TT Zelensky tuyên bố Ukraine đã chiếm lại được ba địa khu ở phía nam và phía đông
The flag of Ukraine was raised above the hospital building in Vysokopillia by the heroes. #kherson will be free from the occupiers #Ukraine pic.twitter.com/1URgUH7Wx7
— Ukraine updates (@ukrdailyvideos) September 4, 2022
Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm Chủ nhật (4/9) tuyên bố rằng Ukraine đã thu được một số thắng lợi trong các cuộc phản công và giành lại được hai khu định cư ở phía nam, một ở phía đông.
Trong bài phát biểu video hàng đêm của mình, TT Zelensky đã cảm ơn các lực lượng của đất nước đã giải phóng một khu định cư ở khu vực Donetsk, chiếm lại được một phần khu vực phía đông theo hướng Lysychansk-Siversk và đã giải phóng hai khu định cư khác ở phía nam.
Ông không cho biết chính xác vị trí của các vùng lãnh thổ và không cung cấp mốc thời gian cụ thể ngoại trừ việc nói rằng ông đã nhận được “báo cáo tốt” tại một cuộc họp vào Chủ nhật từ các chỉ huy quân sự và người đứng đầu cơ quan tình báo của mình.
Kyrylo Tymoshenko, phó văn phòng Tổng thống, trước đó vào Chủ nhật đã đăng hình ảnh các binh sĩ giương cao lá cờ Ukraine trên một ngôi làng mà ông cho là nằm ở khu vực phía nam.
“Vysokopillya. Vùng Kherson. Ukraine. Hôm nay”, ông Tymoshenko viết trong một bài đăng trên Facebook về bức ảnh ba người lính trên các mái nhà – được cho là một bệnh viện trong làng, và một trong số họ đang chỉnh trang lại lá cờ Ukraine.
Yuriy Sobolevskyi, phó chủ tịch thứ nhất của Hội đồng Kherson Oblast, cũng thông báo trên Telegram rằng Vysokopillia đã được giải phóng khỏi sự kiểm soát của Nga. Khu vực này rất quan trọng bởi vì nó là một vị trí chiến lược ở cửa sông Dnepr đổ ra Biển Đen.
Nằm ngay phía bắc bán đảo Crimea, nơi bị Moscow xâm lược và sáp nhập vào tháng 2 và tháng 3 năm 2014, khu vực Kherson đã bị lực lượng Nga chiếm giữ ngay từ đầu trong cuộc xung đột hiện nay.
Trong khi đó, khu vực Lysychansk đã bị phe ly khai thân Nga ở vùng Luhansk tuyên bố chủ quyền vào đầu tháng 7.
Lê Vy
Ấn Độ phát triển mũ bảo hiểm kèm lọc không khí
Theo hãng tin ABC, loại mũ bảo hiểm do start-up Shellios Technolabs (Ấn Độ) phát triển, trong đó gắn bộ lọc và một chiếc quạt phía sau, có thể loại bỏ hơn 80% chất ô nhiễm trong không khí.
Chính phủ Ấn Độ khuyến khích người dân khi lái xe hai bánh sử dụng mũ bảo hiểm có gắn bộ lọc và một chiếc quạt ở phía sau, trong bối cảnh thủ đô New Delhi sắp đón mùa đông.
Theo Shellios Technolabs, sản phẩm này có tên Puros và là mũ bảo hiểm đầu tiên có khả năng lọc không khí. Số liệu khi sử dụng ngoài trời cho thấy nó có thể loại bỏ hơn 80% chất ô nhiễm trong không khí. Thử nghiệm năm 2019 của phóng viên Reuters cũng xác nhận chiếc mũ bảo hiểm này cắt giảm đáng kể nồng độ bụi mịn.
Năm 2021, Ấn Độ có tới 35/50 thành phố được xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới. Vấn đề nhức nhối này khiến các cơ quan nhà nước đầu tư vào Shellios, start-up do kỹ sư điện Amit Pathak thành lập sản xuất mũ bảo hiểm trong một tầng hầm vào năm 2016.
