Tin thế giới chiều thứ Hai: Dàn xếp tỷ số! Cựu vận động viên cầu lông Trung Quốc tiết lộ bị buộc phải thua cuộc tại Thế vận hội

Dàn xếp tỷ số! Cựu vận động viên cầu lông Trung Quốc tiết lộ bị buộc phải thua cuộc tại Thế vận hội

Cung Trí Siêu (giữa)và Diệp Chiêu Dĩnh (phải) nhận huy chương tại Olympic Sydney 2000 (Ảnh: sport.tv2.dk)

Cựu ngôi sao cầu lông Trung Quốc Diệp Chiêu Dĩnh (Ye Zhaoying) đã tiết lộ thông tin vào ngày 27/8 rằng khi cô tham dự Thế vận hội Sydney 2000, cô nhận được lệnh từ ban lãnh đạo yêu cầu cô phải thua một đại diện khác của Trung Quốc là Cung Trí Siêu (Gong Zhichao) ở bán kết, và để đối phương giữ thể lực để nâng cao cơ hội giành huy chương vàng của đội tuyển Trung Quốc.

“Họ yêu cầu tôi làm điều này”, cô Diệp Chiêu Dĩnh cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình TV2 Sport của Đan Mạch. Họ nói với tôi rằng đừng làm như tôi cố tình thua cuộc, nhưng đồng thời họ yêu cầu tôi không được để cho Cung Trí Siêu mệt quá, họ muốn tôi thua 2 ván thay vì 3 ván, ​​như vậy cô ấy sẽ không quá mệt. Các bạn có thể xem lại (màn thi đấu), tôi cố ý đánh ra ngoài đường biên, hoặc bảo đảm rằng mình đánh không qua lưới, tôi không có lựa chọn nào khác vào thời điểm đó”.

(Video bán kết đơn nữ Olympic Sydney 2000 : Cung Trí Siêu và Diệp Chiêu Dĩnh)

Cô Diệp Chiêu Dĩnh không nêu tên bất kỳ huấn luyện viên hay nhân viên quản lý nào, nhưng nhấn mạnh rằng “Chúng tôi cảm thấy rất bất lực vì phải tự mình chống chọi với cả hệ thống. Đối với các vận động viên, Thế vận hội gần như là cơ hội chỉ có một lần trong đời, vì vậy nó thực sự làm người ta chán nản, nhưng tôi chỉ có một mình và tôi không thể chống lại hệ thống”.

Cô Diệp Chiêu Dĩnh cũng không cho biết vào thời điểm đó chỉ thị là của huấn luyện viên hay nhân viên quản lý nào. Tuy nhiên, thông tin công khai cho thấy ở Olympic Sydney 2000, Lý Vĩnh Ba (Li Yongbo), huấn luyện viên trưởng đội tuyển cầu lông Trung Quốc lúc bấy giờ đã cử 3 tay vợt nữ là Diệp Chiêu Dĩnh (Ye Zhaoying), Cung Trí Siêu (Gong Zhichao) và Đới Uẩn (Dai Yun) thi đấu, tất cả họ đều vào bán kết nội dung đơn nữ.

Sau đó, Cung Trí Siêu đã đánh bại Camilla Martin của đội tuyển Đan Mạch trong trận chung kết để giành huy chương vàng. Cô Diệp Chiêu Dĩnh giành huy chương đồng trong cuộc chiến giành vị trí thứ ba. Vào cuối Thế vận hội, Diệp Chiêu Dĩnh đã quyết định giải nghệ ở tuổi 26, khi trạng thái thi đấu và trình độ của cô đang ở đỉnh cao.

Cô Diệp Chiêu Dĩnh và chồng, cựu ngôi sao bóng đá quốc gia Trung Quốc Hác Hải Đông (Hao Haidong), đanh sống ở Malaga, Tây Ban Nha, sau khi trốn khỏi Trung Quốc.

Cặp đôi cũng cho biết trong cuộc phỏng vấn rằng họ có thể không bao giờ có cơ hội trở lại Trung Quốc trong đời kể từ khi ông Hác Hải Đông chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Bắc Kinh vào tháng 6 năm 2020.

An Liên

Taliban cáo buộc Pakistan cho máy bay không người lái của Mỹ sử dụng không phận

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Taliban hôm Chủ nhật (28/8) cáo buộc Pakistan cho phép máy bay không người lái của Mỹ sử dụng không phận của mình để tiếp cận Afghanistan.

Các nhà chức trách Pakistan trước đó đã phủ nhận sự liên quan của nước này đến cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Hoa Kỳ thực hiện ở Kabul ngày 31/7, trong đó giết chết thủ lĩnh al Qaeda Ayman al-Zawahiri.

Taliban cho biết, họ đang điều tra vụ không kích hồi tháng 7 và họ vẫn chưa tìm thấy thi thể của thủ lĩnh al Qaeda.

