Thêm 7 tập đoàn khoa học công nghệ của ĐCSTQ vào danh sách đen của Mỹ
Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra một thông báo trong thông cáo chung hôm thứ Ba (23/8), đưa thêm 7 “thực thể” Trung Quốc vào danh sách đen kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, hầu hết là các đơn vị lớn liên quan đến hàng không vũ trụ do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát.
Nhằm vào các viện nghiên cứu của các doanh nghiệp trung ương
Theo một thông báo được công bố trên Công báo Liên bang Mỹ (Federal Register), 7 thực thể mới được thêm vào danh sách đen kiểm soát xuất khẩu của Mỹ vừa nêu là:
– Viện nghiên cứu thứ 771 thuộc Viện nghiên cứu thứ 9 của Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc
– Viện nghiên cứu thứ 772 của Viện nghiên cứu thứ 9 của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc
– Viện nghiên cứu thứ 502 của Viện Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc.
– Viện nghiên cứu thứ 513 của Viện Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc.
– Viện nghiên cứu thứ 43 của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC).
– Viện nghiên cứu thứ 58 của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc
– Hệ thống điều khiển Zhuhai Orbita
Các thực thể nằm trong danh sách đen là các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ “đặc biệt quan trọng” do ĐCSTQ kiểm soát và có liên quan chặt chẽ đối với đẩy mạnh năng lực quân sự.
Lý do trừng phạt thương mại đối với 7 thực thể này
Bị đưa vào danh sách đen kiểm soát xuất khẩu có nghĩa là bất kỳ nhà cung cấp nguyên liệu hoặc dịch vụ nào của Mỹ cho các thực thể này trước khi vận chuyển hàng cho họ sẽ cần phải có giấy phép từ Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ (BIS). BIS sẽ xem xét các đơn xin cấp giấy phép trên cơ sở nguyên tắc “Giả định từ chối” (Presumption of Denial).
“Đối với những thực thể được xác định trong Danh sách thực thể, (Mỹ) có cơ sở hợp lý để tin rằng dựa trên các dữ kiện cụ thể và rõ ràng cho thấy họ đã tham gia, có liên quan hoặc có nguy cơ bị liên quan trong các hành vi vi phạm an ninh quốc gia hoặc các hoạt động đối ngoại vì lợi ích chính sách của Mỹ”, Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong Công báo Liên bang.
Liên quan thúc đẩy phát triển quân sự của ĐCSTQ
Điều đáng chú ý là Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc và Công ty Công nghệ Điện tử Trung Quốc đều nằm trong danh sách 10 doanh nghiệp quân sự hàng đầu của ĐCSTQ.
10 tập đoàn công nghiệp quân sự Trung Quốc mới bị Mỹ đưa vào danh sách là những tổ chức do Chính phủ của ĐCSTQ cấp vốn và trực tiếp quản lý, đảm nhận chức năng sản xuất, vận hành các công trình xây dựng quốc phòng lớn và các nhiệm vụ sản xuất, nghiên cứu khoa học quốc phòng.
Theo trang web của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, tiền thân của tập đoàn này có nguồn gốc từ Viện Nghiên cứu thứ 5 của Bộ Quốc phòng được thành lập năm 1956, chủ yếu tham gia vào các dịch vụ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, thử nghiệm và phóng các phương tiện phóng như vệ tinh, tàu vũ trụ, tàu thăm dò không gian sâu, trạm vũ trụ và các sản phẩm hàng không vũ trụ khác cùng các hệ thống vũ khí tên lửa chiến lược và chiến thuật.
Một thông cáo báo chí từ Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc vào tháng 4/2018 đã nêu bật mối quan hệ mật thiết của tập đoàn này với quân đội ĐCSTQ. Thông cáo báo chí cho biết ban lãnh đạo công ty này đã đến thăm Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc (CAS) thảo luận sự phát triển kết hợp quân sự-dân sự.
Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc nhấn mạnh sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác chiến lược chiều sâu với Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc.
Trong khi đó Công ty Công nghệ Điện tử Trung Quốc tập trung phát triển các vấn đề kỹ thuật thiết bị quan trọng, thiết bị liên lạc và điện tử của các hệ thống thông tin điện tử quy mô lớn quân sự và dân sự quan trọng của Trung Quốc.
Cục Khoa học và Công nghệ Công nghiệp Quốc phòng ĐCSTQ từng ra thông cáo báo chí ca ngợi “Công ty Công nghệ Điện tử Trung Quốc thúc đẩy con đường phát triển bảo đảm an ninh quốc gia tổng thể và chiến lược kết hợp quân sự-dân sự, giúp quân đội Trung Quốc thông qua khoa học và công nghệ, giúp lập kế hoạch một cách có hệ thống cho sự phát triển quân đội Trung Quốc”.
Hoạt động kinh doanh chính của Công ty Công nghệ Điện tử Trung Quốc chủ yếu được chia thành hai bộ phận: sản phẩm quân sự và sản phẩm dân dụng, là một doanh nghiệp tập đoàn tích hợp quân sự – dân sự điển hình.
