Thành Đô, Thâm Quyến tiếp tục xét nghiệm diện rộng và phong tỏa do COVID-19
Trung tâm công nghệ phía nam Trung Quốc, thành phố Thâm Quyến, cho biết họ sẽ áp dụng các biện pháp kiểm dịch theo từng cấp độ bắt đầu từ thứ Hai (5/9), trong khi thành phố Thành Đô thông báo gia hạn việc phong tỏa, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục vật lộn với các đợt bùng phát COVID-19 mới.
Thâm Quyến đã phong tỏa từ thứ Bảy và công bố một đợt xét nghiệm COVID-19 mới, trong đó sẽ “điều động mọi nguồn lực sẵn có, huy động mọi lực lượng và thực hiện mọi biện pháp có thể” để dập dịch.
Tại thành phố 21 triệu dân Thành Đô, nơi bắt đầu tái phong tỏa hôm thứ Năm, cho biết họ sẽ tiếp tục gia hạn các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ và sẽ tiến hành xét nghiệm hàng loạt quy mô lớn từ thứ Hai đến thứ Tư.
Trung Quốc vẫn đang tuân thủ chính sách ZERO COVID hà khắc, ngay cả khi hầu hết các quốc gia khác đã nới lỏng các hạn chế và chọn cách sống chung với virus. Do đó, các đợt bùng phát mới trở thành nguy cơ lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Hiện tại, 33 thành phố đang bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ, ảnh hưởng đến hơn 65 triệu cư dân, theo ước tính của tạp chí tài chính Trung Quốc Caixin.
Lin Hancheng, một quan chức y tế công cộng ở Thâm Quyến, nói trong một cuộc họp báo vào cuối ngày Chủ nhật: “Hiện tại, tình hình COVID của thành phố đang nghiêm trọng và phức tạp. Số ca nhiễm mới vẫn còn tương đối cao và nguy cơ lây truyền trong cộng đồng vẫn tồn tại”.
Thành phố đã báo cáo 89 trường hợp nhiễm COVID-19 mới lây truyền tại địa phương trong ngày 3 tháng 9, so với 87 trường hợp một ngày trước đó.
Dựa trên kết quả của cuộc xét nghiệm cuối tuần, Thâm Quyến sẽ phân loại các khu vực của mình thành ba loại, phản ánh nguy cơ lây nhiễm thấp, trung bình và cao, ông Lin nói.
Ở những khu vực được coi là có nguy cơ thấp, thành phố sẽ dỡ bỏ các hạn chế, mặc dù việc phong tỏa sẽ vẫn được áp dụng ở các khu vực có nguy cơ “cao” và “trung bình”.
Ở những khu vực phát hiện có ca nhiễm, các hạn chế tạm thời sẽ được kéo dài trong ba ngày.
Nhật Minh
Thủ tướng Ukraine tới Đức, đề nghị viện trợ thêm nhiều vũ khí hơn nữa
Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal là quan chức cấp cao Ukraine đầu tiên đến thăm Đức sau nhiều tháng, theo tờ AFP đưa tin hôm 4/9 vừa qua.
Trả lời truyền thông Đức trước chuyến đi, Thủ tướng Shmygal cho biết: “Đức đã đạt được tiến bộ to lớn trong việc hỗ trợ về mặt vũ khí cho Ukraine”. Tuy nhiên, Thủ tướng Shmygal nói rằng Ukraine cần nhiều vũ khí hơn từ Đức, trong đó cả xe tăng chiến đấu hiện đại như Leopard 2. Được biết, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ tiếp đón ông Shmygal vào chiều 4/9 (giờ địa phương).
Vào buổi sáng, ông Shmygal sẽ gặp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Trước đó, hồi tháng 4, đề nghị tới Kyiv của Tổng thống Đức đã bị từ chối, qua đó gây ra tranh cãi giữa Ukraine và Đức.
Thủ tướng Olaf Scholz đã nhiều lần tuyên bố rằng Đức sẽ ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong xung đột với Nga. Nhưng trong những tuần ngay sau khi quân đội Nga đưa quân vào Ukraine, nước này cho rằng viện trợ của Đức là quá ít và quá muộn.
