Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã có tác dụng, song vẫn chưa thể ‘đè bẹp’ kinh tế Nga

Văn Sơn

Khách tham quan triển lãm quân sự tại một công viên ở Moscow vào ngày 20 tháng 8. (Ảnh: WP)

Ngay sau cuộc chiến xâm lược Ukraine, phương Tây đã tung đòn trừng phạt Nga. Và Tổng thống Biden đã khẳng định rằng điều này sẽ khiến nền kinh tế Nga ‘sa sút’ và ‘lao đao’. Tuy nhiên, sáu tháng sau, những tác động mong muốn vẫn chưa rõ ràng.

Một mặt các nhà kinh tế đều nhận định Nga đang phải gánh chịu thiệt hại; mặc dù trên bề mặt nền kinh tế vẫn chưa sụp đổ, nhưng mọi thứ sẽ tồi tệ hơn về dài hạn. Mặt khác thực tế thì đồng rúp nhanh chóng lấy lại vị thế khi nước này hạn chế giao dịch tiền tệ và cắt giảm nhập khẩu.

Đây không phải là điều tốt cho một nền kinh tế, nhưng phần nào xoa dịu đi nỗi lo của người dân về một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Tỷ lệ thất nghiệp không tăng đáng kể, và Nga tiếp tục kiếm được hàng tỷ đô la mỗi tháng từ xuất khẩu dầu và khí đốt.

Ở Moscow và St.Petersburg, các nhà hàng và quán bar vẫn tấp nập và các cửa hàng tạp hóa luôn dồi dào sản phẩm, ngay cả khi giá cả đã tăng vọt và một số mặt hàng nhập khẩu, chẳng hạn như rượu whisky, khó mua hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo nền kinh tế Nga sẽ giảm 6% trong năm nay – một mức giảm mạnh, nhưng ít hơn (hoặc trên) 10% như một số nhà kinh tế dự báo ban đầu.

Một điều rất chắc chắn là các tín hiệu cảnh báo đang ‘nhấp nháy’, và nó thể hiện một bức tranh khác so với tuyên bố của tổng thống Putin rằng các lệnh trừng phạt đã thất bại.

Bức tranh này có những nét phác họa như sau: sản xuất ô tô và các mặt hàng khác đã giảm mạnh do các công ty không thể nhập khẩu linh kiện, khiến thu nhập của người dân bị giảm mạnh, tạo ra một số cảnh túng quẫn ở một số thành thị. Rồi thì, các hãng hàng không đã cắt giảm các chuyến bay quốc tế xuống gần bằng 0 (không) và đang sa thải phi công cũng như loại bỏ một số máy bay để lấy các bộ phận mà họ không còn mua được ở nước ngoài. Tiếp nữa là hàng ngàn người có học vấn cao đã chạy trốn khỏi đất nước; hàng trăm công ty nước ngoài, bao gồm Ikea và McDonald’s, đã ngừng hoạt động, và ngân sách của Nga trong tháng Bảy có dấu hiệu kiệt quệ.

Maxim Mironov, một nhà kinh tế người Nga tại Trường Kinh doanh IE ở Madrid, cho biết “các biện pháp trừng phạt đang có hiệu quả, nhưng không may là lại chậm hơn nhiều so với những gì được mong đợi cách đây sáu tháng”.

Các nhà kinh tế cho rằng, để gây thêm tác hại, Liên minh châu Âu phải cắt giảm huyết mạch chính của Nga: doanh thu xuất khẩu dầu và khí đốt. Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, nhưng châu Âu – các quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, đã chỉ đồng ý hạn chế mua hàng theo thời gian. Nhà Trắng và nhiều chính khách đang thúc đẩy biện pháp nhanh chóng hơn nhằm giới hạn giá dầu Nga trên toàn thế giới, điều này sẽ buộc Moscow phải bán với giá thấp hơn so với giá toàn cầu.

“Các biện pháp trừng phạt đang có hiệu quả, nhưng không may là lại chậm hơn nhiều so với những gì được mong đợi cách đây sáu tháng”.

Theo một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Biden thì các nhà ngoại giao Mỹ đang thuyết phục các đồng minh chấp nhận các biện pháp tối ưu cho “nền kinh tế vĩ mô”.

