Trung Quốc đưa quân đến Nga tham gia cuộc tập trận ‘Vostok’
Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo hôm 17/8, quân đội Trung Quốc sẽ tới Nga để tham gia cuộc tập trận chung do nước chủ nhà dẫn đầu, với sự tham gia của cả Ấn Độ, Belarus, Mông Cổ, Tajikistan và các nước khác.
Việc Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận chung là “không liên quan đến tình hình quốc tế và khu vực hiện nay”, Bộ Quốc phòng nước này cho biết trong một tuyên bố.
Tháng trước, Nga đã công bố kế hoạch tổ chức cuộc tập trận “Vostok” (Phương Đông) từ ngày 30/8 đến ngày 5/9. Vào thời điểm đó, Nga cho biết một số lực lượng nước ngoài sẽ tham gia tập trận, nhưng không nêu tên quốc gia cụ thể
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, việc nước này tham gia tập trận là một phần của thỏa thuận hợp tác thường niên song phương với Nga.
“Mục đích là làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hữu nghị và thiết thực với quân đội các nước tham gia, nâng cao mức độ hợp tác chiến lược giữa các bên tham gia và tăng cường khả năng ứng phó với các mối đe dọa an ninh khác nhau,” tuyên bố nhấn mạnh.
Dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Bắc Kinh và Moscow ngày càng trở nên thân thiết.
Tháng 8 năm ngoái, Nga và Trung Quốc cũng đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở miền Trung Bắc Trung Quốc với sự tham gia của hơn 10.000 binh sĩ. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ca ngợi các cuộc tập trận Sibu/Hợp tác-2021 ở Ninh Hạ của Trung Quốc này, và nhận định thêm rằng chúng có thể được phát triển hơn nữa.
Đến tháng 10/2021, Nga và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Nhật Bản. Tiếp đó, các tàu chiến của Nga và Trung Quốc đã tổ chức cuộc tuần tra chung đầu tiên ở Tây Thái Bình Dương.
Ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, Bắc Kinh và Moscow đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác “không giới hạn”, dù giới chức Mỹ cho biết họ chưa thấy Trung Quốc phớt lờ các lệnh cấm vận của Mỹ đối với Nga, hay cung cấp thiết bị quân sự.
Cuộc tập trận Vostok (Phương Đông) sẽ diễn ra ở miền Đông Nga. Quân khu miền Đông Nga gồm một phần Siberia với tổng hành dinh ở thành phố Khabarovsk, gần biên giới Trung Quốc.
Nhật Minh (Theo Reuters)
CPI của Anh tăng lên 10,1%, thành nước G7 đầu tiên lạm phát hai con số
Dữ liệu công bố ngày 17/8 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh trong tháng Bảy đã tăng lên 10,1%, đây là mức cao nhất kể từ tháng 2/1982, khiến nước Anh trở thành nền kinh tế giàu có lớn đầu tiên ghi nhận mức tăng giá lên đến 2 con số.
Mức tăng 10,1% cao hơn dự báo của tất cả các nhà kinh tế do Reuters thăm dò, và điều này thúc đẩy các nhà đầu tư đặt cược rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tiếp tục tăng lãi suất với tốc độ nhanh. Chỉ số CPI tháng Sáu là 9,4%.
Bất chấp những cảnh báo trong tháng này về khả năng suy thoái, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5% lên 1,75%, đây là động thái lớn nhất kể từ năm 1995, khi đó vào tháng 10/1995 lạm phát của Anh đạt đỉnh 13,3%.
Chuyên gia kinh tế Benjamin Nabarro của của Citibank nói với Reuters rằng dựa trên dữ liệu mới nhất, ông dự kiến lạm phát sẽ đạt đỉnh trên 15% vào đầu năm tới. Ông nói thêm: “Với việc Ngân hàng Trung ương lo ngại về các dấu hiệu của áp lực lạm phát kéo dài, chúng tôi cho rằng phản ứng diều hâu là điều không thể tránh khỏi”.
Vào đầu tuần này, đa số giới chuyên gia kinh tế đã dự báo rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm lên 2,25% sau cuộc họp tiếp theo vào tháng Chín.
