Tìm thấy dấu chân khủng long 113 triệu năm ở dòng sông khô cạn tại Texas
Theo AFP đưa tin ngày 23/8, do ảnh hưởng của hạn hán, dòng sông Paluxy chảy qua Công viên Thung lũng Khủng long (Dinosaur Valley State Park) của bang Texas đã khô cạn, để lộ những dấu chân khủng long 113 triệu năm tuổi trên lòng sông.
Bà Stephanie Salinas Garcia, quan chức báo chí của Sở Công viên và Động vật hoang dã Texas, cho biết: “Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong mùa hè qua, con sông cạn trơ đáy và để lộ những dấu chân khủng long chưa từng được phát hiện”.
Hầu hết dấu chân khủng long được phát hiện gần đây trên các lòng sông của công viên là của một con thằn lằn gai sống cao (Acrocanthosaurus), trưởng thành cao khoảng 4,5 m và nặng 6.350 kg. Đây là loài khủng long chân dài nhất thuộc kỷ Phấn Trắng được phát hiện tại Bắc Mỹ.
Ngoài ra, trên lòng sông cũng có những dấu chân do một con thằn lằn thần động đất (Sauroposeidon) trưởng thành có thể cao 18,2 m và nặng 44 tấn lưu lại.
Bà Garcia nói với CNN: “Thật thú vị khi có thể khám phá và trải nghiệm dấu chân khủng long mới trong công viên này.”
Bà Garcia nói, trong những trường hợp bình thường, những dấu chân khủng long này sẽ được phủ đầy cát dưới đáy sông, khiến chúng trở nên vô hình. Nhưng các dự báo thời tiết cho thấy, lượng mưa sẽ tăng lên trong tương lai, những dấu chân này có thể sẽ bị chôn vùi trở lại một lần nữa, giúp bảo vệ chúng khỏi bị phong hóa và xói mòn.
Bà nói: “Trong khi chúng sẽ sớm bị chôn vùi một lần nữa bởi mưa và nước sông, Công viên Thung lũng Khủng long sẽ tiếp tục bảo vệ các dấu chân của loài khủng long 113 triệu năm tuổi này, không chỉ cho hiện tại, mà cho cả thế hệ tương lai.”
Theo Cơ quan Giám sát Hạn hán Hoa Kỳ, tính đến tuần trước, hơn 60% bang Texas đang trải qua 2 cấp độ hạn hán tồi tệ nhất. Gần đây tiểu bang này cũng phải hứng chịu đợt nắng nóng với nhiệt độ cao tăng 3 con số (độ F) trong khu vực, khiến hàng triệu người đang phải sống trong cảnh báo nắng nóng.
Khu vực miền Bắc tiểu bang Texas đang ngập nặng sau trận mưa kỷ lục trong 90 năm xảy ra hôm 22/8. Hai thành phố Dallas và Fort Worth, nơi vừa xảy ra hạn hán nặng, là tâm điểm của trận mưa vừa qua. Tuy vậy, các chuyên gia khí tượng tin rằng tình trạng hạn hán sẽ sớm trở lại Texas, thậm chí còn tồi tệ hơn trước.
Bình Minh (t/h)
Phái đoàn nghị sĩ Nhật Bản lên án các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc là ‘không thể chấp nhận được’
Nghị sĩ Nhật Bản Keiji Furuya, người đang có chuyến thăm 3 ngày tới Đài Loan, cho biết hôm thứ Ba (23/8) rằng cuộc tập trận quân sự gần đây của ĐCSTQ là ‘không thể chấp nhận được’.
Ông Furuya, Thành viên cấp cao của Đảng dân chủ Tự do Nhật Bản, đã so sánh các cuộc tập trận quân sự gần đây của Trung Quốc gần Đài Loan với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào cuối tháng Hai, mà nhiều nước phương Tây đã chỉ trích là vô cớ và phi lý.
Ông Furuya cho biết, Trung Quốc sử dụng chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi như một “cái cớ” để khởi động các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn xung quanh Đài Loan và bắn tên lửa đạn đạo vào các vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản (EEZ).
