Tin VN sáng thứ Năm: Bộ Y tế Đài Loan tiêu hủy hơn 1.4 tấn mì Omachi của Việt Nam

Bộ Y tế Đài Loan tiêu hủy hơn 1,4 tấn mì Omachi của Việt Nam, Masan Consumer lên tiếng

Việt Nam đứng thứ ba về tiêu thụ mì ăn liền trên thế giới với khoảng 8,5 tỷ gói vào năm 2021, theo WINA (Ảnh minh họa: Monthira/Shutterstock)

Cơ quan Đài Loan đã thu giữ và tiêu hủy 1.440 kg mì Omachi xốt tôm chua cay nhập khẩu từ Việt Nam, vụ việc đã thu hút dư luận khi loại mì này khá phổ biến ở thị trường trong nước. Mới đây đại diện nhà sản xuất mì Omachi – Masan Consumer cho biết Công ty không bán trực tiếp loại mì này cho Đài Loan.

Hãng thông tấn Đài Loan (CNA tiếng Trung) đăng tải bản tin hôm 23/8, cho biết Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (thuộc Bộ Y tế Đài Loan) đã quyết định thu giữ và tiêu hủy 1.440 kg mì Omachi xốt tôm chua cay nhập khẩu từ Việt Nam thông qua Công ty Qianyu (Thiên Du).

Ông Trần Khánh Dụ, Giám đốc Trung tâm Quản lý khu vực phía Bắc (Đài Loan) cho biết đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này vi phạm và tổng cộng có 3 lô hàng được phát hiện có dư lượng chất Ethylene Oxide – chất được xếp vào loại thuốc trừ sâu và bị cấm dùng ở quốc gia này.

Cơ quan chức năng Đài Loan phát hiện trong gói bột gia vị mì gói hương vị tôm chua cay của Omachi có chứa 0,195 mg/kg Ethylene Oxide.

Tối ngày 24/8, phản ứng trước thông tin các báo dẫn từ hãng thông tấn CNA, đại diện (không nêu danh tính) Masan Consumer cho biết Công ty không xuất khẩu trực tiếp sang Đài Loan hoặc bán sản phẩm mì Omachi Xốt tôm chua cay cho đối tác là Công ty Qianyu, theo báo Tuổi Trẻ.

Vị đại diện cho hay do tiêu chuẩn quy định an toàn thực phẩm của mỗi nước là khác nhau nên Masan Consumer đáp ứng tiêu chuẩn từng quốc gia cũng khác nhau.

Còn tại Việt Nam, vị này khẳng định các sản phẩm mì Omachi “đang được sản xuất đáp ứng đầy đủ mọi quy định về an toàn thực phẩm của Nhà nước Việt Nam”.

Trước đó, hôm 29/7, FDA Đài Loan đã tiêu hủy hơn 1 tấn mì gói nhập khẩu từ Việt Nam cũng với lý do tương tự – chứa chất cấm Ethylene Oxide.

Còn tại châu Âu, ngày 22/7, ông Ngô Xuân Nam – Phó giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7, văn phòng SPS nhận được 3 cảnh báo từ Hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU).

Ba nước Châu Âu là Đức, Ba Lan và Malta đã gửi cảnh báo và thu hồi các sản phẩm mì ăn liền có chứa hoá chất vượt quy định của EU từ các lô hàng mì ăn liền và bánh phở nhập khẩu của ba công ty Việt Nam.

Tương tự Đài Loan, Đức cảnh báo mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu vì chứa dư lượng EO vượt ngưỡng quy định của EU.

Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở thương hiệu Nguyễn Gia vì sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép. Nước này cũng đã thực hiện biện pháp giám sát và thu hồi sản phẩm.

Còn Ba Lan cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty CP kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam – Vifon (quận Tân Phú, TP.HCM), hiện nước này đã trả lại lô hàng.

Theo ông Nam, việc doanh nghiệp của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của EU sẽ gây khó khăn cho quá trình tháo gỡ việc giảm tần suất kiểm tra mì ăn liền của Việt Nam vào EU của Văn phòng SPS Việt Nam.

Ethylene Oxide được Cơ quan Hóa chất Châu Âu (ECHA) xếp vào loại chất gây đột biến và ung thư. Việc tiêu thụ thực phẩm có chứa EO không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng sẽ làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe nếu tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm EO trong một thời gian dài. Do đó, người sử dụng cần giảm thiểu việc tiếp xúc với EO.

Năm 2021, Việt Nam tiêu thụ hơn 8,5 tỷ gói và đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Indonesia, theo Hiệp hội mì ăn liền thế giới. Tuy đứng vị trí thứ ba nhưng nếu xét về tốc độ tăng trưởng, không thị trường nào trong top 10 vượt qua được Việt Nam.

