Tin VN sáng thứ Năm: Nhà máy xi măng 900 tỷ đồng ở Phú Thọ bị bỏ hoang hơn 10 năm

Nhà máy xi măng 900 tỷ đồng ở Phú Thọ bị bỏ hoang hơn 10 năm

Dự án nhà máy xi măng 900 tỷ đồng bị bỏ hoang (ảnh: Lao Động).

Dự án Nhà máy xi măng Yến Mao 900 tỷ đồng sau khi hoàn thành đã bị bỏ hoang hơn 1 thập kỷ. Theo Người dân phản ánh, Dự án Nhà máy xi măng Yến Mao gây ngập úng nhà dân, cuốn trôi hoa màu, cây cối… gia súc, gia cầm bị chết, thiệt hại nặng nề suốt hơn 10 nam nay.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao Động cuối tháng 8, Dự án nhà máy xi măng Yến Mao (thuộc xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) nằm trong tình trạng “cửa đóng, then cài”, chỉ có duy nhất bảo vệ trông coi 24/24 với tiêu chí “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Ông N.K.D. – bảo vệ nhà máy – cho biết, công trình đã bị bỏ hoang hơn chục năm, hiện không có hoạt động sản xuất nào cả.

Theo PV, phía trong Nhà máy xi măng Yến Mao gần nghìn tỷ đồng. Cả khuôn viên rộng lớn nhưng cây cỏ mọc um tùm, một số thiết bị sản xuất đã hoen rỉ, các dãy nhà cấp 4 và dây chuyền sản xuất nay đã sập xệ.

Bà N.T.N. – người dân khu 11 (xã Tu Vũ) sống sát nhà máy – chia sẻ, dự án bắt đầu khởi công vào năm 2004, năm 2006 thì đền bù. Họ chỉ xây dựng vài công trình nhỏ lẻ, đổ bê tông mặt bằng rồi bỏ hoang từ năm 2007 đến nay.

“Chủ đầu tư san gạt đồi khiến lượng đất đá rơi vãi xuống nhà dân sinh sống, vùi lấp hoa màu, ao cá… Chủ đầu tư hứa sẽ bồi thường nhưng từ đó đến nay vẫn chưa nhận được số tiền này.

Khổ nhất là những hôm mưa bão, do nhà máy chưa xây dựng hệ thống thoát nước nên lượng nước dồn xuống gây ngập úng nhà dân cả tuần trời, cuốn trôi hoa màu, cây cối… gia súc, gia cầm bị chết, thiệt hại nặng nề suốt mười mấy năm nay”.

Trong quá trình tìm hiểu, PV nhận thêm phản ánh của một số hộ dân nằm trong diện phải di dời, tái định cư về việc chủ đầu tư và chính quyền xã Yến Mao (cũ) không thực hiện một số đúng cam kết như: Hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau di dời, chưa nhận đủ số tiền bồi thường lên tới hàng chục triệu đồng.

Ông H.K.D – hộ dân phải di dời – cho hay, đến nay, chủ đầu tư vẫn còn nợ hơn 10 hộ dân tiền bồi thường thiệt hại hoa màu khi thi công nhà máy, hộ nhiều nhất là 60 triệu đồng, 40 triệu đồng, còn lại ít cũng 3 – 4 triệu đồng mỗi hộ.

Ông H.K.D cho biết ,“Số tiền ấy ở thời điểm đó là rất lớn. Chúng tôi có hỏi nhiều lần nhưng chủ đầu tư nói đã chuyển cho xã, hỏi xã thì họ nói chưa nhận được tiền, đùn đẩy cho nhau…

Không chỉ Nhà máy xi măng Yến Mao. Theo Dân Trí, dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn được triển khai xây dựng tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) từ năm 2009 với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.430 tỷ đồng cũng chung số phận.

Khu điều hành, nhà ở công nhân và một số công trình phụ trợ trở nên hoang tàn, đổ nát sau một thập kỷ bị bỏ hoang. (Ảnh: Dân Trí).

Hội An

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh bị kỷ luật cảnh cáo

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh. (Ảnh: Facebook Hoai Anh Ho).