Chính phủ Nhật Bản cho biết 5 trong số 11 tên lửa đạn đạo mà quân đội Trung Quốc bắn ngày 05/8 đã hạ cánh xuống vùng đặc quyền kinh tế của nước này, cho thấy một số tên lửa trong số đó có thể đã bay qua Đài Loan.
Ông Furuya cho biết, hành động “đe dọa quân sự” này là “không thể chấp nhận được đối với cả người dân Đài Loan và Nhật Bản”. Ông Furuya cho biết thêm rằng Mỹ, Nhật Bản và các nước cùng chí hướng khác phải cùng nhau ngăn chặn tham vọng thay đổi hiện trạng của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan.
Trong khi đó, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho rằng các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan đã đe dọa sự ổn định của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Bà kêu gọi các nước dân chủ trên thế giới hợp tác để giải quyết “sự bành trướng và khiêu khích” của các chế độ độc tài.
Mô tả Nhật Bản là đối tác của Đài Loan trong các vấn đề an ninh, bà Thái cho biết cả hai quốc gia nên tăng cường hợp tác khi đối mặt với những thách thức ngày càng tăng có thể làm suy yếu sự ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Theo ông Furuya, một phần trong những nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực là tham gia đối thoại và hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương và đưa ra những hỗ trợ thực sự mang lại lợi ích cho cuộc sống và hạnh phúc của người dân.
“Nỗ lực này bao gồm triển khai các chương trình đào tạo nghề cho người dân các quốc đảo Thái Bình Dương và tổ chức các cuộc thảo luận về các vấn đề kinh tế và an ninh tại các cuộc họp ba năm một lần của các nhà lãnh đạo Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương“, ông nói.
Trong khi đó, ông Furuya cho biết Nhật Bản đã cảnh báo các quốc đảo Thái Bình Dương về việc rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc, đặc biệt đề cập đến việc Bắc Kinh cho rằng các nước nhỏ và nghèo khó vay các khoản vay quá mức mà họ không thể trả được.
Các quốc gia như Kiribati và Quần đảo Solomon đã chuyển đổi công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc vào năm 2019 vì loại lợi ích kinh tế ngắn hạn mà Bắc Kinh đã hứa với họ. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản đã chuyển trung thành từ Đài Loan sang Trung Quốc vào năm 1972 cho biết.
Kiribati và quần đảo Solomon nằm trong số 8 quốc gia đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan để ủng hộ Trung Quốc kể từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức vào năm 2016, khiến các đồng minh hiện tại của Trung Hoa Dân Quốc duy trì ở con số 14.
Đài Bắc đã cáo buộc Bắc Kinh “lôi kéo” hai đồng minh Thái Bình Dương của họ bằng cách sử dụng “ngoại giao đồng dollar”.
Ông Furuya đã đến Đài Loan vào thứ Hai (22/8) và có chuyến thăm ba ngày cùng với Hạ nghị sĩ Đảng Tự do ông Minoru Kihara. Tại đây, họ sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Thái Anh Văn, Phó tổng thống Lại Thanh Đức và các quan chức khác trong lịch trình tới hết thứ Tư (24/8).
Hôm 02/8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã trở thành quan chức cao cấp nhất của Washington tới thăm Đài Loan trong vòng 25 năm qua.
Ngay sau đó, Trung Quốc đáp trả bằng việc tổ chức các cuộc tập trận quân sự lớn xung quanh Đài Loan, trong đó có cả các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo.
Một nhóm khác gồm các nghị sĩ quốc hội Mỹ đã tới thăm Đài Loan vào Chủ Nhật tuần trước.
Đài Loan nhấn mạnh tầm quan trọng về ngoại giao với nghị sĩ của các nước mà Đài Loan không có quan hệ ngoại giao chính thức, như Nhật Bản, Mỹ và các nước ở châu Âu.
Lam Giang
Nga bắn tên lửa vào trạm xe lửa Ukraine giết hại hàng chục thường dân
Hôm thứ Tư (24/8), ngày Độc lập của Ukraine, Nga đã phóng tên lửa vào một trạm xe lửa ở khu vực Dnipropetrovsk, giết hại hàng chục người, theo CNN đưa tin.
