Thảm họa lũ tại Pakistan: Gần 1000 người thiệt mạng, 30 triệu người mất nhà từ tháng 6
Kể từ tháng Sáu, Pakistan đã hứng chịu những trận mưa gió mùa liên tục khiến lũ lụt tràn lan làm gần 1000 người thiệt mạng và hơn 30 triệu người mất nhà, Chính phủ nước này đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia”.
Just IN:— Floods wreaking havoc in Pakistan; 40+ small dams breached. 210+ bridges collapsed; 1,115 people dead. 10M people displaced. pic.twitter.com/z0H2yYhXoq
— South Asia Index (@SouthAsiaIndex) August 27, 2022
Pakistan ban bố tình trạng khẩn cấp
Vào đầu tháng Sáu, Chính phủ Pakistan đã ban bố tình trạng khẩn cấp về đối phó với lũ lụt trong mùa mưa. Theo Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Pakistan (NDMA), kể từ giữa tháng Sáu ít nhất 982 người trong đó có 343 trẻ em đã thiệt mạng vì lũ lụt, các vùng rộng lớn ở tỉnh Balochistan phía tây nam nước này bị nước nhấn chìm gợi nhớ đến trận lũ lụt tàn phá vào năm 2010.
Ngập lụt không phải là hiếm ở Pakistan, nhưng người dân địa phương cho biết những trận mưa kinh khủng như những ngày qua là điều họ từng thấy. Lượng mưa ở Sindh gần gấp 8 lần mức trung bình trong tháng Tám. Một quan chức địa phương gọi đó là “đại hồng thủy trong Kinh thánh”.
Tại nhiều khu vực, các tuyến đường vành đai ngoài cũng bị gián đoạn khiến các nhân viên cứu hộ gặp khó khăn khi đến vùng thiên tai sơ tán người bị nạn. Các tỉnh như Balochistan và Sindh bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã tweet, “Những trận mưa liên tục đã tàn phá khắp đất nước, dù thiệt hại chưa được thống kê đầy đủ nhưng có thể so sánh với trận lũ quét năm 2010”.
Một phóng viên BBC tả cảnh mọi ngôi làng đều chật kín người dân phải di dời trong trận lụt, mà người dân địa phương mô tả là trận lụt tồi tệ nhất mà họ từng trải qua.
Hơn 100 huyện ở 4 tỉnh đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, thủ phủ Quetta của tỉnh Balochistan hoàn toàn như chia cắt với phần còn lại của đất nước, nhiều đường cao tốc và cầu bị lũ cuốn trôi. Hơn một nửa số thương vong là thuộc tỉnh Balochistan và phía nam tỉnh Sindh là nơi những trận mưa kỷ lục đã phá hủy nửa triệu ngôi nhà trên cả nước, số người thiệt mạng của 2 nơi lần lượt là 234 và 306.
Một người tên Shahani đến từ một ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Sindh đau buồn vì con trai bị nước lũ cuốn trôi. “Hôm qua, nước lũ tiếp tục dâng cao tràn vào nhà chúng tôi, đứa con trai 17 tuổi của tôi bị bỏ lại khi chúng tôi cố gắng lên vùng đất cao hơn, tôi chỉ tìm được thi thể của nó sáng nay”, Shahani nói.
Người đàn ông 42 tuổi này cho biết Chính phủ đã không cung cấp bất kỳ khoản cứu trợ hay trợ giúp nào cho gia đình 12 người của anh, chỉ có những người tình nguyện đến để giúp. Ông nói rằng lượng mưa năm nay là chưa từng thấy, “Ngay cả trong trận lũ lụt năm 2010 thì tình hình cũng không tệ như vậy, khi đó chúng tôi chưa phải rời làng của mình, nhưng lần này thì mọi thứ đã bị phá hủy”.
Thảm họa nhân đạo kinh hoàng!
Bộ trưởng Bộ biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman hôm 26/8 gọi đây là “thảm họa nhân đạo kinh hoàng”, ông cho biết những trận mưa và lũ lụt lịch sử trong vài tuần qua đã ảnh hưởng đến hơn 30 triệu người.
Theo CNN ngày 26/8, ông Rehman cho biết miền nam Pakistan gần như chìm dưới nước… 33 triệu người bị ảnh hưởng, cơ quan chức năng đang đánh giá số người mất nhà cửa.
Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA) lưu ý rằng những trận mưa gió mùa đã ảnh hưởng đến khoảng 30 triệu người ở Pakistan, trong đó 184.000 người phải di dời đến các trại cứu trợ trên khắp đất nước. Trong 24h qua, 150 km đường trên khắp Pakistan đã bị hư hại và hơn 82.000 ngôi nhà bị hư hại một phần hoặc toàn bộ, Cơ quan Quản lý Thảm họa Pakistan (NDMA) cho biết trong một báo cáo.
Bộ trưởng Sherry Rehman của Bộ biến đổi khí hậu Pakistan lưu ý rằng tỉnh Sindh đã hứng chịu lượng mưa nhiều hơn 784% trong tháng này so với mức trung bình của tháng Tám, trong khi tỉnh Balochistan có lượng mưa nhiều hơn gần 500%, có 23 khu vực của tỉnh Sindh đã phải tuyên bố “thảm họa”.
Theo dự báo của Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Pakistan (NDMA), các khu vực của Punjab và Khyber Pakhtunkhwa có thể phải đối mặt với “lũ lụt rất nặng” trong những ngày tới với nhiều trận lũ quét hơn cả ở tỉnh Balochistan.
Ông Lehman nói: “Pakistan đang ở giữa thời kỳ gió mùa chưa từng thấy, dữ liệu cho thấy một chu kỳ khác có thể xảy ra vào tháng Chín”.
Hai tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Balochistan và Sindh trong năm nay lần lượt có lượng mưa 298mm và 689mm, cao hơn khoảng 400% so với mức trung bình trong 30 năm.
Thiên Tư, Vision Times
Tập đoàn Dell tuyên bố ngừng mọi hoạt động tại Nga
Hôm 27/8 vừa qua, tập đoàn Dell Technologies Inc. của Mỹ thông báo đã ngừng mọi hoạt động tại Nga sau khi đóng cửa văn phòng vào giữa tháng 8 này, theo hãng tin Reuters. Đây là cái tên mới nhất gia nhập danh sách hàng trăm công ty phương Tây rời khỏi Nga.
Công ty máy tính của Mỹ này, vốn là nhà cung cấp máy chủ quan trọng ở Nga, đã tham gia cùng những doanh nghiệp khác trong việc hạn chế các hoạt động kể từ khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2 vừa qua. Phát ngôn viên của Dell, ông Mike Siemienas cho biết từ giữa tháng này, hãng đã đóng cửa các văn phòng của mình và ngừng mọi hoạt động tại Nga. Trước đó, từ tháng 2, Dell đã quyết định không bán, cung cấp dịch vụ hoặc hỗ trợ các sản phẩm ở Nga và Belarus.
Bộ Công thương Nga cho biết nhiều nhà nghiên cứu và kỹ sư làm việc cho Dell ở Nga đã nhận được đề nghị về công việc mới với mức lương cạnh tranh của các công ty nội địa.
Trước đó, Starbucks đã tuyên bố sẽ hoàn toàn rời khỏi Nga sau một thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại quốc gia này vì cuộc xâm lược Ukraine.
Sau 15 năm có mặt tại thị trường Nga, Starbucks sẽ ngừng mọi hoạt động tại 130 cửa hàng của mình trên khắp đất nước và không còn sự hiện diện của thương hiệu ở nước này nữa, theo một bản ghi nhớ ngày 23/5 gửi cho các nhân viên.
Gã khổng lồ cà phê cho hay, họ sẽ tiếp tục trả lương cho nhân viên của mình ở Nga trong sáu tháng và hỗ trợ họ tìm kiếm công việc mới.
Kể từ ngày 24/2 đến nay, hàng trăm công ty của phương Tây, từ Ikea tới Coca-Cola, Ericsson, Goldman Sachs và McDonald’s… đã ngừng hoạt động tại “xứ sở bạch dương”.
Phan Anh
Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố sẽ lấy lại Donbass
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong tuyên bố qua video phát đi tối 28/8, đã nói rằng Kyiv sẽ lấy lại Donbass.