Nga đang đối mặt với “một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng và cuộc suy thoái gần như chắc chắn sẽ còn kéo dài trong năm tới”. “Thực tế cho thấy, họ đã có thể giữ giá năng lượng cao hơn và có những biện pháp quản lý vĩ mô để làm chậm lại các bước suy thoái ban đầu… nhưng tôi nghĩ những gì bạn đang thấy bây giờ là một loại nền kinh tế Potemkin (xem chú thích ở cuối bài).”

Khi mà bức tranh đẹp đẽ đang được tô điểm với các cuộc triển lãm bán vũ khí đang được xúc tiến, các buổi hòa nhạc ủng hộ Điện Kremlin và các trại quân sự cho trẻ em vào mùa hè đang được thực hiện, rồi các dấu hiệu bên ngoài về thiệt hại kinh tế đã bị phớt lờ ở Moscow, nơi thời tiết mùa hè đẹp đã thu hút nhiều đám đông đến các công viên và quán cà phê ngoài trời. Thì một ông chủ quán bar ở thủ đô Nga nói với tờ Washington Post rằng anh ta đang phải đối đầu với ‘một thực tế mới’.

Hay một doanh nhân giấu tên thoải mái bộc bạch “Tất nhiên, nhiều công ty và nhà phân phối đã rời bỏ thị trường, nhưng các lựa chọn thay thế đang xuất hiện mỗi ngày, vì vậy chúng tôi đang chuyển đổi. Ví dụ, có rất nhiều rượu gins của Nga hiện nay. Cũng không tệ”.

Những người dân khác thì phàn nàn về giá cả leo thang của hàng tạp hóa và đồ ăn nhập khẩu. Một nữ giám đốc truyền thông xã hội ở Moscow, trả lời với điều kiện giấu tên. “Về giá thực phẩm, một số thứ đã trở nên đắt hơn, đặc biệt là một số loại trái cây lạ hoặc hàng nhập khẩu, như cà phê,” “Tôi là một người yêu thích cà phê, nhưng những quán có tiếng như Illy hay Lavazza đã tăng giá gấp đôi”.

Sự ảm đạm thể hiện rõ hơn ở tỉnh Tikhvin, một thị trấn hai nhà máy cách St.Petersburg 114 dặm về phía đông, nơi một nhà máy sản xuất đồ nội thất Ikea và Nhà máy ô tô chở hàng Tikhvin (TVSZ) đã ngừng sản xuất.

Ikea đã cùng với hàng trăm công ty phương Tây khác đã rút khỏi thị trường Nga sau cuộc chiến ở Ukraine. TVSZ đã buộc phải sa thải nhiều nhân viên và ngừng dây chuyền lắp ráp sau khi một nhà cung cấp quan trọng của Mỹ – Timken có trụ sở tại Ohio, công ty sản xuất các bộ phận được gọi là vòng bi – ngừng hoạt động tại Nga vào tháng 3. Hàng chục doanh nghiệp nhỏ liên kết với nhà máy, bao gồm các công ty vận tải và nhà cung cấp thực phẩm, đã bị ảnh hưởng nặng nề tại thị trấn 58.000 người trên sông Tikhvinka, một tuyến đường thương mại có từ thế kỷ 15.

Trong tháng Sáu vừa rồi, một giám đốc nhà máy Yevgeny Kuzmenko đã tiết lộ với truyền thông địa phương rằng công ty đang hy vọng tìm được một đối tác ở Nga có khả năng sản xuất vòng bi. “Mọi người cần có công việc,” anh nói. “Ngày nay ưu tiên là giữ việc.”

Nhiều người dân đã bất bình khi nhà máy đóng cửa trong nhiều tháng, đặc biệt là sau khi tuyên bố của thống đốc khu vực rằng phải mất ít nhất đến tháng 9 để giải quyết được vấn đề.

“Vòng bi – thật là một sản phẩm rất khó sản xuất! Không như phóng một người vào không gian!” Sergei Kondakov, 46 tuổi, ở thị trấn gần đó Sviritsa, bình luận.

Một công nhân, có tên Maria Schedrina, phàn nàn, “Chúng tôi đã ngồi ở nhà gần hai tháng.” Và rằng cô sẵn lòng làm bất kỳ việc gì tại nhà máy, nếu có.

Nhập khẩu linh kiện giảm mạnh đã ảnh hưởng đến tất cả các loại hình sản xuất – nổi bật nhất là sản xuất ô tô, giảm mạnh gần 62% trong nửa đầu năm nay, theo cơ quan thống kê nhà nước Nga.