Lợi suất trái phiếu chính phủ 2 năm của Anh vốn nhạy cảm với kỳ vọng lãi suất đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2008, giới đầu tư có dự tính lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh sẽ đạt đỉnh 3,75% vào khoảng tháng 3/2023, tăng từ mức 3,25% trước đó.
Vương quốc Anh không phải là nước duy nhất đối mặt với giá cả tăng vọt, nhưng là nước đầu tiên trong các nền kinh tế G7 có lạm phát trên 10%.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy, so với cả phần còn lại của châu Âu nơi giá năng lượng đã tăng vọt sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine thì cuộc chiến của Anh với lạm phát cao sẽ kéo dài hơn.
Đối với Mỹ, nhiều nhà kinh tế cho rằng lạm phát của Mỹ đã đạt đỉnh sau khi giảm từ mức cao 9,1% vào tháng Sáu xuống 8,5% vào tháng Bảy.
Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) hôm 17/8 cho thấy, giá đã tăng 0,6% trong tháng Bảy so với tháng Sáu trên cơ sở điều chỉnh không theo mùa. Giá lương thực theo năm tăng 12,6%, đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2008, cũng là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao, trong khi giá năng lượng và xăng dầu tăng cũng là động lực chính.
Lạm phát giá bán lẻ đạt mức cao nhất hàng năm kể từ tháng 3/1981, ở mức 12,3%.
Những con số lạm phát kỷ lục này càng làm tăng thêm cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt mà người Anh đang phải đối mặt, khi việc tăng lương ngày càng tụt hậu so với việc tăng giá của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau.
Điều này được đưa ra sau khi dữ liệu chính thức cho thấy, tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát ở Anh đã giảm 3% trong 3 tháng tính đến tháng Sáu, mức giảm lớn nhất kể từ kỷ lục trước đó vào năm 2001.
Các nhà kinh tế cũng ngày càng bi quan về tình hình kinh tế nước Anh, áp lực chi phí gia tăng nên phổ biến cho rằng khả năng nước này rơi vào suy thoái không ngừng gia tăng. Ngân hàng Trung ương Anh trước đó đã dự báo một cuộc suy thoái sẽ bắt đầu vào quý 4 năm nay và kéo dài đến đầu năm 2024.
Trả lời về dữ liệu CPI mới nhất, tân Thủ tướng Anh Nadhim Zahawi cho biết: “Kiểm soát lạm phát là ưu tiên của chúng tôi. Chúng tôi đang hành động thông qua chính sách tiền tệ mạnh, độc lập, quyết định về thuế và chi tiêu có trách nhiệm, thông qua cải cách để thúc đẩy năng suất và tăng trưởng”.
Văn Long, Vision Times
Nguy cơ chiến tranh Mỹ – Trung khiến giới doanh nhân quốc tế cân nhắc rời Trung Quốc
Trong bối cảnh mới đây Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động các cuộc tập trận chưa có tiền lệ xung quanh Đài Loan, nhiều công ty đa quốc gia tại Trung Quốc đang lên kế hoạch dự phòng để đối phó với khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 4/8/2022, ĐCSTQ đã bắn thử nghiệm 11 tên lửa xung quanh eo biển Đài Loan, 5 trong số đó rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản (CSIS).
Tờ Financial Times ngày 17/8 đưa tin, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở nhiều nước như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… “đã tăng cường kế hoạch”, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tin khả năng Trung Quốc xâm lược Đài Loan đang gia tăng chứ không còn là rủi ro “thiên nga Đen” với xác suất nhỏ.
Gần đây, ĐCSTQ đã phát hành Sách Trắng thứ ba về chính sách Đài Loan sau các phiên bản trước đó vào năm 1993 và 2000, theo đó phiên bản mới này đã xóa bỏ “hai cam kết” trước đó là “không có quân nhân và nhân viên hành chính đồn trú tại Đài Loan” và “giải quyết vấn đề Đài Loan xuyên eo biển thông qua đàm phán”. Có bình luận rằng những động thái mới là bước đệm để ĐCSTQ từ bỏ chính sách đàm phán hòa bình, qua đó lựa chọn duy nhất còn lại là “thống nhất”.
