Trân Văn
9-9-2022
“Vấn đề nằm ở chỗ người ta chỉ phàn nàn chốn riêng tư vì lên tiếng nơi công cộng là tự đốn đường sống của mình. Chúng ta hời hợt, cơ quan hữu trách hời hợt để rồi những mạng người trẻ phải chết trong tức tưởi như vậy.”
Số nạn nhân thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn xảy ra ở quán karaoke An Phú, tọa lạc tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương hôm 7/9/2022 đã tăng từ 12 lên 33 vào ngày 8/9/2022. Chưa rõ đó đã là tổng số nạn nhân hay chưa vì vẫn còn mười người đang được điều trị tại bệnh viện và giới hữu trách không cho biết tình trạng sức khỏe của họ thế nào.
Tại cuộc họp báo do chính quyền tỉnh Bình Dương tổ chức để cung cấp thêm thông tin về tai nạn thảm khốc này, Giám đốc Công an Bình Dương tuyên bố sẽ… “sớm khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan” (1). Cuộc điều tra chưa bắt đầu nhưng trách nhiệm của các viên chức và cơ quan hữu trách ở Bình Dương đã chính thức được loại bỏ bởi: Công an thành phố Thuận An thường xuyên kiểm tra an toàn phòng cháy – chữa cháy (PCCC) của quán karaoke An Phú và xác nhận nơi này luôn “chấp hành qui định về an toàn PCCC”. Ngoài kiểm tra, phía công an thành phố Thuận An còn “hướng dẫn duy trì các điều kiện an toàn PCCC đồng thời kiến nghị mười nội dung để tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo an toàn về PCCC”. Theo đại diện chính quyền của tất cả các cấp tại Bình Dương thì những cơ quan hữu trách khác ở tỉnh này cũng đã chu toàn trách nhiệm trong việc cấp giấy phép, quản lý hoạt động cơ bản bảo đảm đúng các quy định pháp luật trong kinh doanh karaoke tại quán An Phú.
Vụ hỏa hoạn tạo ra hậu quả khiến dư luận rúng động trong vài ngày vừa qua được cho rằng chỉ vì… “chập nguồn điện gây cháy từ vách cách âm, nguồn nhiệt phát sinh nhanh” và do các nạn nhân thiếu ý thức, không thực hiện đúng hướng dẫn của tiếp viên, thậm chí sau khi đã nhận tin báo cháy vẫn vào phòng khóa cửa lại để hát tiếp…
***
Trên mạng xã hội, công chúng không… “chia sẻ” những… “quan điểm” như vừa dẫn. Có người phê phán nhẹ nhàng như Đỗ Dũng: Karaoke và PCCC phải là “một cặp song ca”. Đừng để chúng tách ra hát riêng, hiểm nguy vô cùng (2)! Song có không ít người thẳng thắn hơn, chẳng hạn Chau Doan. Chau khẳng định: Phong bì chính là kẻ sát nhân (3)!
Chau Doan cho rằng, nguyên nhân dẫn tới các vụ cháy quán karaoke khiến nhiều người chết là do các cơ quan quản lý không làm tốt chức trách… và… đã đến lúc phải nhìn thẳng vào vấn đề, giải quyết cho triệt để, đừng mơ màng mộng mị, đừng giả dối lấp lửng, đừng mập mờ để những người trẻ phải ra đi một cách vô cùng đau lòng như vậy nữa. Theo Chau, lẽ ra các phòng karaoke phải có lối dẫn vào ban công, từ ban công có thể dùng cầu thang thoát hiểm nằm bên ngoài giống như các nước khác mà người Việt vẫn thấy qua phim ảnh. Kiểu thoát hiểm này đã có cả trăm năm rồi nhưng Việt Nam không học, không áp dụng. Vì sao? Châu lý giải: Ai đã kinh doanh karaoke, khách sạn thì quen với việc đưa phong bì. Có ngày phải đưa nhiều phong bì cho nhiều đoàn khác nhau. Mà đã dính tới phong bì thì làm sao mà việc kiểm tra an toàn cháy nổ tử tế được? Nói cách khác chính phong bì là nguyên nhân cướp đi nhiều mạng người vô tội.
Chau tự vấn: Vấn đề nằm ở chỗ người ta chỉ phàn nàn chốn riêng tư vì lên tiếng nơi công cộng là tự đốn đường sống của mình. Chúng ta hời hợt, cơ quan hữu trách hời hợt để rồi những mạng người trẻ phải chết trong tức tưởi như vậy. Sự việc cứ lặp đi lặp lại, nguyên nhân y như nhau là do chập điện, do hàn nhưng cứ xảy ra là chết người. Tôi thương xót những nạn nhân, họ không có lỗi khi đi giải trí hay đi làm. Tôi tức giận với lối quản lý hời hợt của cơ quan hữu trách. Các vị thu thuế của các doanh nghiệp nhưng các vị làm ăn không tử tế, không có trách nhiệm. Nếu không cương quyết thay đổi thì các tai nạn kiểu này sẽ còn tiếp tục xảy ra nhiều.
