Ngày 9/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Cộng hòa Dân chủ Congo trong khuôn khổ chuyến công du 3 nước tới châu Phi. Một ngày trước đó, ông Blinken đã có bài phát biểu tại Nam Phi về chiến lược của Mỹ ở châu Phi cận Sahara (khu vực của lục địa châu Phi nằm ở phía nam Sahara).
Ông Blinken nhấn mạnh “mối liên hệ giữa dân chủ và an ninh”, khủng hoảng lương thực, khó khăn kinh tế liên quan đến COVID-19 và cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine khiến những thách thức này ngày càng gia tăng.
Nhà Trắng cũng công bố một danh sách các sự kiện về chiến lược của Mỹ ở khu vực cận Sahara. Trong đó đề cập đến việc Mỹ và các đồng minh trên thế giới “ngày càng coi châu Phi là một phần không thể thiếu trong an ninh quốc gia của họ”, đồng thời chỉ trích:
“Ngược lại, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa coi khu vực này là một vũ đài quan trọng để thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, thúc đẩy các lợi ích thương mại và địa chính trị hạn hẹp của chính mình, phá hoại tính minh bạch và cởi mở, đồng thời làm suy yếu mối quan hệ của Mỹ với người dân và chính phủ châu Phi.”
Những lời này đã khiến Bắc Kinh tức giận. Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã tweet hai bức ảnh chụp ở châu Phi cạnh nhau để tạo sự tương phản.
Bức ảnh bên trái chụp một nhân viên khảo sát người Trung Quốc và một người gốc Phi với chú thích: “Trung Quốc chia sẻ công nghệ đo đạc vẽ bản đồ ở châu Phi.” Ảnh bên phải cho thấy một người lính Mỹ đang ngồi xổm bên cạnh một người châu Phi đang sử dụng khẩu súng trường, chú thích viết: “Mỹ cung cấp đào tạo bắn súng ở châu Phi.”
Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên đã tweet: “Trung Quốc mang công nghệ đến châu Phi. Mỹ mang bạo lực đến châu Phi.”
Dòng tweet của ông Triệu Lập Kiên đã mắc lỗi thực tế cơ bản nhất.
#China brings techniques to #Africa.
— Lijian Zhao 赵立坚 (@zlj517) August 9, 2022
The #US brings violence to Africa. pic.twitter.com/zLizFSIRES
Bức ảnh bên phải là bức ảnh cách đây 10 năm, thực tế cho thấy một lính thủy đánh bộ Mỹ đang giúp Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Uganda huấn luyện cách bắn súng thực chiến.
Các binh sĩ Uganda là những kỹ sư quân sự chiến địa đang trải qua khóa huấn luyện chống nổi dậy, để chống lại nhóm chiến binh Hồi giáo al-Shabaab. Tổ chức này là chi nhánh Somali của nhóm khủng bố quốc tế al-Qaeda.
Vào ngày 6/12/2006, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bao gồm cả Trung Quốc đã nhất trí thông qua việc thành lập Phái bộ Liên minh châu Phi tại Somalia (gọi tắt là AMISOM). Đây là một Phái bộ gìn giữ hòa bình mà bộ binh Uganda là một phần. Các kỹ sư quân sự chiến địa đang được đào tạo này được triển khai để hỗ trợ bộ binh Uganda tác chiến.
Nói cách khác, cuộc huấn luyện quân sự được thể hiện trong bức ảnh bên phải là một hành động mà Trung Quốc đã biểu quyết thông qua trong Hội đồng Bảo an.
Nhiệm vụ của AMISOM kết thúc vào ngày 31/3 năm nay, và được thay thế bởi Phái bộ chuyển tiếp của Liên minh châu Phi tại Somalia.
Vào tháng 8/2021, ông Đới Binh (Dai Bing), Đại biện lâm thời của Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, bày tỏ sự ủng hộ của Trung Quốc đối với AMISOM.
Những bức ảnh tương tự về quân đội Trung Quốc huấn luyện binh sĩ ở châu Phi cũng được công bố rộng rãi.
Vậy, chính xác thì Trung Quốc đang làm gì ở châu Phi? Đây là một vấn đề khen chê bất nhất.
Thứ nhất, Trung Quốc đã vượt Mỹ về phát triển đầu tư tại đây. Vào tháng Tư năm nay, bà Deborah Brautigam, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc – châu Phi tại Đại học Johns Hopkins, nói với phóng viên Bartlett của VOA rằng ngoài việc tụt hậu so với Mỹ về viện trợ nước ngoài, sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở lục địa châu Phi đã vượt Mỹ về mọi mặt.
Đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đây là sáng kiến ngoại giao và thương mại trị giá 1.000 tỷ USD của Trung Quốc nối lục địa Âu – Á với châu Phi.
Học giả Ấn Độ Brahma Chellaney và một số quan chức phương Tây đã cáo buộc Trung Quốc tham gia vào chính sách ngoại giao “bẫy nợ” trong khuôn khổ Vành đai và Con đường, tức sử dụng nợ không bền vững đạt được mục đích địa chính trị. Nhưng Bắc Kinh và một số nhà phân tích độc lập của phương Tây cũng phản bác lại tuyên bố “bẫy nợ”.
Về mặt quân sự, Bắc Kinh ngày càng có ảnh hưởng lớn ở châu Phi, bán vũ khí và cung cấp huấn luyện cho các nước châu Phi.
Theo báo cáo hồi tháng Ba của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 3 của châu Phi trong giai đoạn 2017 – 2021, chiếm 10% lượng vũ khí xuất khẩu của thế giới sang khu vực này.
Cho đến nay, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của châu Phi với 44% tổng số, vượt xa so với thị phần 17% của Mỹ.