Chủ tịch Jörg Wuttke của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc (EU Chamber of Commerce in China) nói rằng nhiều công ty tại Trung Quốc đang cân nhắc về các khả năng biến động có thể và cách đối phó. Ông chia sẻ: “Nên làm gì trong trường hợp xảy ra chiến tranh? Có nên đóng cửa hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc? Nếu duy trì hoạt động kinh doanh thì làm sao vượt qua những bất ổn có thể xảy ra?”; “Hòn đảo nhỏ (Đài Loan) đang bất ổn (dưới đe dọa từ ĐCSTQ). Trong tình trạng này, nhiều trụ sở chính của các tập đoàn quốc tế đang tính toán khả năng đó sẽ là một Ukraina thứ hai”.
Trước căng thẳng leo thang trầm trọng ở eo biển Đài Loan trong tháng này, các công ty đa quốc gia đang hoạt động ở Trung Quốc cũng phải đối mặt với rủi ro ngày càng tăng do áp lực từ Mỹ và các đồng minh, vì vậy tất cả đang tìm cách chuyển trọng tâm từ thị trường Trung Quốc sang các nước khác.
Tờ Financial Times đưa tin, dù lãnh đạo doanh nghiệp nhiều nước chia sẻ rằng không có xu thế di cư lớn nào của các công ty nước ngoài, tuy nhiên một số công ty Mỹ đang xem xét chuyển một số hoạt động của họ ra khỏi Trung Quốc Đại Lục.
Chuyên gia Eric Zheng thuộc Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho biết, đối với nhiều nhà sản xuất Mỹ có chuỗi cung ứng toàn cầu, cuộc khủng hoảng Đài Loan đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đang không ngừng xấu đi, gây một số tác động “đáng kể” như thuế quan thương mại, buộc họ phải nghiêm túc xem xét việc thiết lập các nhà máy ở các nước khác.
Hôm thứ Ba, hãng tin Nhật Bản Nikkei dẫn nguồn tin cho biết các nhà cung cấp Trung Quốc của Apple như Luxshare Precision Industry và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch và máy tính xách tay ở đâu đó tại miền Bắc Việt Nam.
Eric Zheng nói rằng “ý tưởng phổ biến của giới kinh doanh hiện nay là ‘Trung Quốc + 1’ hoặc thậm chí là ‘Trung Quốc + 2’, tức là Trung Quốc vẫn sẽ là chính nhưng cần có một quốc gia Đông Nam Á thay thế, đề phòng (chiến tranh)”.
Luật sư James Zimmerman tại văn phòng Bắc Kinh của Công ty Luật Perkins chỉ ra rằng vấn đề các công ty đa quốc gia có giảm quy mô hoạt động ở Trung Quốc Đại Lục hay không phụ thuộc vào Đại hội 20 của ĐCSTQ, nếu ông Tập Cận Bình tái đắc cử và tiếp tục chống dịch kiểu ‘Zero-COVID’ cũng như không thay đổi các chính sách như đàn áp nhân quyền và bạo lực đối với eo biển Đài Loan thì có thể đẩy nhanh dòng chảy của các doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc.
Zimmerman nói: “Nếu không có sự thay đổi nào về chính sách – khả năng này là cao – thì có thể thấy sự thay đổi trong giới doanh nhân hướng tới một quốc gia thân thiện hơn”.
Do hệ thống kiểm duyệt nghiêm ngặt của ĐCSTQ và chính sách ‘Zero-COVID’, nhiều công ty quốc tế đang rút hoặc chuyển một số dây chuyền sản xuất ra khỏi thị trường Trung Quốc. Ví dụ vào đầu tháng Sáu, trang web Amazon của Mỹ cho biết họ sẽ ngừng dịch vụ cửa hàng sách điện tử Kindle ở Trung Quốc, trong khi công ty cho thuê nhà trọ của Mỹ Airbnb thông báo vào cuối tháng Năm rằng họ có kế hoạch đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Tháng Mười năm ngoái, LinkedIn, mạng xã hội duy nhất của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, đã rút khỏi Trung Quốc.