Cũng theo CNN, vụ phóng tên lửa của Nga vào Trạm xe lửa Chaplyne còn khiến hơn 50 người bị thương.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 24/8 đã xác nhận với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vụ Nga tấn công tên lửa vào trạm xe lửa.
Theo Reuters, trong đoạn video phát biểu với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Zelensky cho biết nhiều tên lửa đã rơi xuống trạm xe lửa tại thị trấn nhỏ Chaplyne, cách Donetsk khoảng 145 km về phía Tây. Ông Zelensky loan báo 4 toa tàu đã bốc cháy.
“Hôm nay, Chaplyne là nỗi đau của chúng tôi. Tính cho tới thời điểm này, đã có 22 người thiệt mạng”, ông Zelensky nói trong video. Tổng thống Ukraine nhấn mạnh thêm rằng Kyiv sẽ khiến Moscow phải chịu trách nhiệm về mọi thứ mà họ đã đang gây ra.
“Không chút nghi ngờ nào, chúng tôi sẽ đuổi những kẻ xâm lược ra khỏi đất nước chúng tôi. Sẽ không còn sự tà ác như vậy trên đất nước Ukraine tự do của chúng tôi”, ông Zelenksy nói.
Trong khi đó, ông Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói với CNN rằng: “Hôm nay tại Kyiv… chúng tôi đã 8 lần rú còi báo động phòng không. Ở những thành phố lớn khác, thậm chí ở những nơi cách xa chiến trường, đã có những vụ nổ, đã có các vụ tấn công tên lửa”.
“Số lượng các vụ tấn công, số lượng các khu vực của Ukraine bị nhắm mục tiêu, số lượng các đợt rú còi báo động phòng không…là bất thường”, ông Sak nói thêm.
Reuters cho biết họ đã liên lạc với bộ quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận về thông tin tấn công trạm xe lửa của Ukraine, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Hôm thứ Tư (24/8) là kỷ nhiệm 31 năm ngày Ukraine tách khỏi Liên Xô và cũng là mốc tròn 6 tháng kể từ khi Nga phát động tấn công xâm lược nước láng giềng phía Tây.
Chính phủ Ukraine trước đó đã ra lệnh cấm tụ tập đông người tại nơi công cộng để đề phòng đám đông trở thành mục tiêu tấn công của Nga. Kyiv cũng cảnh báo Moscow sẽ leo thang tấn công vào thường dân.
Bộ Ngoại giao Mỹ, thông qua Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine, cũng đã phát đi cảnh báo khuyến nghị công dân Mỹ hãy rời khỏi Ukraine ngay lập tức và nếu người nào còn ở lại thì phải sẵn sàng tìm nơi trú ẩn nếu nghe thấy tiếng còi báo động phòng không.
Như Ngọc
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi: “Tồn tại được là chính”
Sau khi bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính (CFO) của Huawei và cũng là con gái của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, trở thành chủ tịch luân phiên của công ty, doanh thu và lợi nhuận ròng của Huawei không được khởi sắc. Vào ngày 23/8, ông Nhậm Chính Phi cho biết trong một bài viết nội bộ rằng “coi tồn tại được là cương lĩnh chính”.
Vào ngày 23/8, theo trang tài chính kinh tế Yicai.com tại Trung Quốc Đại Lục đưa tin, từ nhiều nguồn nhận được, diễn đàn nội bộ của Huawei vào chiều ngày 22/8 đã đăng bài viết “Phương châm kinh doanh của toàn bộ công ty cần chuyển từ theo đuổi quy mô sang theo đuổi lợi nhuận và dòng tiền”.
Ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei, đã đề cập trong bài viết rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với tình trạng suy thoái và suy giảm khả năng tiêu thụ. Huawei cần thay đổi tư duy và chính sách kinh doanh của mình, từ theo đuổi quy mô sang theo đuổi lợi nhuận và dòng tiền, để đảm bảo rằng công ty sẽ tồn tại trong cuộc khủng hoảng trong 3 năm tới. “Coi tồn tại được làm cương lĩnh chủ yếu, thu nhỏ và đóng cửa tất cả các nghiệp vụ bên lề, và truyền không khí lạnh cho tất cả mọi người.”
