bị chú”, vốn đôi khi được sử dụng để ghi thay đổi họ tên sau khi kết hôn hoặc ly hôn.Theo Vụ trưởng Giao thông thuộc Tổng cục Nhập cư Amran Aris, người mang hộ chiếu muốn thêm chữ ký vào các trang “Bị chú” có thể gửi yêu cầu đến các văn phòng nhập cư hoặc Đại sứ quán Indonesia ở nước ngoài và sẽ không phải trả chi phí.
Trong khi đó, Đại sứ quán Đức tại Jakarta cho hay “hộ chiếu không có phần ghi chữ ký” của Indonesia sẽ bị từ chối cấp visa cho đến khi có thông báo mới và chính phủ 2 nước vẫn đang tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này. Cơ quan đại diện ngoại giao Đức ở Indonesia cũng lưu ý rằng chữ ký được bổ sung trên các trang “Bị chú” của hộ chiếu “không được công nhận để thay thế phần chữ ký bắt buộc”.
Trước đó, ngày 12/8, Bộ Ngoại giao Indonesia đã gửi công hàm đề nghị Đại sứ quán Đức ở Jakarta chấp nhận đơn xin thị thực của những người Indonesia mang hộ chiếu không có chữ ký.
Theo công hàm trên, Chính phủ Indonesia ban hành loại hộ chiếu này từ năm 2019 đến năm 2020, trước khi quay trở lại sử dụng mẫu hộ chiếu có phần ghi chữ ký của người sở hữu hộ chiếu vào năm 2021.
Phan Anh
SpaceX nâng cấp tính năng giúp vệ tinh Starlink phiên bản mới trở nên “vô hình”
Hãng SpaceX vừa công bố tính năng mới được nâng cấp cho vệ tinh Starlink phiên bản 2.0, đồng thời cam kết rằng những thay đổi này sẽ giúp tránh ảnh hưởng đến cộng đồng thiên văn học toàn cầu.
Với công nghệ mới, hệ thống vệ tinh Starlink sẽ trở nên vô hình và không thể nhìn thấy bằng mắt thường ở độ cao tiêu chuẩn, qua đó giải quyết được các vấn đề do vệ tinh Starlink phản chiếu ánh sáng Mặt Trời khi quay quanh Trái Đất.
Thông tin trên được đưa ra sau khi cộng đồng thiên văn học toàn cầu lên tiếng phản đối SpaceX và dự án Starlink vì gây ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu vũ trụ.
Samantha Lawler, nhà thiên văn học tại Đại học Regina (Canada), cho biết: “Chúng tôi rất khó thực hiện nghiên cứu khoa học nếu việc này diễn ra. Tất cả hoạt động của chúng tôi đều được trích từ những khoản thuế mà người dân nộp, và người dân đang phải nộp thuế cao hơn cho nghiên cứu khoa học chỉ vì hành động của một công ty tư nhân”.
SpaceX đã công bố một bộ tài liệu đề cập đến các biện pháp mới mà họ sẽ thực hiện để giảm tác động của chùm vệ tinh Internet đối với cộng đồng thiên văn. Trước đó, Giám đốc điều hành SpaceX, nhà tỷ phú Elon Musk, thông báo sẽ có hơn 4.200 vệ tinh Starlink hoạt động trong 18 tháng tới, chiếm 2/3 tổng số vệ tinh đang hoạt động. Hiện có khoảng 2.300 vệ tinh Starlink ở trên quỹ đạo và SpaceX đã phê duyệt 30.000 vệ tinh khác.
Ngoài ra, SpaceX cũng trình bày chi tiết cách công ty đang làm việc với các nhà thiên văn học để đưa ra các phương án nhằm giảm lượng ánh sáng Mặt Trời phản xạ từ vệ tinh Starlink trở lại Trái Đất.
SpaceX trước đây đã thử gắn tấm che Mặt Trời trên vệ tinh. Dẫu vậy, công ty cho hay rằng những tấm che này có thể chặn các liên kết laser trên Starlink. Chúng cũng tạo ra lực cản quá lớn trong khí quyển, khiến các vệ tinh buộc phải sử dụng nhiều nhiên liệu hơn để duy trì hoạt động bay trong quỹ đạo.
Để thay thế những tấm chắn này, SpaceX đã phát minh ra một tấm phim phản chiếu trên vệ tinh. Tấm phim này giúp phân tán hầu hết ánh sáng Mặt Trời, khiến vệ tinh ít trở thành vật cản trở tầm nhìn từ Trái Đất. SpaceX cho biết tấm phim mới được cập nhật trên vệ tinh Starlink phiên bản 2.0 sẽ giảm độ sáng phản chiếu 10 lần so với phiên bản hiện tại.
SpaceX cũng tiết lộ họ sẽ sử dụng vật liệu tối hơn để tạo vệ tinh, làm cho bề mặt ít phản xạ hơn. SpaceX sử dụng sắc tố đỏ sẫm thay vì vật liệu màu trắng bạc như mọi khi. Đối với Starlink 2.0, SpaceX sử dụng sơn đen có độ phản xạ thấp đối với các bộ phận không thể phủ phim.
Phương án cuối cùng mà SpaceX đưa ra là sẽ hướng các tấm pin Mặt Trời của Starlink thế hệ mới ra khỏi Mặt Trời vào những thời điểm cụ thể trong ngày. Cụ thể là vào khoảng thời gian hoàng hôn, họ sẽ hướng các tấm pin Mặt Trời ra xa để các vệ tinh phản chiếu ít ánh sáng hơn. Tuy nhiên, hành động này cũng làm giảm 25% công suất của vệ tinh.