Theo chính sách “quân-dân hợp nhất” của ĐCSTQ, các công ty Trung Quốc nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài và sau đó sử dụng chúng cho mục đích quân sự, điều này ngày càng khiến nhà chức trách Mỹ phải đề phòng.
Trước đó vào ngày 8/4/2022, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 7 thực thể siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen kiểm soát xuất khẩu. Bộ Thương mại Mỹ cho biết vào thời điểm đó rằng các thực thể này có quan hệ chặt chẽ với quân đội ĐCSTQ và tham gia phát triển quân sự của nhà cầm quyền này gây nhiều bất ổn, bao gồm cả việc phát triển vũ khí siêu thanh. Những vũ khí này là mối đe dọa đối với Mỹ và Đài Loan.
Tờ Washington Post khi đó đưa tin những công ty Trung Quốc mới bị đưa vào danh sách đen của Mỹ gồm: Công ty Công nghệ Thông tin bay Thiên Tân (Phytium Technology) , Trung tâm Xúc tiến Công nghiệp và Công nghệ Vi mạch Thượng Hải, Công ty Vi điện tử Duy Vi (Xinwei) Thâm Quyến là những công ty có bối cảnh quân đội ĐCSTQ. Bộ vi xử lý do Phytium Technology sản xuất đã được sử dụng trên các siêu máy tính tại Trung tâm Nghiên cứu Khí động học lớn nhất Trung Quốc (CARDC) là nơi đang tiến hành nghiên cứu vũ khí siêu thanh.
Một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Mỹ không muốn nêu tên đã nói với tờ Washington Post vào thời điểm đó rằng động thái của Chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn sản phẩm công nghệ cao của Mỹ vô tình giúp phát triển cho quân đội của ĐCSTQ.
Theo Trương Đình, Epoch Times
Đức sẽ viện trợ quân sự thêm 500 triệu EURO cho Ukraine
Theo hãng tin AFP, Chính phủ Đức sẽ cung cấp cho Ukraine thêm 500 triệu EURO viện trợ quân sự, gồm các hệ thống phòng không, bệ phóng tên lửa, vũ khí chính xác… trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Đức cảnh báo nguy cơ cạn kiệt kho dự trữ quân sự.
Các thiết bị quân sự được Đức cam kết viện trợ sẽ bao gồm 3 hệ thống phòng không IRIS-T, “khoảng một chục xe thu hồi có vũ trang, 20 bệ phóng tên lửa gắn trên xe bán tải, đạn chính xác và thiết bị chống máy bay không người lái”, theo phát ngôn viên Chính phủ Đức.
Đức cùng với một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác và Mỹ, Anh, Canada, Úc đã cung cấp vũ khí cho Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát vào cuối tháng 2. Tuy nhiên, tất cả các chuyến giao hàng của Đức trong những tháng đầu chỉ liên quan đến vũ khí nhỏ, tên lửa chống tăng và phòng không di động, cũng như đạn dược và nhiên liệu. Berlin bị chỉ trích vì mất khá lâu thời gian do dự không chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Kyiv.
Đến cuối tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexei Reznikov mới thông báo nước này đã tiếp nhận lô hàng vũ khí hạng nặng gồm các hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard và đạn dược từ Đức. Trước đó, Đức cam kết chuyển giao ít nhất 30 xe bánh xích trang bị pháo phòng không Gepard cho Ukraine. Lô hàng 15 hệ thống phòng Gepard được Đức giao cho Ukraine vào cuối tháng 7 và đợt giao hàng tiếp theo với 15 hệ thống Gepard diễn ra trong tháng 8.
Trong khi đó, ngày 23/8, Bộ Quốc phòng Đức tuyên bố rằng nước này không thể cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine mà không làm cạn kiệt kho dự trữ của mình.
Mặc dù quân đội Đức đã đạt đến “giới hạn có thể chấp nhận được” của những gì họ có thể gửi đi, Thủ tướng Olaf Scholz đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc duy trì dòng vũ khí chảy về Kyiv.
“Chúng tôi đã đến giới hạn có thể chấp nhận được bán đi kho dự trữ của Bundeswehr (quân đội Đức)”, phát ngôn viên của Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht nói hôm 22/8, sau khi các nhà lập pháp Kristian Klinck, Sara Nanni và Alexander Mueller kêu gọi Đức tăng cường giao vũ khí cho Ukraine.
Quân đội Đức đã ở trong tình trạng suy kiệt nghiêm trọng từ rất lâu trước tháng 2. Bất chấp việc Thủ tướng Scholz đã công bố một chương trình tái vũ trang đầy tham vọng vào tháng 3, và mặc dù thực tế là ngân sách dành cho Bundeswehr đã tăng từ 37 tỷ EURO vào năm 2017 lên 50 tỷ EURO trong năm nay, nhưng quân đội vẫn chưa khắc phục được những thiếu hụt này.
Nga đã nhiều lần chỉ trích việc các nước phương Tây vận chuyển vũ khí cho Ukraine, đồng thời khẳng định việc này sẽ không giúp thay đổi tiến trình của cuộc xung đột mà chỉ khiến tình trạng căng thẳng kéo dài.
Phan Anh