Diễn biến mới vụ cựu trụ trì nổ ‘làm mật vụ, tình báo’ lừa 4 nữ doanh nhân 68 tỷ đồng
Viện KSND cấp cao tại TP.HCM ban hành kháng nghị vụ nguyên trụ trì nổ làm “mật vụ”, “tình báo” lừa 68 tỷ đồng, đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm để điều tra lại đối với bị cáo Phạm Văn Cung (40 tuổi, nguyên trụ trì chùa P.Q. ở Vĩnh Long) và Nguyễn Tuấn Sĩ (54 tuổi, ngụ Vĩnh Long) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Thanh Niên.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, Cung từng là tu sĩ với pháp danh Thích Phước Ngọc. Tháng 9/2008, Cung được Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long bổ nhiệm trụ trì chùa P.Q. Đến tháng 11/2012, Cung là Giám đốc Trung tâm cô nhi viện Suối nguồn tình thương (gọi tắt là cô nhi viện).
Để có tiền trả nợ và tiêu xài, từ năm 2015 – 2020, Cung đánh bóng tên tuổi bằng cách giới thiệu với các bị hại mình làm “mật vụ”, “tình báo” và quen nhiều lãnh đạo cấp cao ở T.Ư. Cung tổ chức các lễ phật, phát quà từ thiện để quay video đăng lên mạng xã hội và chủ động làm quen với doanh nhân nhằm kêu gọi quyên góp, ủng hộ cô nhi viện. Thực chất, Cung đã lừa tiền 4 bị hại, chiếm đoạt 68 tỷ đồng.
TAND tỉnh Vĩnh Long xử sơ thẩm và tuyên phạt Cung tù chung thân, Sĩ 3 năm tù về tội danh trên. Còn Lê Nguyên Khoa (36 tuổi, thư ký giúp việc của Cung) hiện đã bỏ trốn và đang bị truy nã. Sau khi trừ tiền đã khắc phục, tòa buộc Cung trả lại các bị hại 63 tỷ đồng. Cơ quan công tố đã phong tỏa 4 thửa đất và tài khoản ngân hàng của Cung để đảm bảo việc bồi thường.
Chiêu lừa 68 tỷ đồng của cựu trụ trì
Theo cáo trạng báo VnExpress đăng tải, Cung đã tổ chức nhiều chương trình, giới thiệu quen với các lãnh đạo cấp cao ở Trung ương, làm video về hoạt động từ thiện của chùa và cô nhi viện… đăng lên mạng xã hội nhằm quảng bá, tạo uy tín, lòng tin với nhiều người.
Năm 2015, tại một chương trình thiện nguyện ở TP.HCM, Cung làm quen với giám đốc 50 tuổi, kinh doanh thiết bị điện tử. Trụ trì mời bà này về Vĩnh Long tham quan chùa và cô nhi viện. Cung nói dối rằng, việc xây chùa, tượng phật Quan Âm, cô nhi viện còn thiếu nợ 6,5 tỷ đồng. Số tiền này một số phật tử hứa giúp, nhưng không thực hiện nên chùa không thể chi trả.
Tin lời, ngày 4/4/2015, nữ doanh nhân mang 700 triệu đồng đến cho Cung mượn nhưng trụ trì chùa ký phiếu thu là “cúng dường”. Để “vòi” thêm tiền, ông này nhờ một số người làm bốc vác tại cửa khẩu Lạng Sơn, đóng giả nhóm bắt cóc, dùng số điện thoại Trung Quốc gọi cho nữ giám đốc yêu cầu chuyển trả tiền nợ. Nếu không trụ trì chùa sẽ bị giữ lại. Nhóm này vờ đưa điện thoại cho Cung nói chuyện với “ân nhân” với vẻ hoảng hốt, lo sợ và tha thiết xin giúp đỡ. Tưởng thật, người phụ nữ chuyển hơn 5,7 tỷ đồng vào tài khoản cô nhi viện.
Tiếp đó, Cung dùng số điện thoại Trung Quốc nhắn tin cho nữ giám đốc nói còn thiếu nợ 7 tỷ đồng nên phải bỏ trốn, không dám về Việt Nam. Trụ trì chùa gửi hình ảnh mình trang lẩn trốn trong rừng núi, hiểm trở cho người phụ nữ để cầu cứu. Giám đốc này sau đó chuyển thêm 7 tỷ đồng cho Cung.