Một số nhà phân tích tin rằng các chuyến hàng vũ khí của Trung Quốc đến châu Phi là do lợi nhuận. Các nhà phân tích khác nói rằng đó là một cân nhắc chiến lược.
Lấy ví dụ về việc Trung Quốc bán vũ khí cho chính quyền quân đội Myanmar, Trung Quốc khi bán vũ khí này “hoàn toàn biết rằng những vũ khí này có thể được sử dụng để tấn công dân thường”, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Myanmar cho biết trong một báo cáo hồi tháng Hai. Các học giả đã chỉ ra rằng Trung Quốc tuân thủ mô hình xuất khẩu vũ khí “không được hỏi”, và nhân quyền được coi là “công việc nội bộ” của các nước khác.
Tạp chí Các vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương (Journal of Indo-Pacific Affairs), một tạp chí được đánh giá ngang hàng của Lực lượng Không quân và Vũ trụ Mỹ, cáo buộc Bắc Kinh “dùng phương thức không rõ ràng” trong việc phê duyệt “luồng vũ khí không hạn chế tới các khu vực xung đột”.
Ví dụ vào năm 2012, khi bức ảnh cho thấy các binh sĩ Mỹ huấn luyện người Uganda ở bên phải dòng tweet của ông Triệu Lập Kiên được chụp, tờ Washington Post đã đưa tin: “Từ Cộng hòa Dân chủ Congo đến Bờ Biển Ngà, Somalia và một loạt khu vực chiến sự ở Sudan, [vũ khí từ Trung Quốc] nổi lên bề mặt trong một loạt cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc.”
Tờ báo này lưu ý rằng Trung Quốc “khác với các nước xuất khẩu vũ khí lớn khác, bao gồm cả Nga, vì nước này đặt ra thách thức mạnh mẽ đối với quyền uy của Liên Hợp Quốc”, cản trở nỗ lực của các chuyên gia Liên Hợp Quốc nhằm theo dõi dòng chảy vũ khí đến châu Phi và các nơi khác.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy một “sáng kiến an ninh toàn cầu” mà ông đã đề xuất vào tháng Tư, nhấn mạnh rằng “nhân loại là một cộng đồng an ninh không thể chia cắt”, nói rằng các nước nên “về cơ bản tuân theo sự tôn trọng lẫn nhau, tính bất khả phân của an ninh là một nguyên tắc quan trọng”.
Bắc Kinh mô tả sáng kiến này là “duy trì chủ nghĩa đa phương thực sự” và nhằm “duy trì hòa bình thế giới, ngăn ngừa xung đột và chiến tranh”. Những người chỉ trích nói rằng điều này “sẽ dẫn đến một hệ thống toàn cầu có lợi cho các chế độ độc tài hơn là trật tự hiện tại dựa trên các lý niệm dân chủ”.
Thông qua sáng kiến này, ở một mức độ nào đó, Trung Quốc có mục đích tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trên lục địa châu Phi.
Vào ngày 31/7, tờ Nam Hoa Tảo Báo (SCMP) đã đăng một bài viết có tiêu đề “Trung Quốc sử dụng sáng kiến an ninh toàn cầu mới để xây dựng vị thế quân sự ở châu Phi”. Bài viết nói rằng:
“Trung Quốc đang thúc đẩy sáng kiến an ninh toàn cầu mới của mình như một cách để tăng cường mối quan hệ với các nước châu Phi thông qua đào tạo quân sự, chia sẻ thông tin tình báo và chống khủng bố – ngay cả khi các cường quốc phương Tây như Pháp và Mỹ đang đối mặt với trở lực hoặc đang giảm các hoạt động quân sự của họ ở châu Phi.”
Bài viết của SCMP lưu ý rằng Bắc Kinh “cử hàng ngàn binh sĩ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc”, đang “đào tạo thêm các sĩ quan quân sự” và “tìm cách tham gia sâu hơn vào quá trình hòa bình ở khu vực Sừng châu Phi và Sahel”.
Ông Michael Tanchum, một học giả về châu Phi cận Sahara, nói rằng Trung Quốc nói trong trong một bài được viết cho Hội đồng Đối ngoại châu Âu, Trung Quốc “cung cấp nhiều binh sĩ hơn cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc so với tất cả các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cộng lại.”
Ông cho rằng với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc, Bắc Kinh “có thể mô tả sự hiện diện quân sự đơn phương của mình như một phần trong nỗ lực quốc tế chống cướp biển và bảo vệ thương mại toàn cầu thông qua kênh đào Suez.”
Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung Quốc (USCC), một cơ quan độc lập của Chính phủ Hoa Kỳ, đã viết trong một báo cáo nghiên cứu vào tháng 12/2020: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc mong ngóng thể hiện vũ lực ở nước ngoài và chứng minh khả năng chống lại một cuộc chiến tranh giới hạn ở nước ngoài, để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở các nước tham gia ‘Vành đai và Con đường’. “
Ông Michael Tanchum viết, để đạt được mục tiêu này, “Bắc Kinh đã kết hợp các yếu tố quân sự và an ninh vào quan hệ đối tác kinh tế với các nước châu Phi“, gắn sự hiện diện quốc phòng của Trung Quốc “vào cấu trúc tổng thể của sự phát triển của lục địa.”
Châu Phi cũng là nơi đặt căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc.
Năm 2017, Trung Quốc đã mở một căn cứ quân sự ở quốc gia Đông Phi Djibouti ở vùng Sừng châu Phi (bán đảo Somali). Một phần mục đích của căn cứ là tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và các hoạt động chống cướp biển.
Có báo cáo nói rằng Trung Quốc cũng đang có kế hoạch mở căn cứ hải quân thứ hai ở châu Phi trên bờ biển Đại Tây Dương của quốc gia Trung Phi thuộc Guinea Xích đạo.
Echols, VOA