“Chỉ những người dân Ấn Độ chính gốc mới nghĩ ra điều này vì chúng tôi có những thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy một chiếc máy lọc không khí ở trong văn phòng. Tuy nhiên, với những người lái xe hai bánh giao đồ ăn hoặc làm nghề thương mại, họ hoàn toàn không được bảo vệ gì cả và phải hít thở không khí độc hại”, ông Pathak nói về ý tưởng đằng sau chiếc mũ bảo hiểm kiêm lọc không khí.
Từ ý tưởng giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, công ty của ông đã thiết kế một chiếc mũ bảo hiểm có bộ phận lọc không khí. Mỗi chiếc mũ có trọng lượng khoảng 1,5 kg, nặng hơn so với các loại thông thường và được bán lẻ với giá 4.500 rupee (56 USD).
Shellios Technolabs kỳ vọng nhược điểm này có thể giải quyết bằng một phiên bản nhẹ hơn được làm từ vật liệu nhựa nhiệt dẻo thay vì sợi thủy tinh. Sự thay đổi vật liệu cũng giúp giảm giá thành sản phẩm, dự kiến ra mắt trong vài tháng tới nhằm đáp ứng nhu cầu vào thời điểm mùa đông ở Ấn Độ.
Sản phẩm này có khả năng tái sử dụng tốt, với màng lọc có thể thay thế và quạt chạy bằng pin có thể hoạt động 6 giờ liên tục, trang bị cổng Micro USB để sạc.
“Bạn sẽ hoàn toàn không cảm nhận được sự ô nhiễm khi đội chiếc mũ bảo hiểm này. Nó mang đến cảm giác như đang hít thở không khí trong ngôi nhà và thực sự rất thoải mái”, người dùng Rahul trả lời Reuters.
Pathak tự tin sản phẩm này có thể thành công rực rỡ ở Ấn Độ, nơi có thị trường xe 2 bánh lớn nhất thế giới với nhu cầu hàng năm ước tính lên tới 30 triệu mũ bảo hiểm.
Theo nhà sáng lập Shellios Technolabs, một số quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam cũng bày tỏ sự quan tâm đến sản phẩm này của công ty.
Phan Anh
Đại sứ Mỹ tại Nga John J. Sullivan hết nhiệm kỳ và sẽ nghỉ hưu
Đại sứ Mỹ tại Nga John J. Sullivan đã rời nhiệm sở vào Chủ Nhật (4/9) và sẽ nghỉ hưu, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow loan báo.
Trong tuyên bố phát đi hôm 4/9, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow cho hay: “Đại sứ Mỹ tại Nga John J. Sullivan đã kết thúc nhiệm kỳ và hôm nay đã rời Moscow”.
“Đại sứ Sullivan được bổ nhiệm vào tháng 12/2019 và đã làm Đại sứ tại Nga được gần 3 năm”, tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ nói thêm.
Ông Sullivan được Tổng thống Trump đề cử và Thượng viện Mỹ với sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả hai đảng chuẩn thuận làm đại sứ Mỹ tại Nga vào tháng 12/2019. Tổng thống Biden sau đó tiếp tục giữ ông Sullivan tại nhiệm.
“Sau khi rời nhiệm sở, ông Sullivan sẽ rút lui khỏi sự nghiệp công chức kéo dài qua 4 thập kỷ và 5 đời tổng thống, từng đảm nhiệm vị trí thứ trưởng tại các bộ Tư pháp, Quốc phòng và Thương mại”, theo tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ.
Đại sứ quán Mỹ tại Nga loan báo bà Elizabeth Rood sẽ đảm nhiệm vai trò đại biện lâm thời sau khi ông Sullivan rời nhiệm và cho đến khi chính quyền Mỹ bổ nhiệm được vị đại sứ mới.
Trước khi rời Nga, ông Sullivan hôm thứ Bảy (3/9) đã tham dự lễ tang cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Ông Sullivan lãnh đạo đại sứ quán Nga vào thời điểm Nga điều động quân đội xâm lược Ukraine từ ngày 24/2/2022. Ông là người giữ liên lạc chính giữa Mỹ và Nga từ sau khi chiến sự bùng nổ.