“Chúng tôi chưa bao giờ quên và sẽ không bao giờ quên tất cả các thành phố của chúng tôi và tất cả người dân của chúng tôi”, ông Zelensky nói.
“Bây giờ Donbass hầu như đã bị phá hủy bởi các cuộc tấn công của Nga, đã bị tàn phá. Donetsk vốn là niềm tự hào, vinh quang của Ukraine đã bị quân chiếm đóng Nga làm nhục và cướp bóc. Nhưng Ukraine sẽ quay lại. Chắc chắn là vậy. Cuộc sống sẽ trở lại. Nhân phẩm của người dân tại Donbass sẽ trở lại. Hoàn cảnh có thể sống sẽ quay lại. Cơ hội được sống an toàn và hạnh phúc”, ông Zelensky nói thêm.
Tổng thống Zelensky tuyên bố rằng lá cờ Ukraine rồi sẽ tung bay tại “Donetsk, Gorlovka, Mariupol, ở tất cả các thành phố của Donbass, khu vực Azov, ở tất các các khu vực bị Nga chiếm đóng, tại các khu vực Kharkov, Zaporozhye, Kherson. Và chắn chắn tại Crimea nữa”.
“Ukraine nhớ mọi thứ”, ông Zelensky kết luận.
Tháng trước, một số quan chức hàng đầu Ukraine cũng đã nói rằng quân đội nước này sẽ triển khai phản công tại miền Nam vào tháng Tám để lấy lại thành phố Kherson.
Theo Washington Post, Mỹ đã và đang chuyển thêm nhiều vũ khí để giúp Ukraine phản công quân Nga.
Như Ngọc
Mỹ điều động 2 tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan
The @USNavy's #USSAntietam and #USSChancellorsville are conducting a routine Taiwan Strait transit August 28 (local time) through waters where high seas freedoms of navigation and overflight apply in accordance with international law.
— 7th Fleet (@US7thFleet) August 28, 2022
Read more here:https://t.co/3nIGSmuWsh pic.twitter.com/lTbVpn4U8g
Hai tàu chiến của Hải quân Mỹ đã di chuyển qua Eo biển Đài Loan hôm 28/8. Đây là lần đầu Mỹ có động thái như vậy kể từ sau khi chế độ Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự lên Đài Loan nhằm đáp trả chuyến thăm quốc đảo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi đầu tháng này.
Hạm đội 7 của Mỹ phát đi tuyên bố cho hay hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn dường lớp Ticonderoga là USS Antietam và USS Chancellorsville đang thực hiện lộ trình quá cảnh thông thường.
Hạm đội 7 nói thêm rằng các tàu chiến của Mỹ “đã quá cảnh qua vành đai trên Eo biển nằm ngoài hải phận của bất kỳ Quốc gia ven biển nào”.
“Hoạt động quá cảnh qua Eo biển Đài Loan của các tàu chiến này thể hiện cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, tuyên bố của Hạm đội 7 nhấn mạnh.
Phát ngôn viên Bộ chỉ huy Mặt trận Miền Đông của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Shi Yi, trong tuyên bố phát đi hôm 28/8, cho hay quân đội Trung Quốc “theo dõi và giám sát chặt chẽ động thái của hai tàu khu trục Mỹ”. Tuyên bố của ông Shi Yi nói thêm rằng quân đội Trung Quốc “được đặt ở mức cảnh giác cao nhằm đánh bại mọi hành vi khiêu khích vào bất kỳ lúc nào”.
Các tàu Hải quân Mỹ từ đầu năm nay đã di chuyển qua Eo biển Đài Loan ít nhất 3 lần. Lần quá cảnh được công khai gần nhất trước hoạt động hôm 28/8 là vào ngày 19/7, khi đó Hải quân Mỹ tuyên bố tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS Benfold đã đi qua Eo biển Đài Loan.
Các đồng minh của Mỹ như Canada và Anh Quốc cũng đã điều động tàu chiến đi qua vùng eo biển hẹp chia tách Đài Loan với Trung Quốc Đại lục.
Chế độ Trung Quốc cộng sản tại Đại lục xem đảo quốc Đài Loan là vùng lãnh thổ ngoài khơi xa của họ và sẽ được thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần.
Đầu tháng này, chế độ Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các cuộc diễn tập quân sự chung lớn nhất quanh Đài Loan sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đặt chân tới Đài Bắc.