AvtoVAZ, hãng sản xuất chiếc xe Lada phổ biến của Nga, đã đứng ngồi không yên trong nhiều tháng do chủ sở hữu Renault đình chỉ hoạt động và sau đó bán 68% cổ phần của mình cho một tổ chức nhà nước Nga với giá 1 rúp.

Vào tháng 6, một nhà sản xuất đã tiếp tục sản xuất một mẫu xe mới – “chống cấm vận” mà không có túi khí an toàn, hệ thống chống bó cứng phanh, điều hòa không khí và kiểm soát khí thải.

Các nhà sản xuất ô tô, sử dụng 600.000 lao động trên khắp nước Nga, trong một số trường hợp, đã tuyển thêm nhiều công nhân và bắt đầu trả cho họ 2/3 mức lương thông thường của họ.

Elina Ribakova, Phó trưởng kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế, cho biết hiệp hội các ngân hàng và công ty tài chính cho biết để giữ tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức khoảng 4%, Điện Kremlin đã gây áp lực buộc các công ty gặp khó khăn phải đưa công nhân nghỉ phép một phần lương hoặc rút ngắn giờ làm việc thay vì cho họ nghỉ việc. Điều đó sẽ giúp ngăn chặn tình trạng bất ổn trong ngắn hạn nhưng không bền vững về lâu dài, bà nói.

Nga đã ngừng công bố nhiều số liệu thống kê kinh tế, gây khó khăn cho việc đánh giá mức độ nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt, nhưng đó lại chính là một dữ liệu cho thấy có dấu hiệu đáng lo ngại.

Doanh số bán lẻ giảm 10% trong quý II so với một năm trước do người Nga hạn chế chi tiêu. Niềm tin của người tiêu dùng đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2015 và 78% người Nga không có kế hoạch mua sắm lớn, theo Maria Shagina, chuyên gia về lĩnh vực trừng phạt kinh tế tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.

Vào tháng 7, Nga đã báo cáo thâm hụt ngân sách liên bang 900 tỷ rúp do một số nguồn thu thuế bị cắt giảm, một “khoảng cách lớn, rất lớn” tương đương 8% tổng sản phẩm quốc nội, theo Sergei Guriev, một nhà kinh tế học.

“Putin vẫn có tiền mặt bởi vì ông ấy đã kiếm được rất nhiều tiền trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến khi giá dầu ở mức cao và khi nền kinh tế chưa đi xuống. Nhưng bây giờ các biện pháp trừng phạt bắt đầu phát huy tác dụng, bắt đầu có tác dụng thực chất, ” Guriev nói.

Các nhà kinh tế học tại Đại học Yale, trong một bài báo gần đây, nhận định rằng các biện pháp trừng phạt đang gây ra nỗi đau lớn. Sự thật là, theo bất kỳ số liệu nào và ở bất kỳ cấp độ nào, nền kinh tế Nga đang quay cuồng, và bây giờ không phải là lúc để hãm phanh”.

Tuy nhiên, một số khía cạnh của các biện pháp trừng phạt đã được chứng minh là khá nhẹ hoặc không có hậu quả như kỳ vọng.

Shagina nói, việc châu u chậm trễ ngừng mua dầu của Nga, do sự phụ thuộc vào nước này, là một cơ hội lớn bị bỏ lỡ. EU sẽ cấm hầu hết các hoạt động mua dầu thô của Nga trong tháng 12 và các sản phẩm dầu tinh chế vào tháng 2. Shagina nói: “Nếu chúng ta nhắm mục tiêu vào dầu mỏ ngay từ đầu, chúng ta có thể nhanh chóng nhận ra những hậu quả to lớn mà các chính trị gia đang nói đến.

Sự phục hồi giá trị của đồng rúp là một nỗi thất vọng khác đối với các bên ra lệnh trừng phạt. Sự lao dốc của nó khi các lệnh trừng phạt lần đầu tiên được áp dụng đã khiến nhiều người Nga nháo nhào rút tiền từ các máy ATM. Ngân hàng trung ương Nga đã phản ứng bằng cách đặt ra các giới hạn nghiêm ngặt đối với việc trao đổi tiền tệ, rút tiền và chuyển tiền tệ ra nước ngoài.

