Tin thế giới tối thứ Hai: Tác giả của “Harry Potter” bị dọa giết

Tác giả của “Harry Potter” bị dọa giết

Ảnh chụp màn hình Rowling nhận được những lời dọa giết. (Tín dụng hình ảnh: Twitter)

Gần đây, nhà văn người Anh Salman Rushdie bị ám sát ở New York. Tác giả của bộ truyện nổi tiếng “Harry Potter” là bà J.K. Rowling cũng bày tỏ sự lo lắng trên Twitter vì bị Meer Asif Aziz, một thanh niên Hồi giáo Pakistan, dọa giết: “Bà sẽ là người tiếp theo!”

Theo “Daily Telegraph” của Anh ngày 13/8, sau những bình luận về vụ tấn công nhà văn Salman Rushdie ở New York, tác giả của “Harry Potter”, bà J.K. Rowling đã nhận được một lời dọa giết.

Gần đây, bà J.K. Rowling, 57 tuổi, đã đăng một thông điệp ủng hộ nhà văn Rushdie, với nội dung: “Một tin khủng khiếp, lúc này tôi cảm thấy rất khó chịu. Cầu mong ông ấy không sao.”

Nhưng một thanh niên có nickname Aziz đã để lại lời đe dọa bên dưới: “Đừng lo, bà sẽ là người tiếp theo.”

(Ảnh chụp màn hình Twitter)

Người dùng Twitter thực hiện lời đe dọa có tên Meer Asif Aziz, đã tweet ủng hộ Hadi Matar, người đã tấn công ông Rushdie.

Người này này tự giới thiệu mình là “sinh viên, nhà hoạt động xã hội, nhà hoạt động chính trị và nhà hoạt động nghiên cứu” trên Twitter và ca ngợi nghi phạm tấn công nhà văn Rushdie là một “chiến binh Shiite cách mạng”. Các bình luận mang tính đe dọa bà J.K. Rowling vẫn chưa bị xóa. Bà J.K. Rowling đã báo cáo nó với Twitter nhưng lại bị bác bỏ vì Meer Asif Aziz “không vi phạm các quy tắc của Twitter”, điều này cũng gây ra nhiều tranh cãi.

Bà J.K. Rowling bị dọa giết và báo cáo lên Twitter, nhưng bị Twitter bác bỏ vì cho rằng điều này “không vi phạm các quy tắc của Twitter”. (Ảnh: Twitter)

Bà Rowling trả lời Twitter rằng: “Đây là nguyên tắc của các bạn, phải không? ‘Bạo lực: Bạn không được đe dọa bạo lực đối với một cá nhân hoặc nhóm và chúng ta nghiêm cấm việc tôn vinh bạo lực …’ Chủ nghĩa khủng bố / bạo lực Cực đoan: Bạn không được đe dọa hoặc thúc đẩy khủng bố’. “

Bà Rowling cũng xác nhận rằng cảnh sát đã vào cuộc. Bà nói với những người theo dõi của mình trên Twitter: “Xin cảm ơn tất cả những người đã nhắn tin ủng hộ. Cảnh sát đã tham gia (và can thiệp vào các mối đe dọa khác).”

Ngày 12/8 theo giờ địa phương, nhà văn nổi tiếng Salman Rushdie đã bị tấn công trong một buổi diễn thuyết tại bang New York, Mỹ. Ông bị đâm vào cổ và bụng. Theo New York Times, hiện ông Rushdie đang phải thở máy và có thể bị mất một mắt, cũng như tổn thương ở cánh tay và gan.

Cuộc tấn công ông Rushdie được nhiều người cho là có liên quan đến tác phẩm “The Satanic Verses” (Bài thơ về Satan) của ông, đã bị cấm ở Iran từ năm 1988, khiến ông bị đe dọa về thân thể suốt thời gian dài.

Hadi Matar, thanh niên 24 tuổi ở New Jersey, kẻ tấn công ông Rushdie, đã bị bắt tại hiện trường.

Ngoài sự ủng hộ và thông cảm của bà J.K. Rowling dành cho ông Rushdie sau vụ ám sát, các nhà văn nổi tiếng khác như Stephen King, Ian McEwan, Kazuo Ishiguro cũng bày tỏ sự ủng hộ của họ với ông.

