Tin Việt Nam sáng thứ Sáu: Việt Nam tiếp nhận 26 công dân được giải cứu khỏi sòng bạc ở Campuchia

Việt Nam tiếp nhận 26 công dân được giải cứu khỏi sòng bạc ở Campuchia

Lực lượng chức năng tỉnh An Giang kiểm tra sức khỏe cho các công dân vừa được phía Campuchia giải cứu và bàn giao. (Ảnh: Quốc Bình/sggp.org.vn)

Trong 26 người trở về Việt Nam, có 1 thanh niên từng bị bắt lại trong vụ 42 người tháo chạy khỏi Casino Rich World ở Campuchia.

Ngày 1/9, tại Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tiếp nhận 26 công dân Việt Nam do phía Campuchia trao trả.

26 công dân Việt Nam do phía Campuchia trao trả gồm 3 nữ, 23 nam. Những người này có hộ khẩu thường trú ở chủ yếu đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Trong số 26 người được tiếp nhận, 11 trường hợp được giải cứu từ Casino Rich World – nơi từng có 42 người tháo chạy bằng cách bơi qua sông Bình Di (thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) để về Việt Nam hôm 18/8. Trong 11 người này, 1 trường hợp từng bị bảo vệ casino bắt lại trong nhóm 42 người tháo chạy.

Qua xác minh điều tra, số công dân trên đã vượt biên trái phép sang Campuchia làm thuê và đã bị Tổng cục Di trú, Bộ Nội vụ Campuchia giam giữ.

Sau khi tiếp nhận, đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành thực hiện khai báo y tế và các thủ tục pháp lý, hành chính ban đầu.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên đã bàn giao 26 công dân nói trên cho Phòng Cảnh sát xuất nhập cảnh Công an tỉnh An Giang tiếp tục xác minh làm rõ theo quy định.

Trước đó, khoảng 9h ngày 18/8, có 42 người tháo chạy khỏi casino Rich World (Campuchia) bơi qua sông Bình Di về Việt Nam, được Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình (Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang) phát hiện, bắt giữ.

40/42 người tháo chạy thành công, một người tử vong, một người bị bảo vệ casino giữ lại.

Qua điều tra bước đầu, những người này khai nhận do tin vào lời chào mời tuyển lao động làm việc tại Campuchia với mức lương từ 700 – 1.000 USD/tháng nên họ vượt biên trái phép sang Campuchia.

Tại Campuchia, công việc hàng ngày của họ là làm game online và lên các trang mạng tìm cách lừa đảo theo chỉ đạo. Do làm việc quá thời gian quy định, không được trả lương, bị hành hung… nên những người này đã tìm cách chạy về Việt Nam.

Đến nay, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và Campuchia đưa về nước hơn 600 công dân bị lừa, môi giới lao động bất hợp pháp. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia cũng đang xác minh nhân thân một số người được phía Campuchia giải cứu, không có giấy tờ và sẽ sớm đưa về nước.

Minh Long

Hết hạn giải ngân gói 6,600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà: 21 tỉnh chưa hoàn thành

Ảnh minh hoạ.

Gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong tháng 8 sẽ hoàn thành, nhưng đến nay 21 tỉnh chưa hoàn thành việc giải ngân.

Cuối tháng 3, Chính phủ thông qua chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà (gói 6.600 tỷ đồng) cho lao động với mức 1,5-3 triệu đồng mỗi người, tối đa ba tháng. Hai nhóm thụ hưởng gồm người có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội đang làm việc trong doanh nghiệp và người quay lại thị trường lao động. Gói hỗ trợ nhằm kéo lao động quay lại doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đứt gãy, các nhà máy thiếu nhân lực sau Tết Nguyên đán. Nhiều người về quê và dự tính không trở lại thành phố.

Dù thông tin đôn đốc các tỉnh đẩy nhanh tốc độ chi tiền, yêu cầu hoàn thành trong tháng 8, nhưng đến nay nhiều tỉnh chưa hoàn thành, dù ngân sách trung ương đã tạm ứng 70%.