Mới đây, Quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Afghanistan Mullah Mohammad Yaqoob khẳng định trong một cuộc họp báo ở Kabul rằng các máy bay không người lái của Mỹ đã vào Afghanistan thông qua Pakistan.

Ông nhấn mạnh: “Theo thông tin của chúng tôi, các máy bay không người lái đang đi qua Pakistan để đến Afghanistan, chúng sử dụng không phận của Pakistan. Chúng tôi yêu cầu Pakistan không được sử dụng không phận của mình để chống lại chúng tôi.”

Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto-Zardari nói với Reuters, ông đã tiến hành kiểm tra sau cuộc không kích và được thông báo rằng máy bay không người lái của Mỹ không hề sử dụng không phận Pakistan. Ông tuyên bố sẽ kiểm tra lại một lần nữa sau những cáo buộc đưa ra hôm 28/8 từ phía Taliban.

Ông Bhutto-Zardari bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi thực sự không cho rằng đây là thời điểm mà tôi muốn tranh luận với bất kỳ ai hoặc buộc tội điều gì đó… Thành thật mà nói, tôi đang tập trung vào các nỗ lực cứu trợ lũ lụt.” Ông đã nhắc đến tình trạng lũ lụt chết người ở Pakistan khiến hàng triệu người mất nhà cửa.

Ông tiếp tục: “Chính quyền Afghanistan đã cam kết, không chỉ với người dân của mình mà còn với cộng đồng quốc tế rằng, họ sẽ không cho phép mảnh đất của họ bị những kẻ khủng bố lợi dụng.”

Đáng lưu ý, Bộ Ngoại giao Pakistan đưa ra một tuyên bố, trong đó ghi nhận những bình luận của ông Yaqoob với “mối quan ngại sâu sắc”.

Tuyên bố nêu rõ: “Trong trường hợp không có bất kỳ bằng chứng nào, chỉ từ phát ngôn của chính Bộ trưởng Afghanistan, những cáo buộc phỏng đoán như vậy rất đáng tiếc và bất chấp các quy tắc ứng xử ngoại giao có trách nhiệm.”

Bình luận của ông Yaqoob có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Afghanistan và quốc gia láng giềng vào thời điểm Taliban đang làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Pakistan và một nhóm chiến binh Taliban ở Pakistan. Afghanistan cũng phụ thuộc nhiều vào thương mại với Pakistan khi nước này trải qua khủng hoảng kinh tế.

Nhật Minh (Theo Reuters)

Quan chức Lầu Năm Góc: Hoa Kỳ đang tăng tốc sản xuất HIMARS để giúp Ukraine

Một quan chức Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đang tăng tốc sản xuất Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao, hay HIMARS, để giúp Ukraine.

Theo thông cáo từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DoD), cố vấn phụ trách mua sắm trang bị William LaPlante đã đưa ra bình luận sau khi thăm các cơ sở của Lockheed Martin ở Camden, Arkansas, nơi sản xuất HIMARS và Hệ thống tên lửa dẫn đường phóng hàng loạt (GMLRS).

HIMARS do Hoa Kỳ cung cấp đã đóng một vai trò quan trọng khi các lực lượng Ukraine tiếp tục chống lại cuộc xâm lược của Nga. Ukraine đang “sử dụng hiệu quả” các bệ phóng di động hạng nhẹ và các loại đạn dược tấn công chính xác, thông cáo của DoD cho biết hôm thứ Sáu.

“Khi chúng tôi tiếp tục cung cấp hỗ trợ an ninh cho Ukraine, chúng tôi đang làm việc với ngành công nghiệp để đẩy nhanh việc sản xuất các vũ khí và hệ thống quan trọng,” ông LaPlante nói.

“Điều này bao gồm cung cấp kinh phí để mua thêm thiết bị, mở rộng dây chuyền sản xuất và hỗ trợ thuê thêm và phát triển lực lượng lao động.”

Ông LaPlante nói thêm rằng các quan chức Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với Ukraine về nhu cầu năng lực, và mục tiêu là Hoa Kỳ muốn thấy một Ukraine dân chủ, độc lập, có chủ quyền và thịnh vượng với các phương tiện để răn đe và tự bảo vệ mình trước sự xâm lược trong tương lai.

Chuyến thăm Lockheed Martin diễn ra sau khi Tổng thống Joe Biden thông báo hôm thứ Tư rằng ông sẽ gửi gần 3 tỷ đô la viện trợ quân sự mới cho Ukraine khi cuộc chiến đã vượt qua mốc sáu tháng.

Gói thiết bị và đạn dược đó sẽ bao gồm một số lượng không xác định các hệ thống chống máy bay không người lái có tên gọi VAMPIRE.

