Mỹ đình chỉ hàng chục chuyến bay của các hãng hàng không Trung Quốc
Hôm 25/8 vừa qua, Chính phủ Mỹ thông báo sẽ đình chỉ 26 chuyến bay từ Trung Quốc đến Mỹ của 4 hãng hàng không Trung Quốc. Động thái này được đưa ra nhằm đáp lại quyết định tương tự của Chính phủ Trung Quốc do lo ngại dịch bệnh COVID-19, theo hãng tin Reuters.
Bộ Giao thông vận tải Mỹ cho biết rằng tính đến ngày 7/8, giới chức trách Trung Quốc đã điều chỉnh lại chính sách bay, cụ thể nếu 4% số lượng hành khách trên 1 chuyến bay đến Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19 thì 1 chuyến bay sẽ bị đình chỉ và sẽ có 2 chuyến bay bị đình chỉ nếu tỷ lệ mắc là 8%.
Phía Mỹ khẳng định đã nhiều lần bày tỏ sự phản trước quy định của Trung Quốc, trong đó cho rằng chính sách này là không phù hợp với các hãng hàng không khi mà các hành khách đều có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 khi khởi hành từ Mỹ và chỉ có xét nghiệm dương tính khi họ đến Trung Quốc.
Trước khi 2 bên có động thái đình chỉ các chuyến bay của nhau, 3 hãng hàng không Mỹ và 4 hãng hàng không Trung Quốc khai thác các chuyến bay giữa 2 nước với tần suất 20 chuyến/tuần, thấp hơn nhiều so với mức hơn 100 chuyến/tuần của thời điểm trước đại dịch.
Phan Anh
Honda Motor đang xem xét xây dựng chuỗi cung ứng riêng ngoài Trung Quốc
Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản ngày 24/8 đưa tin, để phòng rủi ro, công ty Honda Motor đang xem xét xây dựng một chuỗi cung ứng riêng cho thị trường bên ngoài Trung Quốc. Đây sẽ là một động thái đáng chú ý từ nhà sản xuất lớn của Nhật Bản này.
Nhiều công ty lớn của Nhật Bản đã thiết lập các trung tâm sản xuất lớn ở Trung Quốc, nhưng chính sách phong tỏa COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) gần đây của Trung Quốc đã gây ngưng trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra cũng phải kể đến là những lo ngại về tác động của căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hoạt động sản xuất xe của Honda trong năm tài chính trước có tới gần 40% sản lượng là ở Trung Quốc.
Sankei Shimbun cho biết, Honda sẽ tiếp tục giữ chuỗi cung ứng cho thị trường nội địa Trung Quốc tại Trung Quốc, tuy nhiên sẽ xây dựng một chuỗi cung ứng riêng cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Thông tin không nêu nguồn cụ thể.
Một phát ngôn viên của Honda cho biết thông tin này không phải là thông báo của công ty và nói chung chuỗi cung ứng của họ đã được xem xét và bảo hiểm.
Người phát ngôn cho biết: “Vấn đề cân nhắc và phòng ngừa rủi ro đối với chuỗi cung ứng từ Trung Quốc là yếu tố cần xem xét, nhưng đây không phải là mục tiêu giống như việc tách rời”.
Chính phủ Nhật Bản trước đây đã khuyến khích các công ty nước này chuyển hoạt động sản xuất trở lại Nhật Bản, nhưng một số giám đốc điều hành doanh nghiệp và nhà phân tích cho rằng không dễ để các công ty Nhật Bản đột ngột rời bỏ một thị trường đã thiết lập ổn định các trung tâm sản xuất và hậu cần.
Mặc dù vậy, một số công ty Nhật Bản đã tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc sau khi Thượng Hải bị phong tỏa vì COVID-19.
Mazda Motor cũng cho biết trong tháng này rằng họ sẽ yêu cầu các nhà cung cấp phụ tùng của họ tăng lượng hàng dự trữ tại Nhật Bản và sản xuất các linh kiện bên ngoài Trung Quốc. Cách phong tỏa vì COVID-19 trước đây đã gây bất ổn nguồn cung, khiến trong tháng Tư và tháng Năm các công ty Nhật Bản phải ngừng hoạt động sản xuất trong nước kéo dài 11 ngày.
Mazda Motor cho biết đồng thời với việc ký hợp đồng thiết kế dài hạn với các nhà cung cấp cho các mẫu xe mới, họ sẽ tìm kiếm lượng hàng dự trữ trong nước cao hơn và đa dạng hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Mộc Vệ (theo Đài VOA Mỹ dựa trên nguồn tin của Reuters)
Mỹ xác định 21 địa điểm ‘thanh lọc’ Nga dùng để xử lý người Ukraine
Báo cáo, được Reuters công bố vào ngày 25/8, trích dẫn hình ảnh vệ tinh thương mại và thông tin nguồn mở để xác định với “độ tin cậy cao” các địa điểm riêng biệt – bao gồm các cơ sở trước đây từng là trường học, chợ và nhà tù thông thường. Báo cáo cũng xác định các ngôi mộ có thể có tại một khu phức hợp nhà tù.
Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Nhân đạo tại Trường Y tế Công cộng Yale thực hiện báo cáo này là đối tác của Đài quan sát Xung đột do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ, được thành lập từ tháng 5 để thu thập và phân tích bằng chứng về tội ác chiến tranh và các hành động tàn sát khác mà Nga bị cáo buộc đã gây ra ở Ukraine.
Ông Nathaniel Raymond, giám đốc điều hành phòng thí nghiệm, nói những phát hiện cho thấy Nga và các tổ chức ủy quyền của họ đã thiết lập một “hệ thống thanh lọc” để phân loại người dân ở các khu vực bị Nga chiếm đóng.