Theo thống kê của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), tính đến hết ngày 31-8, nhiều tỉnh đã hoàn thành giải ngân 100% hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An…

Tuy nhiên, có 8 địa phương giải ngân dưới 80% so với số hồ sơ thẩm định là Hưng Yên (52,44%), Bà Rịa – Vũng Tàu (61,3%), Đà Nẵng (61,34%), Ninh Bình (69,6%), Vĩnh Long (70,69%), Tây Ninh (72,92%), Bình Dương (76,39%), Hải Phòng (78,44%).

Ngoài ra, còn 13 tỉnh thành khác chưa chi trả toàn bộ tiền thuê nhà so với số thẩm định.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc giải ngân, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho báo Lao Động hay, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm, trách nhiệm chưa cao; việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm.

Trình tự, thủ tục thực hiện đã được đơn giản hóa, nhưng trong thực hiện tại một số địa phương yêu cầu người lao động cung cấp các giấy tờ bổ sung để chứng minh về tình trạng ở thuê, ở trọ như hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký kinh doanh của chủ nhà trọ, giấy đăng ký tạm trú,…; kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ để xác minh tình trạng cư trú của người lao động.

Hội An

Vụ khai thác trái phép 1.5 triệu tấn quặng: Chủ mưu khai đã đưa tiền cho ai?

Hai cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng (trái) và Nguyễn Thanh Dương, trước đó bị bắt giam vì liên quan đến vụ khai thác trái phép trên 1,5 triệu tấn quặng. (Ảnh từ cơ quan công an)

Bị can Nguyễn Mạnh Thừa bị cáo buộc thu lợi bất chính trên 177 tỷ đồng, khai nhận đưa tiền cho cán bộ nguyên là lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành tại Lào Cai và cán bộ Thanh tra Chính phủ.

VKSND tỉnh Lào Cai đã hoàn tất cáo trạng trong vụ án khai thác trái phép trên 1,5 triệu tấn quặng apatit các loại tại khai trường 18, xã Đồng Tuyển, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Số quặng khai thác trái phép được định giá trên 610 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, bị can Nguyễn Mạnh Thừa, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và xây dựng Lilama (Công ty Lilama), là chủ mưu vụ án, phải chịu trách nhiệm về tội “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.

Bị can Nguyễn Quang Huy, cựu Tổng giám đốc Công ty Apatit Việt Nam, phải chịu trách nhiệm về tội “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, vì đã trao đổi, bàn bạc, thương thảo ký các hợp đồng kinh tế mua bán quặng apatit với Nguyễn Mạnh Thừa và chỉ đạo cấp dưới khai thác trái phép và tiêu thụ tổng số 1,3 triệu tấn quặng.

Trong vụ án này, bị can Nguyễn Mạnh Thừa đã chiếm hưởng trái phép số tiền trên 177 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, bị can Thừa khai nhận đã sử dụng 2,1 tỷ đồng để mua 1 lô đất tại phường Bắc Cường, TP. Lào Cai, rồi để con trai đứng tên; chuyển 40,8 tỷ đồng để mua cổ phần tại Công ty Cổ phần Tả Phời; rút 5 tỷ đồng từ tài khoản cá nhân chuyển sang mở tài khoản tiết kiệm mang tên con gái tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Lào Cai.

Bị can Thừa cũng đưa tiền cho 2 con dâu để gửi tiết kiệm tại các ngân hàng; dùng 6,5 tỷ đồng mua 2,22 ha đất ngoài phạm vi dự án 3,77 ha được cấp chứng nhận đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn để khai thác quặng trái phép…

Số tiền còn lại, bị can Thừa khai dùng vào nhiều việc khác và đưa cho một số cán bộ nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Lào Cai; lãnh đạo Công ty Apatit Việt Nam; một số cá nhân là cán bộ Thanh tra Chính phủ và các cá nhân khác.

Cũng theo cáo trạng, về nội dung bị can Thừa đưa tiền cho các cá nhân đang tiếp tục được điều tra.

Trước đó, hồi tháng 6, công an Lào Cai đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và ra các quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 4 bị can: Nguyễn Thanh Dương (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai); Lê Ngọc Hưng (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai); Mai Đình Định (cựu Bí thư Thành ủy Lào Cai, cựu Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lào Cai); Phan Văn Cương (Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai).