Cũng có những người như Nguyễn Thị Bích Hậu dựa vào ảnh chup quán karaoke An Phú để nêu thắc mắc về việc công nhận đạt qui chuẩn an toàn: Diện tích mặt bằng kinh doanh tới 1.500 mét vuông nhưng rất ít cửa sổ mà còn bị bít bằng gạch cho kín bên trong. Sân thượng cũng bít bùng do lợp bằng tôn. Còn biển hiệu thì bít hết mặt tiền bên ngoài căn nhà. Do không có lối thoát hiểm nên khi cứu phải đục rất nhiều chỗ trên tường để xông vô. Vậy thì có khác gì một cái hộp kín mít chỉ chừa một đường vào và ra, làm sao thoát khi có cháy nổ? Nghe nói quán này có đầy đủ các loại giấy phép, khi cấp phép những nơi cấp phép có tính tới các yếu tố đó không (4)?
Suy nghĩ giống như Chau Doan, Nguyễn Thị Bích Hậu, Mai Bá Kiếm chọn phương thức khác để diễn đạt – điểm lại một số vụ hỏa hoạn xảy ra ở các quán karaoke từ trong Nam ra ngoài Bắc dẫn tới chết chùm như vụ cháy một quán karaoke ở 68 Trần Thái Tông – Hà Nội hồi tháng 11/2016 khiến 13 người chết và 11/13 là cán bộ nhiều tỉnh đang theo học Cao cấp chính trị tại Học viện Chính trị Quốc gia HCM… gần đây là vụ cháy một quán karaoke tại 231 Quan Hòa cũng ở Hà Nội vào đầu tháng trước khiến ba lính cứu hỏa thiệt mạng và kết luận: Tốt hơn hết đừng bao giờ đi hát karaoke vì tất cả quán karaoke đều là lò thiêu Bình Hưng Hòa tiềm năng (5)!
Cũng nhắc lại một số vụ hỏa hoạn tước đoạt cuộc sống của nhiều người giống như Mai Bá Kiếm – ví dụ vụ hỏa hoạn ở chung cư Carina Plaza, quận 8, TP.HCM, xảy ra hồi tháng 3/2018 khiến 13 người chết, 91 người bị thương vì hệ thống chữa cháy tự động tê liệt dẫu trước đó hai tháng đã được các cơ quan hữu trách kiểm tra và xác định là đạt yêu cầu an toàn – Đỗ Ngà cảm thán: Công tác kiểm tra PCCC các tòa nhà khắp Việt Nam cũng vẫn thế! Ở vị trí một nhà thầu, Ngà kể một số chuyện ông đã trải qua để chứng minh, việc thực hiện các yêu cầu về PCCC, thực hiện các gói thầu PCCC tại nhiều công trình chỉ nhằm đối phó dù chúng liên quan đến tính mạng nhiều người.
Theo Đỗ Ngà, thường thì Ban Quản lý dự án sẽ giới thiệu nhà thầu PCCC, nhà thầu chính không có quyền lựa chọn doanh nghiệp thực hiện gói thầu PCCC. Những nhà thầu nhận thực hiện gói thầu PCCC thường là sân sau của giới lãnh đạo lực lượng PCCC, toàn bộ trang bị – thiết bị đều là hàng Trung Quốc giá rẻ. Thi công vốn đã không ổn, lúc vận hành và kiểm tra định kỳ vẫn “qua” nhờ “đóng hụi chết” cho lực lượng cảnh sát PCCC – tính ra vẫn rẻ hơn nhiều nếu phải thực hiện đúng kỹ thuật và điều này đã trở thành “luật bất thành văn”. Đỗ Ngà lưu ý, hậu quả các vụ cháy chỉ là “phần nổi của tảng băng”, không ai có thể thống kê đầy đủ bao nhiêu nơi sử dụng hệ thống PCCC không ổn ở những chỗ chưa bị cháy và chất vấn: Tại sao không thể ngăn chặn thảm họa và thảm họa vẫn xảy ra khắp nơi từ nguyên nhân cũ mèm như vậy? Cần nhớ “có cầu mới có cung”, bởi suy nghĩ, hành xử theo kiểu đối phó nên giới hữu trách mới tìm cách thỏa mãn để có tiền đút túi. Tham tiền, coi nhẹ tính mạng là cái khó sửa trong xã hội này. Rất khó sửa (6)!
***
Sau vụ hỏa hoạn ở quán karaoke An Phú, Đức Nguyễn bày tỏ khơi khơi: Ăn tiền cũng phải có đạo đức nghề nghiệp, chẳng hạn phải cho giải pháp khi có sự cố, đâu phải phân bua người ta chết vì họ sai. Ở Việt Nam dân mình vô tư lắm. Vô tư đi xe máy ngược chiều trên đường cao tốc dành cho xe hơi, vô tư vượt đèn đỏ, vô tư chất đồ ở cửa thoát hiểm… Khi điều bất hạnh xảy ra, cả xã hội lên đồng, khóc lóc vài ngày rồi thôi, đâu lại vào đấy. Những vụ cháy quán karaoke ở Việt Nam… “chung quy cũng tại vua Hùng…” (7)
Chú thích