Phan Anh
Hàn Quốc kêu gọi cải thiện quan hệ với Nhật Bản vào ngày kỷ niệm Quốc khánh
Hôm thứ Hai (15/8), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết Hàn Quốc phải vượt qua các tranh chấp lịch sử với Nhật Bản và đạt được hòa bình với Triều Tiên. Ông nói đây là những bước quan trọng nhằm tăng cường sự ổn định và an ninh của khu vực Bắc Á.
Phát biểu tại buổi lễ đánh dấu sự kết thúc năm 1945 của chế độ thuộc địa Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên, ông Yoon cho biết Tokyo đã trở thành một đối tác trong việc giải quyết các mối đe dọa đối với tự do toàn cầu, đồng thời kêu gọi cả hai quốc gia vượt qua những tranh chấp có từ thời đó.
“Khi quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản hướng tới một tương lai chung và khi sứ mệnh của thời đại chúng ta gắn kết, dựa trên các giá trị phổ quát được chia sẻ của chúng ta, điều đó cũng sẽ giúp chúng ta giải quyết các vấn đề lịch sử”, tuyên bố của ông viết.
Mối quan hệ giữa các đồng minh của Mỹ đã trở nên căng thẳng vì các tranh chấp như Hàn Quốc cáo buộc Nhật Bản ép phụ nữ làm việc trong các nhà thổ thời chiến cho quân đội của họ, cũng như sử dụng lao động cưỡng bức, cùng những hành vi lạm dụng khác.
Khi nhậm chức Tổng thống vào tháng 5, ông Yoon đã cam kết sẽ cải thiện mối quan hệ với Nhật Bản.
Ông kêu gọi hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực từ kinh tế, an ninh đến giao lưu văn hóa và xã hội, nhằm góp phần vào hòa bình và thịnh vượng quốc tế.
Ông Yoon nhắc lại lời hứa cung cấp cho Bắc Triều Tiên viện trợ trên diện rộng nếu Bình Nhưỡng ngừng phát triển chương trình hạt nhân và bắt tay vào một quá trình loại bỏ vũ khí này “thực sự và thực chất”.
“Chúng tôi sẽ thực hiện một chương trình lương thực quy mô lớn; cung cấp hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng sản xuất, truyền tải và phân phối điện; và thực hiện các dự án hiện đại hóa cảng và sân bay cho thương mại quốc tế”, ông Yoon nói.
Hàn Quốc cũng sẵn sàng giúp thúc đẩy năng suất nông nghiệp, hiện đại hóa các bệnh viện và cơ sở y tế, đồng thời thực hiện các bước đầu tư quốc tế và hỗ trợ tài chính, ông nói thêm.
Triều Tiên đã đổ lỗi cho Hàn Quốc gây ra vụ bùng phát COVID-19 – điều mà Seoul phủ nhận – và dường như đang chuẩn bị thử vũ khí hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017, trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ.
Về mặt kỹ thuật, hai quốc gia vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, do cuộc xung đột 1950 – 1953 giữa hai miền chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến thay vì một hiệp ước hòa bình.
Lê Vy (theo Reuters)
Trung Quốc và Thái Lan bắt đầu cuộc tập trận không quân chung
Thái Lan và Trung Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận không quân chung vào ngày Chủ nhật (14/8). Đây là cuộc tập trận đầu tiên giữa hai quốc gia sau nhiều năm buộc phải tạm dừng do đại dịch COVID-19.
Cuộc tập trận “Falcon Strike” diễn ra sau cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Trung Quốc xung quanh Đài Loan, được tiến hành để trả đũa chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi.
Tư lệnh Không quân Thái Lan Marshall Prapas Sornchaidee cho biết, cuộc tập trận “Falcon Strike” diễn ra từ ngày 14/8 đến ngày 25/8 ở phía Đông Bắc của đất nước, nhằm “tăng cường mối quan hệ và sự am hiểu” với Trung Quốc.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Bắc Kinh cho hay, đội quân Trung Quốc sẽ cử máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay cảnh báo sớm trên không (AEW) tham gia diễn tập.
Ngoài ra, các cuộc tập trận sẽ bao gồm huấn luyện công tác “hỗ trợ trên không, tấn công vào các mục tiêu mặt đất và triển khai quân quy mô nhỏ và lớn”.
Các cuộc tập trận của lực lượng không quân Thái-Trung được tổ chức thường xuyên kể từ năm 2015 cho đến khi đại dịch COVID-19 diễn ra.
Washington bày tỏ quan ngại ngày càng tăng trước sự quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương, theo đó đã khởi động cuộc tập trận “Super Garuda Shield” ở Indonesia cùng với các đồng minh vào tuần trước.
Thái Lan hiện đang tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng với Trung Quốc, đồng thời là một trong những quốc gia đầu tiên mua trang thiết bị quân sự của hải quân Trung Quốc theo một thỏa thuận được ký kết vào năm 2017.
Tuy nhiên, vào năm 2020, một thỏa thuận trị giá 724 triệu USD nhằm đặt mua hai tàu ngầm do Trung Quốc sản xuất đã bị trì hoãn do làn sóng phản đối của công chúng.
Gần đây, các hãng truyền thông địa phương còn đưa tin, tranh cãi thêm về việc mua động cơ của các con tàu có thể khiến việc giao hàng bị đẩy lùi đến năm 2024.
Nhật Minh (Theo AFP)