Đức Minh

Tỉnh dậy thấy ở Campuchia, vợ nhắn chồng lo 7,000 USD chuộc thân: ‘Anh đừng bỏ em, sợ lắm’

Ảnh minh hoạ.

Một người phụ nữ nhắn tin cho chồng kể việc mình được đưa lên ô tô để đi tập huấn, nhưng khi thức dậy thì bất ngờ và hoang mang khi thấy mình đang ở Campuchia và hốt hoảng gọi chồng lo 7.000 USD để chuộc về.

Thời gian qua, báo chí trong nước đã đăng loạt bài phản ánh vấn nạn nhức nhối lừa bán người Việt Nam qua Campuchia. Rất nhiều nạn nhân đã bị lừa bán qua Campuchia lao động và chưa biết ngày về, nhiều trường hợp người thân lâm cảnh nợ nần vì phải bỏ cả trăm triệu đồng để chuộc nạn nhân về nước, thậm chí phải bỏ mạng nơi xứ người…

Và vụ việc 42 lao động Việt nam phải liều chết trốn khỏi casino ở tỉnh Kandal, Campuchia mới đây chưa lắng xuống thì thông tin báo chí trong nước phản ánh việc vẫn còn rất nhiều nạn nhân là người Việt Nam bị lừa đưa sáng các sòng bài do người Trung Quốc làm chủ vẫn diễn ra. Điền hình là vụ việc được nạn nhân bị lừa phản ánh trên báo Thanh Niên khiến nhiều người không khỏi hoang mang và bức xúc đặt câu hỏi không hiểu tại sao người Việt Nam lại có thể bị dễ dàng bị bán rầm rộ và diễn ra công khai như vậy.

Bị bán sang Campuchia, vợ nhắn chồng lo 7.000 USD chuộc thân: ‘Anh đừng bỏ em, sợ lắm’

Theo báo Thanh Niên đưa tin, ngày 24/8, ông Lê Quang Vinh và vợ là bà Nguyễn Thị Duy Thịnh (ngụ xã Xà Bang, H.Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) vẫn còn bàng hoàng, không tin người con dâu của mình tên T.N.H.T. (22 tuổi) đang ở Campuchia nghi do bị bán cho một công ty ở nước này để làm việc.

Bà Thịnh cho biết, con dâu của bà làm tiệm nail trên TP.HCM, còn con trai làm thợ xăm. Cả 2 có con nhỏ hơn 3 tuổi.

Thế nhưng, ngày 18/8, vợ chồng bà Thịnh hay tin T. ôm con nhỏ lên TP.HCM. Đến ngày 22/8, anh Lê Ngọc Châu (chồng chị T.), là con trai bà Thịnh gọi điện thoại nói với mẹ là chị T. đã bị bán qua Campuchia để làm việc cho một công ty do người Trung Quốc quản lý.

Bà Thịnh cho hay, tội cho nó bị bán qua bên đó có bị họ đánh đập không nữa. Con nó mới có hơn 3 tuổi mà đã xa mẹ rồi.

Trao đổi với PV qua điện thoại, anh Lê Ngọc Châu cho biết, vợ mình có ôm con lên TP.HCM, sau đó gửi cho cô giáo. Chị T. nói với anh Châu là đi theo nhiều người phụ nữ khác vài ngày để tập huấn trước khi được chọn làm việc.

“Đến khoảng 9 giờ ngày 22/8, vợ tôi nhắn tin qua Zalo nói là đã bị bán qua Campuchia làm việc cho một công ty do người Trung Quốc quản lý. Vợ tôi nói, trong ô tô có nhiều người khác. Khi mọi người lên xe thì ngủ thiếp đi, lúc thức dậy thì thấy đang ở trong một khu khách sạn ở Campuchia”, anh Châu kể.

Anh Châu chụp màn hình cho PV xem cuộc trao đổi giữa chị T. với người đàn ông nghi đã bán nạn nhân và những người khác qua Campuchia, với nội dung “Làm lương từ 30 – 50 triệu đồng. Nếu không làm thì bỏ 7.000 USD ra chuộc” và khuyên chị T. ‘chịu khó đi, làm đủ tiền chuộc rồi về. Còn ưng muốn ở lại làm thì làm, giờ vô đặc khu rồi’.

Người đàn ông nhắn tin tiếp với lời lẽ đe dọa: “Tụi em không chống được đâu. Công an, đại sứ quán gì không vô được đó đâu”.

Chị T. nhắn tin xin người đàn ông này giúp đỡ thì người này nhắn lại: “Anh không giúp được rồi. Anh bán tụi em vào đó. Bây giờ tụi em thuộc về phía công ty. Có gì em báo tụi nó, chịu khó mà làm đi, nghe anh. Đừng chống đối tụi nó. Trai gái gì tụi nó cũng đập đó, hoặc bán qua công ty khác”.

