Tin thế giới chiều thứ Ba: Nga đã chuyển dàn hỏa tiễn S-300 từ Syria sang Ukraine

Nga có thể đã chuyển tổ hợp hỏa tiễn S-300 từ Syria sang Ukraine

Các hình ảnh vệ tinh của Công ty Do Thái ImageSat International (ISI) cho thấy một tàu Nga chở hệ thống hỏa tiễn S-300 đã được điều động lại từ Syria đến Biển Đen, như một phần của giai đoạn chiến tranh mới ở khu vực phía Nam của Ukraine.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang trong nỗ lực giành lại thành phố Kherson ở phía Nam từ các lực lượng Nga bằng cách nhắm vào các chuỗi cung ứng và hệ thống vũ khí của Nga.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby hôm 29/8 cho biết, cuộc phản công là một phần của bức tranh lớn hơn về sự tiêu hao ngày càng tăng của phía Nga, nơi mà việc tuyển quân đã trở thành một vấn đề trong những tháng gần đây.

Trang web Naval News đưa tin, một “tàu chở hàng Nga” được cho là Sparta II đã đi qua eo biển Bosporus ở Thổ Nhĩ Kỳ, con đường thủy duy nhất nối giữa Địa Trung Hải và Biển Đen.

Con tàu được cho là mang theo khẩu đội cho hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) S-300 qua eo biển Bosporus mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng các tàu chiến kể từ cuộc xâm lược đầu tiên của Nga. Các hình ảnh vệ tinh được công ty tình báo tư nhân ImageSat Intl của Israel đăng tải trên Twitter cũng cho thấy, khẩu đội S-300 ở Syria đã không còn tại vị trí cũ.

Còn theo hình ảnh bổ sung, S-300 đang được Sparta II vận chuyển tới điểm đến được báo cáo là ở Biển Đen.

Sparta II được đề cập đến trong danh sách trừng phạt của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm 8/5.

Ngày 27/8, tài khoản Twitter Yörük Işık đăng thông tin rằng, Sparta II được phát hiện chở hàng hóa quân sự trên đường từ Tartus ở Syria.

Chuyến đi của con tàu từ Syria rất có thể bắt đầu vào ngày 20/8, theo Reuters. Giám sát dữ liệu Refinitiv Eikon cũng chỉ ra, tàu Sparta II hiện đang ở Novorossiysk, một cảng Biển Đen của Nga gần Crimea.

Nga hồi tháng 10/2018 chuyển giao 4 tổ hợp S-300PM cùng hơn 300 quả đạn cho quân đội Syria. Tuy nhiên, hệ thống này không được đặt tại căn cứ không quân của Nga ở phía Nam Latakia, hoặc tại cảng hải quân của nước này ở Tartus, mà được thiết lập trong đất liền để “bảo vệ các mục tiêu của Syria”. Đây được coi động thái đáp trả việc tiêm kích Israel bị cáo buộc cố tình sử dụng chiến thuật núp bóng khiến phòng không Syria bắn nhầm trinh sát cơ Il-20 Nga cách đó một tháng, khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng.

Minh Ngọc (Theo Newsweek)

Lầu Năm Góc nói Nga chật vật tuyển binh chiến đấu tại Ukraine

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ hôm thứ Hai (29/8) cho biết Nga đang gặp khó khăn trong việc tuyển mộ thêm binh sĩ chiến đấu ở Ukraine, thậm chí còn phải tìm kiếm ở các nhà tù, hay tuyển các tân binh lớn tuổi, thể trạng kém và thiếu huấn luyện.

Vào thứ Năm tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh nhằm tăng khoảng 10% số lượng binh sĩ trong quân đội nước này lên 1,15 triệu quân nhân.

Sau khi trải qua những thất bại đáng kể và tổn thất quân số nặng nề trong sáu tháng xâm lược Ukraine, Lầu Năm Góc tin rằng “nỗ lực này khó có thể thành công, vì Nga trong lịch sử đã không đạt được các mục tiêu về nhân sự và sức mạnh”, quan chức này cho biết.

“Nga đã bắt đầu cố gắng mở rộng các nỗ lực tuyển dụng”, quan chức này nói với các nhà báo.