Tối ngày 13/8 theo giờ địa phương, công ty Warner Bros. Discovery cũng đưa ra một tuyên bố về vấn đề này: “Warner Bros. Discovery lên án mạnh mẽ lời đe dọa đối với bà J.K. Rowling. Chúng tôi và bà ấy cùng tất cả các nhà văn và nhà sáng tạo đã dũng cảm bày tỏ sự sáng tạo và ý kiến ​​của mình sẽ sát cánh cùng nhau. Chúng tôi tin tưởng vào tự do ngôn luận, diễn ngôn hòa bình và ủng hộ những người lên tiếng trước công chúng về vụ bạo lực vô nhân đạo đối với Ngài Salman Rushdie và gia đình tại New York. Chúng tôi cực lực lên án mọi hình thức đe dọa, bạo lực và khủng bố do sự khác biệt về quan điểm, niềm tin và tư tưởng.”

Dương Thiên Tư / Vision Times

Bộ Ngoại giao Mỹ trừng phạt 4 người buôn bán vũ khí bất hợp pháp với TQ

Hôm 10/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trừng phạt 4 người vì vi phạm Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí của Hoa Kỳ. Họ bị kết tội buôn bán trái phép vũ khí với Trung Quốc.

Trong thông báo đăng trong Đăng ký Liên bang, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “[Bộ Ngoại giao] xác định những cá nhân này bị cấm theo luật định dựa trên bản án hình sự của họ do tòa án Hoa Kỳ [tuyên bố]. Những cá nhân và tổ chức này bị cấm tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào bất kỳ hoạt động nào liên quan đến ITAR.”

Cô Ye Sang “Ivy” Wang sử dụng vị trí của mình trong Hải quân Mỹ để mua các thiết bị quân sự. Chồng của cô, ông Shaohua “Eric” Wang, đã bán chúng cho những người Trung Quốc. Cặp đôi này vốn là người Trung Quốc và đã nhập quốc tịch Mỹ trước khi vi phạm Quy định Buôn bán Vũ khí Quốc tế (ITAR) của Hoa Kỳ. ITAR thi hành Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí (AECA) và được quản lý bởi Cục Kiểm soát Thương mại Quốc phòng (DDTC) trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trước đó hồi tháng 12/2021, phát biểu trước Tòa án Trung cấp Hoa Kỳ Khu vực phía Nam bang California, Đặc vụ phụ trách vụ việc Joshua Flowers cáo buộc: “Cô Wang đã phản bội lời thề của mình với Hải quân Hoa Kỳ và cuối cùng đe dọa khả năng sẵn sàng hoạt động và sự an toàn của quân đội quốc gia chúng ta bằng cách cố gắng mua và xuất khẩu thiết bị quân sự nhạy cảm cho Trung Quốc.”.

Thỏa thuận nhận tội của cô Ivy

Cô Ivy Wang, 37 tuổi bị kết tội tại Tòa án Khu vực phía Nam bang California và bị kết án 30 tháng tù giam cùng với khoản tiền phạt 20.000 đô la. Theo một thỏa thuận nhận tội, người chồng 39 tuổi của cô bị kết án 46 tháng tù giam vào tháng 2/2020.

Giấc mơ Mỹ của họ giờ đây sẽ được nhìn từ sau song sắt.

Sau khi đến Hoa Kỳ khi còn trẻ, cặp đôi này đã lấy được quốc tịch Mỹ vào đầu những năm 2010.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, cô Ivy phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ với tư cách là Chuyên gia Hậu cần Hạng nhất và được giao trách nhiệm mua vật tư thiết bị quân sự cho các đơn vị Tác chiến Đặc biệt của Hải quân từ năm 2015 đến năm 2019. Biết rất rõ vai trò của vợ mình, ông Eric đã yêu cầu cô Ivy mua các thiết bị quân sự mà các khách hàng người Trung Quốc của ông muốn nhưng không có quyền mua.

Theo thỏa thuận nhận tội và tuyên bố kết án của chính quyền, ông Eric đã đưa cho cô Ivy một danh sách thiết bị quân sự và yêu cầu cô mua chúng cho ông ấy. Cô Ivy biết các thiết bị quân sự này là những mặt hàng được kiểm soát xuất khẩu và ông Eric sẽ bán chúng cho Trung Quốc một cách bất hợp pháp.