Chị T. còn cho anh Châu hay, khi hỏi người quản lý nơi mình bị ‘giam giữ’ thì được biết những người bán mình qua Campuchia để làm việc với giá giá 4.500 USD, muốn chuộc ít nhất phải chi ra 7.000UD và ‘giao tiền mới giao người’. Chị T. còn nhắn tin cho chồng “Anh đừng bỏ mặc em. Em sợ lắm”.

Mỹ An

Con trai bà Kim Tiến được bầu làm Ủy viên UBND TP. Cần Thơ

Ông Hoàng Quốc Cường (trái) được Bộ Y tế bổ nhiệm giữ chức Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, hồi tháng 9/2019. (Ảnh: pasteurhcm.gov.vn)

Ông Hoàng Quốc Cường, con trai của cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trước đó được bầu giữ chức Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ.

Theo báo chí nhà nước, ngày 24/8, HĐND TP. Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ 7 (kỳ họp chuyên đề).

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND thành phố đã bầu bổ sung Ủy viên UBND thành phố nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế và ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Ngoài ra, tại kỳ họp, các vấn đề như giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương, điều chỉnh nội bộ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 các nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương, điều chỉnh tăng mức vốn điều lệ của Quỹ Đầu tư phát triển TP. Cần Thơ, bổ sung các dự án cần thu hồi đất năm 2022… cũng được thông qua.

Mới đây, hôm 27/7, Bộ Y tế có quyết định điều động ông Hoàng Quốc Cường, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, về nhận công tác tại UBND TP. Cần Thơ để thực hiện quy trình bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Y tế.

Ông Hoàng Quốc Cường sinh năm 1982, quê Quảng Trị, trình độ tiến sĩ dịch tễ học/bác sĩ đa khoa, là con trai cả của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, cựu Bộ trưởng Y tế, trước đó bị UBKTTW đề nghị kỷ luật. (Ảnh: chinhphu.vn)

Tháng 9/2019, ông Cường được Bộ Y tế điều động giữ chức vụ phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, thời hạn giữ chức vụ 5 năm. Thời điểm đó bà Tiến đang giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trước đó, hôm 4/11/2021, UBKTTW đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Theo đó, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã vi phạm các nguyên tắc hoạt động của Đảng, Quy chế làm việc của Ban Cán sự Đảng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, nhiều đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh và cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc, thực hiện liên doanh liên kết, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; để nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự.

UBKTTW đề nghị “Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các ông, bà: Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; Trương Quốc Cường, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế”.

Minh Long

Tuyến xe buýt điện 12 chỗ đầu tiên ở TP.HCM ngừng hoạt động sau dịch

Sau hơn 5 năm thành lập, xe buýt điện Mai Linh ngừng hoạt động tuyến D1. (Ảnh: Khai trương xe buýt vào tháng 1 năm 2017/chinhphu.vn)

Một trong ba tuyến xe buýt điện đầu tiên ở TP.HCM vừa bị ngừng hoạt động. Đơn vị vận hành (Công ty Mai Linh) cho biết nguyên nhân là do khách vắng sau dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán).

Tuyến xe buýt điện 12 chỗ mang số hiệu D1 vừa được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT TP.HCM) thông báo ngừng hoạt động.

Lộ trình tuyến này từ Công viên 23/9 đến Thảo cầm viên Sài Gòn. Đây là một trong ba tuyến xe buýt điện hoạt động đầu tiên ở TP.HCM.

Tuyến xe buýt này do Tập đoàn Mai Linh đảm nhận, hoạt động từ đầu năm 2017, vé 12.000 đồng mỗi lượt. Tuyến chủ yếu phục vụ khách du lịch, tham quan các địa điểm văn hóa, lịch sử… ở khu trung tâm thành phố.

Theo báo Thanh Niên, đại diện Mai Linh cho biết thời gian đầu tuyến D1 mỗi ngày gần 70 chuyến. Tuy vậy, một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng khách giảm dần rồi vắng hẳn.

Do đó, đơn vị này quyết định ngừng hoạt động, chuyển phương án sử dụng để đảm bảo khai thác hiệu quả phương tiện.

Ngoài tuyến xe buýt D1, hai tuyến buýt điện khác loại 12 chỗ là tuyến D2 và D3 đang hoạt động ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7) hiện vẫn hoạt động.

Tháng 5/2021, UBND TP.HCM cũng chấp thuận thí điểm ô tô dưới 15 chỗ chạy bằng điện ở huyện Cần Giờ, chở khách đến các khách sạn, khu du lịch theo hình thức hợp đồng, du lịch.