“Họ đã thực hiện điều này một phần bằng cách loại bỏ giới hạn độ tuổi đối với những tân binh và cũng bằng cách tuyển mộ tù nhân”, quan chức này cho biết. “Nhiều tân binh được cho là già hơn, không đủ sức khỏe và không được đào tạo bài bản.”

Kết luận của Lầu Năm Góc là bất kỳ tân binh nào được bổ sung có thể cũng sẽ không giúp Nga tăng hiệu quả sức mạnh chiến đấu tổng thể vào cuối năm nay, theo quan chức này.

Ngay cả trước chiến tranh, các lực lượng vũ trang của Nga có thể đã thiếu khoảng 150.000 người so với mục tiêu một triệu người đã nêu, quan chức này cho biết.

Vào đầu tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl ước tính rằng 70-80.000 người Nga đã bị giết hoặc bị thương ở Ukraine kể từ cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2.

Ngân Hà (theo AFP)

TQ bác bỏ cáo buộc của Đài Loan về việc “quấy rối” bằng máy bay không người lái

Ngày 29/8, Trung Quốc bác bỏ cáo buộc từ phía Đài Loan về việc máy bay không người lái của họ liên tục quấy rối ở khu vực gần các đảo do Đài Loan kiểm soát, còn nhấn mạnh rằng đây không phải “việc đáng để làm ầm ĩ”.

Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan vào đầu tháng này sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, chính quyền Đài Bắc đã nhiều lần báo cáo về các chuyến bay bằng máy bay không người lái trên các hòn đảo nhỏ mà họ kiểm soát gần bờ biển Trung Quốc.

Đoạn video từ ít nhất hai trong số các phi vụ bay không người lái này đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Thậm chí có một lần, binh lính Đài Loan còn ném đá để xua đuổi.
Ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên BNG Trung Quốc. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho hay ông đã xem đoạn video.

“Máy bay không người lái của Trung Quốc bay trong lãnh thổ Trung Quốc, đây không phải là điều gì đó để mà phải làm ầm ĩ lên,” ông nói.

Bộ Ngoại giao Đài Loan đã bày tỏ sự tức giận trước bình luận của ông.

“Có một lời dạy từ cổ nhân của Trung Hoa rằng, ‘những người không được mời đến nhà được coi là kẻ trộm’. Cho dù là phá cửa hay nhìn trộm từ trên không, người dân Đài Loan không chào đón những tên trộm này,” Bộ Ngoại giao Đài Loan khẳng định.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng thông báo, đã xuất hiện thêm một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hôm 29/8, gần Đảo Sư tử, một phần của nhóm đảo Kim Môn nằm đối diện với các thành phố Hạ Môn và Tuyền Châu của Trung Quốc.

Các binh sĩ Đài Loan đã bắn pháo sáng để cảnh báo, và sau một phút máy bay này bay đi theo hướng Hạ Môn.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby không xác nhận các báo cáo về máy bay không người lái. Tuy nhiên, ông nói với các phóng viên, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục cố thiết lập cái gọi là “bình thường mới” cho hoạt động của họ đối với Đài Loan, bao gồm cả việc triển khai tàu thuyền và máy bay bay qua đường trung tuyến không chính thức ở Eo biển Đài Loan.

Ông nêu rõ: “Họ đang cố gắng tăng nhiệt lên đến mức độ mà nó trở thành một kiểu bình thường mới. Chúng tôi sẽ không chấp nhận điều đó.”

Hai tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ đã đi qua vùng biển quốc tế ở Eo biển Đài Loan vào ngày 28/8. Đây là hoạt động đầu tiên kể từ chuyến thăm của bà Pelosi, mặc dù Hải quân Mỹ vẫn tiến hành các hành trình tương tự hàng tháng.

Đài Loan đã kiểm soát Kim Môn, cùng với quần đảo Mã Tổ kể từ khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc chạy sang Đài Bắc vào năm 1949. Tại điểm gần nhất, lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát chỉ cách Kim Môn vài trăm mét.