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh bị ban lãnh đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cảnh cáo vì lỗi đi nước ngoài không xin phép.

Ngày 31/8, trao đổi với Zing, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, Hội đồng kỷ luật của đơn vị đã nhất trí 100 % hình thức kỷ luật với Hồ Hoài Anh là cảnh cáo. Hồ Hoài Anh với tư cách giảng viên, viên chức đã vi phạm quy định, nội quy và quy chế làm việc của Học viện.

Học viện cũng xem xét trừ điểm thi đua của Hồ Hoài Anh theo Luật Viên chức vì lỗi đi nước ngoài không báo cáo, không xin phép tổ chức. Hội đồng kỷ luật của Học viện Âm nhạc Quốc gia đang chờ kết luận từ cơ quan chức năng Tây Ban Nha để tiếp tục họp bàn và cân nhắc về hình thức xử lý tiếp theo.

Hồ Hoài Anh sinh năm 1979 trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Anh theo mẹ học đàn bầu từ nhỏ, từng đi biểu diễn nước ngoài khi mới 13 tuổi. Về sau, anh nổi tiếng hơn với vai trò sáng tác, viết nhiều ca khúc như Dẫu có lỗi lầm, Tình yêu muôn màu, Nuối tiếc, Cô gái tự tin, Với anh, Gánh hàng rau…

Hội An

Bình Dương bốc thăm kiểm kê tài sản cán bộ công chức 2 cơ quan ‘nhạy cảm’

Thanh tra tỉnh Bình Dương thực hiện việc kiểm kê tài sản cán bộ công chức nhà nước ở 2 cơ quan gồm Sở Tài chính và Sở Y tế

Ngày 31/8, trả lời báo Người Lao Động, một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Bình Dương cho biết Thanh tra tỉnh đang thực hiện bốc thăm kiểm kê tài sản cán bộ công chức nhà nước ở 2 cơ quan gồm Sở Tài chính và Sở Y tế.

Về cách thức, Thanh tra tỉnh Bình Dương áp dụng công nghệ thông tin về quay số ngẫu nhiên. Sau đó, danh sách những người thực hiện kê khai được công bố công khai. Bước tiếp theo, Thanh tra tỉnh đi xác minh các cơ quan liên quan đối với tài sản mà cán bộ kê khai. “Hiểu đơn giản như quay xổ số, cho nên bảo đảm tính khách quan”- vị lãnh đạo này nói.

Hiện Bình Dương đang thực hiện kê khai đợt 1, bước đầu có 17 người tham gia thực hiện việc này và đang trong giai đoạn xác minh, thời gian tối đa không quá 90 ngày. Dự kiến đợt tiếp theo sẽ thực hiện tại TP. Thuận An.

Nói về lý do chọn Sở Tài chính và Sở Y tế để thực hiện bốc thăm kê khai đợt đầu, lãnh đạo Thanh tra tỉnh cho hay vì đây là 2 cơ quan đang khá “nhạy cảm”.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định… cũng đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Theo đó sẽ tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên để lựa chọn một số cán bộ mà thanh tra thành phố tiến hành xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 .

Tuyên án cựu bí thư Bình Dương Trần Văn Nam và đồng phạm trong vụ án ‘188 ha đất vàng’

Cựu Bí thư Trần Văn Nam tại toà. (Ảnh: Nam Anh/VnExpress).

Cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và cựu chủ tịch tỉnh Trần Thanh Liêm mỗi người bị phạt 7 năm tù trong vụ 188 ha đất vàng ở Bình Dương bị bán rẻ.

VnExpress đưa tin, chiều 30/8, sau 16 ngày xét xử và nghị án kéo dài, TAND Hà Nội ra phán quyết với 28 bị cáo. Trong số này, ông Phạm Văn Cành, cựu phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương và Đỗ Thị Thanh Thúy, cựu kế toán trưởng Tổng công ty SX-XNK Bình Dương (Tổng công ty 3/2) được xét xử vắng mặt.

Theo cáo buộc, sai phạm trong quản lý 145 ha và 43 ha “đất vàng” tại trung tâm tỉnh Bình Dương kéo dài trong hơn 5 năm, 2012-2017, gây thiệt hại khoảng 6.590 tỷ đồng cho tài sản Nhà nước. Đến nay, 1.260 tỷ đồng đã được khắc phục.