Chuyến thăm của ông Scholz đến Kyiv vào tháng 6 và việc Đức gửi vũ khí cho Ukraine đã giúp quan hệ 2 bên thay đổi. Trong bài phát biểu về tầm nhìn của mình đối với châu Âu, ông Scholz cho hay rằng ông thấy Đức đảm nhận trách nhiệm đặc biệt trong giúp Ukraine xây dựng hệ thống pháo binh và phòng không. Ông nói thêm rằng Đức sẽ duy trì ủng hộ Ukraine chừng nào còn cần thiết.
Về tình hình nhân đạo, Đức đã tiếp nhận gần 1 triệu người tị nạn Ukraine. Khoảng 155.000 trẻ em Ukraine đang theo học tại các trường học của Đức.
Ở một diễn biến khác, Phía Nhà Trắng cho biết hôm 2/9 vừa qua rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt gói viện trợ khẩn cấp 11,7 tỷ USD để củng cố ngân sách và quân sự cho Ukraine, theo hãng tin Reuters.
Cụ thể, yêu cầu viện trợ khẩn cấp cũng sẽ bao gồm 2 tỷ USD để giải quyết tác động từ cuộc xung đột diễn ra tại Ukraine đối với nguồn cung năng lượng của Mỹ, Shalanda Young, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB), viết trong một bài đăng trên blog.
Phan Anh
EU: Giá khí đốt chuẩn bị tăng mạnh khi Nga đóng cửa đường ống vô thời hạn
Người dân châu Âu đang chuẩn bị phải đối mặt với đợt tăng giá khí đốt cao kỷ lục sau khi Nga cho biết một trong những đường ống cung cấp chính của họ sang châu Âu sẽ đóng cửa vô thời hạn.
Trước đó, việc cắt giảm một phần dòng khí đốt từ Nga trước và sau cuộc xâm lược Ukraine hồi tháng Hai đã đẩy giá ở châu Âu lên gần 400% trong năm qua, khiến chi phí điện tăng vọt.
Châu Âu đã cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung cấp năng lượng, trong khi Moscow đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt và các vấn đề kỹ thuật của phương Tây gây ra sự gián đoạn nguồn cung.
Đường ống Nord Stream, chạy dưới Biển Baltic tới Đức, trước đây cung cấp khoảng một phần ba lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga sang châu Âu, nhưng đã chỉ chạy ở mức 20% công suất trước khi nó bị dừng vào tuần trước để bảo trì.
Nhiều người kỳ vọng rằng gã khổng lồ năng lượng của Nga Gazprom sẽ khởi động lại dòng chảy ở mức 20%, và vì vậy giá khí đốt tiêu chuẩn trên sàn TTF của Hà Lan giảm khoảng 40% từ mức cao kỷ lục ngày 26 tháng 8 xuống chỉ còn hơn 200 euro (199 USD) mỗi megawatt/giờ vào thứ Sáu.
Nhưng sau khi Nga hôm thứ Bảy tuyên bố dừng vô thời hạn đường ống để bảo trì, giá có thể sẽ tăng trở lại, các nhà phân tích cho biết.
Chi phí điện năng cao do giá khí đốt tăng cao đã buộc một số ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều năng lượng như phân bón và nhôm phải thu hẹp quy mô sản xuất và khiến các chính phủ EU phải bơm hàng tỷ USD vào các chương trình trợ giúp các hộ gia đình.
Tác động của việc cắt giảm mới nhất sẽ phụ thuộc vào khả năng của châu Âu trong việc tìm kiếm nguồn thay thế khí đốt khác.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm Chủ nhật cho biết đất nước của ông đã chuẩn bị cho việc bị ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn.
Đức, nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu, đang ở giai đoạn hai của kế hoạch khẩn cấp ba giai đoạn để đối phó với việc sụt giảm nguồn cung thấp.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine, châu Âu nhanh chóng đưa ra kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga, chuyển sang các nhà cung cấp khí đốt và các loại nhiên liệu khác để thay thế, đồng thời thúc đẩy triển khai nhanh hơn các nguồn cung cấp năng lượng sạch.
Đức đã bắt đầu phát triển các thiết bị đầu cuối khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để cho phép nước này tiếp nhận khí đốt từ các nhà cung cấp toàn cầu và tránh nhập khẩu khí đốt của Nga.