Tháng 6/2015, Cung giả bệnh nặng, nhưng phải bỏ trốn vì thiếu nợ 4,5 tỷ đồng, cũng được nữ giám đốc giúp đỡ đủ. Một tháng sau, trụ trì chùa bàn với trợ lý Lê Nguyên Khoa, 36 tuổi, việc nhờ Nguyễn Tuấn Sĩ, 54 tuổi, đóng giả chủ tiệm cầm đồ tiếp tục lên kế hoạch lừa nữ giám đốc. Khoa gọi cho bà này nói chuộc chiếc ôtô Cung đang cầm cho Sĩ với giá 600 triệu đồng. Nữ giám đốc từ TP.HCM mang tiền xuống gặp Khoa và Sĩ chuộc xe cho Cung…
Khi sự việc bị phát giác, nữ đại gia đòi tiền, song Cung chỉ trả một phần, chiếm đoạt hơn 11,6 tỷ đồng. Số tiền này, Cung tiêu xài cá nhân hơn 6,3 tỷ, chia cho Khoa 290 triệu đồng, còn lại cả hai chuyển cho nhiều người khác.
Ngoài ra, năm 2017, tại một lễ hội ở Hà Nội, Cung làm quen với phật tử 50 tuổi khá giả, mời vào Vĩnh Long thăm chùa và cô nhi viện. Tiếp đó, Cung nói Khoa tìm cách vào nhà bà này ở tạm để thực hiện kế hoạch lừa gia chủ.
Khi Khoa đã ở nhà người phụ nữ, Cung gửi tin nhắn (do Khoa soạn sẵn) cho gia chủ nói mình và các trẻ ở cô nhi viện đang bị xã hội đen bắt cóc, đòi tiền chuộc. Lúc này Khoa năn nỉ người phụ nữ giúp đỡ trụ trì.
Tưởng thật, người phụ nữ đã chuyển cho Cung hơn 26 tỷ đồng. Số tiền này Cung và Khoa chia nhau tiêu xài và chuyển khoản cho 73 người khác.
Cuối năm 2018, trong chuyến tham quan Liên bang Nga, Cung làm quen với một phụ nữ 57 tuổi, quê Hưng Yên, cùng đi du lịch. Đầu năm 2019, khi về Việt Nam, ông ta giới thiệu là “Đặc phái viên Quốc tế Ủy ban Tuyên dương khen thuởng Phật giáo của Chính phủ SriLanka” mời bà này vào Vĩnh Long tham quan chùa Phước Quang. Để tạo uy tín, Cung mời một số vị sư từ Vĩnh Long ra Hưng Yên làm lễ cúng bái để tạo may mắn cho việc kinh doanh của gia đình bà.
Khi thấy “con mồi” tin tưởng, Cung nhiều lần tung tin mình bị bệnh, hoặc đang gánh nợ thay phật tử, người thân nên phải trốn sang Tây Tạng vì sợ công an bắt… nhờ người phụ nữ giúp đỡ. Từ đầu năm 2019 đến giữa năm 2020, nạn nhân đã 11 lần chuyển cho Cung tổng cộng hơn 17 tỷ đồng. Khi bị phát hiện, Cung trả lại cho người này hơn 3 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, Cung còn nhận là “mật vụ, tình báo của Chính phủ” thường đi nước ngoài để hoạt động trong các lĩnh vực tôn giáo, quen biết nhiều quan chức cấp cao ở Trung ương, Bộ ngoại giao… và hứa giúp đưa người thân của nữ ca sĩ 42 tuổi từ Anh về Việt Nam sống hợp pháp. Với thủ đoạn này, Cung đã lừa chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng của ca sĩ.
Giữa năm 2020, hành vi của Cung và đồng phạm bị các nạn nhân tố cáo.
Hội An
Bão số 3 khiến 3 người chết, thiệt hại hàng chục tỷ đồng
Chiều 27/8, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, mưa lũ do bão số 3 đã làm 3 người chết và gây nhiều thiệt hại về hoa màu, tài sản.
Tại tỉnh Điện Biên đã ghi nhận 1 người chết do bị lũ cuốn trôi, nạn nhân là ông Thào Chồng G. (75 tuổi), trú tại xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông.
Tỉnh Bắc Kạn có 1 người chết, nạn nhân là ông Ma Đức B. (54 tuổi), trú tại thôn Làng Điền, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, bị lũ cuốn trôi khi đi qua ngầm tràn.
Vĩnh Phúc có 1 người thiệt mạng, nạn nhân là cháu Nguyễn Thị Yến N. (4 tuổi), nhà ở thôn Đồng Núi (xã Vân Trục, huyện Lập Thạch), bị lũ cuốn trôi khi đi qua tràn.
Báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết, mưa lớn cấp tập trong ngày 26/8 đã làm ngập úng 7.448 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả ở Quảng Ninh, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội.
Tại tỉnh Tuyên Quang, đã ghi nhận 70 điểm sạt lở trên các tuyến đường thuộc các huyện Sơn Dương, Yên Sơn. Tỉnh Hòa Bình có 19 điểm sạt lở đường giao thông ở các huyện Cao Phong, Đà Bắc và Tân Lạc.
Tại Thái Nguyên, mưa lớn kèm dông lốc sau bão số 3 đã gây ngập úng khoảng 12,3 ha lúa và hoa màu tại huyện Phú Lương; làm gãy đổ 17.300 cây chuối tại xã Quân Chu và thị trấn Quân Chu (huyện Đại Từ), ước tính tổng thiệt hại về tài sản khoảng 2,5 tỷ đồng.
Đến ngày 27/8, tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận 62 nhà dân bị thiệt hại, hư hỏng do mưa lũ và giông lốc. Tỉnh Bắc Kạn có 104,95 ha lúa, hoa màu, thủy sản thiệt hại do mưa lũ ảnh hưởng từ cơn bão số 3.
Uông Bí (Quảng Ninh) thiệt hại gần 12 tỷ đồng
Do ảnh hưởng của bão số 3, từ 19h ngày 25/8 đến 5h ngày 26/8, TP. Uông Bí có lúc mưa vừa, mưa to, có lúc mưa rất to; tổng lượng mưa đo được 153 mm.
Tổng số hộ dân bị ngập lụt là 528 hộ, trong đó 89 hộ dân ở phường Quang Trung.
Chợ Trung tâm của thành phố bị ngập, làm ảnh hưởng đến 171 hộ kinh doanh trong chợ. Sạt lở đất đá một số điểm tại xã Thượng Yên Công, phường Vàng Danh và phường Bắc Sơn.
Thiệt hại một số cơ sở vật chất, công trình công cộng như tường rào, mương thủy lợi; hư hỏng thiết bị điện tử trong nhà dân, như: tivi, máy giặt, máy tính, tủ lạnh, quạt… Khoảng 2.000 con gia súc, gia cầm bị chết; 32 ha lúa và rau màu bị đổ; 5 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập nước, thất thoát cá tôm.
Ước tổng thiệt hại tại TP. Uông Bí tính đến hết ngày 26/8 là khoảng 11,7 tỷ đồng.
Minh Long
Khmer Times: Người Việt bị đánh tử vong bên ngoài casino ở Campuchia
Một người đàn ông Việt Nam (34 tuổi) đã bị một đám đông cầm gậy đánh tử vong bên ngoài sòng bạc ở Bavet, Campuchia vào sáng hôm 26/8, theo tờ Khmer Times.
Cụ thể, vụ việc xảy ra vào lúc 3h15 sáng ngày 26/8 trước Casino 67 ở làng Bavet Kandal, Bavet Sangkat, thành phố Bavet. Theo thông tin từ phía cảnh sát, người đàn ông bị đánh tử vong tên là Duong Minteang, 34 tuổi, làm nghề đầu bếp. Nghi phạm sát nhân được xác định cũng là người Việt Nam, nhưng đã bỏ trốn ngay sau khi vụ án xảy ra. Các nhân chứng cho hay rằng trước khi xảy ra vụ việc, nạn nhân đến tiệm cầm đồ để vay tiền vào đánh bạc.
Được biết, một nhóm khoảng 4-5 nghi phạm đã bước vào để nói chuyện với nạn nhân. Nhóm này sau đó bất ngờ tấn công nạn nhân rồi bỏ trốn. Sau khi sự việc xảy ra, người dân đã trình báo công an địa phương đến can thiệp. Cảnh sát đang xem xét các camera an ninh để cố gắng xác định danh tính thủ phạm.
Thời gian gần đây, báo chí đã đưa tin về tình trạng người Việt bị lừa đi lao động bất hợp pháp ở các casino của Campuchia với lời hứa “việc nhẹ, lương cao”. Hôm 18/8 vừa qua, 42 người Việt làm ở một casino tại tỉnh Kandal, Campuchia đã phải bơi qua sông để về nước vì điều kiện làm việc khắc nghiệt, trong đó 40 người qua sông thành công, một người bị nước cuốn trôi, một người bị bắt lại.