Trong một tuyên bố, ông Biden cho biết gói này đang được cung cấp thông qua Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine, tổ chức tài trợ cho các hợp đồng mua vũ khí và thiết bị.

“Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ người dân Ukraine khi họ tiếp tục cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của mình”, ông Biden nói. “Điều này sẽ cho phép Ukraine có được các hệ thống phòng không, hệ thống pháo và đạn dược, hệ thống máy bay không người lái đối kháng và radar để đảm bảo nước này có thể tiếp tục tự vệ về lâu dài.”

Lê Vy (theo Newsweek)

Tàu vũ trụ của NASA bắt đầu sứ mệnh đầu tiên bay vào không gian

Ngày 29/8 (theo giờ địa phương), tàu vũ trụ của NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) sẽ bắt đầu chuyến đi quan trọng trong khuôn khổ sứ mệnh Artemis 1 nhằm đưa con người quay trở lại Mặt Trăng. Dự án hàng tỷ USD này được xem như bước đệm cho các sứ mệnh lên sao Hỏa trong tương lai.

Trong sứ mệnh sắp tới, tàu vũ trụ Orion sẽ được phóng lên mà không có phi hành đoàn, rồi bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng trước khi trở lại Trái đất 42 ngày sau đó. Nếu thời tiết xấu hoặc xảy ra vấn đề kỹ thuật khiến phải lùi thời điểm phóng, NASA đã ấn định những ngày mới là 2/9 và 5/9.

Càng gần tới thời điểm NASA dự kiến phóng tàu thăm dò Mặt Trăng, người hâm mộ không chỉ ở Mỹ mà còn các nước đang đổ về Florida để theo dõi sự kiện lịch sử này.

Bà Meagan Happel, phụ trách Văn phòng du lịch Space Coast ở Florida, nói: “Vụ phóng lịch sử sắp tới của NASA rõ ràng thu hút sự quan tâm của dư luận”.

Bà Joanne Bostandji, một người hâm mộ từ Anh, cho biết mình cùng gia đình đã chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hè năm nay để qua Mỹ theo dõi vụ phóng sắp tới của NASA. Bà nói: “Được xem phóng tàu thăm dò Mặt Trăng có lẽ là cơ hội nghìn năm có một. Chúng tôi lên kế hoạch từ sớm và cố gắng có được một vị trí trên bờ biển Cocoa, nơi cách không xa Trung tâm Không gian Kennedy. Tôi biết có thể từ đây, việc theo dõi vụ phóng tàu không được hoàn hảo nhưng chúng tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội này”.

Cô Sabrina Morley đã chia sẻ quyết định táo bạo của mình về việc sẽ theo dõi vụ phóng trên một con thuyền. Theo đó, việc không thể thuê được căn hộ gần bờ biển để xem vụ phóng đã dẫn đến việc tham gia vào chương trình do công ty Star Fleet Tours tổ chức. Cô cho hay: “Chúng tôi sẽ xem vụ phóng trên tàu. Tôi chưa bao giờ có cơ hội được xem một sứ mệnh như này. Tôi muốn nghe thật rõ âm thanh từ tên lửa”.

Theo dự kiến, có khoảng 100.000 tới 200.000 người sẽ đến các vị trí xung quanh Trung tâm Không gian Kennedy để theo dõi NASA thực hiện sứ mệnh Artemis 1.

Phan Anh

Một số quốc gia EU sẵn sàng đình chỉ thỏa thuận năm 2007 về cấp thị thực cho Nga

Tờ Financial Times đưa tin hôm 28/8, một số nước thành viên EU đang thúc đẩy việc đình chỉ một thỏa thuận được ký kết năm 2007, trong đó thuận lợi hóa việc cấp thị thực Schengen cho Nga, trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine kéo dài hơn 6 tháng.

Các bộ trưởng ngoại giao EU dự kiến ​​sẽ ủng hộ việc đình chỉ thỏa thuận hỗ trợ visa EU cho Nga tại một cuộc họp không chính thức diễn ra trong 2 ngày 30 và 31/8 tại Praha, Cộng hòa Séc, Financial Times dẫn lời ba quan chức tham gia vào các cuộc đàm phán cho hay.

Tờ báo còn cho biết, động thái này đã mở rộng lệnh đình chỉ một phần được áp dụng từ hồi tháng 2 đối với các quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp Nga, bao gồm cả những người Nga xin thị thực EU.

Theo hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu, việc đình chỉ sẽ khiến quy trình cấp thị thực của EU trở nên phức tạp hơn, tốn kém hơn và khó khăn hơn, đồng thời tăng thời gian chờ đợi để được phê duyệt.

Các biện pháp khác nhằm hạn chế việc qua lại của EU đối với công dân Nga, chẳng hạn như giới hạn số lượng thị thực EU được cấp hoặc cấm đi lại hoàn toàn, vẫn chưa được quyết định, Financial Times tiết lộ thêm.