Từ Giản, Epoch Times
Bà Tiêu Mỹ Cầm: Cuộc tập trận của ĐCSTQ là ‘động lực’ kêu gọi các nghị sĩ đến thăm Đài Loan
Bà Tiêu Mỹ Cầm (Xiao Meiqin), đại diện Đài Loan tại Hoa Kỳ, hôm thứ Tư (17/8) cho biết, việc ĐCSTQ ‘tích cực’ phản ứng quân sự đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi chính là động lực thúc đẩy các quốc gia trên thế giới đến thăm hòn đảo.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi dẫn đầu phái đoàn thăm Đài Loan vào ngày 02/8 và 03/8. ĐCSTQ bắt đầu tập trận xung quanh Đài Loan vào ngày 04/8 và phóng 11 tên lửa qua Đài Loan, 5 trong số đó rơi xuống vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Cho đến nay, tàu chiến và máy bay của Trung Quốc vẫn đang hoạt động gần Đài Loan.
Sau chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Hoa Kỳ Ed Markey đã dẫn đầu một phái đoàn đến thăm hòn đảo dân chủ vào ngày 14/8.
Bà Tiêu Mỹ Cầm, đại diện của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc ở Mỹ, nói với tờ Reuters trong một cuộc phỏng vấn hôm 17/8 rằng: “Những gì Trung Quốc đang làm chỉ khiến cho các quốc gia trên thế giới quan tâm đến việc thăm Đài Loan hơn bao giờ hết”.
“Kể từ chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan, chúng tôi đã thấy quốc hội các nước khác bày tỏ sự quan tâm đến hòn đảo”, bà nói và chỉ ra rằng, Đức, Canada, Vương quốc Anh và Nhật Bản là những quốc gia có thể cử phái đoàn đến Đài Loan.
Bà nói về các hoạt động quân sự của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan: “Các hành động của Trung Quốc đã làm dấy lên mối quan tâm lớn và công chúng thông cảm cho hoàn cảnh của chúng tôi”.
Nhà Trắng hôm 12/8 cho biết Trung Quốc đã “phản ứng thái quá” với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi và lấy đó làm cái cớ để cố gắng thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan, bằng cách phóng tên lửa và tiến hành các cuộc tập trận phong tỏa hòn đảo.
Đoàn nghị sĩ Canada có kế hoạch thăm Đài Loan trong tháng 10 tới để tìm kiếm cơ hội kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương, nghị sĩ Đảng Tự do Canada Judy Sgro thông báo ngày 17/8, theo Reuters.
Từ ngày 07/8 đến ngày 11/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Litva Agnė Vaiciukevičiūtė, đã dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Đài Loan.
“Chúng tôi đã mở cửa với các phái đoàn quốc hội Mỹ trong nhiều thập kỷ và điều đó áp dụng cho các thành viên của bất kỳ đảng chính trị nào”, bà Tiêu nói.
ĐCSTQ chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan, và luôn phản đối các quan chức từ các nước khác đến thăm hòn đảo. Chính quyền Đài Loan bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh, nói rằng chỉ người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của mình. Trực thăng quân sự Trung Quốc bay qua đảo Bình Đông, một trong những điểm gần nhất của Trung Quốc đại lục từ Đài Loan, ở tỉnh Phúc Kiến, trước cuộc tập trận quân sự ngoài khơi Đài Loan, hôm 04/8/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP/Getty Images)
Bà Pelosi cho biết chuyến thăm của bà là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc không thể ngăn các nhà lãnh đạo thế giới đến thăm Đài Loan.
Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng theo luật của Hoa Kỳ, nước này có nghĩa vụ cung cấp cho Đài Loan các phương tiện tự vệ, bao gồm cả việc bán vũ khí cho Đài Loan.
Bà Tiêu cho biết Đài Loan đang phối hợp chặt chẽ các ưu tiên quốc phòng và lịch trình giao vũ khí với Hoa Kỳ, đồng thời tích cực giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp quốc phòng.
Hôm thứ Ba (16/8), ĐCSTQ tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bảy công dân Đài Loan, bao gồm cả bà Tiêu Mỹ Cầm. Đáp lại, bà đã đăng một bức ảnh kèm chú thích trên Twitter vào hôm thứ Ba (16/8): “Nếu ĐCSTQ nghĩ rằng họ có thể hạn chế không gian quốc tế của Đài Loan và bóp nghẹt tiếng nói của người dân Đài Loan, thì đó là một sai lầm lớn. Rất sai lầm”.
“Sự đàn áp chỉ dẫn đến nhiều phản kháng hơn nữa”, bà viết trên Twitter.
Huyền Anh