Báo cáo về các vi phạm đã xuất hiện từ các địa điểm kể trên, bao gồm cả tại một khu liên hợp nhà tù gần Olenivka, nơi 53 tù binh Ukraine thiệt mạng trong một vụ nổ hôm 29/7.
Báo cáo cho biết các nhà nghiên cứu Yale mới xác định được những xáo trộn trong lòng đất phù hợp với những ngôi mộ cá nhân hoặc tập thể vào đầu tháng 4, trùng khớp với lời kể của một cựu tù nhân báo cáo rằng những người bị giam giữ đã bị buộc phải đào mộ vào khoảng thời gian đó.
Mặc dù các nhà nghiên cứu không đưa ra kết luận nào về số phận của các tù nhân chiến tranh Ukraine tại nhà tù, nhưng họ cũng xác nhận có những xáo trộn khác ở những nơi khác trong khu nhà vốn bị chiếm đóng hôm 27/7, trước khi xảy ra vụ nổ ở Olenivka. Tờ New York Times trước đó đã đưa tin về những xáo trộn tại khu phức hợp vào tháng 7.
“Các điều kiện đã hoàn toàn chín muồi cho việc lạm dụng cực độ và trong nhiều trường hợp, như đã thấy ở Olenivka, chúng tôi thấy những dấu hiệu cho thấy có lẽ có một đám cháy cấp độ 5″, ông Raymond nói, đồng thời cho biết thêm là không biết có bao nhiêu thường dân đã đi qua hoặc vẫn đang bị giam giữ tại các địa điểm này.
Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Nga, và tòa đại sứ của họ ở Washington đã không trả lời ngay các yêu cầu bình luận.
Các quan chức Ukraine đã cáo buộc Nga tống xuất hàng trăm nghìn người khỏi các khu vực bị Nga chiếm đóng ở Ukraine.
Moscow đã phủ nhận việc cố tình nhắm mục tiêu vào thường dân kể từ khi xâm lược Ukraine hôm 24/2 trong cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” và nói rằng họ đang cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người muốn rời đi.
Tòa đại sứ Nga tại Washington hồi tháng 7 nói các cáo buộc của Hoa Kỳ về việc giam giữ người Ukraine trong các khu vực bị chiếm đóng là một nỗ lực nhằm kích động “chứng sợ Nga” và bôi nhọ các lực lượng vũ trang Nga.
Trách nhiệm
Báo cáo ngày 25/8 tập trung vào khu vực Donetsk, nơi Nga và Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng đã nắm quyền kiểm soát phần lớn thành phố Mariupol vào tháng 3. Thị trưởng thành phố cho biết hồi tháng 4 rằng khoảng 40.000 thường dân từ thành phố đã bị cưỡng bức di chuyển vào lãnh thổ do Nga kiểm soát hoặc bị đưa đến Nga.
Báo cáo đã xác định một hệ thống đưa thường dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột, đưa họ đi đăng ký và thẩm vấn trước khi họ được thả, bị giam giữ hoặc bị chuyển đến Nga.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm chứng được 21 địa điểm với ít nhất 5 nguồn độc lập và tin rằng ít nhất có thêm 7 địa điểm khác là một phần của hệ thống thanh lọc và có thể được kiểm chứng vào một ngày sau đó, ông Raymond nói.
Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ vào tháng 6 cho biết đã xác định được 18 địa điểm có thể được sử dụng để thanh lọc ở Ukraine và miền Tây nước Nga.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 25/8 trong một tuyên bố một lần nữa kêu gọi Nga dừng tất cả các hoạt động thanh lọc và cưỡng bức trục xuất và cho các quan sát viên bên ngoài được tiếp cận.
“Tổng thống Putin và chính phủ của ông ấy sẽ không thể tham gia vào những vụ lạm dụng dai dẳng này mà không bị trừng phạt. Trách nhiệm giải trình là bắt buộc, và Hoa Kỳ và các đối tác của chúng tôi sẽ không im lặng”, tuyên bố viết.
Lam Giang
Cảnh sát trưởng Nhật Bản từ chức sau vụ ông Abe bị ám sát
Người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản tuyên bố sẽ từ chức sau vụ cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát vào tháng trước.
Ông Itaru Nakamura đã tuyên bố từ chức hôm 25/8, nói rằng đây là một bước hướng tới việc khôi phục lòng tin của công chúng đối với cảnh sát sau khi cựu thủ tướng Abe bị bắn trong lúc đang vận động tranh cử với tư cách là một ứng cử viên chính trị.
“Trong quá trình soát lại kế hoạch an ninh mới của mình, chúng tôi nhận ra rằng các nhiệm vụ an ninh của chúng tôi sẽ cần một khởi đầu mới”, ông Nakamura phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tokyo hôm 25/8. “Để đánh dấu sự khởi đầu mới của chúng tôi với một kế hoạch an ninh mới thì việc chúng tôi xây dựng một tổ chức mới là lẽ tự nhiên.”
Một báo cáo của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản hôm 25/8 đã cho thấy những bất cập trong hệ thống an ninh khiến ông Abe bị ám sát.
Cựu Thủ tướng Abe, một nhà lãnh đạo được yêu mến tại Nhật Bản và quốc tế, đã bị hung thủ Tetsuya Yamagami ám sát khi đang có bài phát biểu tranh cử tại thành phố Nara, vào ngày 8/7. Yamagami bị cáo buộc đã sử dụng súng tự chế để bắn ông Abe. Theo cảnh sát, đây là trường hợp hiếm hoi về tội phạm súng ở một quốc gia đã loại bỏ gần như tất cả các trường hợp tử vong vì súng.
Vy An (Theo Washington Examiner)