Tuần trước, châu Âu đã sớm đạt được mục tiêu lấp đầy 80% kho dự trữ khí đốt của mình vào tháng 11. Theo dữ liệu của Gas Infrastructure Europe, các kho dự trữ của EU hiện đầy 81%, với của Đức đã đầy 85%.
Khí đốt của Nga hiện vẫn đang chảy đến châu Âu thông qua các đường ống dẫn qua Ukraine, nhưng hiện đang có nhiều đồn đoán về việc liệu điều đó có thể bị dừng lại hay không.
Ngân Hà (theo Reuters)
Tổng thống Zelenskyy một lần nữa cảnh báo về mùa đông khó khăn sắp tới
Các nhà lãnh đạo châu Âu hôm Chủ nhật (04/9) đang nỗ lực tìm cách giảm bớt tác động của giá năng lượng cao trên khắp lục địa, sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy một lần nữa cảnh báo về ‘một mùa đông khó khăn’ trong khi báo cáo những bước tiến trong cuộc phản công quân đội Nga.
Trong bài phát biểu video hàng đêm của mình, Tổng thống Ukraine Zelenskyy gửi lời cảm ơn các lực lượng của đất nước đã giải phóng hai khu định cư ở khu vực phía nam và một phần ba khu vực phía đông, nói rằng ông đã nhận được “tin tốt” từ các chỉ huy quân sự và người đứng đầu cơ quan tình báo của Ukraine.
Ông Kyrylo Tymoshenko, phó văn phòng tổng thống, trước đó vào hôm 04/9 đã đăng hình ảnh các binh sĩ giương cao lá cờ Ukraine trên một ngôi làng mà ông cho là nằm ở khu vực phía nam – trọng tâm của cuộc phản công.
“Vysokopillya. Vùng Kherson. Ukraine. Hôm nay”, ông Tymoshenko viết trong một bài đăng trên Facebook về bức ảnh ba người lính trên các mái nhà, một trong số họ đang sửa một lá cờ Ukraine.
Ukraine đã bắt đầu một cuộc phản công vào tuần trước nhằm vào miền nam, đặc biệt là khu vực Kherson, nơi mà Nga sớm đã chiếm giữ trong cuộc xung đột.
Phát biểu của Zelenskyy được đưa ra một ngày sau khi ông cảnh báo châu Âu rằng Nga đang chuẩn bị “một đòn năng lượng quyết định” trong những tháng giá lạnh sắp tới.
Moscow đã viện dẫn các biện pháp trừng phạt và các vấn đề kỹ thuật của phương Tây đối với sự cố gián đoạn năng lượng. Các nước châu Âu ủng hộ Kyiv về mặt ngoại giao và quân sự đã cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung cấp năng lượng.
Một số nhà phân tích cho rằng tình trạng thiếu hụt và tăng chi phí sinh hoạt khi mùa đông đến gần có nguy cơ làm mất đi sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kyiv khi các chính phủ cố gắng đối phó với những bất mãn trong lòng dân.
Tuần trước, Moscow cho biết họ sẽ đóng cửa đường ống Nord Stream 1, kênh dẫn khí đốt chính của họ đến Đức, và các nước G7 đã công bố mức trần giá dự kiến đối với xuất khẩu dầu của Nga.
Điện Kremlin cho biết họ sẽ ngừng bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào áp dụng mức giới hạn giá dầu Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm Chủ nhật cho biết chính phủ của ông đã lên kế hoạch ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt vào tháng 12, hứa hẹn các biện pháp hạ giá và gắn lợi ích xã hội với lạm phát.
“Nga không còn là một đối tác năng lượng đáng tin cậy nữa”, ông Scholz nói trong một cuộc họp báo ở Berlin.
Đáp lại, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cáo buộc Đức là kẻ thù của Nga. “Nói cách khác, họ đã tuyên bố một cuộc chiến hỗn hợp với Nga”, ông nói.
Cùng ngày 4/9, Phần Lan và Thụy Điển đã công bố kế hoạch cung cấp hàng tỷ đô la cho các công ty điện lực để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ trong bối cảnh khủng hoảng.
Lam Giang
Nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia đã ổn định
Các nhà chức trách Nga cho biết tình hình xung quanh nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia do Nga chiếm đóng ở miền nam Ukraine đã ổn định vào Chủ nhật, sau khi các thanh sát viên Liên Hợp Quốc cho biết vào hôm thứ Bảy rằng nhà máy đã bị ngắt điện một lần nữa.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết đường dây điện chính bên ngoài cuối cùng đã bị cắt mặc dù một đường dây dự trữ vẫn tiếp tục cung cấp điện cho lưới điện và chỉ có một trong số sáu lò phản ứng còn hoạt động.
