Con số thiệt hại từ trận lũ lụt kinh hoàng ở Pakistan tiếp tục tăng vào thứ Bảy (03/9) với ít nhất 57 người thiệt mạng, hơn 7.600 người bị thương, khi đất nước phải vật lộn với một hoạt động cứu trợ và cứu hộ ở quy mô gần như chưa từng có.
Những trận mưa gió mùa kỷ lục và các sông băng tan chảy ở vùng núi phía Bắc kéo theo lũ lụt đã ảnh hưởng đến 33 triệu người (15% dân số) và khiến ít nhất 1.265 người thiệt mạng, trong đó có 441 trẻ em, đồng thời phá hủy cơ sở hạ tầng và làm ngập lụt 2 triệu mẫu đất nông nghiệp. Tình trạng ngập lụt, nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, vẫn đang lan rộng.
Tỷ lệ trẻ em tử vong đã gây lo ngại. Hôm thứ Sáu Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo nguy cơ sẽ có nhiều trẻ em tử vong vì bệnh tật sau lũ lụt.
Tỉnh Sindh ở phía Nam đất nước là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 38 người thiệt mạng và hơn 7.200 người bị thương, tiếp đến là tỉnh Khyber Pakhtunkhwa và tỉnh phía đông Punjab. Hơn 320.600 ngôi nhà bị phá hủy, gần 3.800 gia súc bị chết.
Người đứng đầu Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia cho biết trong một cuộc họp cấp cao rằng, những trận lũ lụt nhấn chìm một phần ba đất nước trước 4 đợt nắng nóng và nhiều đợt cháy rừng hoành hành. Một thảm họa thiên nhiên được Thủ tướng nước này Shebaz Sharif mô tả là “tồi tệ nhất lịch sử”.
“Năm 2022 mang lại một số thực tế khắc nghiệt về biến đổi khí hậu đối với Pakistan”, người đứng đầu Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia, ông Akhtar Nawaz nói trong một cuộc họp báo trước lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Ông nói: “Năm nay chúng tôi không được thấy mùa xuân – chúng tôi phải đối mặt với bốn đợt nắng nóng gây ra cháy rừng quy mô lớn trên cả nước”.
Đám cháy đặc biệt nghiêm trọng ở tỉnh Balochistan, phía tây nam đất nước, đã phá hủy nhiều rừng thông và các thảm thực vật khác.
Balochistan đã hứng chịu lượng mưa nhiều hơn 436% so với mức trung bình trong 30 năm của đợt gió mùa này.
Cơ quan này cho biết thêm, tỉnh đã chứng kiến sự tàn phá trên diện rộng, bao gồm cả việc cuốn trôi các mạng lưới đường sắt và đường bộ quan trọng cũng như sự cố về cơ sở hạ tầng viễn thông và điện năng.
Nước này đã hứng chịu lượng mưa nhiều hơn gần 190% so với mức trung bình 30 năm trong quý tính đến tháng 8, tổng cộng là 390,7 milimét (15,38 inch). Tỉnh Sindh, với dân số 50 triệu người, bị ảnh hưởng nặng nề nhất, lượng mưa nhiều hơn 464% so với mức trung bình 30 năm.
Viện trợ đã đến từ một số quốc gia, với chuyến bay hỗ trợ nhân đạo đầu tiên từ Pháp hạ cánh vào sáng thứ Bảy (03/9) tại Islamabad. Tuy nhiên, nhóm từ thiện lớn nhất của Pakistan cho biết vẫn còn hàng triệu người chưa được tiếp cận nhờ các nỗ lực cứu trợ và viện trợ.
Ước tính ban đầu về thiệt hại của đất nước này là 10 tỷ USD, nhưng các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành cùng với các tổ chức quốc tế.
Liên Hợp Quốc đã kêu gọi viện trợ 160 triệu USD để giúp giải quyết điều mà họ cho là “thảm họa khí hậu chưa từng có”. Trong khi đó, hải quân Pakistan đã tiến vào đất liền để thực hiện các hoạt động cứu trợ ở những khu vực bị ngập lụt giống như biển.
Tính đến tối 02/9, ít nhất 17 trẻ em và 18 phụ nữ nằm trong số những người thiệt mạng trong các sự cố liên quan đến tình hình thiên tai diễn biến phức tạp trên khắp cả nước.
Giới chức trách Pakistan đổ lỗi cho tình trạng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra lũ lụt chưa từng thấy tại nước này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tích cực làm việc với chính phủ Pakistan để ứng phó với sự bùng phát của bệnh tiêu chảy, dịch tả, trong khi cũng cảnh báo lũ lụt còn có nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc bệnh sốt rét và sốt xuất huyết trong các khu dân cư.
Tổ chức từ thiện kêu gọi Pakistan dỡ bỏ lệnh cấm đối với một số tổ chức cứu trợ phi chính phủ
Tổ chức từ thiện lớn nhất Pakistan, Edhi Foundation, hôm thứ Sáu đã thúc giục chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm đã có từ lâu đối với một số tổ chức phi chính phủ quốc tế để họ có thể giúp đỡ trong các nỗ lực cứu trợ sau trận lũ lụt thảm khốc.
“Tôi kêu gọi chính phủ ngay lập tức dỡ bỏ lệnh cấm đối với các tổ chức phi chính phủ quốc tế trong một năm để họ có thể giúp đỡ người dân”, ông Faisal Edhi, giám đốc của Edhi Foundation, nói với các phóng viên hôm thứ Sáu.
Pakistan bắt đầu đàn áp các tổ chức phi chính phủ quốc tế gần một thập kỷ trước, cáo buộc họ có “các hoạt động chống nhà nước” ở Pakistan. Đến năm 2018, một số người trong số họ đã chính thức được yêu cầu rời đi trên cơ sở các đạo luật mới và chặt chẽ hơn của nước này.
Ông Edhi nói rằng họ nên được phép quay trở lại.
Các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã hoạt động tích cực khi Pakistan bị lũ lụt năm 2010 và trận động đất kinh hoàng năm 2005 và đóng một vai trò quan trọng trong công tác cứu trợ và phục hồi.
Chính phủ đang phải vật lộn để ứng phó với những trận lũ lụt hiện tại với cường độ lớn chưa từng có.
Ông Edhi, người trở về thành phố cảng Karachi sau 9 ngày ở các vùng bị lũ lụt, mô tả tình hình thật tồi tệ.
Ông nói: “Tình hình rất tồi tệ, và có vẻ sẽ còn tồi tệ hơn nữa”.
Một trong những tổ chức phi chính phủ nổi tiếng nhất bị cấm và trục xuất là Save The Children, tổ chức mà chính phủ liên kết với một bác sĩ Pakistan được CIA tuyển dụng để giúp đỡ trong cuộc săn lùng dẫn đến cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden ở Abbottabad.
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, đã hoạt động ở Pakistan trong 35 năm, đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào và lệnh cấm đã được đảo ngược vài ngày sau đó. Tổ chức này hiện đang hoạt động tích cực tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Pakistan. Tuy nhiên, các tổ chức khác vẫn tiếp tục bị cấm.
Lam Giang