Mạng lưới xe buýt tại TP.HCM gồm 2.000 phương tiện hoạt động trên 127 tuyến. Tháng 3 vừa qua, thành phố thử nghiệm tuyến buýt điện cỡ lớn kết nối khu đô thị Vinhomes Grand Park (TP.Thủ Đức) đến Bến xe buýt Sài Gòn (Quận 1).

Đây là tuyến đầu tiên đưa vào hoạt động trong 5 tuyến buýt điện cỡ lớn ở thành phố. Bốn tuyến còn lại chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Tiến Minh

Lợn chết hàng loạt sau khi tiêm vắc-xin phòng dịch tả heo châu Phi

Ông Vương rầu rĩ khi chứng kiến cảnh hàng loạt con lợn nhà mình bị chết sau khi tiêm vắc-xin phòng dịch tả lợn Châu Phi. (ảnh: Lao Động/Thanh Niên).

Hàng loạt con lợn ở tỉnh Phú Yên bỏ ăn, sốt cao, ho khạc ra máu… rồi chết rồi chết sau 5-7 ngày tiêm vắc-xin phòng dịch tả heo châu Phi.

Báo Thanh Niên đưa tin, ngày 24/8, ông Đào Lý Nhĩ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết sau khi người dân phản ánh tình trạng lợn chết sau khi tiêm vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên đã phối hợp Công ty CP thuốc thú y Trung ương Navetco (đơn vị sản xuất vắc-xin dịch tả lợn châu Phi) để xác định nguyên nhân.

Hiện có 3 địa phương xảy ra tình trạng lợn chết là: huyện Phú Hòa, huyện Tây Hòa và TX.Đông Hòa và tỉnh Phú Yên đã tạm dừng tiêm loại vắc-xin này để chờ kết luận chính thức nhằm có hướng xử lý.

Theo phản ánh của ông Lê Hùng Vương (ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa), gia đình ông có đàn lợn 48 con, khi nghe Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên thông báo về việc tiêm vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn, ông Vương đã đăng ký tiêm phòng cho 34 con lợn vào ngày 14/8. Sau đó 7 ngày, số lợn được tiêm phòng bắt đầu có dấu hiệu nóng sốt, bỏ ăn, ho khạc ra máu rồi chết.

Theo ông Vương, đàn lợn của ông trước khi tiêm vắc-xin thì bình thường. Trong 34 con lợn bị chết có 7 con lợn nái đang trong thời kỳ sinh sản, còn lại là lợn thịt có trọng lượng từ 30 – 80kg/con, ước thiệt hại trên 200 triệu đồng.

Ngoài ra, tại thôn Định Thành (xã Hòa Định Đông) còn có 11 hộ dân khác cũng vừa tiêm vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn. Sau khi tiêm từ 5 – 7 ngày, cũng xuất hiện tình trạng lợn bỏ ăn, nóng sốt rồi chết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Lâm – chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên) – cho biết vắc-xin phòng dịch tả heo châu Phi NEVET-ASFVAC do Công ty CP Thuốc thú y trung ương Navetco sản xuất mới được Bộ NN&PTNT công bố, cho phép lưu hành từ cuối tháng 5, đầu tháng 6/2022. Giá vắc-xin là 974.000 đồng/lọ, mỗi lọ tiêm được 25 liều, mỗi liều tiêm cho 1 con lợn.Tại Phú Yên, việc tiêm loại vắc-xin này cho heo được tiến hành từ ngày 7/8.

Tuy nhiên đến ngày 15/8 thì chúng tôi nhận được báo cáo là có một số trường hợp heo tiêm vắc-xin nêu trên sau 5-7 ngày thì xuất hiện tình trạng sốt, bỏ ăn rồi chết. Ngay ngày 15/8, chi cục đã yêu cầu các trạm thú y, cán bộ thú y xã toàn tỉnh tạm dừng tiêm vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh này đã tiêm vắc-xin NEVET-ASFVAC cho 595 con heo. Tính đến trưa 24/8 đã ghi nhận có 410 con heo có phản ứng, trong đó hơn 100 con heo ở 24 hộ chăn nuôi ở 4 huyện, thị xã đã chết. Nhiều nhất là ở huyện Phú Hòa, có 18 hộ chăn nuôi với tổng cộng hơn 80 con heo chết sau khi tiêm loại vắc-xin NEVET-ASFVAC.

Ông Lâm nói đã lấy mẫu bệnh phẩm của heo tiêm vắc-xin NEVET-ASFVAC gởi Chi cục Thú y vùng 6 để xét nghiệm, kết luận nguyên nhân.

Hội An

Related posts