Cộng hòa Séc, Phần Lan và Estonia, sau khi áp đặt các hạn chế thị thực của riêng mình, đã thúc đẩy một quyết định của toàn EU và kêu gọi cấm toàn bộ công dân Nga đến khối này.

Tuy nhiên, Đức và Ủy ban Châu Âu đã kêu gọi cần phải phải thận trọng với việc cấm thị thực du lịch hoặc cấm hoàn toàn công dân Nga đến khối này. Nhiều nhà phê bình cũng đưa ra những lo ngại về nhân đạo.

Liên minh châu Âu đã đáp trả cuộc xâm lược của Nga bằng nhiều đợt trừng phạt kinh tế và chính trị, bao gồm cả việc đóng cửa không phận với các hãng hàng không Nga. Ý tưởng hạn chế khách du lịch Nga đến EU đã xuất hiện thời gian gần đây, sau khi nhiều quốc gia nhận thấy ​​người Nga đổ xô đến các nước láng giềng của EU để nghỉ hè.

Minh Ngọc (Theo SCMP)

Pháp: Cơ trưởng, cơ phó ẩu đả trong buồng lái

Một chiếc Boeing 777-328ER của Air France tại Sân bay Quốc tế Dulles (IAD) ở Dulles, Virginia, hôm 30/4/2022. (Ảnh: Daniel Slim/AFP/Getty Images)

Hãng Air France đã quyết định đình chỉ bay đối với hai phi công ẩu đả trong chuyến bay từ Geneva (Thụy Sĩ) đến Paris (Pháp) vào tháng 6. Theo đó, hai phi công túm cổ áo nhau và một người đánh trúng đối phương. Phi hành đoàn đã nhanh chóng can thiệp và một tiếp viên phải ngồi cùng buồng lái với hai phi công này trong suốt chuyến bay.

Tờ La Tribune (Thụy Sĩ) hôm thứ Bảy (28/8) đưa tin vụ ẩu đả trong buồng lái xảy ra sau khi máy bay vừa cất cánh từ thành phố Thụy Sĩ.

Theo đó, hai phi công túm cổ áo nhau và một người đánh trúng đối phương. Phi hành đoàn trong khoang nghe thấy tiếng ồn trong buồng lái, đã nhanh chóng can thiệp, và một tiếp viên phải ngồi cùng buồng lái với hai phi công này trong suốt chuyến bay. Máy bay đã hạ cánh an toàn và sự cố không gây ảnh hưởng đến hành trình bay, theo phía Air France.

AP dẫn một nguồn tin từ Air France xác nhận hai phi công này đã bị đình chỉ bay.

Rò rỉ nhiên liệu

Tin tức về vụ ẩu đả trong buồng lái máy bay Air France được lan truyền sau khi cơ quan điều tra hàng không của Pháp là BEA vài ngày trước công bố báo cáo cho thấy một số phi công của hãng hàng không quốc gia Pháp không giữ đúng các quy định về an toàn trong các chuyến bay xảy ra sự cố.

Báo cáo tập trung vào sự cố rò rỉ nhiên liệu trên chuyến bay của Air France từ Brazzaville ở Cộng hòa Congo đến Paris vào tháng 12/2020, khi các phi công định tuyến lại máy bay nhưng không ngắt năng lượng cho động cơ hoặc bằng mọi cách phải hạ cánh ngay lập tức, theo quy trình cần thực hiện trong trường hợp rò rỉ nhiên liệu.

Máy bay đã hạ cánh an toàn ở Chad, nhưng báo cáo của BEA cảnh báo rằng động cơ có thể đã bốc cháy.

Báo cáo đề cập đến ba trường hợp tương tự từ năm 2017 đến năm 2022 và cho biết một số phi công đã hành động dựa trên phân tích tình hình “cảm tính” thay vì tuân theo các chỉ dẫn an toàn.

Hãng Air France cho biết họ đang thực hiện một cuộc kiểm tra an toàn. Hãng cam kết tuân theo các khuyến nghị của BEA, bao gồm việc cho phép các phi công nghiên cứu các chuyến bay của họ sau đó và thực hiện các hướng dẫn đào tạo nghiêm ngặt hơn về việc tuân thủ quy trình.

Hãng lưu ý rằng họ đã thực hiện hàng nghìn chuyến bay mỗi ngày và báo cáo chỉ đề cập đến bốn sự cố an toàn như vậy.

Các phi hành đoàn của Air France đã nhấn mạnh rằng an toàn là điều tối quan trọng đối với tất cả các phi công, cũng như bảo vệ sự an toàn của phi công trong các tình huống khẩn cấp.

BEA vào tháng 4 cũng đã mở một cuộc điều tra về nguyên nhân của một sự cố khác trên chuyến bay của Air France mà họ gọi là “nghiêm trọng”.

Lam Giang

Related posts