Tuy nhiên, cô Ivy đã đồng ý với yêu cầu của chồng mình. Cô mua cho ông Eric các thiết bị quân sự nhạy cảm và cho phép ông truy cập vào tài khoản email quân sự của mình để ông ấy có thể đặt hàng các thiết bị quân sự từ các nhà thầu quốc phòng.

Chỉ huy của cô Ivy nhận ra hành vi không phù hợp của cặp đôi này vào tháng 3/2018, khi cô Ivy được triển khai ở Iraq. Một ngày nọ, tại một cơ sở của Hải quân Mỹ ở San Diego, một hộp chứa các vật tư thiết bị quân sự với tên của cô Ivy xuất hiện. Cô Ivy thông báo với chỉ huy của mình rằng gói hàng chứa các đồ dùng cắm trại và được dành cho chồng của cô.

Thiết bị này đã bị quân đội Mỹ bí mật vô hiệu hóa và trao cho ông Eric. Sau đó ông Eric nhắn tin cho khách hàng của mình ở Trung Quốc về việc nhận kiện hàng trước khi ông ấy bị bắt.

Kinh doanh mờ ám

Doanh nhân Tuqiang “Tony” Xie, 60 tuổi, đến từ thành phố Irvine ở Nam California, bị kết tội làm môi giới bất hợp pháp cho việc mua bán các mặt hàng quốc phòng.

Tội danh của ông Xie liên quan đến các mặt hàng nhạy cảm nằm trong Danh sách Đạn dược của Hoa Kỳ và Danh sách Nhập khẩu Đạn dược của Hoa Kỳ. Ông tiến hành giao dịch các mặt hàng này thông qua công ty của mình đặt tại California, Bio-Medical Optics LLC. Bộ Tư pháp Mỹ đã chứng minh ông Xie chưa bao giờ có giấy phép cũng như chưa được đăng ký với Cục Kiểm soát Thương mại Quốc phòng của Bộ Ngoại giao Mỹ, theo yêu cầu của luật liên bang.

Ngoài ra, ông Xie còn thuê một nhà sản xuất Trung Quốc để sản xuất các mặt hàng quốc phòng cho khách hàng quân sự của mình ở Hoa Kỳ vào năm 2014 và 2015, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Ông Xie kiếm được hàng trăm nghìn đô la từ việc nhập khẩu này.

Ông ta bị kết án một năm và một ngày tù tại Tòa án Khu vực phía Bắc bang Illinois.

Cùng với việc vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Hoa Kỳ, ông Xie còn thừa nhận, ông đã nộp hồ sơ thuế doanh nghiệp sai cho công ty Bio-Medical Optics từ năm 2009 đến năm 2012, khiến Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) thất thu tổng số tiền thuế hơn 100.000 đô la.

Ông Zhang Jian, cá nhân thứ tư, đã mua vũ khí ở Hoa Kỳ và cất giữ chúng ở bang Arizona, trong khi lên kế hoạch chuyển chúng đến Trung Quốc.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng liệt kê sáu người khác đã xuất khẩu vũ khí cho Barbados, Úc, Mexico, Dubai, và Clombia, hoặc cung cấp các bộ phận không phù hợp cho Bộ Quốc phòng Mỹ.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Bắc Kinh kêu gọi Ấn Độ tái khẳng định ủng hộ đối với chính sách ‘một Trung Quốc’

Bắc Kinh đang muốn Ấn Độ tái khẳng định chính sách ‘một Trung Quốc’ khi nước này tìm cách tăng cường sự ủng hộ trong khu vực sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan.

“Chúng tôi hy vọng rằng phía Ấn Độ có thể công khai khẳng định lại chính sách ‘một Trung Quốc’ của mình giống như nhiều quốc gia khác”, Sun Weidong, đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, cho biết trong một bài đăng trên trang web của đại sứ quán.

“Nguyên tắc ‘một Trung Quốc’ là nền tảng chính trị của quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ”, ông nói trong một cuộc họp giao ban ở New Delhi hôm thứ Bảy. Ông cho biết, hơn 170 quốc gia và tổ chức quốc tế đã tái khẳng định cam kết của họ đối với nguyên tắc này.