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu tái “thống nhất” Đài Loan, nhưng chính phủ Đài Loan đã thề rằng họ sẽ tự vệ đến cùng nếu căng thẳng giữa hai bên leo thang. Đài Loan tuyên bố hòn đảo này là lãnh thổ của riêng mình.

Minh Ngọc (Theo Reuters)

Mỹ huỷ phóng tàu thăm dò Mặt Trăng vào phút chót do lỗi kỹ thuật

Tên lửa SLS đặt tại Trung tâm Không gian Kennedy ở Florida, Mỹ trong một cuộc thử nghiệm hồi tháng 6 vừa qua. (Ảnh: NASA)

Tối ngày 29/8 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã quyết định hủy phóng tàu thăm dò Mặt Trăng trong khuôn khổ sứ mệnh lịch sử Arrtemis 1 vào phút chót do lỗi kỹ thuật của tên lửa đẩy, theo hãng tin CNBC.
lỗi kỹ thuật.

Đây là chuyến đi quan trọng trong khuôn khổ sứ mệnh Artemis 1 của NASA nhằm đưa con người trở lại Mặt Trăng, vốn đã bị trì hoãn rất lâu. Dự án hàng tỷ USD này được xem như bước đệm cho các sứ mệnh lên sao Hỏa trong tương lai.

Tuy nhiên, NASA đã lùi thời gian phóng tàu vũ trụ Orion sau khi phát hiện lỗi rò rỉ nhiên liệu. Sau đó, NASA quyết định hủy phóng trong ngày 29/8.

Theo nhóm phụ trách vụ phóng, các chuyên gia kỹ thuật đã phát hiện lỗi kỹ thuật đối với một trong 4 động cơ. Quá trình kiểm tra cho thấy các động cơ số 1-2-4 hoạt động bình thường, song động cơ số 3 gặp sự cố rò nhiên liệu và tăng nhiệt.

Theo giới chức NASA, cơ quan này đã phải liên tục tiếp gần 1 triệu galon (1 galon = 3,78 lít) oxy và hydro siêu lạnh vào tên lửa SLS sau khi phát hiện rò rỉ nhiên liệu của tên lửa này. Việc tiếp nhiên liệu này đã bị chậm lại gần 1 tiếng đồng hồ do xảy ra cơn bão ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy, tiểu bang Florida.

Vết rò rỉ dường như xảy ra tại đúng vị trí từng phát hiện rò rỉ trong lần tổng duyệt vào mùa xuân đầu năm. Tiếp đó, các kỹ sư NASA lại tình cờ phát hiện tình trạng rò rỉ thứ 2 tại một van của tên lửa.

Bên cạnh đó, các kỹ sư NASA còn phát hiện một vết nứt hoặc một số lỗi tại tầng trung tâm của tên lửa – là một bình chứa nhiên liệu lớn màu cam với 4 động cơ chính trên đó, do có những vết lấm tấm bao quanh vùng nghi có vết nứt. Các kỹ sư NASA đã bắt đầu nghiên cứu giải quyết các vấn đề này.

Trong sứ mệnh sắp tới, tàu vũ trụ Orion sẽ được phóng lên mà không có phi hành đoàn, rồi bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng trước khi trở lại Trái đất 42 ngày sau đó. Nếu thời tiết xấu hoặc xảy ra vấn đề kỹ thuật khiến phải lùi thời điểm phóng, NASA đã ấn định thời điểm phóng mới là 2/9 và 5/9.

Trong sứ mệnh Artemis 1, NASA phóng tàu vũ trụ Orion bằng tên lửa cực mạnh có tên Hệ thống phóng không gian (SLS). SLS, cao 98 m, là một hệ thống phóng thẳng đứng mới và lớn nhất của NASA được lắp ráp kể từ sau khi tên lửa đẩy Saturn V được sử dụng trong các sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng Apollo của cơ quan này vào giai đoạn 1969-1972.

Uớc tính, NASA đã phải chi ít nhất 37 tỷ USD cho thiết kế, lắp ráp, thử nghiệm và các hệ thống vận hành dưới mặt đất liên quan tới tàu vũ trụ Orion và siêu tên lửa SLS trong hơn một thập kỷ qua.

Phan Anh

Related posts