Phạm Toàn

Người đàn ông 70 tuổi bị tố cáo dâm ô bé gái suốt 7 năm, tung ảnh ‘nóng’ đe dọa

Một người đàn ông 70 tuổi, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, bị tố cáo đã dâm ô, xâm hại bé gái nhiều lần, trong nhiều năm từ năm học lớp 5. Sau 7 năm liên tục bị đe dọa và dâm ô, nạn nhân muốn chấm dứt thì bị người này tung ảnh “nóng” đe dọa, uy hiếp.

Bị đe dọa, dâm ô suốt nhiều năm từ khi còn nhỏ, nạn nhân khi trưởng thành muốn chấm dứt thì bị tung ảnh “nóng” đe dọa. (Ảnh minh họa: Aslysun/Shutterstock)

Theo truyền thông nhà nước, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã tiếp nhận đơn của bà L.T.L (SN 1975, ngụ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tố cáo người hàng xóm là ông M. (SN 1952) có hành vi xâm hại, đe dọa con gái mình là cháu B. (SN 2004, tên nạn nhân đã được đổi) từ khoảng năm 2015, 2016 tới nay.

Bà L. cho hay bà có 3 con, cháu B. là con thứ hai. Do chồng mất sớm, bà thường buôn bán ngoài chợ từ sáng sớm tới đầu giờ chiều mới về nhà. Ông M. là hàng xóm, được nhiều người tin tưởng nên thi thoảng bà có gửi hai chị em B. nhờ ông đưa đi học, đi họp phụ huynh giúp.

Thấy cháu B. hiền lành, siêng học, chăm phụ giúp mẹ nên bà không hay biết những chuyện đã xảy ra với con suốt những năm qua.

Ngày 8/8 vừa qua, cháu B. đã gọi điện cầu cứu mẹ, nói đã bị ông M. dâm ô, xâm hại nhiều lần kể từ khi cháu học lớp 5 cho đến nay, tức năm 11, 12 tuổi (khoảng năm 2015 và 2016).

Việc xâm hại diễn ra nhiều lần, trong nhiều năm. Ông M. thường uy hiếp, đe dọa cháu B, áp chế để cháu không được kể với gia đình, Sau này, ông M. thỉnh thoảng cho B. từ 200 – 500 ngàn đồng sau khi thực hiện xâm hại, dọa sẽ tung ảnh “nóng” đã lén chụp nếu B. nói cho người khác biết hoặc từ chối quan hệ với ông M.

Gần đây, cháu B. nhận thức được sự việc, muốn đi học đại học sau khi tốt nghiệp THPT nên nói rõ với ông M không đồng ý quan hệ nữa.

Đầu tháng 8 vừa qua, hai người bạn cùng làm thêm với B. bất ngờ nhận được các ảnh “nóng” của B. qua Zalo của tài khoản “Tường Phạm”. Một trong hai người đã chụp lại được màn hình tin nhắn, hình ảnh gửi tới, hẹn với B. ra gặp riêng, nói lại sự việc (người còn lại bị người gửi thu hồi tin nhắn ngay sau đó).

B. hoảng sợ vì những hình ảnh mà bạn nhận được cũng được chính ông M. gửi qua Zalo vào điện thoại của B. Quá hoảng sợ, B. có ý định tự tử. Được một bạn nữ động viên, đưa về nhà, B. gọi điện cầu cứu mẹ.

Sau khi bà L. gửi đơn tố cáo sự việc tới các cơ quan chức năng. Ngày 11/8, công an đã mời cháu B. lên lấy lời khai, đưa đi giám định và tiến hành xác minh, giữ điện thoại.

Bà L. cho hay gia đình, con cái ông M. đã biết chuyện, có qua nhà gặp nói chuyện nhưng gia đình bà không đồng ý, muốn xử lý bằng pháp luật.

Ngày 24/8, VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gửi giấy báo tin, cho hay ngày 19/8 đã nhận được đơn tố giác ghi ngày 11/8 của bà L., hiện đã chuyển đơn tố giác của bà L. đến Cơ quan CSĐT công an huyện Châu Đức để giải quyết đơn theo thẩm quyền.

Nguyễn Sơn

Related posts