Nhiều tháng trước, ông Sullivan đã kết luận rằng mối quan hệ Nga-Mỹ đã rớt xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.
Trước khi xảy ra chiến tranh, ông Sullivan vào tháng 4/2021 đã một lần phải trở về nước tham vấn do mối quan hệ ngoại giao Mỹ-Nga trở lên căng thẳng vì các phát ngôn của Tổng thống Biden liên quan đến người đồng cấp Putin.
Thời điểm đó, các quan chức tại Moscow “đã đề nghị” ông Sullivan hãy làm theo gương đại sứ Nga tại Mỹ khi vị này bị Điện Kremlin triệu hồi về nước sau phát biểu của ông Biden gọi ông Putitn là “kẻ sát nhân”.
Hải Đăng
Nguy cơ Trung Quốc thôn tính Đài Loan thông qua việc gây ra nạn đói
Báo Washington Examiner hôm 3 tháng 9 đưa tin, giới chức Đài Loan thừa nhận rằng các cuộc tập trận quân sự gần đây của Trung Quốc đang làm dấy lên viễn cảnh về một cuộc phong tỏa nhằm thôn tính Đài Loan thông qua việc gây ra nạn đói và thiếu thốn các nguồn tài nguyên quan trọng khác.
Thứ trưởng Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan Junne-Jih Chen nói với báo giới: “Vâng. Đây là kịch bản tiềm tàng. Chúng tôi đã đang gia tăng nguồn cung thực phẩm của chúng tôi và chúng tôi đã đang lên kế hoạch về các nguồn cung thực phẩm thay thế”.
Còn ông Marcin Jerzewski, lãnh đạo văn phòng Đài Loan của Trung tâm các Giá trị châu u về Chính sách An ninh, cho biết: “Đài Loan phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu tất cả các loại… năng lượng, nhiên liệu, và phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu nông sản. Vậy nên tôi cho rằng sẽ là thực sự cấp bách cho Đài Loan để xem xét cách thức đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp theo hướng mà có thể khiến cho đảo quốc tự chủ lương thực hơn”.
Thứ trưởng Junne-Jih Chen cho biết Đài Loan sẽ yêu cầu nước ngoài vận chuyển hàng hóa nhanh chóng cho đảo quốc nếu xảy ra khủng hoảng quân sự.
Ông Junne-Jih Chen nói: “Về an ninh lương thực tại Đài Loan, chúng tôi đã đang thiết lập các biện pháp bao quát để bảo đảm đủ nguồn cung lương thực cho người dân Đài Loan. Để bảo đảm an ninh lương thực tại Đài Loan, ngoài các hợp đồng mua hàng dài hạn, chúng tôi cũng hy vọng các quốc gia láng giềng có thể giúp chúng tôi nhập khẩu và chuyển lương thực đến Đài Loan kịp thời nếu cần”.
Trung tâm Lương thực và Công nghệ Phân bón cho Khu vực châu Á và Thái Bình Dương có trụ sở tại Đài Loan hồi năm 2020 đã cảnh báo: “Đài Loan là quốc gia biển đảo, nên nguồn cung lương thực phụ thuộc vào thương mại quốc tế và được coi là nguy hiểm. Trong năm 2018, khả năng tự chủ về lương thực của Đài Loan tính theo lượng calo chỉ là 35%”.
Thứ trưởng Junne-Jih Chen khẳng định các quan chức Đài Loan có kế hoạch để cung cấp đủ lương thực cho người dân, nhưng ông cũng thừa nhận hoàn cảnh đó sẽ không dễ chịu.
“Đài Loan sẽ duy trì tự chủ” ông nói trong khi suy tính về viễn cảnh bị phong tỏa. Nhưng, nếu kịch bản này xảy ra, chúng tôi sẽ không tập trung vào thực phẩm có ngon hay không. [Mà] chúng tôi sẽ tập trung vào việc chúng tôi có thể sống bằng các thực phẩm đó hay không”.
Trần Phong