Điều đó, cộng với việc nhập khẩu của Nga giảm mạnh, làm giảm nhu cầu đối với tiền tệ cứng và nâng giá đồng rúp – một biện pháp nhân tạo và có lẽ không bền vững, nhưng là một biện pháp giúp giảm bớt hoạt động của ngân hàng và giảm tỷ lệ bất ổn xã hội ngay lập tức.

Trong khi nhiều nước phương Tây và châu Á đã hạn chế mạnh xuất khẩu sang Nga – để tuân thủ các lệnh trừng phạt hoặc do các công ty riêng lẻ đang chọn không giao dịch với Nga – thì xuất khẩu từ một số quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, đã khôi phục phần nào trong những tuần gần đây, Ribakova cho biết.

Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã “nêu quan ngại” với Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ rằng các thực thể Nga đang cố gắng lợi dụng Thổ Nhĩ Kỳ để trốn tránh các lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, các công ty lữ hành của Nga đã bắt đầu cung cấp các chuyến đi mua sắm đến Belarus, nơi người tiêu dùng có thể mua các thương hiệu như Zara và Nike đã rời bỏ thị trường Nga.

Mặc dù người Nga đặc biệt khó tìm thấy ô tô và phụ tùng ô tô, nhưng những người bán đồ cũ trên mạng xã hội đang lấp đầy khoảng trống, cung cấp các bộ phận hoặc phần cứng được mang đến từ Kazakhstan và Belarus.

“Chúng tôi sẽ đặt hàng và giao cho bạn các bộ phận mới từ châu Âu hoặc Kazakhstan: đĩa phanh, dầu, bộ ly hợp cho Audis và BMW, phụ tùng thay thế mới cho ô tô Mỹ”, một post quảng cáo trong một nhóm Telegram với gần 18.000 người theo dõi. “Chúng tôi sẽ không có đủ tất cả các mặt hàng nhưng chúng tôi có thể cung cấp cho hầu hết các nhu cầu!”

Các quan chức Nga đã cố gắng thuyết phục công chúng rằng sẽ ổn cả thôi.
Sergei Kiriyenko, phó trưởng ban của phủ tổng thống, nói trên một diễn đàn thanh niên vào tháng trước rằng với sự ra đi của các công ty nước ngoài, người Nga chúng ta chỉ cần có hoài bão lớn. Rồi liệt kê những người Nga nổi tiếng như nhà văn Anton Chekhov và người đầu tiên bay vào không gian, Yuri Gagarin, ông nói: “Họ đã tạo ra một cái gì đó mới. Họ không sợ ước mơ, theo đuổi ước mơ của họ. Trên thực tế, tương lai của đất nước vĩ đại của chúng ta phụ thuộc vào ước mơ và tham vọng của các bạn”.

Nhưng trong khi các lệnh trừng phạt có thể không có tác dụng đủ nhanh để kích động một cuộc nổi dậy công khai hoặc hạn chế khả năng phát động chiến tranh của Nga trong những tháng tới, thì tác động lâu dài sẽ gây tổn hại vô cùng lớn đối với nước này, các chuyên gia nhận định.

Ilya Matveev, một nhà khoa học chính trị ở St.Petersburg, đã viết trong một bài báo gần đây: “Khoảng cách công nghệ giữa Nga và các nền kinh tế tiên tiến sẽ ngày càng mở rộng theo thời gian. “Trong trường hợp không có sự hợp tác toàn cầu và với hàng trăm nghìn chuyên gia lành nghề đã rời khỏi đất nước, tiến bộ đổi mới và công nghệ ở Nga đơn giản là một điều không tưởng.”

Chú thích:

Kinh tế Potemkin: tương truyền, Grigory Potemkin dựng lên những khu làng di động giả dọc các bờ sông Dnieper nhằm đánh lừa Hoàng hậu Catherine II về sự trù phú của khu vực Ukraine và bán đảo Crimea, vốn nằm dưới quyền quản lý của Potemkin, trong chuyến đi thị sát của bà tới khu vực này năm 1787.

Cụm từ ngày nay được dùng, đặc biệt trong chính trị và kinh tế, nhằm diễn tả những công trình (nghĩa đen hoặc nghĩa bóng) dựng lên nhằm duy nhất mục đích đánh lừa những người khác rằng một số hoàn cảnh tốt hơn so với thực tế.

Related posts