Ấn Độ nhìn chung tuân theo chính sách ‘một Trung Quốc’ và chỉ công nhận chính phủ ở Bắc Kinh, nhưng đã không đề cập đến điều này trong các tài liệu song phương hoặc trong các tuyên bố công khai trong một thời gian dài. Tình cảm của công chúng đối với Trung Quốc đã trở nên tồi tệ sau cuộc đụng độ biên giới chết người giữa hai nước láng giềng vào năm 2020, mức tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ.

Sự mơ hồ có chủ ý và thái độ miễn cưỡng khi khẳng định lại nguyên tắc đó của Ấn Độ đã khiến Trung Quốc sốt ruột.

Arindam Bagchi, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cũng tránh đề cập đến chính sách này hôm thứ Sáu khi ông được hỏi về tình hình căng thẳng xung quanh Đài Loan: “Các chính sách liên quan của Ấn Độ đều được phổ biến rộng rãi và nhất quán.” Ấn Độ kêu gọi tất cả các bên thực hiện kiềm chế và tránh các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng.

New Delhi đã ngừng đề cập đến chính sách này từ năm 2008 khi Bắc Kinh đưa ra một loạt tuyên bố yêu sách đối với tỉnh Arunachal Pradesh phía đông Ấn Độ và cấp thị thực “đóng ghim” cho một số cư dân Jammu và Kashmir.

Hôm thứ Bảy tuần trước, Quân đội Ấn Độ đã xác nhận kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận với Hoa Kỳ, cách Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới trên thực tế giữa Ấn Độ và khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc, chưa đầy 100km.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng xung quanh Đài Loan, với việc Quân đội Giải phóng Nhân dân tiến hành các cuộc tập trận quân sự chưa từng có xung quanh hòn đảo để trả đũa cho chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi vào tuần trước.

Các cuộc tập trận Mỹ – Ấn sẽ được tổ chức vào giữa tháng 10 ở độ cao 3.048 mét ở Auli thuộc bang Uttarakhand của Ấn Độ và sẽ tập trung vào huấn luyện tác chiến tầm cao, truyền thông Ấn Độ dẫn lời một sĩ quan quân đội cấp cao cho biết.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuần trước đưa tin một lữ đoàn thuộc Quân khu Tây Tạng của PLA đã tổ chức một cuộc diễn tập phòng không bắn đạn thật. Các hình ảnh cho thấy máy bay không người lái, súng phòng không và tên lửa được sử dụng ở khu vực địa hình đồi núi.

Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc cũng đưa tin rằng quân đội đã thực hành các biện pháp phòng thủ trước các cuộc tấn công từ trên không cũng như cách thức bảo vệ cho các mục tiêu quan trọng.

Báo cáo không nêu rõ địa điểm hoặc ngày chính xác của cuộc tập trận, chỉ nói rằng nó được tổ chức “gần đây tại một bãi tập ở độ cao 4.600 mét”.

Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Ấn Độ, được gọi là “Yudh Abhyas”, bắt đầu vào năm 2002, là cuộc tập trận chung lớn nhất giữa hai nước. Địa điểm tập trận xen kẽ giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ.

Trong lần tập trận gần nhất vào tháng 10 năm 2021, quân đội hai nước đã tập trận ở vùng núi Alaska.

Trước đó, Tướng chỉ huy Thái Bình Dương của Lục quân Hoa Kỳ Charles Flynn cho biết cuộc tập trận Yudh Abhyas năm nay có “tác dụng răn đe trên khắp các khu vực” và là “một cách thức giá trị để hai bên thể hiện cam kết với nhau”.

Ấn Độ và Trung Quốc chia sẻ hàng nghìn km đường biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya và trong nhiều thập kỷ đã có các cuộc đụng độ và giao tranh quân sự dọc theo LAC, gần đây nhất là vào tháng 6 năm 2020, khi hơn 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan.

Sau vụ việc, hai bên đã tăng cường xây dựng quân đội gần tiền tuyến và thường xuyên tổ chức các trò chơi chiến tranh.

Các chỉ huy quân đội hai bên đã kết thúc vòng 16 của cuộc đàm phán dai dẳng chưa có hồi kết về tình trạng bế tắc vào tháng trước, nhưng những khác biệt chính vẫn còn rất lâu nữa mới có thể được giải quyết. Hai bên chỉ đồng ý quản lý tình hình, duy trì hòa bình và tiếp tục đối thoại.

Ngân Hà (theo SCMP)

Related posts