Trung Quốc xem chuyến thăm của bà Pelosi là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và đã đáp trả bằng các cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn. Bắc Kinh đã bắn ít nhất 11 tên lửa bội siêu thanh, trong đó có 5 quả bay qua Đài Loan và rơi xuống vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết Bắc Kinh vẫn tiếp tục gây hấn. Hôm 28/8, quân đội Đài Loan phát hiện 8 tàu chiến và 23 máy bay quân sự Trung Quốc bay vào khu vực nhận diện phòng không của Đài Loan.
Bộ Quốc phòng Đài Loan nói rằng, để đáp trả hành vi đó của Bắc Kinh, quân đội Đài Bắc đã cho xuất kích chiến đấu cơ, phát cảnh báo qua radio và triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ.
Hải Đăng
Akrit Jaswal – phẫu thuật viên trẻ nhất thế giới
Cậu bé Akrit đã thực hiện thành công một ca phẫu thuật tách ngón tay khi mới 7 tuổi. Khi lớn lên, cậu tiếp tục cống hiến tài năng của mình cho y học, đặc biệt là căn bệnh ung thư.
Akrit Pran Jaswal (sinh năm 1993, đến từ Ấn Độ) được cả thế giới biết đến như một kỳ tích trong y học. Khi Akrit lên 7 tuổi, một sự việc bất ngờ xảy ra đã đưa tên tuổi của cậu nổi danh toàn cầu. Lúc đó, một bé gái 8 tuổi bị bỏng nặng, khiến các ngón tay chảy ra và dính vào nhau. Akrit chính là người đứng ra phẫu thuật để giúp cô bé này.
Gia đình cô bé không đủ khả năng chi trả cho việc điều trị nên cô phải chịu đựng đau đớn trong nhiều năm liền. Cho đến một ngày, họ biết được trong làng có một thiên tài y học nhỏ tuổi tên là Akrit nên đã đến nhờ cậy. Akrit đồng ý thực hiện cuộc phẫu thuật cho cô gái hoàn toàn miễn phí.
Cha mẹ của cô gái ký vào các loại giấy miễn trừ trách nhiệm cần thiết rồi đi thu thập các thiết bị phẫu thuật mà Akrit yêu cầu. Akrit đã thực hiện ca phẫu thuật kéo dài một giờ vào ngày 19/11/2000. Kết quả là các ngón tay của cô bé đã được tách thành công, khiến cuộc sống sau này của cô dễ dàng hơn rất nhiều.
Sau khi ghi chép lại cuộc phẫu thuật, cha mẹ của Akrit đã đăng nó lên mạng. Chỉ vài ngày sau, “danh y” nhỏ tuổi đã được công nhận và tôn trọng trên toàn thế giới.
Chỉ 4 năm sau, ở tuổi 11, Akrit đã phá thêm một kỷ lục nữa. Cậu trở thành người trẻ tuổi nhất được nhận vào một trường đại học – trường Đại học Punjab.
Lên 13 tuổi, Akrit làm bài kiểm tra IQ và đạt được kết quả vô cùng ấn tượng: 146. Cậu trở thành người thông minh nhất ở Ấn Độ và được mời đến làm khách trong chương trình Oprah Winfrey.
Không lâu sau, Akrit bắt đầu tập trung vào việc tìm ra phương pháp chữa trị bệnh ung thư. Cậu đã chia sẻ với Oprah Winfrey về lý thuyết của mình, tin rằng liệu pháp gen miệng là cơ sở hoàn hảo cho các nghiên cứu ung thư trong tương lai.
Lớn lên ở Ấn Độ, cậu bé Akrit đã phải chứng kiến rất nhiều người dân nghèo khổ của đất nước mình nằm chờ chết dọc hai bên đường. Họ không có đủ khả năng tài chính để tìm đến các liệu pháp chữa trị. Akrit Jaswal liên tục trau dồi bản thân vì cậu muốn dùng kỹ năng và tài năng trời ban của mình để giúp đỡ những người như vậy.
“Niềm đam mê của tôi hướng về y học. Niềm đam mê của tôi tập trung vào bệnh ung thư”, cậu nói.
Minh Minh (Theo medsmarter)