Giới chức trách Campuchia tuyên bố sẽ đẩy mạnh việc truy quét nạn buôn người. Ngày 26/8 vừa qua, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng cho biết từ đầu năm tới hôm 20/8, quốc gia này đã giải cứu được khoảng 865 người nước ngoài khỏi nạn buôn bán người trong 87 vụ buôn bán.
Phan Anh
Ăn chặn hàng trăm triệu đồng tiền hỗ trợ thiên tai, hàng loạt cán bộ lĩnh án
Trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ thiên tai, cựu Chủ tịch xã ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) cùng thuộc cấp đã ăn chặn hơn 180 triệu đồng.
Ngày 26/8, TAND huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ xã Khai Sơn.
3 bị cáo bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 1981, nguyên Chủ tịch UBND xã Khai Sơn); Nguyễn Thị Duyên (SN 1987, nguyên công chức tài chính – kế toán xã Khai Sơn) và Nguyễn Văn Đạo (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Khai Sơn).
2 bị cáo bị xét xử tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn, trong khi thi hành công vụ”, gồm: Phan Thị Hoài (SN 1992, nguyên công chức địa chính – nông nghiệp xã Khai Sơn) và Nguyễn Thị Kim Liên (SN 1968, nguyên phó thôn 7, xã Khai Sơn)
HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thị Ngọc Ánh 2 năm tù; Nguyễn Văn Đạo 12 tháng cải tạo không giam giữ; Phan Thị Hoài lãnh 18 tháng tù; Nguyễn Thị Duyên 16 tháng tù và Nguyễn Thị Liên 12 tháng tù, nhưng đều cho hưởng án treo.
Riêng bị cáo Phan Thị Hoài phải hoàn trả hơn 172 triệu đồng; Nguyễn Thị Liên hơn 12 triệu đồng cho các hộ dân bị thiệt hại.
Theo hồ sơ vụ việc, giữa năm 2020, xã Khai Sơn bị ảnh hưởng bởi thiên tai hạn hán, nắng nóng và mưa lớn, ngập lụt (do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 9) khiến nhiều hộ dân bị thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Trong tờ trình UBND xã Khai Sơn đề nghị hỗ trợ gần 1 tỷ đồng để khắc phục thiên tai.
Đến năm 2021, người dân địa phương được hỗ trợ hơn 993 triệu đồng thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2020.
Tuy nhiên, công tác lập hồ sơ, trình tự thủ tục hỗ trợ và đặc biệt trong quá trình chi trả, lãnh đạo, cán bộ xã đã tự ý điều chỉnh, cắt giảm tiền hỗ trợ.
Cơ quan chức năng xác định số tiền bị ăn chặn hơn 180 triệu đồng.
Theo báo cáo từ Chính phủ Việt Nam, bão số 9 hồi năm 2020 có cường độ mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi rộng, sức tàn phá rất lớn nên đã gây thiệt hại nặng nề.
Thống kê, cơn bão đã làm 80 người chết và mất tích; 177.000 ngôi nhà bị sập, hư hỏng, tốc mái; 744.000 m3 đất, đá sạt lở…
Ước tính tổng thiệt hại do bão số 9 gây ra là hơn 10.000 tỷ đồng.
Phạm Toàn
Tổng giám đốc Thuduc House và đồng phạm chiếm đoạt gần 540 tỷ đồng
Bị can Nguyễn Vũ Bảo Hoàng đã bắt tay nhiều công ty “ma” làm khống hóa đơn GTGT xuất nhập khẩu, chiếm đoạt 538 tỷ tiền hoàn thuế.
Ngày 26/8, Bộ Công an ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao, đề nghị truy tố 34 bị can trong vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House).
Hàng chục công ty “ma” được thành lập
34 bị can có Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (Tổng giám đốc Thuduc House), Trần Hoàn Tiên (Giám đốc Công ty Mega ET VN), Lưu Thị Ngát (Giám đốc Công ty Khánh Hưng), Đào Thị Nga (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 1), Nguyễn Phương Nam (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 3), Ngô Huỳnh Lũy (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 5)…
Các bị can bị đề nghị truy tố về hàng loạt hành vi: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; Sản xuất hàng giả; Buôn lậu và Nhận hối lộ.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2016 đến năm 2020, bị can Trịnh Tiến Dũng (được xác định đứng đầu, đang bị truy nã) đã chỉ đạo thành lập nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài để lập hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa.
Tại Mỹ, Campuchia, Hong Kong, Malaysia và UAE, bị can Dũng đã thành lập, sử dụng 13 pháp nhân để ký các hợp đồng xuất nhập khẩu, giao nhận hàng hóa.
