Với quỹ thanh khoản bằng đồng nhân dân tệ, thòng lọng của ĐCSTQ thắt chặt hệ thống tài chính toàn cầu
“Chúng ta sẽ xây dựng một trung tâm thương mại và cơ chế định giá đặt Trung Quốc làm trung tâm (lấy mình làm chủ, “dĩ ngã vi chủ” hay “以我为主”) và tích cực thúc đẩy việc thanh toán bằng đồng nhân dân tệ,” một trích đoạn từ Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cho giai đoạn 2021–25 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết.
Quỹ thanh khoản (liquidity pool) bằng đồng nhân dân tệ của ĐCSTQ với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) không chỉ là một thách thức đối với USD, mà còn là một ví dụ nữa về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các tổ chức toàn cầu.
Trong nhiều năm, ĐCSTQ đã cố gắng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ cũng như giảm bớt sự thống trị của đồng USD trong thương mại quốc tế với tư cách là một đồng tiền trao đổi và dự trữ. Hôm 25/06, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) đã công bố kế hoạch hợp tác với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế và năm ngân hàng trung ương khác để tạo ra một quỹ thanh khoản bằng đồng nhân dân tệ nhằm ổn định nền kinh tế trong thời kỳ thị trường biến động. Ngoài PBC, các thành viên sáng lập của quỹ mới này là Ngân hàng Indonesia, Ngân hàng Trung ương Malaysia, Cục Quản lý Tiền tệ Hồng Kông (HKMA), Cục Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS), và Ngân hàng Trung ương Chile.
Theo các điều khoản của thỏa thuận này, mỗi thành viên sẽ đóng góp số dollar hoặc nhân dân tệ trị giá tương đương với 2.2 tỷ USD vào quỹ được gọi là Thỏa thuận Thanh khoản Nhân dân tệ (RMBLA). Số dư sẽ do BIS nắm giữ. BIS sẽ giải ngân cho các thành viên, trong những thời điểm cần thiết, thông qua một cửa sổ thanh khoản thế chấp.
Trong nhiều thập niên, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã hợp tác với các ngân hàng trung ương của các quốc gia phát hành tiền tệ dự trữ để khai triển các gói hỗ trợ thanh khoản mà họ cung cấp cho các quốc gia khác trong thời điểm thị trường căng thẳng và bất ổn. Thỏa thuận Thanh khoản Nhân dân tệ này là thỏa thuận đầu tiên được thực hiện có sử dụng đồng nhân dân tệ và là một bước để đạt được các mục tiêu của ĐCSTQ đã đề ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Kế hoạch này kêu gọi quay trở lại toàn cầu hóa và dần dần quốc tế hóa tiền tệ.
Kế hoạch này cũng đề cập đến việc “vũ khí hóa tài chính trong những năm gần đây”, ám chỉ đến các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ đối với Nga nhằm đáp trả cuộc xâm lược Ukraine. Trong số các lệnh trừng phạt đó có lệnh cấm bảy ngân hàng Nga sử dụng hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).
Trong một nỗ lực để cách khai mình khỏi hệ thống tài chính do Hoa Kỳ thống trị này, Trung Quốc đã tạo ra hệ thống giống SWIFT của riêng mình vào năm 2015 được gọi là Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS). Trong cùng năm đó, Trung Quốc đã thành công đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ có quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Năm 2020, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các quan chức ĐCSTQ về việc giải thể các quyền tự do của Hồng Kông đã thúc đẩy nỗ lực của Bắc Kinh nhằm phá vỡ hệ thống tài chính toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo. Để đạt được mục tiêu này, họ đã đàm phán với Ả Rập Xê Út để thanh toán các giao dịch dầu mỏ bằng đồng nhân dân tệ và thanh toán thương mại với Nga bằng đồng rúp hoặc đồng nhân dân tệ. Cũng đã có các cuộc thảo luận thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường cho các nước Phi Châu tăng dự trữ đồng nhân dân tệ của họ và thanh toán thương mại với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ.
Nga đã phục vụ mục đích như là một câu chuyện cảnh tỉnh dành cho ĐCSTQ. Chứng kiến những thiệt hại mà các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và việc bị loại bỏ khỏi hệ thống SWIFT có thể gây ra cho một nền kinh tế, ông Tập Cận Bình đang tăng cường các nỗ lực của mình để tạo ra một hệ thống tài chính toàn cầu song song do Trung Quốc lãnh đạo. Với tình trạng hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc, với các dự báo tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập niên, nhiều nhà phân tích cho rằng khó có khả năng Trung Quốc sẽ thực hiện một hành động đối với Đài Loan cho đến khi trước tiên nước này tìm ra được một cách hoạt động bên ngoài hệ thống [tiền tệ] của Hoa Kỳ mà không cần đồng USD.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất để chống lạm phát đã thu hút đầu tư vào Hoa Kỳ, nhưng lãi suất tăng cũng khiến việc vay nợ bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn. Do Ngân hàng Trung Quốc cho đến nay vẫn từ chối tăng lãi suất, nên việc vay bằng đồng nhân dân tệ có thể hấp dẫn hơn đối với năm nước thành viên của RMBLA. Tháng Tám năm nay (2022), tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong rổ tiền tệ có quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ được tăng lên 12.28%, một tín hiệu cho thấy đồng nhân dân tệ đang trở nên quốc tế hóa. Hiện tại, đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 2.14% trong các giao dịch thanh toán toàn cầu. Vì Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn của các thành viên RMBLA khác, nên việc họ dự trữ nhiều nhân dân tệ hơn và thanh toán thương mại với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ sẽ trở nên tiện lợi hơn.
Cho đến nay, quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đã bị chậm lại do ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ các dòng vốn, thao túng tiền tệ, và thiếu minh bạch. Tuy nhiên, sự hợp tác mới với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế sẽ đưa thế giới tiến thêm một bước nhỏ gần hơn với việc toàn cầu hóa đồng nhân dân tệ, khi ĐCSTQ hướng tới mục tiêu độc lập tài chính và một hệ thống tài chính thế giới được hậu thuẫn bằng đồng nhân dân tệ.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc”).
Vân Du biên dịch