Giá năng lượng và thực phẩm tăng cao đang khiến bất mãn xã hội trở nên lan tràn. Từ quý 2 đến quý 3, nhiều quốc gia châu Âu ghi nhận sự gia tăng rủi ro bất ổn xã hội ở mức cao nhất.
Theo một công ty tư vấn rủi ro, các quốc gia giàu có nhất châu Âu phải đối mặt với nguy cơ bất ổn dân sự gia tăng trong mùa đông, bao gồm các cuộc biểu tình trên đường phố, do giá năng lượng cao và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao.
Nhà phân tích chính Torbjorn Soltvedt của công ty tư vấn Verisk Maplecroft nói với Reuters rằng, cả Đức và Na uy đều là những nước có nền kinh tế phát triển đang chứng kiến sự gián đoạn trong cuộc sống hàng ngày gây ra bởi các hoạt động phản kháng của người lao động, một xu hướng đã được thấy ở Vương quốc Anh.
Báo cáo mới nhất của Verisk về chỉ số bất ổn dân sự cho thấy hơn 50% trong số gần 200 quốc gia trên thế giới được đề cập trải qua sự gia tăng rủi ro bất ổn hàng loạt trong khoảng thời gian từ quý 2 đến quý 3 năm 2022. Đây là số lượng quốc gia lớn nhất kể từ khi công ty công bố chỉ số này vào năm 2016.
Theo báo cáo được công bố hôm thứ 6 (02/09), danh sách các quốc gia có sự gia tăng rủi ro dự kiến lớn nhất bao gồm Bosnia và Herzegovina, Thụy Sĩ và Hà Lan.
Ông Soltvedt nói: “Trong mùa đông, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một số quốc gia phát triển ở châu Âu bắt đầu chứng kiến những hình thức bất ổn dân sự nghiêm trọng hơn”.
Cuộc chiến của Ukraine kể từ ngày 24/02 đã thúc đẩy sự gia tăng giá thực phẩm, đạt mức kỷ lục mọi thời đại vào tháng 2 và một lần nữa đạt kỷ lục vào tháng 3. Giá năng lượng cũng tăng mạnh với việc châu Âu nhận thấy mình là trung tâm bị ảnh hưởng.
Nhà phân tích trưởng Jimena Blanco cho biết thêm: “Và chúng ta vẫn còn một số ảnh hưởng từ đại dịch COVID góp phần tạo ra tình hình hiện nay, với sự gián đoạn chuỗi cung ứng hiện tại”.
Hạn hán mang tính tàn phá và mực nước thấp ở nhiều nơi trên thế giới đã làm trầm trọng thêm việc giá thực phẩm và năng lượng cao.
Theo báo cáo, từ các phong trào hòa bình đến các cuộc biểu tình bạo lực, việc tăng giá các loại thực phẩm chính cũng giải thích cho sự gia tăng bất mãn trong xã hội đang lan tràn trong cả các thị trường phát triển và mới nổi.
Mauritius, Cyprus và Ukraine trải qua sự gia tăng bất ổn xã hội lớn nhất trong quý thứ ba so với quý thứ hai, với Nga ở vị trí thứ bảy và Na Uy ở vị trí thứ mười ba trong danh sách.
Bảo Nguyên
Theo The Epoch Times
Cộng hòa Séc: 70.000 người biểu tình chống chính phủ do chi phí tăng vọt
Khoảng 70.000 người đã tập trung tại trung tâm thủ đô Praha vào ngày 3/9/2022 để phản đối các chính sách kinh tế và đối ngoại của chính phủ Séc.
Cuộc biểu tình lớn mang tên “Cộng hòa Séc trên hết” thể hiện sự bất mãn với lạm phát gia tăng do giá năng lượng cao, với chính sách COVID-19, và với lượng người nhập cư lớn, theo DW đưa tin.
Cảnh sát ước tính khoảng 70.000 người đã tham gia cuộc biểu tình, và cho biết sự kiện kéo dài ba giờ đồng hồ này đã diễn ra mà không gặp bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào.
