Mỹ đã yêu cầu AMD và NVIDIA ngừng xuất khẩu các chip trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu sang Trung Quốc, dẫn đến sự tách biệt về công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Ngoài ra, việc Chính phủ Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) sử dụng AI để tiến hành giám sát và các hành vi vi phạm nhân quyền khác cũng liên tục bị phanh phui.
Mỹ cấm xuất khẩu chip AI hàng đầu
Theo Reuters đưa tin, công ty thiết kế chip của Mỹ NVIDIA cho biết vào ngày 31/8 rằng họ đã nhận được lệnh ngừng xuất khẩu hai chip máy tính hàng đầu của mình sang Trung Quốc để phục vụ công việc trí tuệ nhân tạo. Điều này đã cản trở một trong những hoạt động kinh doanh của công ty đạt doanh thu lên tới 400 triệu USD trong quý này.
Cùng ngày, một phát ngôn viên của AMD cũng cho biết, cơ quan chức năng Mỹ đã thông báo cho công ty ngừng xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo cấp cao nhất sang Trung Quốc.
NVIDIA cho biết, lệnh cấm ảnh hưởng đến các chip A100 và H100 của họ, được thiết kế để tăng tốc các tác vụ máy học, và có thể cản trở việc hoàn thành phát triển H100, con chip hàng đầu của công ty được công bố vào đầu năm nay. Thông tin này đã khiến cổ phiếu của NVIDIA giảm khoảng 3% trong giao dịch sau giờ làm việc trên Nasdaq.
Thông tin của Reuters cho biết, thông báo này báo trước một sự leo thang lớn trong căng thẳng công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu không có chip của Mỹ từ NVIDIA và đối thủ AMD, các tổ chức Trung Quốc sẽ không thể thực hiện hiệu quả chi phí tính toán nhanh cho nhiều tác vụ như nhận dạng hình ảnh, video và giọng nói.
Người phát ngôn của AMD cho biết, lệnh cấm xuất khẩu mới đã ngăn cản việc xuất khẩu chip MI250 của họ sang Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty cho rằng chip MI100 của họ không bị ảnh hưởng bởi các yêu cầu mới. AMD cho biết họ không cho rằng các quy tắc mới sẽ có tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của mình. Cổ phiếu Nasdaq của AMD giảm 2% trong phiên giao dịch sau giờ làm việc.
Chính phủ Trung Quốc lợi dụng AI để xâm phạm nhân quyền
Vào ngày 31/8, thông tin từ trang web chính thức của Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết, một báo cáo được chờ đợi từ lâu về nhân quyền ở Tân Cương của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) đã kết luận rằng: Tại Tân Cương có tồn tại “hành vi xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng” nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo chủ yếu khác.
Vào tháng Năm năm nay, bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đã đến thăm Tân Cương, Trung Quốc. Báo cáo Nhân quyền Tân Cương, được công bố vào ngày tại nhiệm cuối cùng của bà (ngày 31/8), cho biết:
Trong các ngôn từ mạnh mẽ ở cuối báo cáo, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết mức độ giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm khác có thể là “trong tình huống hạn chế và tước đoạt quyền cơ bản cần có của cá nhân và nhóm người một cách phổ biến, mức độ giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm người khác có khả năng cấu thành hành vi phạm tội quốc tế, đặc biệt là tội ác chống lại loài người (Crimes against humanity).”
AI (Artificial intelligence, trí tuệ nhân tạo) được Chính phủ Trung Quốc sử dụng rộng rãi để xâm phạm nhân quyền.
Ví dụ, công ty AI nổi tiếng ở Trung Quốc SenseTime, chính thức được niêm yết tại Hồng Kông vào ngày 30/12/2021, trở thành cổ phiếu AI đầu tiên tại Hồng Kông. Sự chống lưng của các quỹ thuộc sở hữu nhà nước là cứu tinh lớn nhất để SenseTime được niêm yết.
Hệ thống nhận dạng khuôn mặt của SenseTime đã hai lần bị Mỹ đưa vào danh sách đen vì được Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để giám sát người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Một số nhà quan sát cho rằng SenseTime là “đồng phạm” của ĐCSTQ trong việc xây dựng Skynet (thiên võng). Phần mềm giám sát mà công ty này phát triển tham gia vào bức hại nhân quyền, vi phạm đạo đức phát triển AI và hoàn toàn không nên tồn tại.
Vào ngày 10/12/2021, SenseTime bị Mỹ liệt vào danh sách đen cấm Mỹ đầu tư vào “công ty phức hợp công nghiệp – quân sự Trung Quốc”, với lý do hỗ trợ Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp nhân quyền của các nhóm thiểu số Hồi giáo như người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Theo đơn xin cấp bằng sáng chế của SenseTime, khả năng nhận dạng của phần mềm trí tuệ nhân tạo của công ty này có thể xác định người Duy ngô Nhĩ ngay cả có râu, đeo kính râm và đeo khẩu trang.
Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo cũng được ĐCSTQ sử dụng trong nội bộ thể chế để sàng lọc mức độ trung thành của các thành viên của ĐCSTQ.
Vào ngày 1/7 năm nay, Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo thuộc Trung tâm Khoa học tổng hợp Quốc gia ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc đã phát hành một đoạn video “Thành tựu nghiên cứu khoa học” dài khoảng 2 phút 12 giây.
Trong phim, người dẫn chuyện cho biết, cơ quan này đã tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo vào tổ chức sinh hoạt đảng, thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo để lấy ra đặc trưng sinh học của đảng viên, bao gồm đặc trưng biểu cảm, đặc trưng sóng điện não, đặc trưng phản ứng da điện (galvanic skin response,GSR), sau đó tiến hành phân tích dung hợp để phán đoán hiệu quả học tập các bài học đảng, phán đoán độ chuyên chú, mức độ chấp nhận và mức độ nắm vững của đảng viên khi được giáo dục tư tưởng, chính trị.
Văn Long, Vision Times