Vào ngày 12/8, trang web chính thức của Huawei đã công bố kết quả hoạt động của Huawei trong nửa đầu năm 2022. Dữ liệu cho thấy trong nửa đầu năm nay, Huawei đạt doanh thu bán hàng là 301,6 tỷ nhân dân tệ, giảm khoảng 5,87% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận ròng là 5%, giảm 4,8% so với một năm trước đó.
Trong đó, doanh thu hoạt động kinh doanh nhà điều hành mạng là 142,7 tỷ nhân dân tệ, tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu kinh doanh doanh nghiệp là 54,7 tỷ nhân dân tệ, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu kinh doanh thiết bị đầu cuối (kinh doanh tiêu dùng) là 101,3 tỷ nhân dân tệ, giảm 25,35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kể từ năm 2003, hoạt động kinh doanh tiêu dùng của Huawei đã duy trì xu hướng tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, vào năm 2021, mảng kinh doanh tiêu dùng bất ngờ bị thụt lùi nghiêm trọng, hoàn toàn chấm dứt xu hướng tăng trưởng dương trong liên tiếp nhiều năm.
Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research cho thấy, thị phần của Huawei trong phân khúc giá trên 400 USD giảm từ 13% vào năm 2020 xuống còn 6% vào năm 2021. Mặc dù Huawei vẫn duy trì thứ hạng thị phần toàn cầu thứ ba, nhưng thị phần bán hàng của họ kém xa so với Apple và Samsung.
Ngày 28/3, Huawei đã tổ chức một cuộc họp báo về báo cáo thường niên năm 2021. Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei, con gái của ông Nhậm Chính Phi là bà Mạnh Vãn Châu, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau khi trở về Trung Quốc.
Ngày 1/4, Huawei thông báo công ty đã hoàn tất việc bầu ban giám sát, bầu chủ tịch hội đồng quản trị, giám sát viên và giám sát viên dự khuyết.
Thông tin tầng quản lý được cập nhật trên trang web chính thức của Huawei cho thấy, ông Quách Bình (Guo Ping) không còn là chủ tịch luân phiên của Huawei. Giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Châu đã trở thành chủ tịch luân phiên của Huawei, cùng luân phiên với ông Hồ Hậu Côn (Hu Houkun) và ông Từ Trực Quân (Xu Zhijun); ông Quách Bình được chuyển sang làm chủ tịch hội đồng giám sát của Huawei. Ngoài ra, ông Đinh Vân (Ding Yun), một trong ba giám đốc điều hành ban đầu của Huawei, cũng được luân chuyển làm phó chủ tịch hội đồng giám sát của Huawei.
Chủ tịch luân phiên là lãnh đạo cao nhất của Huawei, người được luân chuyển sáu tháng một lần và trách nhiệm của chủ tịch luân phiên bao gồm tổ chức các cuộc họp của hội đồng quản trị và ủy ban điều hành của công ty. Chủ tịch luân phiên là một đặc điểm tổ chức công ty khác thường của công ty tư nhân Huawei, đặt quyền lực vào tay người sáng lập Nhậm Chính Phi và một số giám đốc điều hành lâu năm của công ty, chức vị này có quyền phủ quyết.
Reuters đưa tin, bà Mạnh Vãn Châu, người đóng vai trò trung tâm trong cuộc xung đột của Huawei với Mỹ, đã bị bắt giữ tại Canada vào năm 2018 liên quan đến nỗ lực của một công ty liên kết với Huawei để bán thiết bị cho Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Sau đó, Mỹ đã áp đặt một loạt các hạn chế thương mại đối với Huawei trong năm 2019 và 2020, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Điều này cản trở khả năng của Huawei trong việc tự thiết kế chip và có được nguồn linh kiện từ các nhà cung cấp bên ngoài, làm suy yếu hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của hãng.
Lý Chính Hâm, Vision Times