Các nhà tổ chức cuộc biểu tình cho biết Cộng hòa Séc nên trung lập về mặt quân sự và đảm bảo các hợp đồng trực tiếp với các nhà cung cấp khí đốt, bao gồm cả Nga, theo DW cho hay.
Những người biểu tình lên án chính phủ ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và cáo buộc chính phủ không thể đối phó với giá năng lượng tăng vọt.
Họ lên án chính phủ quan tâm đến Ukraina nhiều hơn đến các công dân của chính mình.
“[Mang] điều tốt đẹp nhất cho người Ukraina, và [mang] hai chiếc áo len cho chúng tôi”, một biểu ngữ trong cuộc biểu tình đề cập đến mối lo ngại của người dân về chi phí sưởi ấm trong mùa đông.
Cũng như các nước láng giềng châu Âu, giá năng lượng tại Cộng hòa Séc đã tăng vọt trong một năm qua. Giá điện ngày 2/9/2022 gấp gần 5,5 lần giá điện một năm trước, còn giá dầu sưởi đã tăng gấp đôi.
Lạm phát hàng năm tại quốc gia này đạt 17,3% vào tháng 7/2022. Chỉ số giá lương thực tăng 19,7%, giao thông tăng 23,8% so với năm 2021.
Các bộ trưởng tài chính G7 hôm 2/9/2022 đã thống nhất áp đặt một giới hạn giá cho dầu của Nga, còn Nga cho biết sẽ cắt đứt nguồn cung cấp dầu cho bất kỳ quốc gia nào tham gia vào kế hoạch đó.
Nga sau đó đã thông báo hoãn mở lại đường ống dẫn khí Nord Stream 1 do sự cố “rò rỉ dầu”, khiến căng thẳng năng lượng tại châu Âu tiếp tục gia tăng.
Mùa đông lạnh giá sắp tới làm dấy lên nhiều lo ngại tại châu Âu về khả năng sưởi ấm. “Mọi người đang bị buộc lâm vào cảnh không có thức ăn hay khả năng sưởi ấm… Hậu quả về mặt sức khỏe sẽ rất thảm khốc… Đây là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe. Mọi người phải đối mặt với cái chết và sự tuyệt vọng”, Christopher Thomas — Trưởng ban Y tế và Thịnh vượng tại Viện Nghiên cứu Chính sách công của Anh (IPPR) — tuyên bố trong một bài viết.
Những nhà tổ chức biểu tình đe dọa rằng nếu chính phủ không từ chức trước ngày 25/9/2022, họ sẽ công bố các hành động cưỡng chế, theo tờ báo địa phương Blesk đưa tin.
“Chúng tôi yêu cầu thành lập một chính phủ lâm thời bao gồm các chuyên gia và [chúng tôi] kêu gọi bầu cử sớm. Nếu chính phủ không từ chức trước ngày 25/9, chúng tôi sẽ tuyên bố quyền phản kháng theo Hiến pháp của Cộng hòa Séc tại một cuộc biểu tình toàn quốc và thông báo các hành động cưỡng chế. Chúng tôi đang đàm phán với các tổ chức công đoàn, doanh nhân, nông dân, thị trưởng, vận tải, và các tổ chức khác để tuyên bố đình công”.
Họ đang lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình nữa vào ngày 28/9/2022.
Một phân tích mới từ hãng tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft cho hay, rủi ro bất ổn dân sự tại châu Âu dự kiến sẽ tăng cao do cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại.
Về phía chính phủ Cộng hòa Séc, Thủ tướng Petr Fiala nói rằng cuộc biểu tình này được vận động bởi các lực lượng có khuynh hướng thân Nga, gần với các lập trường cực đoan, và đi ngược lại lợi ích quốc gia, theo tờ Blesk đưa tin.
“Sự thể hiện của các sự kiện mà tôi có cơ hội được thấy cho đến nay chỉ ra các thái độ thân Nga, và theo quan điểm của tôi, điều này không phù hợp với lợi ích của Cộng hòa Séc và công dân của chúng ta”, Thủ tướng Fiala cho biết thêm.
Cao Dương