Quân đội Nga đã chiếm giữ nhà máy này ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin cử quân đội của mình tràn qua biên giới Ukraine vào ngày 24/2. Nhà máy điện này đã trở thành tâm điểm của cuộc xung đột. Mỗi bên đều đổ lỗi cho bên kia về vụ pháo kích làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân.
Phát biểu với đài phát thanh Komsomolskaya Pravda, quan chức Nga Vladimir Rogov cho biết không có vụ pháo kích hay xâm nhập nào. Các chuyên gia của IAEA dự kiến sẽ tiếp tục làm việc tại nhà máy cho đến ít nhất là thứ Hai, ông Rogov cho biết.
Một phái bộ của IAEA đã đi thăm nhà máy, hiện vẫn được điều hành bởi các nhân viên Ukraine, vào tuần trước và một số chuyên gia vẫn ở đó trong khi chờ công bố báo cáo của IAEA.
Nga đã bác bỏ những lời kêu gọi quốc tế phi quân sự hóa khu vực này.
Trên các mặt trận khác, các kênh Telegram của Ukraine đã đưa tin về các vụ nổ tại cầu Antonivsky gần thành phố Kherson, miền nam nước này, nơi bị lực lượng Nga chiếm đóng.
Cây cầu đã bị hư hại nghiêm trọng bởi tên lửa của Ukraine trong những tuần qua, nhưng quân đội Nga đang cố gắng sửa chữa nó và thiết lập một cầu vượt phao hoặc xà lan để duy trì tiếp tế cho các đơn vị Nga ở hữu ngạn sông Dnipro.
Moscow đã đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt của Phương Tây và các vấn đề kỹ thuật đã dẫn đến sự cố gián đoạn năng lượng. Trong khi đó, các nước châu Âu ủng hộ Kyiv về mặt ngoại giao và quân sự nhìn nhận, Nga đang vũ khí hóa nguồn cung cấp năng lượng.
Lam Giang
Hoa Kỳ trong cơn khủng hoảng về nạn di dân bất hợp pháp
Theo những thống kê vừa được phổ biến hôm thứ tư ngày 31 tháng 8 thì tính từ năm ngoái 2021, khi tổng thống Joe Biden nhậm chức cho đến nay thì đã có khoảng 4.9 triệu người di dân bất hợp pháp vào nước Mỹ.
Phần lớn con số người di dân bất hợp pháp này, đã vào Hoa Kỳ qua ngã biên giới Mễ Tây Cơ.
Theo những tin tức mới loan báo thì có một số lớn những người Cu Ba đã đi máy bay đến một nước ở Nam Mỹ như là Venezuella.. và từ đó đi bộ đến biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ.
Số người Cu Ba tìm cách vào Mỹ gia tăng là vì nền kinh tế của xứ này ngày một suy sụp.
Mới đây vì số di dân bất hợp pháp lẻn vào quá đông, nhiều tiểu bang miền nam nước Mỹ không kham nổi, nên chính quyền của các tiểu bang này đã gửi số di dân bất hợp pháp đến Hoa Thịnh Đốn bằng đường xe bus, để phó thác cho chính quyền liên bang lo liệu cho những người di dân này.
Nhiều dư luận chống đối việc nhận thêm những di dân bất hợp pháp của chính quyền liên bang Mỹ, vì họ cho là những di dân bất hợp pháp đã mang theo những băng đảng tội ác vào nước Mỹ.
Chính quyền tiểu bang Texas đã gửi trên 7 ngàn di dân bất hợp pháp đến Hoa Thịnh Đốn bằng đường xe bus, và trên 900 người đến tiểu bang New York, trong khi chính quyền tiểu bang Arizona cũng gửi trên 1,500 di dân bất hợp pháp đến Hoa Thịnh Đốn.
Nhiều cư dân ở thành phố New York đã than phiền là họ đã phải đối phó với những tay băng đảng, với những người không nhà, và bây giờ lại còn thêm hàng ngàn người di dân bất hợp pháp đến cư ngụ.