TAND Hà Nội đã tuyên phạt cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam 7 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cùng tội này, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm bị phạt 7 năm tù. Ông Phạm Văn Cành, cựu Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, lĩnh án 3 năm tù treo.

19 bị cáo còn lại là đồng phạm với ông Trần Văn Nam lĩnh án sơ thẩm từ 30 tháng tù đến 7 năm tù. Trong đó, cựu Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Thanh Trúc 4 năm 6 tháng tù, Lê Văn Trang (cựu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh) 7 năm, Trần Xuân Lâm (cựu Chánh thanh tra tỉnh) và Võ Văn Lượng (cựu Chánh văn phòng UBND tỉnh) 4 năm 6 tháng tù.

Ba người bị kết án về tội Tham ô tài sản gồm: Võ Hồng Cường (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Hưng Vượng) 5 năm tù, Nguyễn Thục Anh (con gái bị cáo Minh) và Trần Đình Như Ý (cùng là cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Phát Triển) cùng lĩnh 3 năm tù treo.

Nhóm bị cáo phạm 2 tội danh nêu trên, gồm ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương – Tổng công ty 3/2) lĩnh tổng hình phạt 27 năm tù. Cựu Tổng giám đốc Trần Nguyên Vũ lĩnh tổng mức án 23 năm tù. Còn cựu Phó tổng giám đốc Huỳnh Thanh Hải lĩnh tổng hình phạt 17 năm tù.

Vi phạm liên tục, cổ phiếu Tập đoàn FLC sẽ bị hủy niêm yết từ ngày 9/9

Kể từ khi ông Quyết bị phanh phui hôm 10/1, cổ phiếu FLC lao dốc từ 23.500 đồng còn 4.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay. (Nguồn: Bảng phân tích kỹ thuật/vndirect.com.vn)

Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa ra quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang “đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9” do liên tục vi phạm quy định công bố thông tin.

Theo đó, sau ngày 9/9, nhà đầu tư sẽ không thể mua – bán cổ phiếu FLC, thay vì như hiện nay vẫn được giao dịch vào buổi chiều.

Trong công văn cảnh báo sẽ đình chỉ giao dịch trước đó gửi Tập đoàn FLC, HoSE cho biết doanh nghiệp này chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên, quá 6 tháng vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay.

Cùng ngày, Công ty cổ phần Nông dược H.A.I (mã chứng khoán HAI) cũng bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9/9. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

Trước FLC và HAI, cổ phiếu ROS (Công ty FLC Faros) cũng bị đình chỉ giao dịch từ 12/8 và vừa bị hủy niêm yết từ 5/9 do liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin, có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư.

Theo quy định, công ty bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc hủy bỏ tự nguyện nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.

Tuy nhiên, với trường hợp của ROS, theo đại diện Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), việc nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng thuộc hành vi bị cấm theo quy định và đang trong quá trình điều tra. Do đó, HNX chưa có cơ sở để xác định số vốn điều lệ hợp lệ cũng như tính đại chúng của ROS và số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch, báo Vnexpress đưa tin.

HNX cho biết việc xem xét hồ sơ đăng ký giao dịch của ROS trên sàn UPCoM sẽ được thực hiện sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng và hướng dẫn của cơ quan quản lý.

Chốt phiên hôm 31/8, cổ phiếu FLC dừng ở mức 4.000 đồng/đơn vị, tương ứng với quy mô vốn hóa của doanh nghiệp này đạt hơn 2.800 tỷ đồng. Mã này đã giảm 8/10 phiên gần nhất với 4 phiên giảm kịch sàn.

Từ khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC bị bắt về hành vi thao túng và che giấu thông tin chứng khoán vào cuối tháng 3/2022, nhóm cổ phiếu “họ FLC” liên tục lao dốc.

Đến ngày 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01, Bộ Công an) quyết định khởi tố bổ sung với ông Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái là Trịnh Thị Thúy Nga (Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán BOS) và Trịnh Thị Minh Huệ (cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC) để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thiên Vũ

Related posts