Tại Việt Nam, bị can Dũng chỉ đạo Trần Hoàn Tiên và nhiều người khác lập 16 công ty “ma”.
Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo nhân viên chuẩn bị sẵn một số linh kiện điện tử như ram, chip, DVD Rom, tranh gỗ… là hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng, hàng có giá trị thấp, sử dụng các công ty trên lập hồ sơ nhập khẩu CD hoặc DVD Rom để chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài.
Ngược lại, xuất khẩu ram, chip, tranh gỗ để chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam với mục đích hoàn thuế GTGT thông qua Thuduc House, Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Hoàng Nam Anh.
Sau khi làm thủ tục xuất khẩu linh kiện điện tử đi Mỹ, Campuchia, Singapore, Hong Kong, bị can Dũng sử dụng các công ty trong nhóm mở tờ khai làm thủ tục nhập khẩu linh kiện điện tử lẫn với các loại hàng hóa khác quay lại Việt Nam. Riêng linh kiện điện tử xuất khẩu qua Campuchia được nhập lậu về Việt Nam bằng cách gửi xe khách.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra kết luận các bị can chiếm đoạt của Nhà nước hơn 538 tỷ đồng tiền thuế GTGT; vận chuyển trái phép hơn 51 triệu USD ra nước ngoài, hơn 22 triệu USD từ nước ngoài về Việt Nam; buôn lậu hàng hóa trị giá 2,8 tỷ đồng; nhận hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng; sản xuất, buôn bán hàng giả trị giá 986 tỷ đồng…
Thuduc House chuyên đầu tư và kinh doanh địa ốc bao gồm các dự án xây dựng khu nhà ở, xây dựng chung cư, chợ, văn phòng và hạ tầng kỹ thuật liên quan. Bên cạnh đó, công ty còn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực tài chính, kinh doanh xăng dầu, khách sạn, nhà hàng.
Hồi cuối năm 2020, doanh nghiệp này bị Cục Thuế TP.HCM thu hồi thuế giá trị gia tăng đã hoàn và phạt tiền chậm nộp kỳ 2018 và nửa đầu 2019 với tổng số tiền gần 400 tỷ đồng.
Trước đó, hồi năm 2018, ông Bảo Hoàng được chọn là “gương mặt doanh nhân trẻ xuất sắc của TP.HCM lần thứ 10”.
Buổi trao giải diễn ra vào tối ngày 10/10 do Thành đoàn TP.HCM phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức.
3 cán bộ thuế tại TP.HCM nhận hối lộ 7,4 tỷ đồng
Kết luận điều tra cho biết bị can Dũng và Lưu Thị Ngát thành lập và sử dụng hàng chục công ty “ma”, xuất hóa đơn GTGT khống để hợp thức hóa đầu vào cho Công ty Sài Gòn Tây Nam, Thuduc House, Công ty Hoàng Nam Anh để các công ty này xuất khẩu và hoàn thuế GTGT.
Khi tiền hàng và 10% tiền thuế GTGT được chuyển về tài khoản của những công ty “ma” này, Dũng chỉ đạo nhân viên, người quen, lao động tự do rút tiền, chuyển tiền, nộp tiền… Sau đó, làm thủ tục kê khai khống hàng hóa đầu vào để các công ty “ma” được khấu trừ, không phải nộp khoảng 9,9% tiền thuế GTGT.
Để các công ty “ma” được hoạt động, bị can Ngát đã móc nối, đưa hối lộ cho cán bộ chi cục thuế quận 1, quận 3 và quận 5, lần lượt là các bị cáo Nga, Nam, Lũy, để các công ty “ma” hoạt động bán hóa đơn GTGT, kê khai khống hàng hóa đầu vào để được khấu trừ thuế.
Cụ thể, bị can Lưu Thị Ngát khai đã đưa hối lộ hơn 2,5 tỷ đồng cho bị can Đào Thị Nga; đưa hơn 6,1 tỷ đồng cho bị can Nguyễn Phương Nam; đưa 2 tỷ đồng cho bị can Ngô Huỳnh Lũy.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ có căn cứ xác định bị can Đào Thị Nga nhận hối lộ 776 triệu đồng, bị can Ngô Huỳnh Lũy nhận hối lộ 497 triệu đồng; riêng bị can Nam nhận hối lộ hơn 6,1 tỷ đồng theo lời khai của Ngát. Tổng số tiền mà 3 cán bộ thuế nhận khoảng 7,4 tỷ đồng.
Phạm Toàn